CHÚA NHẬT XIV C THƯỜNG NIÊN
Is 66:10-14c; Cv 66; Gl 6:14-18; Lc
10:1-12, 17-20 / 10:1
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Chủ đề “Bình An” được nói tới trong tất cả
các bài đọc hôm nay. Đặc biệt bài đọc sách Isaiah (66:10-14c) và Tin Mừng Luca
(10:1-12, 17-20) thì liên đới với nhau rõ ràng nhất. Isaiah chúc mừng sự trở về
của dân Israel đã được mong đợi từ lâu sau cuộc lưu đầy dài hạn và mường tượng
một trở về khải hoàn ở Jerusalem, một Thị Trấn Thánh và là Mẹ của các thị trấn.
Chắc chắn có sự song hành và cả đối
nghịch trong bài Tin Mừng hôm nay. Cả bài đọc Isaiah và Tin Mừng Luca đều nói
về nỗi vui mừng của dân Israel khi trở về Jerusalem sau cuộc lưu đầy và của các
môn đệ sau một sứ mạng thành công. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giesu, cũng như
dân Israel, đều làm cuộc hành trình trở về Jerusalem. Lúc đầu Chúa được dân
chúng đón tiếp, tung hô nồng nhiệt, nhưng sau đó lại bị từ chối. Chính tại thị
trấn Jerusalem này, Chúa Giesu sẽ khánh thành tân vương quốc của Thiên Chúa
bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên thập giá.
SỨ MẠNG CỦA BẢY MƯƠI
HAI VỊ THEO CHÚA
Chỉ trong Tin Mừng Luca mới có hai giai
đoạn chúa Giesu sai những người theo Chúa đi thi hành sứ mạng: Giai đoạn đầu
(Lc 10:1-6) Luca dựa vào Marco (Mc 6:6b-13) kể lại việc Chúa sai 12 tông đồ đi
làm nhiệm vụ. Rồi, khi thuật lại câu chuyện, Luca (10:1-12) lại dựa vào “Q” và
trở thành 72 người đi làm công tác truyền giáo. Giai đoạn này tiếp tục chủ đề
chúa Giesu sửa soạn nhân chứng cho Chúa và cho sứ vụ của Chúa. Những nhân chứng
này không phải chỉ có 12 vị tông đồ tiên khởi mà là 72 vị là những người có thể
đại diện cho sứ mạng Kito giáo vào ngày đó của Luca. Những chỉ dẫn đưa ra cho
12 tông đồ và 72 vị thì giống nhau. Những điều dặn dò 72 vị trong Luca 10:4
cũng được nói cho 12 vị trong Luca 22:35.
Chúa Giesu dặn mọi người khi đi thi hành
sứ vụ đừng mang theo tiền bạc, đừng chào hỏi ai dọc đường (Lc 10:4) là Người có
ý nhấn mạnh đến sự cấp bách của sứ mạng và điều kiện đòi hỏi của người truyền
giáo là tâm trí phải thanh thoát, không vướng bận bất cứ chuyện gì ngoài việc
chủ tâm chu toàn bổn phận Chúa trao. Vướng bận tiền bạc, của cải vật chất, tình
cảm cá nhân cần phải tránh vì nó làm nhao lãng bổn phận của người tông đồ theo
Chúa.
RAO GIẢNG TIN MỪNG
VÀ CHỮA LÀNH BỆNH
Luca liên đới việc rao giảng Tin Mừng và
chữa lành bệnh được Chúa Giesu ủy thác cho 12 tông đồ. Chúa kêu gọi các tông đồ
và sai các ông đi làm công tác mục vụ chữa lành bệnh thể xác và tinh thần cho
từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chúa Giesu cũng sai 72 người là
những vị tiền nhiệm của chúng ta với lời dặn: “Vào bất cứ thành nào mà được
người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì người ta dọn cho mình, hãy chữa những
người đau yếu và nói với họ ‘Vương quốc Thiên Chúa đã đến gần các ông’.”
Khi gửi 72 vị đi, chúa Giesu quả quyết
qua các môn đệ và những người tin và theo Chúa là bằng an của Chúa và tin lành
“Vương quốc Thiên Chúa đang đền gần họ” cũng sẽ được công bố cho toàn
thế giới. Khi họ trở về trong hân hoan, dù có lúc bị thiên hạ từ chối, chúa
Giesu cũng vui mừng vì sự thành công của họ đã nhân danh Chúa khuất phục được
ma quỉ. Sứ điệp không bao giờ ngừng, không bao giờ bị bỏ dở. Tuy nhiên lời kêu
gọi thống hối cũng là một phần của lời tuyên bố về vương quốc Thiên Chúa sẽ
mang đến phán xét nặng nề cho những ai được nghe lời đó mà từ chối. Khi vương
quốc Thiên Chúa được từ từ thiết lập thì ác quỉ dưới mọi hình thức sẽ bị đánh
tan và sự thống trị của satan trên loài người cũng sẽ kết thúc.
TUYÊN BỐ LỜI CHỮA
LÀNH BỆNH
Đối với Chúa Giesu, chữa lành bệnh không
chỉ là chữa bệnh thể xác mà còn chữa lành cả bệnh tâm hồn. Nó không chỉ làm cho
thân xác con người được khỏe mạnh hơn mà còn toàn thể tâm hồn, tội lỗi được tha
thứ và thế giới được chữa lành. Chính sự tuyên bố về Lời có nghĩa là chữa lành
và nó không thể tách rời khỏi nỗi ưu tư về những người anh em huynh đệ láng
giềng. Khi chúng ta chia sẻ bữa ăn với người xa lạ, như 72 vị tông đồ tiền
nhiệm của chúng ta đã làm, là chúng ta đã thiết lập tình liên đới với tha nhân,
mối ưu tư của chúng ta về sức khỏe và hạnh phúc của mọi người sẽ trở nên xâu xa
thắm thiết hơn. Khi chúng ta từ bỏ lợi ích cá nhân của mình và chú ý đến những
nhu cầu chữa lành của tha nhân là chúng ta tái tạo giao ước của Chúa nơi những
người đã từ chối cơ hội chữa lành bệnh.
Chữa lành luôn luôn bao hàm ý nghĩa ưu
tư đặc biệt và tiếp tục hoạt động của Giáo Hội. Sự liên đới giữa hòa giải, chữa
lành và cứu chuộc là những đề tài thường được lặp đi lặp lại trong Luca. Chúa
Giesu đã kêu gọi những người theo Chúa phải thống hối và cải đổi tận gốc rễ
những thái độ và cách sống cũ thành nếp sống mới về tình liên đới và thái độ
tốt lành thánh đức.
VUI MỪNG TRONG CHÚA
THÁNH LINH
Luận giải về bài Phúc Âm hôm nay, Đức
Gioan Phaolo II, trong tông thư 1986 Dominum et Vivificantem (Về Chúa Thánh
Linh trong đời sống của Giáo Hội và Thế Giới) đã viết ở đoạn #20: “Vậy thánh
sử Luca là người đã trình bày chúa Giesu như ‘tổng thể Chúa Thánh Linh’ và
‘được Chúa Thánh Linh dẫn …vào hoang địa’ đã nói với chúng ta là, sau khi 72
môn đệ làm xong công tác Thầy mình trao phó trở về, trong lúc các ông vui mừng
kể lại những thành tích của công việc mình làm, thì đồng thời Chúa Giesu cũng
hân hoan vui mừng trong Chúa Thánh Linh và nói: “Thưa Cha là Thiên Chúa trên
trời dưới đất, con cám ơn Cha, Cha đã che dấu những việc này với những người
khôn ngoan hiểu biết, nhưng lại biểu lộ cho những trẻ thơ nhỏ bé. Thưa Cha, đó
quả là vì ơn ý chí của Cha.’” Chúa Giesu vui mừng tình cha con của Thiên Chúa.
Người vui mừng vì đã khám phá ra được tình cha con này. Sau cùng, Người vui
mừng vì tình cha con của Thiên Chúa đã đổ tràn đầy trên những kẻ ‘nhỏ bé’.
Thánh sử đã diễn tả tất cả những điều này như là ‘niềm vui mừng trong Chúa
Thánh Linh.’”
TIẾP TỤC SUY NIỆM VỀ
ĐẤT THÁNH
Sau công đồng Nicea năm 325, Palestine
bắt đầu phát triển với những thánh đường của Constantine, đặc biệt ở ba địa
danh rất đáng kính là Nhà Mồ Thánh và đồi Calvary / Núi Sọ ở Jerusalem, địa
danh truyền thống, nơi Chúa Giesu từng giảng thuyết ở đồi Olives (còn gọi là
Vương Cung Thánh Đường Eleona) và Hang Đá nơi Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem. Một
số công trình này đã được trông nom săn sóc bởi chính từ mẫu Helena.
Đối với những người hành hương về
Palestine vào thế kỷ IV, những địa danh này đã là những trung tâm được họ ưa
thích nhất. Những thánh địa này đã trở nên quá phổ thông và được mọi người ưa
thích đến độ Jerusalem, nhất là đồi Golgotha, một trong những thánh địa truyền
thống Kito giáo, đã trở thành trung tâm của thế giới. Điều này thấy rõ ràng
trên nhiều bản đồ cổ xưa về Đất Thánh từ thời kỳ đó. Năm 333, một Kito hữu đã
thực hiện một cuộc hành hương từ Bordeaux đi Jerusalem bằng đường bộ. Để nhớ
lại, và có lẽ vì lợi ích cho những người hành hương trong tương lai nhiều hơn,
ông ta đã thu thập mọi chi tiết về những trạm dừng chân và chiều dài đường đi
và đường về rồi ghi lại trong một tập tài liệu quan trọng của ông ta gọi là Lộ
Trình Hành Hương Bordeaux.
BÊN TRONG THỊ TRẤN
JERUSALEM
Thánh Cyril, giám mục Jerusalem (349-384
A.D.) đã được một đặc ân độc đáo là đứng đầu hội thánh ở Jerusalem ngay sau khi
hoàn thành tòa nhà mới đã được khởi công xây cất từ thời Constantine. Địa vị
của Cyril lúc đó đã là một thèm muốn / ước mơ của tất cả các giám mục, mục tử,
linh mục, hội đồng hàng xứ, hội đồng tài chánh, thừa tác viên mục vụ. Hãy thử
tưởng tượng cảm giác bạn sẽ thế nào khi bước vào một tòa nhà rộng lớn, đẹp đẽ
huy hoàng tráng lệ tuyệt vời vừa mới xây xong mà không có vốn cũng không phải
vận động xin tiền! Cyril đã giảng một bài tuyệt hảo ngay tại nơi
Chúa Kito chịu chết và sống lại. Ngài nói về Calvary: “Những người khác chỉ
nghe nói, nhưng chúng ta vừa nhìn thấy lại sờ vào được nữa.” Cyril viết: “Ở
đây, trong thị trấn Jerusalem này, Thần Linh Chúa đã đổ tràn đầy ơn xuống cho
giáo hội; ở đây, Chúa Kito đã bị đóng đanh trên thập giá; ở đây, quí vị thấy
biết bao nhiêu là nhân chứng hiển hiện ngay trước mặt quí vị, địa danh nơi Chúa
phục sinh và ngọn đồi Olives về hướng Đông nơi Chúa lên trời.”
Trong nhật ký, bà Egeria (Etheria), một
phụ nữ giầu có người Y Pha Nho đã ghi lại những diễn biến cuộc hành hương của
bà đi về Đất Thánh khoảng giữa những năm 381-384. Lộ trình hành hương gồm có
Sinai, Ai Cập, thung lũng Jordan và xuyên suốt cả vùng Jordan. Chúng ta
đọc thấy không chỉ những cảm tưởng sống động bà ta ghi lại về những địa danh
kinh hánh còn nguyên vẹn, mà cả những quan sát sống động của bà về những nghi
thức phụng vụ được thi hành ở các đền thánh. Bà đã tả rất chi tiết những buổi
lễ Chúa Nhật và ngày thường qua suốt cả năm phụng vụ, đặc biệt bà chú trọng đến
những lời kinh trong Tuần Thánh mà chính bà đã tham dự tại Jerusalem. Qua bản
lộ trình hành hương của bà, chúng ta cũng được biết bà đã tận hưởng các cuộc
tiếp đãi rất nồng hậu và thân ái của những Kito hữu địa phương. Họ giúp bà tất
cả mọi nhu cầu cần thiết cho một người hành hương, chỉ cho biết những chỗ có
liên hệ đến kinh thánh, hướng dẫn những cử chỉ thờ lạy thích hợp ở từng nơi, đi
theo bà, tiếp đãi, giúp đở và cố vấn bà những điều cần thiết. Những kinh nghiệm
tích cực của bà Egeria có thể là những kinh nghiệm rất quí được chia sẻ
bởi đa số những người hành hương vào cuối thế kỷ IV và của những người hành
hương thời nay đã có may mắn được tiếp xúc với người dân địa phương nơi Đất
Thánh.
NHỮNG NGƯỜI MUỐN
ĐỊNH CƯ TẠI ĐẤT THÁNH
Chúng ta cũng nhận thấy có một cử chỉ
thực hành đạo đức liên quan đến những cuộc hành hương nơi Đất Thánh. Một số
khách hành hương đã quyết định đi về Đất Kinh Thánh đề sống, hoặc trong thời
gian lưu lại đó đã đổi ý nhất định ở lại. Đây là trường hợp thánh Jerome và
những người bạn gái của ông. Sau khi đã đến Palestine vào năm 386, ông đã thiết
lập một cộng đồng tại Bethlehem. Jerome đã kêu lên trong bài viết của ông: “Ở
đây, Người đã được bọc trong tấm vải thô; ở đây, những kẻ chăn chiên đã được
nhìn thấy Người; ở đây, Người đã được tỏ lộ ra qua các vì sao; ở đây, Người đã
được ba vua thờ lạy.” Jerome sau này đã viết cho Paula, bạn ông ở Rome,
thúc dục bà hãy về Đất Thánh mà sống. Thánh nhân viết: “Tất cả màu nhiệm
niềm tin của chúng ta đều được sinh ra ở xứ sở này và nơi thị trấn này.”
Thực không có gì khác ngoài
kinh nghiệm Kito giáo có thể khiến thánh nhân thốt ra những lời như vậy. Không
cần biết đã bao nhiêu thế kỷ qua đi, không cần biết Kito Giáo đã được lan
truyền sâu rộng thế nào, người Kito hữu quả đã kết hợp với Đất Thánh là nơi nảy
sinh ra Chúa Kito và Kito Giáo.
Fleming
Island, Florida
July 2022
_______________________
“Q”
là tên tập tài liệu góp nhặt lại những lời được coi là Chúa Giesu nói đã được
lưu truyền ở thế kỷ I và được Luca và Mathieu dùng. Giả thuyết Q đầu tiên được
khai triển bởi những học giả người Đức như một thành tố của một lý thuyết có 2
nguồn gốc ở thế kỷ XIX, giải thích cho vấn đề của các phúc âm nhất lãm, trong
đó Marco là Phúc Âm đầu tiên (và có lẽ là đáng tin cậy nhất khi diễn tả mục vụ
của chúa Giesu) và Q là nguồn những lời Chúa nói lúc sơ khởi. Tên Q
là từ tiếng Đức Quelle có nghĩa là “nguồn”. Giả thuyết Q cắt nghĩa: 1/Đồng ý có
rất nhiều giảng huấn của Chúa Giesu thấy trong cả Mathieu lẩn Luca nhưng không
thấy trong Marco (do đó đôi khi người ta gọi Q là “truyền thống nước đôi”).
2/Tại sao sự tiếp nối của lời Chúa trong Mathieu phần lớn lại đi theo Luca, và
3/Tại sao Mathieu đặc biệt lại có những lời nói 2 mặt td cùng một lời nói mà
một thì lấy từ Marco, một từ Q. Cho đến nay có rất nhiều nghiên cứu về Q,
nhưng cắt nghĩa thì có vẻ vẫn chưa đồng ý với nhau lắm, nhất là từ cuối thập
niên 1960 khi có phong trào phê bình chỉ trích và khám phá ra Phúc Âm của
Thomas vào năm 1947……