Sir 3:2-6,12-14; Cl 3:12-21; Mt 2:13-15, 19-23
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Gia đình là căn bản của xã hội, là rường cột của quốc
gia. Dù theo truyền thống Á Châu, Âu Châu hay Mỹ Châu, Úc Châu, Phi Châu...chân
lý đó không hề thay đổi. Bởi lẽ, nếu nền tảng của gia đình không còn thì quốc
gia không thể bền vững. Mọi căn bản đạo đức, trật tự xã hội và quốc gia sẽ đảo
lộn. An ninh trật tự không còn. Ai nói đạo Công Giáo không thờ kính tổ tiên cha
me? Hãy đọc kỹ bài đọc 1 sách Sirac.
Bài đọc 1 (Sir
3:2-6,12-14) Sách Sirac còn
gọi là Sách Huấn Ca, gồm có 50 chương nói về sự Khôn Ngoan. Sách được viết vào khoảng
giữa năm 200 và 175 BC (trước Chúa Giáng Sinh) bởi nhà luật sĩ Do Thái Ben Sira.
Sách gồm những chủ đề về đạo đức và thi phú giống như trong sách Châm Ngôn.
Quan điểm chính và quan trọng của Sirack về sự khôn ngoan là thiết lập tình
liên đới có phẩm chất giữa con người với nhau để rồi đi đến việc thực hiện niềm
kính sợ Thiên Chúa làm trung tâm động lực của tình liên đới khôn ngoan thực sự.
Nói cách khác, là tạo dựng tình liên đới chính đáng giữa vợ với chồng, cha me với
con cái, trẻ với già, giầu với nghèo, và cuối cùng dẫn đến sự tôn vinh sùng kính Thiên Chúa ngày càng nhiều hơn.
Mục đích của Sirach về tình liên đới rất phong phú và rõ
ràng ở những câu vắn gọn trong phần mở đầu của sách. Thiên Chúa làm cho người
cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Thờ
kính cha mẹ không đơn thuần là chỉ tốt trong hiện tại mà còn được cứu chuộc mọi
lỗi lầm ở quá khứ. Ngoài ra, không chỉ được tha mọi tội lỗi mà tôn vinh cha mẹ
cũng được Thiên Chúa thương nghe nhửng lời nguyện cầu. Vậy, tạo dựng tình liên
đới chân chính có thể hàn gắn được những đổ vỡ ở quá khứ, làm cho những liên kết
hiện tại mạnh mẽ hơn và sửa soạn để Thiên Chúa hành động trong chúng ta ở tương lai.
Sự khôn ngoan trong bài đọc
này rất quan trọng đối với gia đình chúng ta ngày nay. Nhiều gia đình hiện rất
mong manh, cha mẹ ly dị, con cái bỏ gia đình, bị xô đẩy lôi kéo vào những đầm lầy
tội lỗi của sắc dục, tiền tài, danh vọng bất chính, gian dối, cướp của giết người
ở ngoài gia đình nơi xã hội đầy cám dỗ. Những thách thức này thường làm mất danh
dự và niềm tự hào của gia đình. Khôn ngoan Sirach kêu gọi chúng ta trở lại với
gia đình, với tình liên đới thắm thiết giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em với
nhau, và với Thiên Chúa. Càng thi hành tình liên đới gia đình với tự trọng và
cương quyết, chúng ta càng kính mến Thiên Chúa nhiều hơn. Thiên Chúa sẽ ban ân
phúc cho chúng ta vượt qua mọi gian nguy khốn khổ.“Gia đình sẽ nâng bạn lên cao
trong công chính.”
Gia đình thánh cũng
như vậy. Đó là Giáo Hội. Chúng ta càng làm việc hăng say, giúp đõ nhau
và chia sẽ niềm cảm thông, lòng trắc ẩn xa rộng đến với những người anh em
huynh đệ, bất kể giầu nghèo, bất kể quyền lực, thì sức mạnh cộng đồng nguyện cầu
càng được Thiên Chúa lắng nghe nhiều hơn.
Bài đọc 2 (Cl
3:12-21) Bài đọc này là thư của thánh Phaolo gửi tín hữu Coloxe nói về nhân đức
xây dựng cộng đồng và kết luận là lời tri ân, một ý tưởng hướng dẫn cộng đồng
như đã được xây dựng theo ý của thánh nhân.
Coloxe là một thị trấn ở phía Đông Ephesus. Thánh Phaolo viết
thư cho cộng đồng tín hữu Coloxe, cho họ biết những tin tức mà họ phải chiến đấu
để theo đuổi cho được có niềm tin. Đặc biệt đối với những Kito hữu đang thực
hành những nghi thức đạo của dân ngoại và thờ nhiều thần giả. Họ cũng phải phấn
đấu với những giáo huấn của chúa Giesu là Thiên Chúa thật. Chúa Giesu không đơn
giản chỉ là một tiên tri lớn nhất trong những tiên tri được Thiên Chúa sai đi.
Qua bức thư này, Phaolo đã nhấn mạnh, quả quyết Đức Giesu là Thiên Chúa thật.
Phaolo cũng nhắc lại là những ai đã chịu phép rửa trong
Chúa Kito để trở thành Kito hữu thì cũng có một đời sống mới để sống, tất cả những
cách sống lề xưa lối cũ đều phải bỏ đi. Cung cách đặc biệt của người Kito Hữu
là đặc tính thánh: “Lòng Trắc Ẩn tự
thâm tâm,Tử Tế, Khiêm Nhường, Dịu dàng và Nhẫn Nại,”cùng với lòng
tha thứ và tình yêu thương là những thành tựu cao nhất dẫn đến hoàn thiện.
Ngoài ra những tặng thưởng về hòa bình và tri ân thì thuộc về những ai nắm vững
được sự hiệp nhất với thân thể Chúa Kito. Thái độ của những Kito hữu này không
thể đơn giản cùng hiện hữu và song hành đi đôi với quan điểm về đời sống cũ trước
kia được.
Để thiết lập những đặc tính chung hầu theo đuổi lề lối sống
của Kito giáo hiện đang tràn đầy lòng tri ân, được biểu lộ qua những đáp trả bằng
sự ca ngợi và thờ lạy, Thánh Phaolo lúc đó lại nhắc đến tình liên đới
trong gia đình. Nếu tình liên đới hòa bình này có được trong Giáo Hội thì cũng
sẽ thấy trong gia đình Kito Giáo. Do đó thánh Phaolo đã dùng ngôn từ người vợ “phụ
thuộc” vào chồng, người chồng nên tránh những ngôn từ “cay đắng” với
người vợ, và con cái phải “vâng lời” cha mẹ tất cả mọi sự. Dù chúng ta
có thể thấy những ngôn từ này chói tai ở thế kỷ 21 này, nhưng nó cũng quan trọng
để nhận thấy là thánh Phao lo cũng không ưa loại quyền lực kiểu tổ phụ và nắm
quyền điều khiển vợ và con cái. Nhưng ngài tin rằng bình an và hòa hợp nhịp
nhàng phải có trong giáo hội địa phương tức gia đình cũng như ở những cộng đồng
thờ phượng giáo phận và giáo xứ.
TIN MỪNG PHÚC ÂM (Mt 2:13-15, 19-23)
Bài Tin Mừng này theo Mathieu có giọng văn khá sống động
và huyền bí nhưng lại bất thường, đầy dẫy những điềm xấu.
Câu chuyện Chúa Giesu Sinh Ra kết thúc với giấc mộng của
Giuse là phải mang Chúa Giesu và Mẹ Maria đi sang Ai Cập để tránh cuộc truy nã
của vua Herode. Đối với Kito hữu Do Thái thì cuộc hành trình của Thánh Gia đi
Ai Cập rồi từ Ai Cập trở về lại Bethlehem, Mathieu đã làm cho ý nghĩa câu chuyện
trở nên hoàn hảo. Ngài muốn đặt câu chuyện Chúa Giesu trong khung cảnh cuộc xuất
hành của dân Israel đổ về Ai Cập để tránh nạn đói rồi lại trở về Canaan dưới sự
hướng dẫn của hồng ân Thiên Chúa qua ông Maisen. Mathieu kể lại một cách trong
sáng câu chuyện này đầy ý lời của tiên tri Hosea, “...Từ Ai Cập, Ta đã gọi
con Ta về” (Hs 11:1). Giuse đã theo Lời Chúa ở lại Ai Cập đến khi mọi sự an
toàn thì trở lại Israel, cũng qua một giấc mộng do thiên thần báo.
Mathieu không cho nhiều chi tiết liên hệ đến cuộc chạy trốn
đi Ai cập và hành trình trở về nhà. Nhưng ngài nói rõ là Giuse đã dịnh cự tại một
làng nhỏ là Nazareth để tránh nguy hiểm do luật lệ mới ở Judea. Làng Nazareth
cách Bắc Jerusalem chừng 90 dặm, ở đó, Chúa Giesu có thể lớn lên trong yên lặng
cho đến khi có thể sẵn sàng cho mục vụ của Chúa.
Trong khung cảnh mừng lễ Thánh Gia, chúng ta nên chiêm niệm
lòng chính trực của Giuse, như đã gọi Giuse là
người Công Chính. Giuse đã chăm lo săn sóc gia đình gồm Chúa Giesu
và mẹ Maria hơn cả chính mình, vì ngài tin tưởng vào sự can thiệp quan phòng của
Thiên Chúa qua sứ điệp mà thiên thần đã báo cho ông. Giuse là một cha nuôi rất
đáng yêu đã luôn luôn lắng nghe cẩn thận ước muốn của Thiên Chúa, từ bỏ quê
hương và công việc riêng tư của mình.
Chúng ta hãy cầu xin để các gia đình Kito Giáo, đang bị
pháo kích bởi mọi thứ tiếng nói trên thế giới dưới mọi hình thức, -từ bạo động
chiến tranh cho đến văn từ truyền thông báo chí- được khôn ngoan để nhận định
ra được ước muốn của Thiên Chúa cho sự thánh đức và tốt lành của gia đình.
Fleming Island, Florida
Dec 28, 2022
NTC