SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV B 28 );( 20.05.2012);( Mc 16, 15-20)
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM B
NGUYỄN HỌC TẬP
Đoạn Phúc Âm Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay kết thúc cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu. Người được tiếp rước lên trời trước mặt các môn đệ hoan hỷ chứng kiến vinh quang của Người:
- " Nói xong Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa" ( Mc 16, 19).
Còn các môn đệ sau khi chứng kiến Chúa Giêsu vinh hiển trở về trời, ngự bên hữu Chúa Cha, liền hăng say đi khắp nơi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân:
- " Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng " ( Mc 16, 20).
Có lẽ để tránh cho bài đọc quá dài, nên Thánh Bộ Phụng Tự không lấy thêm hai câu trước, câu 14-15, cho đoạn Phúc Âm hôm nay.
Nhưng bỏ hai câu vừa kể, đoạn Phúc Âm chúng ta đọc mất đi ý nghĩa hoàn cảnh và tâm trạng thực tế của những lần Chúa Giêsu hiện ra sau Phục Sinh và ý nghĩa của bối cảnh Chúa Giêsu giao cho các môn đệ sứ mạng tông đồ, khi Ngài từ giả các ông về trời.
Câu 14 Phúc Âm Thánh Marco ( Mc 16, 14) thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong lúc các ông đang dùng bửa, buồn bã, chán nản và nghi nan sau cái chết của Chúa Giêsu, mặc dầu Chúa Giêsu đã hiện ra hai lần trước, một cho bà Maria Magdala ( Mc 16, 9-11) và một lần cho hai môn đệ trên đường đi đến Emmaus ( Mc 16, 12-13).
Nhưng kết quả của hai lần hiện ra đều được Phúc Âm Thánh Marco lập lại như một điệp khúc vô vọng, chán nãn:
- " Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin" ( Mc 16, 11).
- " Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người nầy" ( Mc 16, 13).
Trước tình trạng buồn bã, chán nản và nghi nan đó của các ông, Chúa Giêsu hiện đến trách móc và nâng đỡ các ông:
- " Sau cùng Nguời tỏ mình ra cho Nhóm Mười Một Người đang khi các ông dùng bửa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" ( Mc 16, 14-15).
Đọc hai câu Phúc Âm vừa kể, chúng ta thấy Chúa Giêsu có hành động nghịch thường là thay vì khiển trách các môn đệ rồi bỏ đi, vì lòng nghi nan của các ông, Ngài khiển trách lòng kém tin của các ông, sau đó lại giao cho các ông sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho "khắp tứ phương thiên hạ".
Qua những gì Phúc Âm thuật lại trong bài đọc Thánh Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, chúng ta thử suy nghĩ về sứ mạng tông đồ của Giáo Hội và những vấn đề phải đối phó.
Trước hết Chúa Giêsu khiển trách các môn đệ nghi nan về việc Ngài đã sống lại.
Có lẽ khi "khiển trách các ông không tin và cứng lòng", Chúa Giêsu không những trách móc các ông kém lòng tin về việc Người sống lại mà còn khiển trách các ông còn nô lệ vào quá khứ, còn sống đóng kín trong kỷ niệm của thời đã qua, không bao giờ tái diển nữa.
Các ông không biết hay quên đi Nhóm Mười Một Người mà các ông đang sống ngày hôm đó và các cộng đồng tín hữu, con cái của các vị trong đức tin sau nầy, không còn phải là những cộng đồng kỷ niệm của ông Giêsu Nazareth đã chết, mà là cộng đồng của Chúa Giêsu đang sống, hoạt động và thông ban ân sủng:
- " Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế " ( Mt 28, 20).
Xác tín vừa kể được Thánh Marco giải thích rõ hơn:
- " Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" ( Mc 16, 20).
Qua những lời vừa kể, chúng ta tự hỏi lương tâm chúng ta, con cái của các Tông Đồ trong đức tin, chúng ta đang sống với tâm trạng nào trong lòng Giáo Hội, Cộng Đồng do các Tông Đồ thiết lập trong sứ mạng " ra đi rao giảng khắp nơi " của các Ngài?
Cộng Đồng Giáo Hội của chúng ta là Cộng Đồng của ông Giêsu Nazareth đã chết, là Cộng Đồng của kỷ niệm dĩ vãng, dẫu cho là những dĩ vãng vàng son, hay là Cộng Đồng của Chúa Giêsu đang hiện diện, đang sống và " hoạt động với các ông " và thông ban cho ân sủng tràn đầy cho mọi thành viên trong Cộng Đồng?
Và từ đó thái độ chúng ta phải có,
- không phải thái độ buồn nãn, thất vọng, bị " Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng",
- mà là thái độ tích cực, nhiệt tâm, hăng say thực hiện sứ mạng Chúa Cha ủy thác ( apostello), như người được tin cẩn, đáp ứng lại như một tông đồ ( apostolus) cùng hoạt động với Chúa Giêsu và theo ý muốn của Ngài:
- " Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rủa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 20).
Trở lại tâm trạng buồn nãn và không tin của các môn đệ, chúng ta đã có dịp nhắc đến ở trên , khiến Chúa Giêsu phải khiển trách các ông ( Mc 16, 14-15).
Tuy vậy, thay vì bỏ đi Ngài lại giao sứ mạng truyền giáo cho các ông:
- " Người nói với các ông: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo" ( Mc 16, 15).
Đó cũng là những gì thực tế đã và đang xãy ra trong lòng Giáo Hội. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta năng động trên cánh đồng truyền giáo của Ngài, không phải vì chúng ta thông thái tuyệt đỉnh, có đức tin trong sáng vững chắc như bàn thạch.
Bốn môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, ông Simon Phêrô, Andrea, Giacobe và Gioan là những người sống nghề chài lưới ( Mt 5, 18-22). Ông Matthêu là người làm nghề siết thuế, kẻ bị xã hội khinh bỉ ngang hàng với những người tội lỗi ( Mt 9, 9-13):
- " Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy ?" ( Mt 9, 11).
Ông Simon Phêrô, vị thủ lãnh của Giáo Hội cũng đã chối Chúa Giêsu ba lần, lúc Người lâm nạn ( Mt 26, 69-75). Và Giuda Iscariote bán Chúa Giêsu với ba mươi đồng tiền ( Mt 26, 47-50).
Nói tóm lại, nếu trong hàng ngủ các môn đệ Chúa Giêsu có những người tài trí làm bác sĩ, luật sư như Thánh Marco, Thánh Luca, thì cũng có những người ít học, lòng tin không phải lúc nào cũng vững chắc, không giao động. Đó chính là điều Thánh Marco thuật lại cho chúng ta suốt đoạn Phúc Âm ( Mc 16, 9-16) và Chúa Giêsu đã phản ứng trước thực trạng:
- " Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng
" ( Mc 16, 14).
Nhưng khiển trách vì đáng khiển trách, Chúa Giêsu sau đó cũng giao cho những con người bất toàn, mềm yếu, cần được nâng đở, sứ mạng loan báo ơn cứu rỗi cho anh em:
- " Anh em hãy đi khắp thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" ( Mc 16, 15).
Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, Thánh Marco chỉ nói Chúa Giêsu nâng đỡ các Tông Đồ bất toàn của mình bằng cách ban cho các ông được quyền làm các dấu lạ để xác nhận quyền lực thần linh lời nói của các vị rao giảng:
- "
dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" ( Mc 16, 20).
Đó là dấu các ông có quyền trừ qủy, nói được nhiều tiếng mới lạ, không phải sợ nộc độc rắn rết và chữa khỏi bệnh tật:
- " Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy họ sẽ trừ được qủy, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người nầy sẽ được mạnh khoẻ" ( Mc 16, 17-18).
Chúa Giêsu cũng nâng đỡ các môn đệ bằng cách hiện diện giữa các ông và hoạt động với các ông:
- " Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế " ( Mt 28, 20).
- " Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông" ( Mc 16, 20).
Và chắc chắn chúng ta phải đọc trong câu "
có Chúa cùng hoạt động với các ông" của Phúc Âm Thánh Marco là sự hiện diện, bảo trợ, an ủi, trí khôn sáng suốt và thêm nghị lực của Chúa Thánh Linh đem đến cho các Môn Đệ, được nói đến trong những Phúc Âm khác:
-" Song Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng An Ủi sẽ không đến với anh em. Nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh cho rằng thế gian sai lầm vì tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử
" ( Jn 16, 7).
- " Bình an cho anh em. Như Cha đã ủy thác cho Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" ( Jn 20, 19).
- " Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều đó: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Chúa Thánh Thần nói" ( Mc 13, 11).
- " Nhưng Đấng An Ủi là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" ( Jn 14, 26).
Qua những gì đọc được trong Phúc Âm vừa kể, chúng ta thấy rằng trong Giáo Hội Chúa gọi
- những người thông thái, có đức tin vững chắc,
- cũng như những người có tầm hiểu biết ít oi hơn, yếu kém hơn, kém lòng tin hơn, dễ sa ngã hơn.
Nhưng đối với những ai được Chúa gọi, giáo sĩ cũng như giáo dân, tất cả chúng ta đều
- "
có Chúa hoạt động với các ông",
- có Chúa Thánh Linh là Đấng An Ủi, Bảo Trợ, Sức Mạnh và Trí Khôn Ngoan được Chúa Cha sai đến cho mỗi người chúng ta, mỗi người tùy hoàn cảnh và chức vụ của mình, để hoàn thành sứ mạng "
ra đi rao giảng khắp nơi " của các Tông Đồ.
Những khó khăn, trở lực, đàn áp, bắt bớ, tù đày, tra tấn và giết chết đã được Chúa Giêsu tiên đoán trước:
- " Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều đó
, không phải chính anh em nói, mà Chúa Thánh Thần nói ".
Điều quan trọng là chúng ta tin chắc ở những điểm mấu chốt:
- không đặt tin tưởng vào khả năng của mình để giải quyết mọi vấn đề, hoàn toàn vào khả năng tự vệ và chỉ vào sức mạnh của chính mình,
- mà nhận biết rằng chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của các Tông Đồ, chúng ta "
có Chúa hoạt động với các ông" và chúng ta có Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta.
Ý thức được rằng trong Giáo Hội cũng có những người bị " Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng", chúng ta nhớ cầu nguyện cho anh em chúng ta, người anh em đó là chủ chăn hay là một giáo dân thường cũng vậy, để anh em có đủ ân sủng chu toàn địa vị và sứ mạng của mình.
Nói tóm lại Giáo Hội là một Cộng Đồng có Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đang sống động dẫn dắt.
Thành phần trong Giáo Hội luôn chịu nhiều thữ thách, yếu đuối, nhưng chúng ta
- "
có Chúa hoạt động với các ông "
- và có Chúa Thánh Linh An Ủi , Bảo Trợ, thêm sức mạnh và soi sáng.
Biết được anh em yếu đuối, thay vì chỉ trích, phán đoán gay gắt, chê trách, đồn đãi loan tiếng xấu, chúng ta biết cầu nguyện cho anh em, yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta:
- " Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em " ( Jn 15, 12).