Kh 11:19a; 12:1-6a, 10ab. 1Cr 15:20-27. Lc 1:39-56
Nguyễn Tiến Cảnh
Đức Mẹ Lên Trời, Đức Mẹ
là Mẹ Thiên Chúa là những dấu chỉ của hy vọng. Nhìn lên ảnh Mẹ thấy thiên thần
ca hát vui mừng, cuộc sống loài người như nở hoa để vươn tới một viễn tượng
hạnh phúc vĩnh cửu. Chết không phải là hết mà là bước vào một cuộc sống mới không
bao giờ chết.
Chúng ta thử suy nghĩ về
hai bài đọc và bài Phúc Âm của lễ Đức Mẹ hôm nay.
Người đàn bà, đứa trẻ và con rồng trong Sánh Khải Huyền
(Kh 11:19a; 12:1-6a, 10ab)
Sự xuất hiện của Hòm Bia trong thời gian thưởng phạt này cho thấy
Thiên Chúa bây giờ có thể tiếp cận được. Ngài không còn ẩn náu nữa, Ngài hiện
diện giữa dân Ngài. Ma quỉ thì đầy ắp hận thù, chúng không còn chừa bỏ bất cứ
đau khổ nào có thể tiêu giệt Chúa Kito và Giáo Hội của Ngài. Con rồng đỏ đang
tìm cách hủy giệt người đàn bà ở trên trời và con bà. Nhưng sự hận thù đó thì
vô dụng chẳng làm gì được.
Sách Khải Huyền được
viết vào khoảng cuối thế kỷ I AD, gần 70 năm sau khi Chúa Giesu chết. Người
Kito hữu đã chứng kiến sự chết của Chúa Giesu, đã nghe lời tuyên bố đầu tiên là
Chúa đã sống lại từ cõi chết. Và Giáo Hội đã chịu mọi truy nã bởi Đế quốc La
Mã. Sách Khải Huyền vì vậy đã lấy ra những xung khắc trong vũ trụ giữa quyền
lực của trần thế và uy quyền của Thiên Chúa.
Ba hình ảnh được dùng
làm những tiêu điểm cho câu chuyện về ngày Tận Thế này: Người đàn bà, đứa trẻ
và con rồng. Con rồng tượng trung cho ma quỉ của thời đại, như bàn tay sẵn sàng
nghiền nát con trẻ mới sinh do người đàn bà sinh ra. Người đàn bà vả con trẻ là
những hình ảnh đăc biệt trong lịch sử dân Do Thái cũng như đối với người Kito
hữu của thời đại ngày nay. Hình ảnh người đàn bà mang tính đặc thù của Israel,
vì Israel là một quốc gia đã mang đấng thiên sai đến cho nhân loại. Như người
đàn bà chạy trốn vào sa mạc, cũng như Israel đi vào Ai Cập để tránh nạn đói và
được biết Thiên Chúa che trở. Khi mà người Kito hữu có thể coi Maria là một
người đàn bà vô danh tiểu tốt, thì lại có nhiều tác giả nêu ra những đặc tính
biểu trưng của Giáo Hội. Giáo Hội trở thành một Tân Israel được đặc quyền nhìn
biết ơn cứu chuộc và quyền năng đến từ đấng được xức dầu Thiên Chúa.
Chắc chắn con trẻ này
phải là đấng thiên sai được sinh ra trong thế gian. Ngay lập tức Thiên Chúa
phải chứng tỏ sự che chở săn sóc của Ngài khi mang Chúa về thiên đàng. Trong
khi các thánh sử Mathieu và Luca miêu tả con trẻ sinh ra trong cảnh nghèo nàn,
thì Khải Huyền lại làm nổi bật hình ảnh Thiên Chúa thắng trận trước thế gian từ
lúc đầu con trẻ mới sinh ra. Thật không còn hồ nghi gì nữa, uy quyền của đấng
này chính là đấng đến thế gian. Tương tự như vậy, từ khi uy quyền của Chúa Kito
được chuyển giao cho Giáo Hội, thì cộng đồng Kito Giáo có đầy đủ uy lực và
quyền năng để chống đỡ mọi truy nã và ác quỉ trần gian luôn luôn muốn quấy
nhiễu hãm hại.
Bản chất của sự Chúa
Phục Sinh (1Cr
15:20-27)
Sự dâng hiến hoa trái
đầu mùa là biểu tượng cung hiến toàn thể mùa gặt cho Thiên Chúa. Vì vậy sự Phục
Sinh của Chúa Kito liên hệ đến sự sống lại của tất cả những ai sống trong Ngài.
Vì sự Phục Sinh vinh quang của Ngài, Chúa Kito ngự trị trong vinh quang. Vì
Ngài là Chúa.
Thánh Phaolo đã dành cả
chương 15 thư của ngài để giảng cho giáo hữu Corinto về bản chất của sự sống lại. Phaolo rất buồn khi thấy
một số Kito hữu xa lìa Chúa Kito vì thấy việc Chúa trở lại có vẻ chậm và họ
nghi ngờ việc Chúa sống lại. Họ nghĩ là vương quốc của Chúa Kito phải đến cùng
với cái chết của Ngài hơn là cứ tiếp tục cho đến ngày sống lại của những người
công chính như đã được chứng minh rõ ràng bởi quyền lực của vương quốc Thiên
Chúa. Ở dây, trong phạm trù giảng huấn về sự sống lại, Phaolo đã bàn luận về 3
nhân vật trong lịch sử ơn cứu độ: Chúa Kito, ông Adong và sự chết. Mỗi nhân vật đều có một
nhiệm vụ rất quan trọng trong việc cứu chuộc.
Sống lại từ cõi chết,
Chúa Kito trở thành “hoa trái đầu mùa” của tất cả những ai đã ra đi trước Ngài. Ngài xếp đặt nơi chốn cho
những kẻ chết sẽ đến. Với một ý nghĩa nào đó, đức Kito đã khởi đầu một của lễ
vĩ đại là các linh hồn cho Thiên Chúa Cha, cho dù chỉ một mình Ngài đã sống lại
trong khi những kẻ chết vẫn còn đang chờ đợi ngày đó. Chúa Kito đi đâu, chúng
ta hy vọng theo đến đó. Cái chết vô vị lợi của Chúa Kito đã đập tan lòng trung
thành với tội lỗi của Adong, người đã không nghe Lời Thiên Chúa, ngả theo lời cám dỗ của
ma quỉ, muốn trở thành Thiên Chúa.
Khi ngày đó đến vì vinh
quang Chúa Kito trở lại, Ngài sẽ hoàn thành sự phục sinh theo đúng trật tự.
Chúa Kito sẽ là người đầu tiên trở lại với Cha Ngài, rồi đến những ai đã theo
sát cuộc đời của Ngài. Và sau cùng Chúa Kito sẽ tiêu giệt “tất cả mọi chủ
quyền, mọi quyền bính và mọi quyền lực.” Lúc đó sẽ không còn con người hay
cơ chế vĩ đại nào, khả dĩ có thể cạnh tranh được với việc hoàn thành vương quốc
Thiên Chúa. Đây là đặc tính thứ ba trong câu truyện của Phaolo, Sự Chết, tức“kẻ thù cuối
cùng phải bị tiêu giệt.” Vậy là Chúa Giesu đã hoàn thành sứ mệnh của Chúa
như đã được sai đến thế gian. Ngài sẽ phá hủy mỹ mãn những gì đã kìm giữ chúng
ta không được kết hợp vĩnh viễn với Thiên Chúa, là hình phạt giáng lên loài
người như một chúc dữ cho sự không vâng lời của họ.
Hoàn toàn kết hợp với “Hoa
Trái Đầu Mùa,” người Kito hữu sẽ được ban thưởng đời sống vĩnh cửu với
Thiên Chúa trên thiên quốc. Amen.
Cuộc viếng thăm
Elizabeth của mẹ Maria (Lc 1:39-56)
Mẹ Maria thăm viếng bà
Elizabeth -một người em họ- thực sự là một cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Mỗi
người đều đang mang thai trong bụng một con trẻ. Con trẻ này sẽ là dấu ấn của
giao ước. Gioan sẽ kết thúc giao ước thứ nhất là Gioan tiền hô / người
đi trước Chúa Giesu, đấng sẽ đóng dấu giao ước mà Thiên Chúa đã tạo dựng qua cái chết
trên thập giá và phục sinh. Qua việc chào mừng Mẹ Maria của Elizabeth,
hai giao ước này đã liên hợp với nhau. Và lời chúc phúc hồng ân Thiên Chúa giờ
này được tỏ lộ rõ ràng bằng tuyên xưng:
Elizabeth cất lớn tiếng
và tung hô: “Em là người được chúc phúc hơn mọi người nữ và con em đang mang
trong bụng cũng được chúc phúc” (c.42). Gioan trong bụng mẹ cũng nhảy mừng sung sướng vì người
dưới được người trên đến thăm. Điều gì làm cho Maria được chúc phúc theo
mắt nhìn của Elizabeth? Chắc chắn là ơn Chúa Thánh Thần, đấng cũng đã
tràn đầy lòng Maria khiến cho Maria đã trả lời thiên thần:“Tôi xin vâng như lời
Thiên Thần truyền.” Đó là Thần Linh Thiên Chúa đã mở mắt và thay đổi tâm hồn Maria
khiến Mẹ có được ước nguyện đáp ứng đầy đủ ý muốn của Thiên Chúa.
Lời cầu và chúc phúc của
Elizabeth giờ này biến thành Lời Ca Tạ Ơn của Maria. Bài Ca
Ngợi Khen Magnificat là một xác quyết của Maria chấp nhận
làm tôi tớ Thiên Chúa và là một tiên đoán của Mẹ về việc Thiên Chúa sẽ lật
ngược mọi phương cách của thế giới trần gian này: Lòng kiêu căng sẽ bị
đánh tan tành, quyền lực sẽ bị hạ bệ, người giàu có sẽ bị
đói khổ, người nghèo khó sẽ được nâng lên và tràn đầy “mọi
của cải tốt lành.” Chắc chắn sự hiện diện của Con Thiên Chúa sẽ lớn lên trong Maria
khiến Mẹ nhìn rõ thế giới bằng một ánh sáng mới chan hòa. Mẹ đầy ơn phúc sẽ
cung cấp chỗ ở cho chúng ta theo đúng ý nghĩa cứu chuộc thế gian của Chúa
Giesu. Mẹ là Hòm Bia của Tân Giao Ước. Mẹ lưu lại với Elizabeth chừng 3 tháng,
vừa đủ thời gian để chứng kiến ngày Gioan chào đời, Gioan Tiền Hô,
đấng sẽ báo trước sự xuất hiện của Chúa Giesu.
Lời kết
Để kết thúc bài viết,
xin đọc lại suy tư về Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Đức Benedict XVI trong buổi
triều yết chung hàng tuần tại Castel Gandolfo ngày 16-8-2006.
“Nhờ chiêm ngưỡng sự
vinh quang của Mẹ Maria trên thiên quốc, chúng ta hiểu được trần thế không phải
là quê hương thực của chúng ta, và nếu chúng ta luôn luôn chăm chú để mắt nhìn
vào những của cải vĩnh cửu thì một ngày kia chúng ta sẽ được chia sẻ cùng một
vinh quang ấy, và trần thế sẽ trở nên tươi đẹp hơn. Vì vậy chúng ta sẽ không
mất bình tĩnh và an bình giữa hàng ngàn khó khăn mỗi ngày. Những hào quang Mẹ
mang về trời sẽ chiếu sáng rực rỡ hơn khi bóng tối sầu buồn của đau khổ và bạo
động lu mờ ở chân trời.
“Chúng ta có thể chắc
chắn về điều đó: Từ trên trời cao Mẹ Maria theo rõi những bước chân đi của
chúng ta với niềm ưu tư nhẹ nhàng, đánh tan những băn khoăn sầu muộn trong
những lúc đen tối và buồn nản, bảo đảm cho chúng ta yên tâm qua bàn tay dịu
hiền của mẹ. Biết được như vậy, chúng ta hãy tiếp tục quyết tâm đi trên đường
của người Kito hữu được Chúa quan phòng dẫn đưa. Chúng ta hãy tiến bước trong
cuộc sống của chúng ta dưới sự dìu dắt của Mẹ Maria.”
Fleming Island, Florida
August 10, 2022
NTC
Mời nghe
http://www.youtube.com/watch?feature=player_detailpage&v=83ShcuFOqxw