Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
ĐỪNG SỢ NHỮNG NẤM MỒ Ở TRẦN GIAN

Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật VI thường niên B

(Leviticus 13:1-2,45-46. 1Corinthians 1031-11:1. Mark 1:40-45)

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

Bài đọc Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy những luật lệ rất nghiêm ngặt đối với những người mắc bệnh ngoài da mà mỗi khi nghe tới tên bệnh là người ta đã cảm thấy gớm ghiếc, ghê sợ cần phải xa lánh vì lây truyền nguy hiểm. Đó là bệnh hủi, còn gọi là cùi hủi hay phong cùi.

Đây là một loại bệnh ngoài da, hay lây và khó chữa, mặc dù khoa học hiện đại ngày nay đã khống chế được nó rất nhiều, không như ở nhửng thế kỷ trước là một bệnh bất trị.

 

NGƯỜI CÙI HỦI DƯỚI THỜI CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

Qua lịch sử, một số bệnh ngoài da đáng sợ và kinh tởm như bệnh cùi hủi đã cho chúng ta một hình ảnh ghê gớm về người bệnh. Đây là một loại bệnh thường thấy và nguy hiểm ở thời cựu ước xa xưa mà chính thiên chúa đã phải đưa ra cho ông Maisen những chỉ dẫn rất cẩn thận và tỉ mỉ để đối ứng với cái bệnh hiểm nghèo ấy như chúng ta thấy nói đến ở chương 13 và 14 trong sách Levi. Tin tưởng rằng chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh cùi hủi chính là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được phép lạ chúa đã làm như được kể trong Tin Mừng thánh Mác Cô hôm nay. Nó nói lên cái căn cước của Chúa Giêsu.

Trong Kinh Thánh, bệnh cùi hủi biểu hiện dưới hai hình thức. Cả hai đều bắt đầu bằng da bị đổi màu từng mảng một. Sau đó bệnh lan tràn khắp thân thể và xâm nhập vào trong lục phủ ngũ tạng. Dần dà tay chân bị biến dạng khi mà các mô thịt bị suy thoái và biến mất.

Vào thời Chúa Giêsu, những người bị cùi hủi không được ở trong cộng đồng và bắt buộc phải sống cách ly gia đình, bạn bè và không được giao tiếp với bất cứ ai. Đọc sách Levi (13:45-46 ) chúng ta thấy những người bị cùi hủi mặc áo vải thô rách nát, đầu tóc rối bù và sống cô đơn, cách biệt ở bên ngoài cộng đồng. Những kẻ vô gia đình này phải la lớn lên “tôi dơ bẩn, tôi dơ bẩn” mỗi khi có ai khác đi tới gần mình. Người cùi hủi phải đau khổ cả về thể xác là thân mình bị đau nhức, bệnh tật thì bất trị lẫn tinh thần vì tủi hổ  phải ly cách gia đình, bà con bạn bè, người thân thích, sống riêng rẽ cô đơn, người đời xa lánh. Cuối cùng cả hai thực tế này đã phá hủy cuộc đời của nạn nhân. Nhưng thử hỏi, trong hai cái tai ương đau khổ đó cái nào tệ hại hơn? Sự cô đơn vì bị xã hội ruồng bỏ hay thân xác và làn da bị tàn phá?

 

CHÚA GIÊSU  CHỮA SẠCH  NGƯỜI CÙI  HỦI

Câu 40 của đoạn 1 trong Tin Mừng thánh Mac Cô nói: Tin Chúa Giêsu có quyên năng làm phép lạ đã lan truyên khắp vùng, tơi cả những người cùi hủi bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh và ghê tởm. Một người phong hủi đến “quì gối trước mặt Chúa Giêsu và van xin Người.”  . Người cùi hủi thưa với Chúa Giêsu:

- Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch (Mc.1:40)

Khi đến gần chúa Giêsu, người cùi hủi đó đã vi phạm luật Levi. Nhưng khi nói: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch” thì người cùi này không những đã tin tưởng tuyệt đối vào khả năng làm sạch bệnh cho anh ta của chúa Giêsu, mà còn thách thức Chúa hành động. Chúa Giêsu “vì tình thương đã giơ tay, đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn anh sạch thì anh ta liền sạch”. Theo phong tục ở miền Địa Trung Hải hồi xa xưa thì đụng vào người cùi hủi là một hành động rất đặc biệt, có thể nói là cấp tiến. Chỉ có các tư tế / linh mục mới có quyền tuyên phán ai là người đã sạch bệnh ngoài da. Do đó theo luật cũ, sau khi chữa lành, chúa Giêsu đã “truyền cho anh ta phải đi trình diện thấy cả tư tế để chứng nhận là bệnh đã lành. Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn cấm anh ta không được nói với ai, nhưng anh ta khi ra đi đã loan truyền cho mọi người biết phép lạ mà Chúa Giêsu đã chữa lành sạch cho anh ta.” (Mc1:41-45).

 

NHỮNG GẶP GỠ VỚI NGƯỜI CÙI HỦI

Chuyện những người cùi hủi phải sống riêng rẽ trong những khu vực biệt lập không phải chỉ xẩy ra ở thời xa xưa trong cựu ước và tân ước mà hầu như trên khắp thế giới hiện nay và ngay cả ở Việt Nam.

Tuy là chuyên viên ngành y, tôi chưa bao giờ đụng tới người cùi hủi, có chăng hồi còn học sinh  trung học, thỉnh thoảng thấy người cùi trốn trại ngồi ở lề đường Saigon, mặt mũi sần sùi, tay chân bị co quắp cầm cái chén đưa ra trước mặt để cầu xin lòng thương xót của những người qua lại, cho đến khi tôi có dịp vào thăm trại cùi do cơ quan từ thiện của Công Giáo trông coi hồi trước 1975. Lần đầu tiên ở Tuy Hòa, tôi vào thăm trại do các dì phước coi sóc, nơi đây hồi xưa nhà thơ Hàn mạc Tử đã có lúc trú ngụ. Trại này vì ở gần biển nên khá thơ mộng mát mẻ. Một trại nữa ở Di Linh mà Đức Giám Mục Cassaigne, người Pháp, từng là giám mục giáo phận Saigon, sau khi trao lại cho Viêt Nam thời TT Ngô đình Diệm, đã trở lại đây coi sóc những người cùi xấu số cho đến khi chình ngài cũng mắc bệnh cùi và qua đời tại đây. Các dì phước coi sóc những người bệnh này tương đối khá, nhưng chỉ là giúp đỡ họ đỡ đau khổ thể xác và tinh thần thôi, vì hồi đó bệnh cùi , nói đúng ra không có thuốc chữa trị và bác sĩ, nhân viên y tế cũng không có ai xung phong đến đây chăm sóc, mọi dịch vụ y tế đều do các dì phước đảm trách. Về vât chất thì do những cơ quan từ thiện công giáo quốc tế và nhà nước giúp đỡ. Không biết sau 1975 thì tình trạng của những trại này ra sao. Điều đặc biệt là những nạn nhân trong trại  -theo lời kể của các dì phước- mỗi khi có người ngoài vào thăm viếng tiếp xúc với họ, họ rất sung sướng. Đúng vây, chính tôi đã cảm nhận và nhìn thấy tận mắt. Nhiều người tỏ vẻ cảm động chảy nước mắt. Trẻ con thì vẫn hồn nhiên chạy chơi hoặc đứng ngơ ngác ngó chúng tôi. Nhưng có những người đã chạy trốn như không muốn cho ai nhìn thấy mặt mũi họ sần sùi, tay chân co quắp, dính đầy máu mủ hôi tanh. Có những cặp vợ chồng vẫn sống với nhau và họ vẫn có con và dĩ nhiên con cái họ rồi cũng là nạn nhân như họ mà thôi. Thú thật tôi đã giơ tay đụng vào họ để cảm thông và an ủi họ phần nào. Chúng tôi đã chia sẻ với họ những lon coca cola khiến những giòng nước mắt họ tuôn chảy không ngừng trên đôi má. Họ nghẹn ngào không nói nên lời. Nhìn họ tôi không tài nào không nhớ đến những câu ví ở đời “Tránh như tránh hủi” để mà cảm thấy cái tủi hổ của những người bị bệnh phong cùi, bị xã hội ruồng bỏ xa lánh. Đó là những ngày khó quên ở Tuy Hòa vẫn còn in hằn sâu trong tim chúng tôi, dạy cho chúng tôi biết cái điều kiện cơ cực khổ ải của những người cùi trên khắp thê giới và ở thời chúa Giêsu. Ở đâu trên trần gian này thì những điều kiện hoàn cảnh nó cũng không khác nhau cho lắm. Cực hình, khốn khổ, đau thương, cô đơn và tủi hờn….Những cảnh tượng ở Việt Nam có lẽ không thấm thía vào đâu nếu so sánh với những làng ở Ai Cập dọc theo giòng sông Nile mà tôi được nghe kể và đọc trong sách báo, nơi người ta giữ những người cùi và những người tàn tật cùng tận, những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo, cũng do những dì phước trông nom săn sóc. Những người này bị xích lại từng dây, ở xâu ẩn nấp dưới hầm, cách biệt với thế giới văn minh. Có thể nói đó là một loại mồ của những người còn sống nhưng coi như đã chết. Họ sống khổ cực hơn cả súc vật, nỗi đau thương không thể tưởng tượng nổi. Người ta coi họ như súc vật.

Bị xã hội, người đời xa lánh, ruồng bỏ như vậy thì thử hỏi những người dám hy sinh cuộc đời mình để chăm sóc cho họ thì những cử chỉ đó cao quí biết bao. Chúng ta thử nghĩ đến những nhân vật đặc biệt có trong truyền thống công giáo của chúng ta.

 

NHỮNG NHÂN VẬT ĐẶC BIỆT ĐÃ HY SINH CHO NGƯỜI CÙI

Trước tiên chúng ta không thể không nhớ đến Đức cha Cassaigne, nguyên giám mục Saigon. Sau khi từ chức giám mục, ngài đã không trở về Pháp để nghĩ hưu, sống nốt quãng đời còn lại một cách nhàn hạ sung sướng. Ngài trở lại trại cùi Di Linh nơi ngài đã thành lập trước khi được Vatican chọn làm giám mục. Cử chỉ đó quả là can đảm, một hy sinh phi thường, nhất là sau cùng ngài đã chết tại trại, quê hương thứ hai của ngài vì bệnh cùi. Thiên Chúa hẳn thưởng công cho ngài. Ngài đã không sợ những nấm mồ của người sống ở trên mặt đất này. Không ham danh quyền, sung sướng thân xác. Chúng ta cũng không quên những dì phước vô danh, suốt cả cuộc đời tận tụy cho người nghèo, những người cùi hủi từ khi có đạo công giáo ở Viêt Nam cho đến bây giờ. Có mấy ai biết đến họ mà họ vẫn căm cụi hy sinh vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa dù là cùi hủi thân xác hay là bệnh bất trị chết người HIV. Họ vẫn cặm cụi, thui thủi ngày đêm săn sóc những kẻ không một ai muốn nhìn tới chứ dừng nói là cầm tay chạm vào người như Chúa Giêsu đã làm.

Trong lịch sử công giáo hoàn vũ, chúng ta cũng không thể quên Thánh Damien đảo Molokai. Tên thật ngài là Joseph De Veuster, sinh năm1840 tại Bỉ. Năm 20 tuổi ngài vào dòng Trái Tim Cực Thánh Chúa và được gửi đi truyền giáo ở đảo Ha Uy Di, ở đó ngài lấy tên là Damien. Sau 9 năm thi hành mục vụ với chức linh mục, năm1873 ngài được phép đi làm việc giúp những người cùi hủi bị bỏ quên ở đảo Molokai đến năm 1885 chính ngài bị lây bệnh cùi và qua đời vào tháng 4 năm 1889. Ngài đã là nạn nhân, chết vì lòng bác ái đối với tha nhân. Ngài được Đức Gioan Phaolo II phong chân phước năm 1994 và phong thánh ngày 11 tháng 10 năm 2009 bởi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Cùng với thánh Damien, chúng ta hãy cầu xin để chúng ta không sợ những nấm mồ ở trần thế này. Ngài đã đi vào lòng của thế giới cùi của Molokai, mà vào cái thời đó người ta coi như là « cái nghĩa địa và hỏa ngục của những người còn sống » và, từ bài giảng đầu tiên ngài đã mở rộng lòng tay nhân ái bao phủ tất cả những con người bất hạnh ấy bằng câu nói đơn giản : « Chúng Ta Những Người Cùi… ».  Và người bệnh đầu tiên ngài gặp đã nói với ngài :

    - Thưa cha, cha hãy coi chừng, kẻo cha lây bệnh của con !

Ngài đã trả lời :  

    - Cha là cha, nếu bệnh tật lấy đi cái thân xác này của cha thì Thiên Chúa sẽ cho cha một thân xác khác.

Một thánh nhân khác là Chân Phước Marianne Cope (1838-1918), là mẹ của những người cùi ở Molokai. Vào năm 1880, dì phước Marianne lúc bấy giờ đang là bề trên giòng các dì phước Thánh Francis ở Syracuse, Nữu Ước, đã đáp lời gọi đi giúo các người cùi ở đảo Molokai, thuộc Hạ Uy Di. Dì đã làm việc cùng với cha Damien trong một xã hội của những người bị ruồng bỏ, xua đuổi, cô lập trên bờ biển của một hòn đảo và không bao giờ được trở về với gia đình.

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có khoảng 10% người bị bệnh cùi ở đảo Molokai và bán đảo Kalaupapa là phật tử. Còn đa số thì theo đạo thổ dân thuộc các đảo Polynesia. Một số theo đạo Tin Lành Thệ Phản, một số theo đạo Công Giáo. Dì phước Marianne yêu thương tất cả mọi người và chứng tỏ nỗi niềm trắc ẩn đối với tất cả những người khổ đau vì bệnh cùi hủi. Riêng dân chúng thuộc tất cả mọi tôn giáo ở trên các đảo đêu một mực tôn kính và nể trọng cha Damien và dì phước Marianne là những người đã hàn gắn đau thương thể xác và linh hồn cho họ.

 

ĐỪNG SỢ

Sau cùng, với lòng biết ơn chân thành, chúng ta hãy nhớ đến Chân Phước Teresa thành Calcutta (1910-1997), người không bao giờ biết sợ khi nhìn và chạm mặt Chúa Giêsu, được biểu hiện qua hình ảnh những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khó.

Mẹ Teresa đã viết : « Một khi tâm hồn chúng ta tràn đầy thì sẽ biểu lộ qua những hành động: Tôi  đối sử với người cùi hủi đó thế nào, tôi sử sự với con người đang chết đó ra làm sao, tôi giúp đỡ những kẻ vô gia cư đó thế nào. Đôi khi làm việc với những người đang chết ở ngoài đường phố còn khó khăn hơn là làm việc với những người đang chết ở trong nhà chúng ta, bởi vì những người sắp chết ở trong nhà họ bình thản và chờ đợi. Họ sẵn sàng ra đi về với Chúa.

« Bạn có thể rờ vào người bệnh, người cùi hủi và tin rằng đó chính là thân xác Chúa Kito mà bạn đang rờ, nhưng khi những con người ấy lại đang say nhừ tử  và la lối um sùm thì quả là khó khăn hơn nhiều có thể tưởng tượng đó là hình ảnh chúa Giêsu. Những bàn tay của bạn phải sạch sẽ và đáng yêu thế nào để có thể có được niềm cảm thông, sót thương trắc ẩn đối với họ ! »

« Chúng ta cần phải trong sạch tự đáy lòng chúng ta để nhìn thấy Chúa Giêsu qua những người nghèo khổ nhất một cách trong sáng. Do đó, hình ảnh Chúa bị biến dạng càng nhiều bao nhiêu nơi một người nào đó thì niềm tin, sự tận hiến của chúng ta trong việc tìm kiếm dung nhan chúa Giêsu để thi hành mục vụ Chúa càng to lớn và cao cả bấy nhiêu.»

 

ĐÔI LỜI KẾT

Đa số người ta sẽ chẳng bao giờ có dịp tiếp súc với những người cùi hủi. Chúng ta cũng chẳng có thể hiểu nổi những cảm giác sót xa đớn đau của những người bị xã hội ruồng bỏ và xa lánh. Nhưng ở xã hội ngày nay lại có những hình thức cùi hủi khác đang phá hủy con người, giết chết cả hy vọng lẫn tinh thần, lại tách biệt con người ra khỏi xã hội loài người. Ai là những kẻ cùi hủi tân kỳ trong cuộc sống của chúng ta hiện nay ?  Đâu là những căn bệnh nguy hiểm đang làm ô uế con người, cô lập và cắt đứt mọi người ra khòi đất sống của họ ?  Điều kiện của xã hội hiện nay là cái gì mà nó có thể biến con người thành sống cũng như chết, xô đẩy con người đi vào những nghĩa địa hoang tàn, những ngục tối không còn nhân phẩm, bị nghèo khó, tuyệt vọng, cô lập, bạo động, buồn nản, chán chường, vô gia cư, nghiện ngập và tâm bệnh ?

Chúng ta đùng có sợ những nấm mồ ở trần gian này. Hãy đi vào những căn lều lụp xụp ẩm thấp và đem lời ủi an, dáng điệu khoan dung, khiêm tốn để hàn gắn mọi người. Hãy nhớ lại lời chân phước Teresa thành Calcutta : « Việc làm càng dơ bẩn bao nhiêu thì niềm tin của chúng ta, sự tận hiến của chúng ta càng trở nên vĩ đại bấy nhiêu. Chúng ta cảm thấy việc dơ bẩn là tự nhiên, nhưng nếu chúnng ta vượt qua khỏi được nó vì tình yêu Chúa thì chúng ta có thể trở thành anh hùng ».

Xoa dịu vết thương cùi hủi của tha nhân là một hành động bác ái. Chúng ta cũng nên suy nghĩ về chính bản thân chúng ta xem chúng ta có mắc bệnh cùi hủi trong âm hồn và lòng trí chúng ta không để đến nỗi xã hội ruồng bỏ, luơng tâm ta áy náy, Chúa phải buồn phiền thở dài ? Hãy quì gối, cúi đầu trước mặt Chúa và thưa : Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin chữa sạch lòng trí con.(Mc 1: 40)

 

Fleming Island, Florida

Feb.10,  2012

NTC

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!