QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật 3A Mùa Chay
Xh 17:3-7. Rm
5:1-2, 5-8. Ga 4:5-42
Bác
sĩ NGUYỄN TIẾN CẢNH, MD.
Kính mời theo
dõi video tại đây:
https://bit.ly/3Ts6jwP
Chúng ta
cùng nhau tìm hiểu và suy niệm về hai bài đọc 1 và 2 và bài Tin Mừng thánh
Gioan của Chúa Nhật này để rồi rút ra bài học cho mùa Chay Thánh.
Trung tâm
điểm của bài đọc 1 này (Xh 17:3-7) là nước. Nước là chất chính
mang lại sự sống. Không có nước, cây cỏ sẽ khô héo, rừng sẽ cháy.
Không có nước, súc vật và loài người sẽ yếu, bị bệnh tật và chết. Nhưng khi có
nước đầy đủ, tất cả mọi tạo vật đều tươi nở bừng sống. Nếu bạn nói nước là một
chất nhân tạo thì bạn nghĩ sao về Nước Hằng
Sống
với tất cả những hình thức khác nhau của nó đã liên
hồi chảy ra từ Thiên Chúa đến với đời sống chúng ta?
Qua bài đọc 1 hôm nay,
chúng ta học được bài học là dân Israel đã chạy trốn thoát khỏi cảnh nô lệ của
Ai Cập lại phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt về sự sống trong hoang
địa. Thời gian này coi như là một trắc nghiệm mà Thiên Chúa đưa ra để thử xem lòng
trung thành của họ đối với Thiên Chúa như thế nào? Có hai cái thử thách trong
bài đọc 1 này. Thử thách thứ nhất xẩy ra ở Marah trong hoang địa Shur. Dân
chúng khát, ở đó có nước nhưng họ không thể uống
được, vì nước quá đắng (Marah có nghĩa là đắng trong tiếng Hebrew).
Mose kêu cứu Thiên Chúa và Thiên Chúa ban cho
ông một khúc gỗ, thả xuống nước thì nước sẽ trở nên ngọt mát (Xh 15:22-27). Thử thách thứ hai cũng tương tự
như vậy. Lần này trong hoang địa Sin/Zin nằm giữa Elim và Sinai, dân chúng đói.
Họ lại than trách ông Mose. Lúc này Thiên Chúa
không khiển trách họ. Ngài đã gửi từ trời xuống manna và chim cút cho họ ăn để
khỏi đói (Xh 16).
Thử thách
thứ ba, được chuyển đổi trong bài đọc 1, cũng xẩy ra trong hoang địa Sin tại
một nơi gọi là Rephidim. Không tìm thấy nước, dân Israel càu nhàu và cãi lộn
với Mose. Lần này Mose đối đầu với họ. Sau khi làm sáng tỏ vấn đề, ông nói sự
việc không phải là do ông mà từ Thiên Chúa: “Tại
sao các ngươi lại thử thách Thiên Chúa?” Lại một lần nữa, Thiên Chúa không trách dân chúng, nhưng biểu Mose lấy cái
gậy mà ông đã dùng để thực hiện 10 tai hoa cho dân Ai Cập đập vào hòn đá ở
Horeb cho nước chảy ra để dân Israel có nước uống cho hết khát. Sự
việc đó có các bô lão đại diện dân chứng kiến việc làm của Thiên Chúa.
Mục đích của
ba thử thách này đã được thể hiện rõ ràng trong câu kết của bài đọc này, “Thiên Chúa có ở giữa chúng ta hay không?” Khi chúng ta nổi giận với Thiên Chúa và muốn thử xem
Thiên Chúa có để ý lo lắng cho ta không, chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa sẽ
không trách móc chúng ta mà còn để cho tâm trí chúng ta chứng kiến lòng nhân từ
của Thiên Chúa đối với chúng ta?
Bài đọc 2 (Rm 5:1-2,
5-8) lấy từ thư thánh Phaolo gửi cho giáo đoàn Roma. Trong những chương trước
của thư này, Phaolo đã đưa ra một giảng huấn khá mạnh nhưng có phần trừu tượng
khó hiểu về việc công
chính hóa do niềm tin. Phaolo nhắm vào những tặng phẩm mà sự công chính hóa
mang lại cho những ai tin tưởng vào quyền lực của Thiên Chúa đối với họ.
Nhưng trước tiên, Phaolo muốn nói gì khi nói
về sự công chính hóa do niềm tin? Từ công chính
hóa và sự công chính thì
có cùng nghĩa với từ dikaiosune
trong tiếng Hy Lạp. Theo một nghĩa rất rộng thì nó có nghĩa là: “Điều
kiện có thể đón nhận Thiên Chúa”. Nhưng
Phaolo có vẻ muốn từ này có một nghĩa rõ ràng hơn. Khi ngài nói về sự công
chính của Thiên Chúa, thì ngài có ý nói điều gì giống như “Thiên Chúa ứng xử
như Thiên Chúa ở trong chính Thiên Chúa”. Và khi
Phaolo nói về sự công chính của con người/công chính hóa, thì ngài muốn một
điều gì giống như “được trở nên công chính đối
với Thiên Chúa.” Tại sao loài người lại cần phải công
chính với Thiên Chúa? Phaolo nói, bởi vì bản tính của tội nguyên thủy đã ảnh
hưởng và tiếp tục ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, cụ
thể là từ chối nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa và từ đó thờ phượng Thiên
Chúa. (x. Rm 1:18-23). Nhưng công chính hóa thì không phải là điều mà con người
có thể làm cho mình được. Thực ra, đó là tặng phẩm cho không nhờ hiệu quả qua
cái chết và sống lại của Chúa Giesu cho tất cả những ai tin tưởng và muốn nhận
nó. Như vậy là một ân huệ của Thiên Chúa.
Vì vậy, qua
bài đọc 2 này, Phaolo nói rằng tất cả chúng ta, những ai đã được công chính hóa
nhờ niềm tin thì có thể an hưởng bình an với Thiên Chúa như một
tặng phẩm cho không. Chúng ta được tha bổng mọi tội lỗi và không còn là kẻ xa lạ mà bây giờ lại được hòa
giải với Thiên Chúa. Tặng phẩm này là một bảo đảm cho chúng ta trước mọi khó
khăn, bởi lẽ những phấn đấu này làm triển nở sức
chịu đựng của chúng ta được biểu hiện qua hy vọng. Và suối nguồn của hy vọng này là gì? Nó không phải do
chúng ta làm ra -thánh Phaolo nói- mà do tình yêu vô
biên của Thiên Chúa đổ ra cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Chúa Kito đã chết cho chúng ta; dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu hy sinh cao cả
đó thì Ngài cũng sẵn sàng tặng cho chúng ta để chúng ta có thể có được tình
liên đới công chính với Thiên Chúa. Thật là một tặng phẩm lạ lùng và huyền diệu
biết bao!
Bài Phúc Âm. Bài đọc này lấy
từ Tin Mừng thánh Gioan (Ga 4:5-42). Trọng điểm của bài này là một người đàn bà
vô danh xứ Samarita đã từng xuất hiện đâu đó trong Phúc Âm. Tuy nhiên nếu đào
sâu câu chuyện, chúng ta sẽ thấy người phụ
nữ này có một quá khứ thật khó quên vì cuộc hành
trình đức tin của bà.
Bối cảnh
của câu chuyện là giếng nước Jacob ở thị trấn Sychar. Theo truyền thống Kinh Thánh, giếng được coi là nơi
gặp gỡ lần đầu giũa người nam và người vợ sắp cưới. Người đầy tớ của Abraham đã kiếm được vợ cho Isaac là
Rebekah tại một giếng nước (St 24), và Mose đã có được vợ là Zipporah cũng tại
một giếng nước (Xh 2:15-22). Nhưng giếng nước trong bài Tin Mừng hôm nay là một sắp đặt cho một loại gặp gỡ khác.
Câu chuyện
gặp gỡ giữa Chúa Giesu và người đàn bà Samarita thì phức tạp. Cả hai bên Do
Thái và người Samarita đều có liên hệ với Jacob là con của Isaac là tổ tiên của
12 chi tộc Israel. Nhưng người Samarita và người
Do Thái lại không hợp nhau. Thực tế họ chia rẽ nhau một cách cay đắng từ sau
cuộc lưu đày đi Babylon vào thế kỷ 6 trước CN. Vấn đề đi tới tình
trạng rất tệ hại là dân Samarita đã thiết lập một đền thờ riêng ở trên núi
Gerizim vào thế kỷ 4 trước CN thay vì sinh hoạt chung với người Do Thái ở
Jerusalem. Buồn thay sự thù nghịch đó vẫn còn kéo dài tới ngày nay.
Người kể
chuyện đã xác định thời gian cuộc gặp gỡ là vào giờ
ngọ, thời gian sáng sủa nhất trong ngày. Phúc Âm thánh Gioan thì có tính cách biểu tượng. Ở đây chúng
ta thấy tác giả dùng cách nói kiểu nhị nguyên, đối diện lưỡng cực như đúng với sai, thực
với giả, trên với dưới là dấu
hiệu tin và không tin. Theo Tin Mừng Gioan, niềm tin không phải là một hoạt động tâm thần có thể đưa
tới việc đồng ý cả một bộ giáo lý. Nó phải là tin tưởng vào và liên minh với Chúa Giêsu và
Chúa Cha. Vậy thì câu chuyện này xẩy ra giữa Chúa Giêsu và người đàn
bà Samarita không phải là đúng thời khắc mà là đúng
lúc niềm tin vào Chúa Giesu Kito được hoàn toàn trọn vẹn.
Vì câu
chuyện này đã được mở ra rõ ràng, Chúa Giêsu đã đưa ra hai lệnh cho người đàn
bà: (1) “Hãy
cho Tôi
uống.” (2) “Hãy đi gọi chồng bà, rồi trở lại.” Sau mỗi
mệnh lệnh Chúa Giesu và người đàn bà bắt đầu đối thoại. Về lệnh thứ nhất, người
đàn bà biết được Chúa Giêsu đã không chấp nhận tất cả những gì mà người
Samarita đang có, và bà ta chẳng cần phải tế nhị lẩn tránh để tỏ lộ cái thiên
kiến của họ: “Ông là người Do Thái, lại có thể xin tôi là người Samarita, nước
để uống sao?” Khi Chúa Giesu tỏ ý muốn cho bà ta Nước Hằng Sống thì bà ta
trả lời một cách có vẻ kênh
kiệu: “Ông lại lớn hơn cả tổ phụ Jacob của chúng
tôi sao?” Dĩ nhiên, Chúa Giêsu thì lớn hơn Jacob! Và bà
ta đã đáp ứng lời mời của Chúa và nói, vậy thì “thưa
Thầy, xin hãy cho tôi nước đó để tôi không còn khát nữa và không phải đến đây
để kéo lấy nước giếng nữa.” Lúc này
giọng nói và kiểu nói của bà đối với Chúa Giêsu đã thay đổi.
Khi Chúa
Giesu đưa ra mệnh lệnh thứ hai, thì bà ta nói bà ta không có chồng mà Chúa đã
quả quyết bà đã có tới 5 chồng và người mà bà hiện đang sống với thì lại không
phải là chồng bà. Qua cuộc đàm thoại ngắn ngủi này cho thấy người đàn bà này là một người tội lỗi. Nhưng bản văn lại
không nói tới việc này. Chúa
Giêsu cũng đã không kết án bà ta hoặc biểu bà ta ngừng phạm tội. Và sau này dân
chúng trong thành ngay lập tức đã lắng nghe lời minh chứng của bà về Chúa
Giesu, và những người hàng xóm của bà cũng không
còn tỏ dấu hiệu gì muốn xa lánh bà nữa. Bà có phải là nạn
nhân của nhiều lần ly dị không? Bà có phải là góa phụ hay đã bỏ chồng nhiều lần
không? Hay 5 người chồng là biểu hiệu niềm tin của người Samarita của bà ta là
chỉ có 5 cuốn sách Torah là sách Kinh Thánh? Sau khi được ơn mặc khải để hiểu biết về Chúa Giêsu thì
giọng nói của người đàn bà lại chuyển động nữa khi bà ta trả lời Chúa: “Thưa Thầy, Thầy chính thật là một Ngôn Sứ.”
Người đàn
bà này không còn sợ sệt khi bày tỏ tâm tư mình, ngay cả khi nền văn hóa của bà
không cho phép. Đó cũng là một người có học hiểu theo nghĩa thần học. Bà ta đã
lợi dụng cơ hội này để hỏi về nơi thờ phượng chính thức: Đền Thánh Jerusalem hay đền thờ của họ ở
trên núi Gerizim? Khi Chúa Giêsu trả lời, nói rằng những nơi thờ phượng này
chẳng có nơi nào có giá trị vào thời tận cùng, bởi vì thời đó sẽ đến khi: “Những kẻ thờ phượng Chúa thực sự sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha trong Thánh Thần và Sự Thật.” Bà ta kết
luận là Chúa Giêsu đang nói về thời đại của Đấng Thiên Sai tức Chúa Giêsu Kito. Câu trả lời của bà
được coi là một lời tuyên bố: “Tôi biết rằng Đấng
Thiên
Sai đang tới.” Nhưng hãy lắng nghe cẩn thận và bạn có
thể nghe được điều bà ta đang thầm nghĩ trong lòng: “Vị
đó có phải là người này không?” Chúa
Giêsu đã trả lời bà: “Chính là Tôi.” Đó cũng là
câu trả lời mà Mose nhận được khi ông xin Thiên Chúa tỏ lộ cho biết danh Ngài: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3:14).
Hầu như
ngay lập tức, người đàn bà Samarita để lại thùng nước của bà và đi vào trong
làng để nói cho mọi người biết bà đã gặp Chúa Giêsu. Khi dân làng thấy Chúa
Giêsu và nghe Lời Ngài thì họ tuyên xưng Chúa là “Đấng
Cứu Chuộc Muôn Dân” Hãy
để ý đến sự tiến triển của các danh hiệu được đặt cho Chúa Giêsu trên tuyến
đường hành trình đức tin của người đàn bà này. Bà
đã được
biến đổi từ một người đi lấy nước ở giếng làng đến một
người tuyên xưng Tin Mừng và chia sẻ sứ điệp về nước giếng đến đời sống vĩnh
cửu.” Hãy để ý xem người đàn bà này có thể dạy chúng ta điều gì
về chính cuộc hành trình đức tin của chúng ta không?
Sống
Mùa Chay Thánh
1- Trong Mùa Chay, chúng ta khao khát những gì và tìm kiếm những gì?
2- Suy
niệm lời của Jean Vanier dựa vào bài Tin Mừng hôm nay: “Những đổ vỡ của chúng ta như là những vết thương qua đó sức mạnh
của Thiên Chúa có thể xâm nhập con người chúng ta và biến đổi chúng ta. Cô đơn
không phải là điều chúng ta phải xa lánh, nhưng từ đó chúng ta có thể kêu van
lên Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa sẽ tìm thấy chúng ta và chúng ta tìm thấy
Thiên Chúa. Vâng, đúng vậy, qua những
vết thương của chúng ta, quyền lực Thiên Chúa có thể xâm nhập chúng ta và trở
thành như những giòng sông có Nước Hằng Sống để tưới dội trái đất khô cằn trong chúng ta để
rồi chúng ta có thể tưới mát trái đất khô cằn của những người khác cho hy vọng
và tình yêu được tái sinh.”
3- Đọc
các đoạn #97 và #98 “Lời Chúa và chứng nhân Kito hữu” trong Tông Huấn Hậu Thượng
Hội Đồng các Giám Mục về LỜI THIÊN CHÚA (Verbum Domini)
4-Tuần
này chúng ta hãy đến với những người sống bên lề xã hội vào giữa trưa, đúng giờ
ngọ, khi trời còn sáng tỏ, không phải ở giếng nước
nhưng trong một quán café, lúc giải khát, tại bàn ăn, nơi công viên hay khu
thương mại của thành phố. Hãy lắng nghe một câu chuyện tang thương, đau khổ,
kinh hãi của một người nào đó. Hãy để cho Nước Hằng Sống là lòng trắc ẩn của Chúa Kito chảy qua bạn rồi
chảy sang tưới ướt cuộc sống sa mạc của một ai đó.
Fleming
Island, Florida
March 9,
2023
NTC - Hẹn
gặp lại