QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
(Lễ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA
KITO-năm A)
Đnl 8:2-3,
14b-16a; 1Cr 10:16-17; Ga 6:51-58
Bác
sĩ NGUYỄN TIẾN CẢNH, MD.
Kính mời theo
dõi video tại đây
https://bit.ly/42NkO0W
Lạy Thiên Chúa! Chúa đã để lại cho chúng con bí tích Mình
và Máu Cực Thánh này để chúng con nhớ lại cuộc khổ nạn của Chúa Kito.
Chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con được
sùng kính mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con luôn luôn được hưởng
nhờ hiệu quả của ơn cứu chuộc. Chúa
là Thiên Chúa hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha làm một với Chúa Thánh
Thần muôn đời.
Qua câu chuyện manna trong sách xuất hành và ánh sáng thư
của thánh Phaolo về việc tham dự tiệc Mình Thánh Chúa, chúng ta có thể hiểu
cách thức Chúa Giêsu cắt nghĩa thế nào là “ăn” Mình Thánh và “uống” Máu Thánh
Chúa.
1* Câu chuyện Manna
trong sách Xuất Hành
Bài đọc 1 (Đnl 8:2-3, 14b-16a) là đoạn lấy ra từ sách Đệ
Nhị Luật, (là luật thứ hai) và Maisen là người ban hành luật. Theo truyền thống
thì Maisen là tác giả, nhưng các học giả kinh thánh ngày nay nghĩ là sách đươc
viết từ nhiều thế kỷ trước, khởi đầu từ thế kỷ 8 BC và có thể kéo dài tới thời
kỳ dân Do Thái bị lưu đầy vào thế kỷ 6 BC. Sách gồm có 2 phần, phần 1 được khơi
mào bởi tiếng “Hãy Nhớ” như để gợi
lại quá khứ của dân Israel đã được Thiên Chúa ban ơn cứu giúp; phần 2 thì bằng
câu “Đừng có quên” là ý kiến đề nghị phải
đáp lại những ân nghĩa đó thế nào.
Bài đọc này là phần nối tiếp của câu: “Hãy cẩn thận để ý đến toàn thể giới răn này mà Ta đã
truyền cho các người hôm nay, và hãy lo đem ra mà thực hành” (Đnl
8:1). Nó gợi lại quá khứ và thôi thúc dân Israel phải tuân giữ giao ước. Đó là
manna rơi từ trời mà Thiên Chúa đã ban cho họ lúc ở trong hoang địa khi họ đói
(Xh 16:4-15) và nước chảy ra từ hốc đá khi họ khát (Xh 17:1-7). Phần thưởng là
được an cư lạc nghiệp và sung túc thịnh vượng nơi đất hứa như Thiên Chúa đã hứa
với tổ tiên họ là phải tuân giữ luật lệ trong
giao ước…
Nhưng Maisen đã nhận thấy cách Thiên Chúa dạy dân Ngài phải
giữ kỷ luật cũng giống như người cha dạy con mình vậy (Đnl 8:5). Vậy Thiên Chúa
muốn dạy dân chúng những gì? Ngài muốn họ phải nương
tựa, tin tưởng vào Thiên Chúa và đừng nghĩ là họ có được giầu sang phú quí là
do chính bàn tay họ làm ra. Câu
chuyện manna và nước chảy ra từ hốc đá là những minh chứng hiển nhiên và hoàn hảo
về lòng nhân hậu của Thiên Chúa ngay cả đối với những người khó tính và hỗn xược.
2* Ánh sáng của thư
Thánh Phaolo về việc dự tiệc Mình và Máu Thánh Chúa
Qua bài đọc 2 (1Cr 10:16-17) nói về việc thờ ngẫu tượng,
Thánh Phaolo khuyên cộng đồng tín hữu
Corinto đừng quá mơ mộng và tin tưởng về mọi chuyện. Thánh nhân dùng câu chuyện
trong sách Xuất Hành để làm nổi bật vấn đề ông muốn nói, như khi sống
trong hoang địa dân Israel có đầy đủ đồ ăn thức uống, cũng như khi vượt biển
thoát cảnh gông cùm của Ai Cập đã được Thiên Chúa ban nhiều phép lạ. Thế là họ
tưởng rằng họ sẽ có những ân huệ tương tự như vậy, và khi không được như ý họ bèn than trách Thiên Chúa rồi
quay ra thờ ngẫu tượng. Và họ đã
bị Thiên Chúa trừng phạt để làm gương cho những kẻ khác đừng chiều
theo cám dỗ của ma quỉ (1Cr 10:1-13).
Sau đó thánh Phaolo nói trực tiếp về việc thờ ngẫu tượng.
Những cuộc tụ họp dân chúng có tính xã hội như tiệc tùng, cờ bạc, ăn chơi và mọi
hình thức hưởng thụ vui sướng thể xác vật chất đã xẩy ra ở Corinto có liên hệ đến
việc tế lễ thờ ngẫu tượng. Và những người Kito hữu của Giáo đoàn sơ khai ở đó
cũng cảm thấy phải làm theo để cho hòa đồng thuộc về cái xã hội đó. Nhưng
Phaolo muốn cộng đồng Corinto phải suy nghĩ theo kinh nghiệm riêng cua mình. Cái nào tốt hơn và hoàn chỉnh hơn: Thờ ngẫu tượng hay
Mình và Máu Thánh Chúa Kito? Để
giải quyết vấn đề, thánh Phaolo đã dùng hai vấn nạn kiểu hùng biện mà trả lời dĩ nhiên phải là “đồng ý”. Khi
ta nâng chém tạ ơn và cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kito ư? Và khi ta
cùng bẻ Bánh Thánh đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài hay sao? Dự phần là
dịch từ tiếng Hy Lạp chữ koinonia có nghĩa là “tình bằng hữu / quan hệ
đối tác”. Phaolo dùng kiểu điệp khúc lặp đi lặp lại tiếng đó là nói về sự
hiệp thông của người tín hữu. Trong xã hội trần thế ngày nay, bạn có thể nghĩ,
“Tại sao cộng đồng tín hữu Corinto chỉ cần đi lên và tham dự vào những biến cố ấy?”
Thánh Phaolo trả lời, “Bạn không thể vừa uống
chén của Chúa và của ma quỉ. Bạn không thể ngồi cùng bàn với Chúa và với ma quỉ”
(1Cr 10:21). Vậy bạn phải chọn lựa!
3* Chúa Giêsu cắt nghĩa
việc ĂN Mình Thánh và UỐNG Máu Thánh.
Bài Phúc Âm hôm nay (Ga 6:51-58) là một phần của bài diễn
văn của Gioan nói về “Bánh Hằng sống”. Chúa Giêsu, qua Gioan đã diễn tả
theo hình thức đó và kiểu văn chương Do Thái trong câu nói “Ngài đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6:31) là cách diễn giảng và phối hợp giữa bánh
manna Chúa ban cho dân Do Thái khi xưa như nói trong sách Xuất Hành
16:4 và Thánh Vịnh 78:24. Tác giả đã dùng kiểu văn chương Do Thái như vậy
để bình giải bản văn Kinh Thánh, đôi lúc tách riêng ra từng câu một hoặc từng
chữ một để người đọc dễ hiểu theo cách nói ngày nay.
Như là lời mở đầu cho cách nói này, người kể chuyện cho
chúng ta biết đám đông đã đi theo Chúa Giêsu sau khi Chúa làm phép lạ biến bánh
và cá ra nhiều (Ga 6:1-15). Hôm sau, họ lại gặp Chúa nữa. Sau một cuộc đàm thoại
ngắn về những việc Thiên Chúa làm, họ xin Chúa Giêsu tỏ cho họ một dấu hiệu để
họ có thể tin vào Chúa. Họ nói “Tổ tiên chúng tôi đã ăn bánh manna trong sa mạc,
vì có lời chép, ‘Ngài đã ban cho họ bánh từ trời để ăn.’” Theo kiểu nói xưa của
văn chương Do Thái thì Chúa Giesu đã làm sáng tỏ vấn đề thế này: Danh từ Ngài
ở trong câu này là ám chỉ Thiên Chúa không phải Maisen, và động từ đã
ban (là ở thì quá khứ) nay trở thành ban (ở thì hiện
tại). Vậy “bánh từ trời” không còn là manna nữa mà
là Chúa Giêsu là Đấng đến từ Chúa Cha để thi hành công việc của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay là phần cuối của cách nói kiểu
văn chương Do Thái mà Chúa Giêsu cũng dùng để diễn giải ý nghĩa của động từ “ăn”.
Tin Mừng Gioan ở đây không nói về cơ chế của Phép Mình Thánh Chúa như trong bữa
tiệc ly, mà nói về rất nhiều hình ảnh của Mình Thánh Chúa như bánh, đồ ăn, thịt,
máu v.v. Khi Chúa Giêsu quả quyết Ngài là bánh hằng sống, và “ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời,” thì
những người Do Thái (tức giáo quyền Do Thái lúc đó) vặn vẹo Chúa Giêsu và hỏi thế nghĩa là gì. Hỏi như vậy là họ ám chỉ
Chúa đã nói đám đông là những kẻ ăn thịt người. Tác già Tin Mừng Gioan thường dùng kỹ
thuật văn chương kiểu này và Chúa Giêsu đã nói sự việc một cách mơ hồ có ý và đặc
tính của câu truyện chỉ có một ý nghĩa đơn giản trong lời nói để sau này Chúa
Giêsu có thể cắt nghĩa được. Trong trường hợp này, Chúa Giesu của thánh Gioan
đã trả lời với ngôn từ có vẻ gây xúc
phạm. Chẳng lạ gì dân chúng đã nổi sùng!
Câu trả lời: “Amen, amen, Ta nói cho các ngươi biết...”
giống như nói “Hãy đứng dậy và chú ý! Đây là điều quan trọng. Chữ “ăn” dịch từ chữ trogo tiếng Hy
Lạp thì lại có nghĩa là “gặm nhấm hay là nhai”. Ở một chỗ khác
trong bài Tin Mừng này, từ “ăn” lại
là phago ít gây khó chịu hơn cũng
đã được dùng. Hãy để ý động từ “ăn” (cách nói Việt Nam) trong những đoạn văn
này xem có gì khác biệt không. “Ai ăn (phago) thịt Ta và uống máu Ta thì
sẽ được sống muôn đời.” Và “ai nhai (trogo) thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ
ở trong Ta và Ta sẽ ở trong họ.” Ai “nuôi dưởng”, ăn (trogo) Ta thì sẽ
được sống vì Ta.” Và “Ai nhai (trogo) bánh này thì sẽ sống muôn đời.”
Tóm lại, cho dù chúng ta không thể biết một cách rõ ràng
và đầy đủ hoàn toàn ý của tác giả Tin Mừng Phúc Âm khi dùng loại ngôn ngữ họa đồ
nhiều kiểu nói như vậy, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể nói được rằng Chúa Giêsu không phải là một bóng ma. Ngài đã thực sự hiện
thân thành thịt và máu, và Ngài đã hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng ta.
Chúng ta cũng có thể nói rằng Chúa hiện còn đang tiếp tục mời gọi chúng ta chia
sẻ trong cảm nghiệm Thánh
Thể này để chúng ta
có thể ở lại trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Đó là sự sống đầy đủ và trọn
vẹn.
4* Lời nguyện xin ơn Hiệp nhất và Bình
an.
Chúa đã nuôi ăn họ bằng cơm gạo tinh tuyền và thỏa mãn họ
bằng mật ong chảy ra từ hốc đá (Tv 81(80):17).
Lạy Chúa! Chúng con cầu xin Chúa ban ơn cho Giáo Hội của
Chúa những ân tặng hiệp nhất và bình an,
là những dấu chỉ hiện diện trong mầu nhiệm mà chúng con đã lãnh nhận và hiến
dâng, qua Chúa Giesu Kito là Chúa chúng con. Amen
Fleming Island, Florida
June 8, 2023
NTC - Hẹn
gặp lại