QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
(Chúa Nhật Năm A)
Xh 34:4b-6,8-9;
2Cr 13:11-13; Ga 3:16-18
Bác
sĩ NGUYỄN TIẾN CẢNH, MD.
Kính mời theo
dõi video tại đây:
https://bit.ly/3WYlbER
Thiên Chúa có ba ngôi, ba ngôi đều tương đương và bằng
nhau nhưng lại chỉ là một Thiên Chúa duy nhất thì quả là một màu nhiệm. Với trí
khôn loài người, chúng ta khó có thể hiểu nổi. Chỉ có cảm nghiệm, linh hứng và
niềm tin do ân sủng Thiên Chúa ban mới biết được. Các
thánh nhân từ thánh Âu Tinh
(St. Augustine), thánh Teresa thành Avila, thánh Seraphim thành Sarov, thánh
Patrick, thánh Catherine thành Siena, thánh Thomas Aquinas, thánh Ambrose,
thánh GH Gioan Phaolo II, thánh Fautisna, thánh Francis de Sales đều đã nói những
lời tuyệt mỹ để chứng minh về Thiên Chúa Ba Ngôi (x. bài TC Ba ngôi và các thánh). Qua
hai bài đọc 1 và 2 và bài Tin Mừng thánh Gioan của Chúa Nhật này, chúng ta sẽ
tìm hiểu biết thêm về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài đọc 1 (Xh 34:4b-6, 8-9) là một phần của câu chuyện Thiên Chúa
tái lập luật trên bia đá mà ông Maisen đã đập bể khi ông xuống núi thấy cảnh tượng
dân Israel đang thờ lạy bò vàng (Xh 32:19). Sách xuất hành tả lại -vì Maisen có
một liên hệ thiết thân với Thiên Chúa nên Thiên Chúa đã nói “trực tiếp với ông
mặt đối mặt như một người bạn” (Xh 33:11). Ở đây Maisen đã nhìn thấy rõ vinh
quang của Thiên Chúa cũng như những đồng ý của Ngài nên đã thốt ra lời: “Lạy Chúa, xin Chúa thương con, cho con được thấy vinh
quang của Chúa.” Và Chúa đã phán
“Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi và sẽ xưng danh Ta là
Thiên Chúa trước
mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót. Vì không ai có thể thấy Ta
mà vẫn sống” (Xh 33:19-20).
Đây là lúc khởi đầu của bài đọc 1 này. Thiên Chúa biểu
Maisen phải chuẩn bị để lên đỉnh núi trở lại với hai bia đá và giao ước mới của
Thiên Chúa với dân Israel. Thiên Chúa đã xuống núi để gặp Maisen và “tuyên xưng
danh Ngài là ‘Chúa.’” Hành động này có gì
là đặc biệt? Nếu suy nghĩ kỹ về giao ước của Thiên Chúa với dân Israel được mô
tả ở chương 20 sách xuất hành thì chúng ta sẽ thấy đây là điểm quan trọng và là
mấu chốt của vấn đề. Thiên Chúa đã tuyên xưng danh Ngài, tức xác định về chính
Ngài, Đấng đã làm ra giao ước như là Ngài đã nói “Vì Ta, -là Chúa, là Thiên
Chúa của ngươi, một Thiên Chúa hay ghen tương, phạt con cháu của tổ tiên ngươi
đến 4 đời vì tội ghét bỏ Ta. Nhưng đối với những ai
yêu mến Ta và giữ giới răn của Ta thì Ta ban cho trọn tình nhân nghĩa đến muôn ngàn
đời” (Xh 20:5-6).
Tuy nhiên, trong câu chuyện sửa lại luật trên bia đá này,
Thiên Chúa đã tuyên xưng danh Ngài một cách khác. Ở đây Thiên Chúa nói: “Chúa là một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và ban ơn, rất
chậm rãi nổi cơn giận dữ mà giàu lòng tử tế và trung hậu.” Ngay lập tức Maisen cúi đầu -theo tiếng Do Thái
thì cúi đầu có nghĩa là thuần phục và thờ lạy-
và xin Thiên Chúa ở lại với họ. Tất cả còn lại là Thiên Chúa đã ban
hành luật mới và dân Israel phải tuân theo đúng như giao ước.
Bài đọc 2 (2Cr 13:11-13) là kết luận thư thứ hai của Phaolo gửi tín
hữu Corinto khuyên mọi người phải ăn ở đàng hoàng -như cha mẹ nói với con cái đến
tuổi trưởng thành trước khi chúng sống tự lập- nhưng điều quan trọng mà Phaolo
ưu tư là bằng an trong cộng đồng. Nếu chúng ta tạo dựng một cuộc sống cộng đồng Kito Giáo dựa
trên căn bản của 2 bức thư Phaolo gửi tín hữu Corinto thì chúng ta có thể là một
nhóm Kito hữu tuyệt hảo muôn màu sắc và dễ thương; và câu chuyện có
thể làm thành một vở kịch hay và vĩ đại. Nhưng lý do thư này có giá trị đặc biệt
về lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay là ở câu kết thúc, là một tuyên xưng rõ ràng
và có đặc tính soi sáng nhất trong toàn thể Tân Ước về một Thiên Chúa có Ba
Ngôi:
Ân Sủng của Chúa Giêsu Kito
và Tình Yêu của Thiên Chúa
và Ơn Hiệp Thông của Chúa Thánh Thần
ở cùng tất
cả anh chị em (c.13).
Bài Tin Mừng Phúc Âm thánh Gioan hôm nay (Ga 3:16-18) cũng đã giúp chúng ta hiểu rõ một xác quyết về sự đồng đều đẹp
đẽ và sâu xa về tình liên đới và nhiệm vụ cứu chuộc loài người của Chúa Giesu với Chúa
Cha. Câu “Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài” và “Thiên Chúa
không ban Con Một của Ngài” có một ý nghĩa liên hệ. Tương tự như vậy những động từ “hư mất” và
“luận phạt” cũng có một ý tưởng giống nhau như vậy, cũng như
có được “đời sống vĩnh cửu” và được “cứu
rỗi” cũng có những giá trị tương đương. Nhưng cần phải hiểu xa hơn nữa, ngôn
ngữ Hy Lạp có nhiều danh từ nói về Tình Yêu như tình yêu sắc dục
(philautia), tình yêu bằng hữu (philia), và tình
yêu vô điều kiện không cầu
mong sự hồi đáp gọi là tình yêu agapae tức tình yêu của Thiên Chúa. Dù tác giả Tin Mừng
Gioan không có chung một danh từ hoàn toàn ám chỉ cả ba loại tình yêu ấy, nhưng
hiển nhiên tác giả có ý nói tới tình yêu agapae là loại tình yêu vô điều kiện.
Cũng vậy, tác giả Tin Mừng cho thấy một thời kỳ gọi là “thời cánh chung đã trở
thành hiện thực”, nghĩa là Gioan đã tự hiểu và cộng đồng của ngài cũng đã sẵn
sàng cho những thống khổ của thời tận cùng.
Tại sao tín hữu Kito Giáo thời sơ khai lại suy nghĩ theo
cách này? Ở thế kỹ I người Do Thái nghĩ là sẽ
có một cái gì xẩy ra sau khi chết, nên có người tin là người chết sống lại là dấu
hiệu của thời tận cùng. Do đó khi người ta bắt đầu tin là Chúa Giêsu sống lại từ
cõi chết thì họ nghĩ rằng thời tận cùng đã bắt đầu. Vì vậy không có khoảng cách
giữa cứu chuộc và luận phạt. Hoặc là bạn đã phó thác mọi sự cho Thiên Chúa và
Con Ngài là Chúa Giêsu, hoặc là bạn đã bị luận phạt. Ngày nay phần lớn người
Kito hữu đều dự đoán ngày tận cùng là ngày Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai là thời
cánh chung vẫn còn là một viễn tượng ở tương lai; nó đã trì hoãn một cách đáng
kể nỗi lo lắng của con người về một cánh chung thực sự. Không cần biết niềm tin
của những người tin vào tình yêu quảng đại của Thiên Chúa thế nào, Thiên Chúa vẫn
gửi Con Một Ngài xuống thế để ơn cứu chuộc của Ngài đạt được kết quả cho toàn
thể nhân loại.
Tóm lại, Chúa CHA là THIÊN
CHÚA DUY NHẤT và là Cha của mọi người, đấng ngự trị trên mọi người và trong mọi
người (Ep 4:6)
Chúa CON là LỜI. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho
Ngài là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật (Ga 1:14)
Chúa THÁNH THẦN là TRẠNG SƯ, đấng BẢO
TRỢ mà Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, Đấng sẽ dạy cho anh
em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga
14:26).
Thật vậy, Chúa CHA, Chúa CON,
Chúa THÁNH THẦN đều là THIÊN CHÚA và là MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT.
Được một ân sủng sâu rộng như trời biển do một tình yêu
vô điều kiện, chẳng lẽ chúng ta chỉ biết đáp trả lại bằng hai chữ cám ơn thôi
hay sao?
Hãy nhớ lại thánh vịnh Daniel 3 và thi hành.
Lạy Chúa, là Thiên Chúa của cha ông, của tổ phụ chúng con
Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, đáng tôn vinh và đáng
tán tụng đến muôn đời
Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Chúa đáng chúc tụng và vinh quang trong đền thánh
Chúc tụng Chúa ngự trị trên ngai vương quyền
Chúc tụng Chúa, đấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các
Thần-Vệ-Binh
Chúc tụng Chúa ngự trị trên bầu trời cao vời vợi
Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời! Amen.
(Dn 3:52-56))
Fleming Island, Florida
June 2, 2023
NTC - Hẹn
gặp lại