CHÚA NHẬT
XV C -THƯỜNG NIÊN
Tl 30:10-14; Tv 69; Cl 1:15-20; Lc
10: 25-37
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh,
MD
Tranh:Người Samaritano trên núi
Gerizim, West Bank 2006
Câu chuyện người Samaritano trong bài Tin
Mừng hôm nay (Lc 10:25-37) là chuyện một người bị nạn trên đoạn đường đi từ
Jerusalem về Jericho. Câu chuyện nói về tình
yêu và thế nào là người láng giềng.
Chuyện rất thực, rất cảm động và rất
nồng nhiệt, giống như
Việt Nam ta có câu nói: “Yêu nhau tam tứ núi cũng
trèo!” chứng tỏ tình yêu quả là mãnh
liệt. Tình yêu có thể xẻ núi lấp sông, vượt núi qua đèo, có thể chết vì người
mình yêu. Cái đặc biệt của câu chuyện là sự
chuyển đổi lòng tin và văn hóa của mình,
vốn hoàn toàn xa lạ trở thành
thân thích như một
người hàng xóm thân thương.
Chuyện có vẻ cá nhân, vì được diễn tả bằng những cảm súc tự nhiên của con người, nhưng
có tác dụng chuyển đổi
những cấm kỵ của nền văn hóa xã hội đương thời khi con người biết cảm thương gắn bó với những đau khổ của
người khác. Đây là một ngụ ngôn mục vụ. Nó
tràn ngập những bí quyết săn sóc và ưu tư do những gì tốt đẹp nhất phát xuất từ
đáy lòng con người, một ngụ ngôn rất thực dụng vì nó thúc đẩy chúng ta vượt qua
mọi cấm kỵ của văn hóa và màu sắc dân tộc, xã hội riêng rẽ và
khép kín, bước vào một xã hội,
với tinh thần cộng đồng chung, mọi người yêu thương nhau và làm việc thiện hoàn toàn vì việc
thiện. Đúng tinh thần Chúa Giesu dạy: Mến Chúa Yêu Người.
AI LÀ ANH EM TÔI?
Một chuyên viên luật đã hỏi ngược lại
chúa Giesu: “Nhưng ai là anh em tôi?” Phải chăng vì muốn tự bào chữa mình ông luật gia đang tìm cách để chứng minh câu nói của mình có giá trị? Thực ra, ông này muốn chứng tỏ mình
hiểu và áp dụng đúng nghĩa câu nói “yêu mến người hàng xóm”. Để trả lời
câu hỏi của một chuyên viên luât Do Thái về việc thừa hưởng cuộc sống đời đời, chúa
Giesu đã làm nổi bật tính siêu việt của loại tình yêu này vượt lên trên cả luật pháp bằng câu chuyện ngụ
ngôn người Samaritano.
Thầy cả tư tế và thầy Levi (c. 31-32) là
những đại diện và biểu tượng của Do Thái giáo, dĩ nhiên họ là những “người hàng
xóm” mẫu mực của nạn nhân đang nằm bê bết bên lề đường. Những Levi, những tư tế
này theo luật là phải xả thân giúp người bị nạn, hơn nữa họ lại là “người láng
giềng” của nạn nhân, mà lại làm lơ trước đau thương của người khác để rồi một người xa lạ, kẻ thù của Do
Thái là người Samaritano động lòng thương ra tay cứu giúp. Cuối cùng, nhà luật
sĩ đã không thể nói gì hơn và trả lời Chúa Giêsu: “Người Samaritano là kẻ có
lòng thương xót người ấy. Ông ta đã săn sóc người ấy với lòng trắc ẩn, coi người
xa lạ như anh em bà con láng giềng với mình”.
VÔ CẢM VÀ LÒNG TRẮC ẨN
Có lòng trắc ẩn là biết đau cái đau của
người, biết khổ với nỗi khổ của người, biết sầu
buồn với nỗi buồn sầu của người; nếu
người hấp hối thì mình cũng cảm thấy như chính mình đang hấp hối vậy. Đó phải
chăng là cảm thông, là sống với tâm tư của tha nhân vui cũng như buồn vậy. Trắc
ẩn không để cho chúng ta dửng dưng vô cảm trước cái đau của tha nhân nhưng mời
gọi sự hòa hợp kết đoàn với nỗi khổ của người. Chúa Giesu, người Samaritano đã
diễn tả, đã sống lòng trắc ẩn một cách tuyệt vời. Đôi khi chúng ta cũng giống
như những thầy tư tế, những Levi thấy người bị nạn, đói khổ nhưng làm lơ coi
như không nhìn thấy hoặc nhìn thấy nhưng tránh qua một bên sợ bị liên lụy, bị bẩn
tay lấm áo quần, không muốn chuốc thêm phiền toái vào cho mình…
Trắc ẩn đòi hỏi chúng ta phải vong thân,
nghĩa là thoát ra khỏi con người của mình để đến với người cần được an ủi vỗ
về. Điều đó có nghĩa là nếu tay ta bị vấy bẩn, danh dự ta bị ố nhòe cũng không
sao. Ta chấp nhận. Dửng dưng vô cảm còn tệ hơn cả thù nghịch. Một người thù
nghịch thì ít ra nó cũng nhận thấy sự hiện diện của đối thủ và chiến đấu đánh
lộn với người mà nó không ưa. Người vô
cảm, trái lại, không muốn biết đến người khác và hành sử như là người đó không
hiện hữu, coi những than van uất hận khổ đau của người như không có. Tê hại đến
nỗi nếu có ai hỏi về người đau khổ ấy thì anh ta trả lời tỉnh bơ “Tôi không
biết người đó là ai”. Đó là thái độ dửng dưng, vô cảm của người tư tế và Levi
đã né tránh qua bên kia đường, mặc kệ người bị nạn nằm rên xiết đau khổ đơn độc. “Sống
chết mặc bay, cháy nhà hàng xóm ta bình chân như vại” là thế.
Người Samaritano tốt lành đã chứng tỏ
cho ta thế nào là lòng trắc ẩn và cam kết thề hứa. Ông ta có thể tránh qua bên
kia đường một cách dễ dàng, nhắm mắt làm lơ như không trông thấy gì cả và từ
chối đáp ứng những nhu cầu thiết thực của người bị nạn. Nhưng ông không làm
vậy. Ông dừng bước, quì gối, cúi đầu xuống nhìn người xa lạ đang đau khổ rên siết. Lúc đó chính là lúc người láng
giềng, tình hàng xóm được sinh ra. Bất cứ ai dừng chân bên cạnh nỗi đau khổ của
người khác, dưới bất cứ hình thức nào, thì người đó là một người Samaritano tốt
lành. Sự ngừng bước, cúi xuống, quì gối bên cạnh nỗi đau khổ, không phải vì tò
mò, nhưng vì tình yêu thương. Nỗi trắc ẩn của người Samaritano thôi thúc ông
làm tất cả mọi sự để giảm bớt đau khổ của người “láng giềng”. Trước tiên ông
băng bó vết thương, đoạn ông mang người bị nạn về quán trọ để dễ dàng chăm tóc
hơn, và trước khi đi ông còn đưa cho người chủ quán tiền bạc đủ để săn sóc nạn nhan, lại hứa nếu không đủ khi trở lại ông sẽ
đền bù đầy đủ (c.
34-35).
Yêu thương phải có hành động giống như
người Samaritano. Chúng ta ai cũng biết chính chúa Giesu là người Samaritano
tốt lành nhân hậu tuyệt vời. Mặc dù là Thiên Chúa, Người đã không ngần ngại hạ
mình xuống làm người như chúng ta rồi lại hy sinh mạnh sống vì chúng ta. Đã hơn
2,000 năm nay rồi câu chuyện chúa Giesu vẫn còn vang động và rung chuyển lòng
người sâu đậm vô kể. Nó dạy cho chúng ta thế nào là lòng trắc ẩn thực sự, thế
nào là thề hứa và thế nào là hiệp thông hiệp cảm với tha nhân.
QUAN NIỆM VỀ NGƯỜI LÁNG GIỀNG TRONG KITO GIÁO
Thông điệpThiên Chúa là Tình Yêu
(Deus Caritas est) năm 2005 của Đức Biển Đức XVI đã nói về tình yêu Kito giáo như sau (#15): Dụ ngôn người Samaritano đã
làm sáng tỏ hai vấn đề đặc biệt rất quan trọng. Cho đến thời điểm đó thì quan
niệm về người hàng xóm được hiểu là những công dân/người đồng hương và những
người ngoại quốc định cư trong lãnh thổ Israel; nói một cách khác là cộng đồng
thiết thân của một quốc gia hay một dân tộc. Giới hạn này hiện bị phai mờ rồi.
Bất cứ ai cần tôi hay tôi có thể giúp đỡ bất cứ ai, thì người đó là người láng
giềng của tôi. Quan niệm về người láng giềng nay đã trở thành phổ quát, rộng
lớn, cho dù nó vẫn còn là cái gì cụ thể. Mặc dù được lan rộng ra tới tất cả
loài người, nó cũng không bị thu hẹp lại ở từng loại người, giống người diễn tả
một tình yêu trừu tượng, nhưng là kêu gọi chính tôi phải thề hứa thực hành cái
gì ở đâu đó.
“Giáo Hội có bổn phận hơn bao giờ hết
phải cắt nghĩa sự liên đới này giữa gần và xa về phần đời sống hàng ngày hiện
nay của những thành viên của mình. Sau cùng, chúng ta phải chú ý đặc biệt đến
ngụ ngôn rất quan trọng về ngày phán xét sau cùng (Mt 25:31-46), trong đó tình
yêu trở thành tiêu chuẩn để có quyết định tối hậu về đời sống loài người có giá
trị hay không về việc đó. Chính chúa Giesu đã xác định với những người cần
thiết, với những kẻ đói, kẻ khát, kẻ xa lạ, kẻ trần truồng, kẻ bệnh hoạn và kẻ
bị cầm tù. “Khi các ngươi làm điều đó cho một trong những kẻ nhỏ bé nhất của
người anh em này của ta là ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25:40). Yêu Chúa và yêu người láng giềng đã trở thành
một: Nơi người nhỏ bé nhất của anh em, chúng ta tìm thấy chính chúa Giesu, và
nơi Đức Giesu chúng ta tìm thấy Thiên Chúa.
NGƯỜI HIỆP SĨ NHÂN HẬU
Khi chúng ta suy niệm về ý nghĩa câu
chuyện ngụ ngôn này, chúng ta không thể không nghĩ tới đấng khả kính tôi tớ
Chúa là Linh mục Michael McGivney và TGM Nguyễn kim Điền. Linh mục McGivney là
một cha xứ sống ở thế kỷ XIX tại Mỹ. Ngài coi sóc đoàn chiên của ngài với lòng
trắc ẩn giống y như Đức Kito. Ngài nhận ra đươc cái nghèo tinh thần và vật chất
của rất nhiều thành viên trong cộng đồng Công Giáo của ngài thời ấy, và ngài đã
hiểu ra rằng đó là ơn gọi giáo dân để họ tham dự tích cực vào việc giúp đỡ anh
chị em của họ, những người cần được giúp đỡ. Ngài biết rằng không phải chỉ có
linh mục và tu sĩ mới có ơn gọi, nhưng tất cả mọi Kito hữu đều được Chúa Kito
mời gọi để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt của mình trong Giáo Hội. Ngài đã để ra
tất cả di tặng để xây dựng và lập ra Đoàn Hiệp Sĩ Colombus, một tổ chức những
người anh em giáo dân Công Giáo mà hiện nay đã có gần 1.8 triệu thành viên trên
khắp thế giới (www.kofc.org). Cha
McGivey, một linh mục thuộc giáo phận Hartford, USA đã qua đời ngày 14-8-1890
khi ngài còn rất trẻ, mới 38 tuổi.
Đoàn Hiệp Sĩ Colombus không là gì cả
ngoài việc tiếp tục câu chuyện ngụ ngôn người Samaritano nhân hậu trong lịch
sử. Hội Đoàn huynh đệ này chuyên chú chuẩn bị những người Samaritano nhân hậu
khác cho thời đại chúng ta. Giống như người Samaritano nhân hậu, sự chăm sóc
những người nghèo khó và đau khổ của chúa Kito đã là nguồn cảm hứng cho cha
McGivney, một linh mục đã tận tụy tìm cách để là dấu chỉ sống động của chúa
Kito nơi những người mà cha phục vụ.
Cha McGivney và những người anh em hiệp
sĩ của cha xuyên suốt dòng lịch sử đã băng bó những vết thương của những người
mà họ thấy đang nằm lây lất bên lề đường lịch sử, giúp họ bình phục lấy lại sức
khỏe. Khi hành động như vậy, họ đã bắt chước chúa Giesu Kito là đấng đã đến để
cho chúng ta có được sự sống dồi dào.
Hiệp sĩ Tổng quyền Carl Anderson mới đây
đã viết: “Không có nơi nào bộ mặt của Giáo Hội lại hấp dẫn, có sức quyến rũ hơn
ở nơi chúng ta ôm ấp chăm nom ngững người hàng xóm láng giềng của chúng ta. Mỗi
hành động giúp đỡ như vậy cho những người cần được giúp đỡ là cơ hội tạo dựng
một nền văn minh tình yêu, đồng thời cũng xây dựng được một con người.”
Về TGM Nguyễn Kim Điền thì có lẽ giáo
dân cũng như đa số người dân miền Nam VN, nhất là tổng giáo phận Huế ai cũng
đều biết danh ngài. Khi còn là một linh mục trẻ tài đức, từng làm giáo sư Đại
chủng viện, nhưng ngài đã nghe tiếng gọi của Chúa, của người Samaritano, gia
nhập dòng Anh Em Khó Nghèo. Ngài đã từng qua Phi Châu tập sống với dân nghèo,
khi về VN ngài làm nghề hèn mọn nhất, ban ngày đi đạp xích lô lấy kế sinh nhai,
tối về sống trong xóm nghèo lao động nhà tranh đất vách, giữa phố phường phồn
vinh của Saigon hoa lệ để có cơ hội sống gần với dân nghèo cùng đinh đau khổ
trong xã hội, cảm thông với họ, săn sóc an ủi họ, băng bó những vết thương lòng
và thể xác của họ, không như những linh mục khác sống thoải mái với tiện nghi
nhà cao cửa rộng. Ngài đã thực sự cảm thông, sống niềm trắc ẩn cái đau khổ cùng
cực của những đồng bào nghèo, của những người cần phải được giúp đỡ ủi an. Đến
khi được Tòa Thánh gọi làm giám mục, ngài vâng lời cầm đầu đoàn chiên Chúa
trao; rồi thời thế thay đổi, Giáo Hội miền Nam VN nói chung, tổng giáo phận Huế
của ngài nói riêng gặp khó khăn, ngài chấp nhận sống chung, ép mình dưới những
bất công cho đến khi không thể chịu đựng được vì trái với niềm tin vào Chúa và
của Giáo Hội, ngài thẳng thắn chống đối, đòi hỏi để cho Giáo Hội và giáo dân
được sống đúng tinh thần Phúc âm mến Chúa yêu người và công bằng tự do của con
người chân chính theo gương chúa Kito. Cuối cùng ngài đã hy sinh vì lý tưởng
người môn đệ Chúa, người Samaritano nhân hậu, để lại tấm gương sáng anh hùng
rực rỡ, bây giờ và mãi mãi về sau….
LỜI KẾT: KINH CẦU TGM NGUYỄN KIM ĐIỀN VÀ LINH MỤC McGIVNEY
Khi đọc kinh nguyện này, dù không có
những hiệp sĩ, những giáo dân tổng giáo phận Huế hiện diện, nhưng chúng ta cứ
tưởng tượng họ có mặt nơi đây và cùng chúng ta đọc kinh này và cám ơn các
ngài. Các ngài đã hy sinh máu thịt mình như câu chuyện Phúc Âm kỳ diệu hôm nay.
Chúng tôi xin quí vị cầu khẩn cùng Linh mục McGivney và TGM Nguyễn kim Điền,
xin các ngài giúp đỡ chúng ta và quí vị trở nên người Samaritano nhân hậu đối với
những người chung quanh quí vị và chúng ta. Cầu xin cho có lòng can đảm vượt
qua giới hạn, sự nhút nhát ươn hèn của mình để vươn tới những nơi cần tới, cần
giúp đỡ để cho bàn tay bị vấy bẩn khi chúng ta chạm tới những người cô thế bị
áp bức, đàn áp, đau khổ…; cầu xin có được ân sủng và sự ủi an để nhận ra được
diện mạo chúa Giesu nơi những người mà quí bạn và chúng ta phục vụ.
“Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,
đấng bảo vệ người nghèo khổ, giúp đỡ kẻ góa bụa và mồ côi, Chúa đã gọi TGM
Nguyễn Kim Điền, linh mục McGivney làm môn đệ đời sống gia đình Kito giáo và
dẫn dắt thế hệ trẻ phục vụ quảng đại những người láng giềng của họ.
“Qua gương sáng về cuộc sống và nhân đức
của hai vị, chớ gì chúng con theo được Con
Chúa là Đức Giesu Kito khít khao hơn hầu
hoàn thành giới răn bác ái của Chúa và xây dựng thân thể Chúa là Giáo Hội. Xin
hãy để cho niềm cảm hứng của tôi tớ chúa thúc đẩy chúng con tin tưởng hơn vào
tình yêu thương của Chúa để chúng con có thể tiếp tục công việc săn sóc những
người cần săn sóc và những kẻ bị bỏ rơi, cô thế bị áp bức bất công.
“Chúng con khẩn cầu Chúa vinh danh những
tôi tớ Chúa là TGM Nguyễn Kim Điền và Lm McGivney trên thế gian này theo như ý
dịnh và ước nguyện thánh của Chúa.
“Nhờ sự cầu bầu của Đức Tổng và Linh
mục, xin Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam chúng con được tốt đẹp, có đầy đủ tự do
và nhiều người về với Chúa, có nhiều người Samaritano nhân hậu đưa tay giúp đỡ
kẻ khốn cùng đau khổ vì bị bỏ rơi và áp bức bất công…..
“Nhờ Đức Kito Chúa chúng con. Amen.”
Fleming Island, Florida
July 7, 2022
NTC