Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHÚA THÁNH THẦN VÀ PHÉP THÁNH TẨY CỦA CHÚA GIÊSU KITO
NIỀM TIN THỰC SỰ SẼ MỞ LÒNG MỞ TRÍ CHÚNG TA.
MÀN MỞ ĐẦU THẾ VẬN HỘI THẾ GIỚI NĂM NAY TẠI PARIS LÀ MỘT Ô NHỤC
CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU VĨ ĐẠI NHẤT
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
THÁNH GIÁ VÀ NIỀM TIN

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

Nói đến Thánh Giá chúng ta nghĩ đến Chúa chịu chết và phục sinh. Để có chịu chết và phục sinh, Chúa phải giáng thế làm người, chúng ta nghĩ tới màu nhiệm nhập thể, tới máng cỏ với Chúa Hài Đồng và Mẹ Maria. Đó là cốt lõi của niềm tin Kitô giáo, đạo công giáo của chúng ta. Chu kỳ cứu độ loài người của Thiên Chúa.

 

Để đào sâu ý nghĩa ơn cứu độ loài người của Thiên Chúa, chúng ta thử tìm hiểu Chúa Giêsu Kito là ai, mẹ Maria là ai, Thánh Giá là gì?

 

CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ AI?

MÀU NHIỆM NHẬP THỂ THEO THÁNH  PHAOLO VÀ GIOAN

 

Chúng ta hãy đọc đoạn thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galát: “Khi nghĩa tử (người thừa kế) chưa đến tuổi thì nó không khác gì một tên nô lệ, mặc dù nó vẫn làm chủ tất cả mọi của cải, nhưng ở dưới sự coi sóc của người giám hộ và viên quản lý cho đến khi đủ tuổi do người cha định đoạt. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta còn vị thành niên, chúng ta bị nô lệ bởi những yếu tố quyền lực của vũ trụ. Nhưng khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình đến, sinh ra bởi một người đàn bà và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta có thể được ơn nhận làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Áp-ba, Cha ơi!”. Thế là anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con. Và đã là con thì cũng là người thừa kế nhờ Thiên Chúa” (Galatians 4: 4-7)

 

Đoạn văn trên có ý nghĩa gì?

Chúng ta thường nghe đoạn thánh thư này trong Mùa Giáng sinh, khi bắt đầu sắp sửa long trọng mừng Chúa ra đời. Theo mạch văn, thì đây là lúc chúng ta tiến gần nhất đến tư tưởng hằng hữu (preexistence) và nhập thể (incarnation) của Thiên Chúa. Ý nghĩa tiếng “sai đến” (Thiên Chúa sai con mình đến), được đặt song song tương ứng với tiếng “sai Thần Khí của con mình đến” ở câu kế tiếp. Trong Cựu ước sách Khôn Ngoan ta cũng thấy một điệp khúc tương đồng như vậy: “Thiên Chúa sai đấng Khôn Ngoan và Thánh Thần đến thế gian” (Wisdom 9: 10,17). Sự phối hợp liên hoàn này giữa cựu ước và tân ước cho ta thấy tiếng “sai đến” có ý nghĩa không phải từ “dưới đất” như trường hợp sai các tiên tri, mà là từ “trên trời” xuống…

 

Về tư tưởng Chúa Kito hằng hữu, theo mạch văn của thư thánh Phaolo thì Chúa Kito là đấng tạo dựng nên trời đất. (1Corinthians 8:6; Colossians 1:15-16) Và khi thánh Phaolo nói rằng “tảng đá đi theo dân trong sa mạc thì ngài có ý nói tảng đá là Chúa Kito: “ …tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng ấy vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Corinthians 10:4). Còn về màu nhiệm nhập thể thì được nêu lên trong bài thánh thư gửi tín hữu Philiphê. “Đức Gêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philippians 2: 6-7).

 

Bản văn thì viết như vậy, nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng theo thánh Phaolo, tính hằng hữu và màu nhiệm nhập thể tuy là sự thật, nhưng vẫn còn đang được cưu mang, chưa hoàn toàn hiện hình. Lý do: Đối với thánh Phaolo, điểm quan trọng và là  khởi điểm của hết mọi sự là màu nhiệm Chúa Phục Sinh; nghĩa là thánh Phaolo coi việc làm và hành động của đấng cứu thế đặc biệt hơn là con người đấng cứu thế. Ngược lại, thánh Gioan lấy khởi điểm và trọng tâm của vấn đề là tính hằng hữu và nhập thể của con Thiên Chúa.

 

Như vậy rõ ràng chúng ta thấy có hai cách để khám phá ra Chúa Giêsu Kito là ai. Một đằng theo thánh Phaolo, ngài bắt đầu từ loài người vươn tới Thiên Chúa, nghĩa là từ thân xác thực đi đến thần linh Chúa, từ Chúa Kitô lịch sử đi tới sự hằng hữu của Người. Đằng khác, cách của thánh Gioan thì ngược lại, khởi đầu từ “Ngôi Lời” Thiên Chúa đi tới xác định bản tính người của Ngài, nghĩa là từ tính hằng hữu (tức Thiên Chúa) đi tới sự hiện hữu của con người Thiên Chúa trong  không gian và thời gian, tức Chúa Kitô lịch sử.

 

Thánh Phaolo chứng minh Chúa Kito bằng sự Chúa Phục Sinh khải hoàn qua hai giai đoạn: Loài người chịu chết và Thiên Chúa phục sinh. Thánh Gioan nhìn Chúa Kito qua màu nhiệm nhập thể.

 

Hai phương cách này đã làm nảy sinh ra hai trường phái Kito học. Phái Antiochene ảnh hưởng bởi thánh Phaolo và phái Alexandria ảnh hưởng bởi thánh Gioan Không có phái nào đứng trung dung ở giữa, trái lại mỗi phái đều dùng luận lý của cả hai thánh Phaolo và Gioan. Điều này chứng tỏ họ đã chịu ảnh hưởng của cả hai thánh nhân, giống như hai giòng sông phối hợp với nhau thành một để rồi không còn có thể phân biệt được nước của giòng sông nào nữa.

 

Chúng ta cần phải suy nghĩ về sự khác biệt này trong cách cắt nghĩa khác nhau về việc Chúa Giêsu hạ mình làm người ở đoạn 2: 6-9 trong thư thánh Phaolo gửi tín hữu Philippians. Từ thế kỷ I và II, và ngay cả hiện nay, hai cách trình bày và đọc sách thánh khác nhau đó vẫn có thể được chấp nhận. Theo phái Alexandria, đề mục khởi đầu của bài ca thánh thư là Con Thiên Chúa hằng hữu hiện diện dưới hình thức Thiên Chúa, nghĩa là sự hạ mình xuống thế làm người của Chúa bao hàm trong màu nhiệm nhập thể để trở thành phàm nhân. Theo phái Antiochene, đề mục duy nhất của bài thánh ca, từ đầu cho đến cuối, là Chúa Kito lịch sử, Giêsu thành Nazareth, nghĩa là Chúa tự hạ mình xuống thế làm người để trở thành nô lệ và tự mình chịu khổ hình và chịu chết.

 

Thực ra sự khác biệt giữa hai trường phái không phải ở chỗ phái này theo thánh Phaolo, phái kia theo thánh Gioan, mà là nhóm này cắt nghĩa ý tưởng của thánh Gioan theo cách suy tư của thánh Phaolo, nhóm kia cắt nghĩa tư tưởng của thánh Phaolo theo suy nghĩ của thánh Gioan. Có chăng sự khác biệt giữa hai phái là họ đã dùng những chi tiết và cấu trúc luận lý khác nhau để làm sáng tỏ màu nhiệm Chúa Kito. Chúng ta có thể nói rằng những nét chính về tín điều của Giáo Hội cũng như khoa thần học đã được tạo thành từ những tranh luận của hai trường phái này mà cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng.

  

 

ĐƯỢC SINH RA BỞI MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ TUYỆT VỜI.

 

Dù sao thì cả hai thánh Phaolo và Gioan đều công nhận màu nhiệm nhập thể của Chúa

Kitô. Nhưng thánh Phaolo nói rất ít tới màu nhiệm nhập thể, còn về Đức Maria, Mẹ Ngôi Lời nhập thể, thì ngài lại hoàn toàn im lặng. Nhưng khi ngài nói “con người kiệt tác được sinh ra bởi một người đàn bà (factus sub muliere) thì rõ ràng người đàn bà đó là Đức Maria. Cũng như trong thư gửi dân Roma, cùng tư tưởng đó nhưng đựoc diễn tả một cách khác: “….Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David” (Romans 1: 3).

 

Tuy ngắn gọn như vậy, nhưng cách tuyên xưng của thánh Phaolo rất quan trọng. Nó là một trong những đề mục nòng cốt của cuộc tranh luận chống lại nguyên tắc ngộ đạo của thuyết vô nhân tính[1] về Đức Kito từ thế kỷ II. Thực ra, chúa Giêsu không phải từ thiên đàng hiện xuống; mà Chúa được sinh ra bởi một người đàn bà. Chúa hoàn toàn mặc lấy xác của một con người lịch sử.“giống như mọi người phàm nhân” (Philippians 2: 7).

 

Về vấn đề này, Terbullian đã đặt vấn đề: “ Tại sao chúng ta nói rằng Chúa Kitô là người, nếu không phải vì Chúa sinh ra bởi bà Maria là con người thụ tạo?”[2]. Một tư tưởng nữa là vì “Chúa Kitô sinh ra do một người đàn bà”. Cách nói này diễn tả nhân tính của Chúa Kitô hay hơn là cách nói “Ngài là con của một người đàn ông”. Nếu hiểu theo nghĩa đen câu nói này thì Chúa Giêsu đâu phải là con một người đàn ông, bởi lẽ không có người đàn ông nào là cha Ngài cả, mà Ngài thực sự là “con một người đàn bà”.

 

Bài thánh thư Phaolo gửi tín hữu Galat cũng là trung tâm điểm của cuộc bàn cãi về tước hiệu Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” trong các cuộc tranh luận sau này liên quan đến Kitô học.  Vì lý do đó mà thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galat được chọn làm bài đọc II trong lễ kính Đức trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng giêng hàng năm.

 

Còn một chi tiết nữa chúng ta cần phải để ý. Giả sử thánh Phaolo nói: “Chúa Giêsu sinh ra ‘do bà Maria’” thì cách nói này chỉ đơn giản nhắc đến một sử liệu. Nhưng thánh Phaolo đã nói: “Đức Kitô sinh ra do ‘một người đàn bà’” thì tiếng “người đàn bà” có một nghĩa rất rộng và phổ quát hơn. Và người đàn bà này hay bất cứ người đàn bà nào đã được nâng lên địa vị cao vời tột đỉnh của Đức Maria rồi. Chính Maria này là một người đàn bà tuyệt vời.

 

ĐỨC  MARIALÀ AI?

 

Đọc bài thánh thư của thánh Phaolo khi Giáng Sinh gần kề, chúng ta không thể chỉ để ý đến những lời chú thích nói về những sự kiện, nhưng phải cẩn trọng suy niệm nghiêm túc ý nghĩa thần học chất chứa trong đó hầu rút ra một bài học làm kim chỉ nam sống đạo cho chúng ta, làm sao để Lời Chúa được chiếu tỏa và sống động nơi mỗi người.

 

Chúng ta cần để ý đến lời Origen nói, đã từng được thánh Augustin, thánh Bernard, thày dòng Luther và nhiều người khác nhắc tới: “Tôi nghĩ gì khi mà Chúa Kito lại một lần nữa được sinh ra ở Bethlehem bởi bà Maria nhưng niềm tin lại không được phát sinh ra trong tâm hồn tôi?” [3].

 

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được thể hiện dưới hai thình thức: thể chất và tinh thần. Ngài là Mẹ Thiên Chúa không phải chỉ vì đã cưu mang Chúa trong bụng 9 tháng 10 ngày mà trước tiên còn vì Mẹ đã chấp nhận ấp ủ Chúa trong trái tim mẹ với một niềm tin sắt son. Khi sứ thần Chúa đến với Đức Maria và báo tin bà sẽ mang thai và sinh một con trai  tên là Giêsu, là đấng Cao Cả, là Thiên Chúa thì bà rất bối rối vì bà không hề biết đến việc vợ chồng. Nhưng khi nghe sứ thần xác định là quyền năng đấng tối cao, Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên bà. thì Maria hoàn toàn tin tưởng và trả lời:XinVâng”(Luke1:28-38). Hai tiếng Xin Vâng chứng tỏ một Niềm Tin tuyệt đối của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên chúng ta không thể bắt chước Đức Mẹ tái sinh ra Chúa lần nữa, nhưng ta có thể noi theo niềm tin sắt son đó của Đức Mẹ.

 

Chúa Giêsu đã là người đầu tiên đặt cho Giáo Hội  tước hiệu là “Mẹ Chúa Kitô” khi Ngài nói: “Mẹ ta, anh em ta chính là những người biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Luke 8: 21; Mark 3: 35; Matthew 12: 50). Theo truyền thống, thực tế này đã được áp dụng theo hai phương cách: mục vụ và tu đức. Trong tinh thần mục vụ, chúng ta thấy Giáo Hội đã áp dụng tình Mẫu tử của mình bằng cách ban phép “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” thật nhiều, càng nhiều càng tốt.. Vế tu đức thì tất cả mọi người, từng mỗi cá nhân, mỗi tâm hồn hay những ai thành tâm tin cậy nơi Chúa đều có lòng sốt sáng được Chúa yêu thương che chở.

 

Thánh Isaac of  Stella, một nhà thần học thời Trung Cổ đã làm một tổng hợp tất cả những yếu tố đó trong một bài giảng huấn nổi danh. Ngài viết: “ Đức Maria và Giáo Hội là một người Mẹ hơn một người mẹ, là một Trinh Nữ hơn một trinh nữ….Do đó những điều được nói trong Kinh Thánh, những điều được nói về Giáo Hội phổ quát, về đức Trinh Nữ, về Thánh Mẫu thì cũng được nói về chính cá nhân Đức Maria. Và những điều đặc biệt nói về Đức Maria thì phải hiểu một cách tổng quát là “Đức Nữ Đồng Trinh Mẹ Giáo Hội”…..Cuối cùng, tất cả những ai có lòng tin nơi Chúa đều là bạn trăm năm của Lời Chúa, là mẹ, là ái nữ và chị em của Chúa Kitô. Tất cả những tâm hồn, những ai tin tưởng nơi Chúa, hiểu theo đúng nghĩa của nó, đều là trinh nữ và đầy ẩn sủng.[4]

 

Công đồng Vatican II đã nói: “Giáo Hội….chính mình đã trở thành hiền mẫu. Nhờ việc rao giảng và ban phép bí tích thánh tẩy, Giáo Hội đã mang lại một đời sống mới bất tử cho con cái mình là kẻ được cưu mang bởi Chúa Thánh Thần và được Chúa sinh ra” [5].

 

Để áp dụng cho từng cá nhân, thánh Ambrose đã viết: “Những ai tin  vào Chúa thì sẽ cưu mang lời Chúa trong lòng và phát khởi, truyền bá ra ngoài trong cuộc sống hàng ngày….Nếu chỉ có một người là Mẹ Chúa Kitô theo nghĩa xác thịt thì tất cả mọi người, theo nghĩa đức tin, có thể phát sinh ra Chúa Kito khi mà họ chấp nhận lời Chúa hằng sống” [6]. Một Giáo Phụ Đông phương đã lặp lại ý lời thánh Ambrose như sau: “ Đức Kitô luôn luôn được sinh ra trong tâm hồn mỗi người một cách nhiệm màu, mặc lấy xác thịt của những ai được cứu rỗi và trở thành mẹ đồng trinh, đấng đã sinh ra Chúa Kito”. [7]

 

Muốn trở thành Mẹ Chúa Giêsu một cách cụ thể thì chúng ta phải làm gì? Hãy đọc lại  Tin Mừng thánh Luca:…Lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa (Luke 8:21; Mark 3:35; Matthew 12: 50). Để tìm hiểu ý nghĩa lời thánh kinh đó, chúng ta thử nghiệm xem Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa như thế nào. Mẹ cưu mang Chúa trong lòng và sinh ra Chúa. Qua đó, chúng ta thấy hai dữ kiện cần để ý:  Lời sách Isaiah “Đúng như lời Chúa phán, trinh nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh hạ một con trai”, và lời thiên thần Gabriel nói cùng Maria: “Ngươi sẽ thụ thaisinh con trai đầu lòng”.

 

Để có tước hiệu mẹ, người đàn bà phải mang thai và sinh hạ hài nhi. Không hoàn chỉnh hai giai đoạn đó, tư cách hiền mẫu bị gián đoạn hoặc bất toàn. Chúng ta thử tưởng tượng khi người đàn bà mang thai, nhưng vì một lý do nào đó thai bị hư (miscarriage) hoặc vì tội lỗi xui khiến không muốn sinh con nên đã phá thai (abortion). Đứa trẻ chết không được diễm phúc chào đời.

 

Hai hiện tượng thai hư đó đã làm cho tước hiệu Hiền Mẫu của người đàn bà có thai trở nên bất toàn. Nhưng  từ khi có kỹ thuật thụ thai nhân tạo lại nảy ra một loại hiền mẫu đối ngược với loại hiền mẫu bất toàn trên là người đàn bà có sinh hạ ra hài nhi nhưng không thụ thai. Đó là những hài nhi được thụ thai trong ống nơi phòng thí nghiệm rồi đem cấy vào tử cung người đàn bà được thuê mướn. Những đứa con này sinh ra không phải do máu mủ của họ, vì họ không thụ thai, không do trái tim, lòng ao ước của họ và thân xác họ.

 

Chúng ta cũng thấy hai loại hiền mẫu bất toàn này xuất hiện trong đời sống thiêng liêng. Những người nghe lời Chúa nhưng không thực hành. Những người có đời sống tâm linh bị hư hỏng nhiều lần; họ muốn hoàn lương trở lại nhưng được nửa đường lại gẫy gánh. Họ cưu mang Chúa nhưng không sinh hạ ra Chúa. Họ là những kẻ chỉ đọc lời Chúa nơi cửa miệng nhưng tâm hồn rỗng tuếch (James 1:23). Họ có đức tin nhưng là đức tin chết.

 

Nhưng trái lại, ta thấy có những người sinh hạ ra Chúa Kito nhưng lại không cưu mang Người. Họ sinh hoạt, làm việc đạo rất hăng say, cả những việc tốt lành nhưng không do từ tâm, không vì tình yêu Chúa và ý ngay lành mà chỉ vì thói quen, giả hình nhân đức, với mục đích biểu diễn phô trương vì lợi ích riêng tư cá nhân mình…hoặc đơn giản chỉ để thỏa mãn tự ái mà thôi. Họ là những kẻ hành động nhưng không có niềm tin.

 

Thánh Francis thành Assisi đã tóm lược ý nghĩa của hiền mẫu thực một cách tích cực như sau: “Chúng ta là mẹ Chúa Kitô khi chúng ta ôm ấp Người ở trong  trong lòng, nơi thân xác chúng ta bằng một tình yêu Chúa với một lương tâm trong sáng và chân thành. Chúng ta phát sinh, biểu hiện ra Chúa qua những hành động thánh khả dĩ có thể chiếu tỏa, soi sáng làm gương cho mọi người chung quanh chúng ta…. Thánh đức và êm đềm, đẹp đẽ biết bao khi chúng ta có một người anh em huynh đệ, một người con như vậy là Đức Giêsu Kito” [8]. Thánh nhân cũng nói cho chúng ta biết là khi chúng ta cưu mang Chúa Kitô là khi chúng ta yêu thương Người với tất cả chân tình và lương tâm ngay chính. Chúng ta sinh ra Chúa Kitô khi chúng ta chu toàn những hành vi thánh khiến Chúa  được chiếu tỏa ra muôn nơi cho muôn dân.  Khi người ngoài nhìn vào ta là nhìn thấy chính Chúa Kitô trong ta. Chúng ta không thể giảng lời Chúa như người bán thuốc cao đơn hoàn tán.

 

ĐÔI LỜI KẾT: THÁNH GIÁ LÀ GÌ?

 

Thánh giá là cây thập tự mà từ hơn 2000 năm trước Chúa Giêsu đã bị đóng đanh và chết trên đó để cứu chuộc loài người.Vì vậy thánh Giá là biểu tượng Niềm Tin Kitô giáo, của người Công Giáo. Cốt lõi của đạo Công Giáo là Tin Thiên Chúa nhập thể giáng trần làm người để rồi chịu chết trên Thập Giá vì tội của loài người và sống lại hiển vinh. Chu kỳ đó phải được thực hiện đầy đủ thì ơn cứu chuộc loài người của Thiên Chúa mới hoàn chỉnh. Không có Thập Giá và Phục Sinh, ơn cứu độ không được trọn vẹn cũng như không có nhập thể làm người của Thiên Chúa thì sự chết của Thiên Chúa không có ý nghĩa [9]. Thiên Chúa giáng thế qua Mẹ Maria, chịu chết trện Thập Giá và Phục Sinh là một chu kỳ liên tục và kín, không thể đứt đoạn vì bất cứ một yếu tố hoặc giai đoạn nào.

 

Người tín hữu công giáo phải bảo vệ thánh giá với bất cứ giá nào, cũng như các thánh tử đạo Việt Nam xưa kia đã thà chết không chịu bước qua và xỉ nhục thánh giá. Là người công giáo, dù là giáo dân hay giáo quyền, nếu không lên tiếng bảo vệ thánh giá khi thánh giá bị xỉ nhục, chà đạp và phá hủy, người đó đã chối bỏ đạo của mình.

 

Những ai mừng lễ Giáng Sinh mà không tin, không kính trọng và tôn thờ Thánh Giá, người đó mừng lễ Giáng Sinh chỉ với tinh thần thế tục, người đó là kẻ dối đạo và phá đạo. Những ai mừng lễ Giáng Sinh mà không kính trọng hình ảnh Mẹ Maria, đập phá tượng Mẹ, người đó là kẻ giả dối, là kẻ phá đạo. Họ đã làm đứt đoạn chu kỳ của ơn cứu độ loài người của Thiên Chúa..

 

Chính quyền nào bề ngoài hô hào và khuyến khích mừng lễ giáng sinh, nhưng lại đập phá tượng Mẹ Maria, phá hủy Thánh Giá, chính quyền đó phá vỡ và chà đạp niềm tin của người dân. Chính quyền nào hành hung người tín hữu đứng lên bảo vệ niềm tin của mình, chính quyền đó không có bác ái, công bằng và tôn trọng dân quyền. Đất nước đó không có Tự Do Tôn Giáo, dân chủ và nhân quyền. Họ đã chà đạp niềm tin của người dân.

 

Nhà cầm quyền CSVN đã từng khuyến khích giáo dân mừng lễ Giáng Sinh, đến tặng hoa chúc mừng giáo quyền dịp lễ Giáng Sinh, tự động cho người đến nhà thờ lớn Hanội năm 1956 để trang hoàng hoa đèn, cắm cờ gọi là để mừng Chúa Giáng Sinh [10], nhưng lại cho người đập phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở giáo phận Phát Diệm năm 2006, ở tòa Khâm sứ ở Hanội năm 2008, cướp thánh giá ở Tam Tòa 2009 và mới đây 6-1-2010, đem cả ngàn công an cảnh sát với chất nổ, dùi cui, hơi ngạt, chó nghiệp vụ trong đêm tối đến phá hủy thánh giá trên núi Thờ của xứ Đồng Chiêm, thuộc giáo phận Hanội. Họ đã phá đạo, chà đạp niềm tin của người dân nhưng bề ngoài miệng vẫn thơn thớt tuyên bố cho tự do tôn giáo, khuyến khích hành đạo, vẫn hành hung đánh đập người dân khi họ lên tiếng bảo vệ niềm tin của mình.

 

Đất nước này rồi sẽ đi về đâu? Tàu Cộng chiếm đất chiếm hải đảo, hành hung ngư phủ đang kiếm ăn trên biển cả của nước mình thì chính quyền câm miệng không một lời phản đối, lên tiếng bảo vệ. Nhưng lại hành hung đánh đập dân lành khi họ biểu lộ niềm tin tự do tôn giáo của họ, bắt bớ giam cầm những người đứng lên bảo vệ bờ cõi và đòi hỏi tự do dân chủ cho đất nước. Vậy mà nhà cầm quyền CSVN vẫn tuyên bố họ là của dân, họ làm việc cho dân và vì dân.

 

Không một ai có thể hiểu nổi một chính quyền lại đàn áp, bắt bớ, đánh đập, giam cầm người dân khi họ đòi hỏi những điều chính đáng hợp với dân quyền và nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận nhưng lại a tòng với ngoại bang làm những điều bất nhân thất dức, ngược lại với quyền lợi của tổ quốc và người dân.

 

Người dân Việt ở trong và ngoài nước hẳn đã nhìn thấy cảnh trớ trêu, những điều ngịch lý đó rồi. Phải chăng đã đến lúc tiếng dân oan kêu đã thấu trời. Dân muốn là Trời muốn. Ý dân là ý trời[11].Vox populi, vox Dei.

 

 

Fleming Island, Florida.

January 10, 2010

NTC

 


 

[1] Gnostic Docetism: Thuyết không chấp nhận nhân tính / tính người của chúa Kitô dựa vào sự hiểu biết của con người

[2] Tertullian, “De carne Christi”, 5,6 (CC,2,p.881)

[3] Origen, “Commentary on the Gospel of Luke”, 22, 3 (SCh, 87, p.302)

[4] Isaac of Stella, “Sermones”, 51 (PL 194, 1863f.)

[5] “Lumen Gentium”, 64

[6] St. Ambrose, “Expositio Evangelii Secumdum Lucam”, II, 26 (CSEL 32, 4, p.55)

[7] St. Maximus the Confessor, “Commentary on the Our Father”, (PG 90, 899)

[8]  St. Francis of Assisi, “Lettera ai fedeli”, 1 (Fonti Francescane, n.178).

[9]  Con người chết là lẽ tự nhiên, nhưng con người Thiên Chúa chịu chết mới là đặc biệt, mới có ý nghĩa cứu chuộc., ơn cứu độ.

[10] Chính quyền Hanội vào Giáng Sinh 1956 đã tự động cho người đến nhà thờ lớn để trang hoàng cắm cờ và hoa đèn đã gây ra vụ bất hòa khiến cha chính Nguyễn văn Vinh bị 3 năm tù giam, 6 năm quản thúc để rồi phải chết rũ tù ở trại Cổng Trời, cha xứ Trịnh văn Căn (sau trở thành Hồng Y) bị 1 năm tù treo, 3 giáo dân Hội Đồng hàng xứ bị phạt cảnh cáo….

[11]  Câu nói “Ý Dân là Ý Trời” không phải của riêng Đức Khổng Tử mà nó cũng là ngạn ngữ của Phương Tây, thời cổ La Mã: Dân muốn là Trời muốn “Vox Populi, Vox Dei”.

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!