Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
SỰ TRỖI DẬY CỦA HỒI GIÁO CƠ BẢN

 

Người Ả Rập gọi Thập Tự Chiến / Crusades là al-Salibiyyah.  Danh từ này rất nhậy cảm, dễ gây xúc động đối với dân Ả Rập, gợi họ nhớ lại những hành động tàn ác của người Âu Châu trong thời gian 200 năm chủ trương tấn chiếm Đất Thánh lấy lại chủ quyền về phía Công Giáo.

 

Đối với dân Ả Rập, Thập Tự Chiến không phải chĩ có một lần, nhưng là có hơn hai lần.

 

Thập Tự Chiến thứ hai là “thời kỳ thuộc địa” khi mà thế giới Ả Rập nằm dưới sự thống trị của đế quốc Anh, Pháp và những cường quốc Âu Châu khác. Việc này đã làm tiêu tan giấc mơ thống nhất các nước Ả Rập của họ đồng thời gây cho họ một mặc cảm thấp kém, bất lực trong việc đánh đuổi người Âu Châu xâm lăng trong một thời gian dài như vậy.

 

Thập Tự Chiến hiện tại -dưới mắt của người Hồi Giáo Cơ Bản -là một cuộc chiến đang đe dọa trầm trọng cách sống của người dân Ả Rập. Họ gọi cuộc chiến đó là “Cuộc chiến Đế quốc Mỹ”. Không như người Anh, người Pháp và những người Âu Châu ở thế kỷ XIX, người Mỹ không chủ trương biến những vùng đất của người Ả Rập thành thuộc địa, bởi lẽ chính họ khởi đầu cũng là dân thuộc địa, đã phải sống dưới luật lệ của thuộc địa; họ đã phải tranh thủ chiến đấu bằng chiến tranh cách mạng để thoát khỏi cảnh đô hộ đó và lập ra nền Cộng hòa Mỹ Quốc.

 

Tuy nhiên, nền văn hóa Mỹ quốc đã đang đe dọa nếp sống cổ truyền của các tín đồ Hồi Giáo. Đây là lý do rất quan trọng đã khiến tín đồ Hồi Giáo thù ghét  Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.

 

Một phần nữa, họ cho là những tiến bộ khoa học kỹ thuật về truyền thanh truyền hình đã đem cái văn hóa đồi trụy của Tây Phương vào tận gia đình của mọi quốc gia trên thế giới. Phim ảnh của Hoa Kỳ thì đầy dẫy, bất cứ chỗ nào trên thế giới cũng có. Những thông điệp, tin tức họ gửi đi không phải là những thông điệp, tin tức tốt và lành mạnh. Họ mô tả những quang cảnh vô luân và tàn bạo, không đúng với thực tế của phần đông những gia đình người Mỹ, nhưng khán thính giả ngoại quốc đâu có biết. Họ lại cổ võ, khuyến khích những người đàn bà không đội khăn, ăn mặc hở hang, tự do phóng khoáng và những đứa trẻ nít cái gì cũng biết đã coi thường cha mẹ. Cả hai hiện tượng này đều đã xúc phạm đến giá trị văn hóa của Hồi Giáo.

 

Những năm gần đây sự xâm nhập của văn hóa Tây Phương trở nên tồi tệ hơn vì hệ thống vệ tinh truyền hình. Càng ngày càng có nhiều người coi phim ảnh của Tây Phương và những màn kịch trình diễn trên truyền hình lại càng làm nảy sinh tư tưởng bài Tây phương nhiều hơn.

 

Thêm vào đó, dân Ả Rập trên khắp thế giới đêm nào cũng coi tin tức sốt rẻo về Palestine khốn khổ lại càng làm cho họ oán trách Hoa Kỳ hơn. Lý do   đơn giản là Dân Israel giết dân Palestine, mà Hoa Kỳ yểm trợ Israel, do đó họ phải oán trách Hoa Kỳ mà thôi.

 

Ai cũng biết Hoa Kỳ là một nước bạo động, cho nên Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về những hành vi bạo động đó. Những ác cảm oán thù đó lại trở nên trầm trọng hơn khi Hoa Kỳ can thiệp quân sự ở Trung Đông, có nghĩa là Hoa Kỳ đứng về phía đối nghịch, chống lại Hồi Giáo.

 

Thực tế là dân Hồi Giáo đã chẳng thèm để ý đến việc Hoa Kỳ và đồng minh vào thập niên 1990 đã yểm trợ giúp họ chống lại dân tộc Serbs và Croats trong chiến tranh vùng Balkan. Trái lại, dưới mắt của nhiều người trong thế giới Hồi Giáo, Hoa Kỳ giải phóng Afghanistan khỏi sự áp bức của chế độ Taliban vào năm 2001-2002 cũng như cuộc chiến Iraq lật đổ Saddam Hussein đơn thuần lại là tấn công người anh em đồng chí Hồi Giáo của họ mà thôi. Ngoài ra, nên nhớ rằng ở nhiều nước trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo, không có vấn đề tự do báo chí và truyền thanh truyền hình; tin tức  thường bị kiểm duyệt và bị biến đổi đi. Nay mọi sự lại đều tự do cả.

 

NGUỒN GỐC  CỦA HỒI GIÁO CỰC ĐOAN

 

Tất cả những sự kiện đó đã khiến cho Hồi Giáo cơ bản trỗi dậy. Đây không phải là vấn đề mới mẻ gì. Cũng như  các tôn giáo khác, Hồi Giáo cơ bản đến rồi lại đi, giống như Ki Tô giáo có lúc thăng trầm lên xuống vậy.

 

Vào thế kỷ XVIII, Ibn Abdul Wahhab (1703-1792), một thần học gia và là nhà cải cách Hồi Giáo sinh quán ở Najd, bây giờ là thủ đô Riyadh của Saudi Arabia đã đưa ra một quan niệm mới về Hồi Giáo…Các đồ đệ của ông đã thành lập phái Sunni, cũng được biết dưới danh hiệu Wahhabis. Đây là phái cực đoan nhất trong các phe phái của Hồi Giáo –khủng bố, bạo động, cuồng tín và không tương nhượng. Họ khởi phát nổi lên ở Arabia không phải vì Thập Tự Chiến Crusades ở Âu Châu nhưng vì sự suy đồi trụy lạc của các ông hoàng đế Ottoman. Ibn Abdul Wahhab đã thành lập một quốc gia ở bán đảo Arabia theo khuôn mẫu Ummah ở thế kỷ XVII, một loại Cộng Đồng (Bộ lạc Hồi) sống theo luật sharia của Hồi Giáo dưới sự cai trị của  một bộ lạc trưởng / sheik.

 

Phái Hồi Giáo cực đoan này hiện vẫn là một tôn giáo lớn chiếm đa số ở Saudi Arabia, và có rất nhiều tín đồ ở các quốc gia khác trong vùng vịnh Ba Tư. Quân khủng bố vụ 9 -11 tấn công Trung Tâm thương mại quốc tế The World Trade Center ở Nữu Ước cũng từ đây mà ra. Thực ra không phải tất cả những người Hồi Giáo là dân khủng bố, nhưng tất cả những tên khủng bố đều là Hồi giáo cực đoan Wahhabis. Quyết đoán như vậy thì hơi quá, nhưng đó là sự thật, bởi vì hầu hết các đền thờ Hồi Giáo ở các nước Tây phương đều được tài trợ bởi dân Saudis, các mục sư giảng thuyết đều theo sát giảng huấn của Wahhabis trong kinh Koran. Khoảng thời gian đầu của năm 1801 các tín đồ của Wahhab đã giết tất cả những ai chống đối, đi ngược lại họ. Họ đã tràn vào một thành phồ thuộc phe Shiite ở Karbala giết hại 2,000 người dân lành vô tội.

 

Tuy nhiên, phe cực đoan cơ bản không phải chỉ có ở Arabia. Sau này,trong cùng một thế kỷ, ở Sudan có một người tự xưng danh là mahdi, tức đấng thiên sai xuống thế để tái lập hòa bình và công lý. Đây cũng là một người Hồi Giáo cơ bản quá khích khác muốn kết hợp tất cả mọi người Ả Rập lại để làm một cuộc thánh chiến chống lại tất cả những kẻ vô đạo Tây phương xâm lược. Người Anh đã phải mất công đánh dẹp rồi lại tiếp tục thống trị cả vùng cho đến sau thế chiến II.

 

HỒI GIÁO CƠ BẢN CHIẾN ĐẤU ĐÁNH TRẢ LẠI

 

Những người Hồi Giáo theo chủ nghĩa cơ bản đã bắt đầu chiến đấu chống trả lại Tây Phương vào năm 1979. Thời gian này, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là đồng minh mạnh nhất của Tây Phương, nên đã là muc tiêu cần phải lật đổ. Tây Phương đã yểm trợ chế độ quân chủ vua Shah của Iran và Hoa Kỳ đã giúp đỡ nhà vua thành lập một quân đội hùng mạnh nhất trong vùng vịnh Ba Tư, vùng vàng đen, nguồn lợi sinh tử về kinh tế và chiến lược của thế giới Tây Phương.

 

Vua Shah đã bị các tín đồ Hồi Giáo phe Shiite của Ayatollah Khomeini lật đổ. Nhóm sinh viên kháng chiến đã chiếm tòa đại xứ Hoa Kỳ ở Teheran và giữ hơn chục nhân viên làm con tin trong vòng 444 ngày. Tây Phương e ngại Hồi Giáo cực đoan có thể lan rộng ra nhiều nước khác ở trong vùng.

 

Đó cũng là năm Nga Sô chiếm Afghanistan. Năm 1973 họ dùng bạo lực lật đổ nhà vua đưa một chính phủ thân Cộng lên nắm quyền. Lúc đó là lúc Mạc Tư Khoa can thiệp thực sự vào nội tình Afghanistan. Đây là một cuộc chiến xâm lược quá tốn kém và giai dẳng đã khiến binh sĩ nản lòng để rồi đưa tới sự xụp đổ của Liên Bang Sô Viết 10 năm sau.

 

Hoa Kỳ e ngại Sô Viết sẽ ảnh hưởng nhiều trên thế giới nên đã giúp quân kháng chiến Afghanistan chống lại Sô Viết. Hoa Kỳ cung cấp khí giới cho quân du kích kháng chiến Afghanistan Mujahadin do Osama bin Laden cầm đầu qua trung gian Hồi Giáo Pakistan. Cuối cùng Sô Viết đã thất bại. Đế quốc Cộng Sản xụp đổ.  Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của phe Hồi Giáo cơ bản Sunni gọi là Taliban. (nghĩa làsinh viên”, những người được huấn luyện trong các chủng viện Hồi Giáo gọi là Madrasas). Khi Liên Bang Sô Viết xụp đổ, phần đất rộng mênh mông ở Trung Á cũng bể nát, tách ra khỏi Nga Sô và trở thành những nước Cộng Hòa Hồi Giáo độc lập, đã tăng thêm số quốc gia Hồi Giáo trên thế giới.

 

Hồi Giáo cơ bản cũng tăng sức mạnh rất nhanh ngay trong thế giới Hồi Giáo. Họ kích động những người nghèo khổ bị đè nén ức hiếp, gây căm thù nơi những kẻ bất mãn đối với những người lãnh đạo sống xa hoa phung phí trên sự nghèo đói cơ cực khổ đau của dân. Tương tự như vậy ở các nước Tây Phương, Hồi Giáo cơ bản đã cải tạo tư tưởng những người nghèo đói, vào những nhà tù dụ dỗ được nhiều tù nhân theo đạo. Trong thê giới Ả Rập, những ông vua tham nhũng, hại dân hại nước bị Hồi Giáo lật đổ và thay thế bằng một chế độ độc tài đôi khi còn hà khắc hơn, khiến dân tình ê chề mệt mỏi hơn. Cuối cùng ông  “tổng thống mới” này cũng chẳng khá hơn gì những ông vua ngày xưa.

 

Những người Hồi Giáo cơ bản chẳng bao lâu đã học được bài học là quyền lực không phải luôn luôn có được bằng những phương thức dân chủ. Tại Algeria họ đã thắng cuộc bầu cử năm 1992 thay thế chính quyền quốc gia Ả Rập là chính quyền đã dành độc lập cho Algeria từ tay người Pháp 30 năm trước. Bây giờ 30 năm sau, nền kinh tế và mức sống của người dân chẳng những không khá mà còn tồi tệ hơn. Nực cười thay lại có rất nhiều người đã rời bỏ quê hương qua Pháp làm ăn để được sống còn.

 

Những người Hồi Giáo cơ bản xem ra có vẻ có tổ chức hơn và chắc cũng tử tế thanh liêm hơn. Nhưng quân đội đã nhảy vào để ngăn cản luật lệ của phái Hồi Giáo cơ bản. Thế là từ đó Algeria bị quân khủng bố của lực lượng cơ bản thường xuyên tấn công, và hơn 100,000 người dân Algeria đã bị giết. Sự giúp đỡ quân sự của người Pháp chỉ làm cho Tây Phương thêm bực mình và nghi ngờ. Tất cả những cuộc đàm phán về dân chủ của Tây Phương xem ra ít được đếm xỉa tới khi có chuyện xẩy ra.

 

                            KHÔNG CÒN LÀ KẺ THÙ MUÔN ĐỜI NỮA

 

Mặc dù có rất nhiều cố gắng của những nhà thương thuyết hòa bình cho Trung Đông, hiện nay hai phía Do Thái và Ả Rập vẫn rất khó có thể chung sống hòa bình với nhau được. Tuy nhiên, họ cũng không phải luôn luôn là kẻ thù của nhau. Từ nhiều thế kỷ, người Do Thái vẫn cố gắng hòa mình vào nếp sống của người Ả Rập.

 

Sau khi Muhammad chết vào năm 632 A.D., dân Ả Rập bắt đầu chinh phục thế giới và họ đã làm chủ Bắc Phi, Arabia, Palestine, Persia, Sicily, Nam Ý và phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha. Ít thế kỷ sau, văn minh Ả Rập đã được coi là tiên tiến hơn cả văn minh Âu Châu lúc bấy giờ.

            

Bertrand Russell diễn tả cách thức người Do Thái phát triển dưới ảnh hưởng của Ả Rập trong cuốn sách của ông nhan đề  History of Western Philosophy. Sau khi mô tả cảnh dân Do Thái bị truy nã ở Âu Châu và  sự thiếu vắng đóng góp văn hóa của người Do Thái, Russell viết tiếp: “Trái lại, trong những xứ thuộc Muhammad, dân Do Thái không phải luôn luôn bị đối xử tàn tệ. Nhất là ở Tây Ban Nha thuộc Hồi Giáo, người Do Thái đã góp phần vào việc học hỏi nghiên cứu…..Rồi sau này khi Kitô giáo chinh phục lại Tây Ban Nha, họ lại góp phần rất lớn vào việc  truyền đạt cho hậu thế những hiểu biết về người Hồi - Ả Rập – Do Thái (Moors). Những học giả Do Thái biết tiếng Hebrew, Hy Lap, Ả Rập…đã làm quen với triết học Aristotle, lại truyền đạt những hiểu biết của họ cho những người không biết” (1969, tr. 324)

 

Nhờ có Do Thái và Ả Rập, Âu Châu mới khám phá ra được những bản văn chính bằng tiếng Hy Lạp để rồi đưa tới thời kỳ Phục Hưng và  nền văn hóa Âu Châu. Ngày nay người Âu Châu, người Ả Rập, người Do Thái có thể cùng nhau hợp tác để phát triển vể nhiều mặt. Nhưng tiếc thay, Thập Tự Chiến Crusades, Sự truy nã kỳ thị và Thánh Chiến jihads lại quá  phổ thông trong lịch sử của mỗi phía.

 

Tuy nhiên, khi nước Chúa Kitô trị đến, con cháu của cả ba phía sẽ cùng  nhau cộng tác học hỏi để sinh hoa kết trái trong hòa bình thương yêu.

 

LÀN SÓNG CHỐNG ĐỐI HIỆP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

 

Vào thâp niên 1990 nhiều nỗi cay đắng thù hận như sóng thủy triều nổi lên nhắm vào Hoa Kỳ, lúc đó là cường quốc chính của Tây Phương và là siêu cường duy nhất trên thế giới.

 

Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 chống lại Iraq do Hoa Kỳ cầm đầu đã được đa số các quốc gia Ả Rập ủng hộ. Saddam Hussein, lãnh tụ Iraq đã xua quân sang chiếm quốc gia láng giềng Kuwait, viện cớ ở thời đế quốc Ottoman thì Kuwait và phần lớn quốc gia Iraq thuộc phạm vi hành chánh của đế quốc này.

 

Hoa Kỳ và đồng minh đã chiến thắng Iraq, nhưng vẫn sợ Saddam Hussein tại vị bởi vì Hoa Kỳ nghĩ rằng Iraq có khí giới giết người tập thể như khí giới vi trùng, khí giới hóa học và Iraq lại đang chủ mưu phát triển khí giới hạnh nhân. Vào lúc mà sự sợ hãi bùng lên cùng với cuộc chiến Iraq vào năm 2003 thì Hoa Kỳ nhận thấy các đồng minh của mình trong chiến tranh vùng Vinh không còn ủng hộ mình nữa. Trong khi đó thì thế giới thay đổi.

 

Vụ Sept.11,2001 là một bước quẹo lịch sử,  tương tự như vụ Hoàng tử Franz Ferdinand bị ám sát một thế kỷ trước đây đã làm thế giới thay đổi mọi sự.

 

Ngay lập tức sau khi quân khủng bố không tặc lao máy bay vào Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế The Word Trade Center ở New York và Ngũ Giác Đài  ở Washington DC, thế giới thay đổi thái độ và có cảm tình lại với Hoa Kỳ. Nhưng trong vòng một năm sau khi Hoa Kỳ đáp lễ lại quân khủng bố bằng sức mạnh quân sự ghê gớm của một siêu cường ở Afghanistan và tuyên bố sẽ đối đầu với mọi xung đột có thể  xẩy ra mà Tổng thống Bush gọi là “Trục- Ác-Quỉ” (Axis of Evil), thì dưới mắt nhiều người, Hoa Kỳ đang là nạn nhân trở thành kẻ gây tội ác.

 

Một số các quốc gia Ả Rập Hồi Giáo, một mặt muốn gắng gượng bỏ qua ác cảm đối với siêu cường thế giới để xích lại gần với Hoa Kỳ và đồng minh của họ, một mặt lại sợ bị các nước anh em Ả Rập cô lập và rất có thể còn bị khủng bố nên họ đã không chấp nhận vai trò cảnh sát quốc tế của Hoa Kỳ. Dần dần nhiều người khác nữa, kể cả một số người Mỹ cũng quay ra trách cứ Hoa Kỳ, cho rằng vì chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nên mới xẩy ra vụ 9-11-2001.

 

Vào năm 2003, dưới mắt của những nhà lãnh đạo và dân chúng Hồi, Hoa Kỳ đã có dự tính trước để xâm lăng Iraq lật đổ Saddam Hussein. Một khi một ông tổng thống đã bị lật đổ thì những ông khác rồi cũng sẽ bị quân đội Hoa Kỳ từ từ lật đổ mà thôi. Thêm vào đó, dân chúng lại càng nổi giận hơn trước cảnh đau khổ của dân Palestine khi họ coi vệ tinh truyền hình, đặc biệt đài al-Jazeera là đài nói tiếng Ả Rập đầu tiên phát ra từ Qatar trong vùng vịnh Ba Tư.

  

SỰ PHẪN  NỘ

SAU CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH 1991

 

Ngày 23 tháng 2 năm 1998 tờ báo tiếng Ả Rập Al-Quds al-Arabi ở Luân Đôn có đăng một Tuyên cáo của Mặt Trận Hồi Giáo tiền phương Thánh Chiến Jihad chống lại Do Thái và Thập Tự Chiến Crusades có chữ ký của Osama bin Laden và những người lãnh đạo của các nhóm kháng chiến quân Hồi Giáo tại Ai Cập, Pakistan và Bangladesh.

 

Bản tuyên cáo do Bernard Lewis chuyển ngữ sang Anh văn đã được đăng trên tập san Foreign Affairs tháng 11 & 12, 1998. Tuyên cáo bắt đầu bằng những đoạn trích dẫn kinh Koran nói về kháng chiến và những lời giảng của Muhammad. Tuyên cáo tiếp tục như sau:

 

 “Từ ngày Chúa lập ra bán đảo Arabia cùng với sa mạc, có biển rộng bao quanh, chưa hề có một tai họa ghê gớm nào xẩy ra cho đến khi những tên Thập Tự Chiến Hoa Kỳ đến xâm chiếm tựa như giặc châu chấu, bao phủ khắp mặt đất, ăn hết hoa trái, phá hủy hết đồng cỏ xanh tươi. Đây cũng là lúc nhiều quốc gia khác nhảy vào xâu xé Hồi Giáo giống như những thực khách hăm hở bu quanh  một đĩa đồ ăn”.

 

Tuyên cáo tiếp tục kết án Hoa Kỳ với 3 lý do:

 

   “1- Từ hơn 7 năm nay, Hoa Kỳ đã xâm chiếm đất đai của Hồi Giáo, những nơi thánh địa ở Arabia, vơ vét hết tài nguyên, áp đảo những vị thủ lãnh, nhục mạ dân chúng, đe dọa những nước láng giềng, dùng những căn cứ trên bán đảo làm bàn đạp để chống phá dân chúng Hồi Giáo ở những nước lân cận….

   “2-  Mặc dù biết bao nhiêu là tàn phá đã đổ lên đầu dân chúng Iraq do bàn tay Thập tự chiến Hoa Kỳ, đồng minh của Do Thái, mặc dù biết bao nhiêu là sinh mạng, hàng triệu người, đã phải hy sinh, nhưng Hoa Kỳ vẫn làm lơ không cần biết, họ vẫn cố gắng một lần nữa diễn lại cảnh tàn sát, chém giết vô luân….

  “ 3-  Người Mỹ đã dùng lý do chiến tranh tôn giáo và kinh tế để đánh lạc hướng việc họ giúp đỡ Do Thái chiếm đóng Jerusalem và tàn sát người Hồi Giáo ở đó”.  

 

Tuyên cáo kết luận: Những “tội ác” đó  “chứng tỏ rõ ràng là dân Mỹ chống lại Chúa, chống lại tiên tri của Ngài và các tín đồ Hồi giáo”. Bản tuyên cáo nhắc nhở người đọc biết rằng, qua nhiều thế kỷ, các ulema tức những nhà thần học và luật học Hồi Giáo đã đồng thanh quyết định rằng mỗi khi lãnh thổ của Hồi Giáo bị kẻ thù tấn công thì mỗi một cá nhân tín đồ Hồi Giáo đều có bổn phận thánh chiến, bảo vệ tôn giáo. Đây là một bổn phận không một tín đồ Hồi giáo nào có thể làm ngơ được.

 

Bổn phận này, trách nhiệm này, quyết tâm này có từ 1400 năm trước, ngay từ lúc Hồi Giáo mới được thành lập. Bàn về tuyên cáo này, Giáo sư Lewis, Giáo sư danh dự đại học Printon, chuyên nghiên cứu về Cận Đông và những nhà cầm quyền ở Trung Đông đã viết: “Các sử gia cổ điển Ả Rập cho chúng ta biết là 20 năm sau ngày hijrah  tức ngày Muhammad chạy từ Mecca về Medina (tương đương với năm 641 Tây lịch / lịch Kito giáo), vị thủ lãnh Hồi Giáo Umar đã ra một sắc lệnh buộc người Do Thái và Kito giáo phải rời khỏi Arabia để hoàn thành lệnh của Muhammad lúc sắp chết  trên giường bệnh là: ‘Không thể có hai tôn giáo ở Arabia được’. Dân Do Thái lúc bấy giờ sống trong một vùng phì nhiêu có nước có đồng cỏ xanh tươi ở Khaybar về phía Bắc, còn dân Kito giáo thì ở Najran về hướng Nam”.

 

Ông viết tiếp: “…..Trong lịch sử Hồi Giáo, rất ít thấy có chuyện trục xuất các tôn giáo thiểu số……Nhưng sắc lệnh thì đã ban hành và bất khả hồi. Từ đó đến nay thánh địa Hijaz (tức miền Mecca và Medina, đôi khi kể cả toàn thể Saudi Arabia) trở thành cấm địa đối với những ai không phải là tín đồ Hồi Giáo…Đối với những người ngoài Hồi giáo chỉ cần đặt chân lên đất thánh cũng kể là đại phạm thượng rồi”.

 

“Mỗi khi có chuyện gì dính dáng đến đất thánh là người Hồi giáo nhảy vào tranh luận, gây lộn liền, đôi khi họ trở thành kẻ thù nữa. Theo nghĩa tôn giáo, khi quân đội Hoa Kỳ vào giải phóng Kuwait và cứu Saudi Arabia khỏi tay Saddam Hussein thì đã bị kết án là quân ngoại đạo xâm lược. Quan niệm này đã được giới thẩm quyền các tôn giáo khác đánh giá cao”.

 

Sau đây là ít lời đã được giáo sư Lewis viết 3 năm trước khi có vụ 9-11-2001

 

“…..Một số người Hồi Giáo đã sẵn sàng công nhận cách diễn nghĩa cực đoan về bản tuyên cáo này của tôn giáo họ và một số người trong những người này đã thi hành. Khủng bố thì chỉ cần một ít người thôi. Dĩ nhiên để cho có hiệu quả, Tây Phương có quyền tự vệ với bất cứ giá nào. Nhưng đề ra một kế hoạch chống khủng bố, chắc phải cần nghiên cứu xem cái sức mạnh khủng bố đó do đâu mà ra? Tại sao chúng lại cảm tử như vậy?”

 

Karen Armstrong, sử gia chuyên viết về tôn giáo, qua cuốn sách của bà nhan đề: HỒI GIÁO / ISLAM cũng giúp chúng ta hiểu được thế nào là Hồi Giáo cơ bản. Bà viết: vào cuối thế kỷ 20 “ một số tín đồ Hồi Giáo……đã gây bạo động mà họ coi như  là hành động thánh, một bổn phận chính của tín đồ Hồi giáo. Những tín đồ Hồi Giáo cơ bản này thường gọi Chế độ thuộc địa Tây Phương và Đế quốc Tây Phương hậu-thuộc-địa là al-Salibiyyah: Thập Tự Chiến Crusades”.

 

Đối với dân Hồi Giáo, mỗi khi nhắc đến danh từ Thập Tự chiến là họ phải rùng mình, vì gợi họ nhớ lại những trận đụng độ tàn ác giữa hai lực lượng Hồi Giáo và Kitô giáo thời Trung cổ 1000 năm trước. Âu Châu đã mở rất nhiều đợt thập tự chiến để giải phóng Đất Thánh khỏi tay quân Hồi Giáo, đã phạm nhiều tội ác trong thời gian này. Bà viết: “Thập tự chiến thuộc địa thì ít gây bạo lực hơn nhưng ảnh hưởng tàn phá của nó thì ghê gớm hơn Thánh chiến thời Trung cổ”. Văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng mãnh liệt trên mọi quốc gia trên thế giới đã khiến nhiều người bực mình khó chịu.

 

Karen Armstrong viết tiếp: “Như chúng ta ai cũng thấy, trên khắp thế giới,   tín hữu của các tôn giáo lớn đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tân tiến của Tây Phương lôi cuốn, đã  tạo ra một loại tín ngưỡng hung hãn không chịu nhường bước trước bất cứ ai mà chúng ta gọi là Cơ Bản Chủ Nghĩa” (2000, tr.180).

 

Những phong trào cơ bản không chỉ đóng khung trong Hồi Giáo cũng như những đụng chạm tôn giáo không chỉ xẩy ra giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Tại Ấn Độ, người ta cũng đã từng chứng kiến những xung đột giữa Ấn Độ giáo cơ bản và Hồi giáo.

 

Tuy nhiên, xung đột giữa Kitô giáo và Hồi Giáo là một vấn đề lịch sử cố định có từ cả 14 thế kỷ nay. Sự xung đột này không chỉ xẩy ra ở Tây phương, trái lại những năm gần đây người ta cũng thấy ở Nam Dương / Indonesia những cuộc bạo động kinh hồn khi người Hồi Giáo xuống đường vung kiếm chặt đầu người Kito giáo. Ở Sudan thuộc Phi Châu, hai tôn giáo này cũng từng đánh nhau dòng dã hơn ba thập niên. Chiến tranh ở Chechnya giữa người Nga và dân bản xứ cũng là loại chiến tranh giữa Kito giáo và Hồi giáo. Những quốc gia trong vùng Balkan cũng có những vấn đề tương tự xẩy ra giữa hai tôn giáo này qua nhiều thế hệ.

 

Mặc dù những quốc gia Hồi Giáo có chia rẽ nội bộ trầm trọng, đặc biệt giữa các tín đồ Hồi giáo cơ bản và những nhà lãnh đạo ôn hòa, không một quốc gia Hồi Giáo nào cho phép những nhà truyền giáo Kito giáo được tự do giảng đạo hoặc người Kito giáo được đến định cư tại một nước Hồi Giáo và trở thành công dân nước họ. Họ làm vậy là để bảo đảm những quốc gia Hồi Giáo vẫn còn nguyên vẹn là Hồi Giáo, ngoại trừ một thiểu số những tôn giáo đã ở đó trước khi có Hồi Giáo. Ngược lại, từ thế chiến II, các nước Tây Phương lại cho dân các nước Hồi Giáo ồ ạt đến cư trú ở nước mình, và bây giờ lại phải đương đầu với những khó khăn xung đột đang xẩy ra.

 

HỒI GIÁO CƠ BẢN THẮNG THẾ.

 

Trước vụ 9-11, khủng bố Hồi Giáo nhắm vào Hoa Kỳ cũng đã rõ ràng rồi.  Tập san Foreign Affairs số tháng 11 và 12 năm 1998 có đăng tuyên cáo chống lại Tây Phương  của Osama bin Laden và các kháng chiến quân khác.

 

Họ đòi hỏi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi Saudi Arabia, địa danh của Mecca và Medina, hai thị trấn thánh của Hồi Giáo. Họ cũng yêu cầu ngưng ném bom Iraq và ngưng phong tỏa cấm vận Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh.  Sau cùng họ kết án Hoa Kỳ đã yểm trợ Do Thái chống lại Palestine. Sau chiến thắng vùng Vịnh, Hoa Kỳ đã đáp ứng ba đòi hỏi đó, tuyên bố rút quân ra khỏi Saudi Arabia, bãi bỏ cấm vận Iraq,  theo đuổi kế hoạch mới về hòa bình cho Israel và Palestine.

 

Tiếp theo vụ 9-11, Hoa Kỳ còn phải nhượng bộ một số đòi hỏi của phe Hồi Giáo cơ bản. Tổng thống Pakistan, tướng Pervez Musharraf là người ủng hộ Washington trong chiến tranh chống khủng bố, đã phải dàn xếp tổ chức bàu cử thành lập một chính phủ Hồi Giáo, cho dù ông vẫn còn nắm quyền tổng thống .

 

Ngạc nhiên nữa là, gần 80 năm sau khi lật đổ hoàng đế Ottoman và tuyên bố nước Cộng Hòa Hồi Giáo, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn chọn khối đa số là Hồi Giáo trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2002. Các nước khác ở trong vùng cũng vậy, phe Hồi Giáo cơ bản vẫn thắng thế nắm đa số.

 

Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat bị phe Hồi Giáo cơ bản ám sát năm 1982.  Sau 15 năm họ vẫn tàn sát tập thể những du khách ngoại quốc đến thăm những lâu đài cổ, lăng tẩm của Ai Cập với mục đích phá hoại nền kinh tế quốc gia bằng cách triệt hạ ngành kỹ nghệ du lịch.

 

Ở Indonesia, nước có nhiều tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới, phe Hồi Giáo cơ bản đã giết hại những người Kito giáo và, cuối năm 2002 đã ném bom ở đảo Bali thuộc Ấn Độ Giáo làm chết 200 du khách Tây Phương, trong đó một nửa là người Úc. Hồi Giáo cơ bản cũng tấn công tín đồ Ấn độ Giáo và Kito giáo tại Ấn Độ và phần đất Kashmir thuộc Ấn Độ, mục đích gây xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ là hai nước hiện có sức mạnh nguyên tử.

 

Ở Phi Châu cũng vậy, chỗ nào cũng có dấu vết hoạt động của Hồi Giáo cơ bản. Tại Sudan, Hồi Giáo ở phía Bắc truy nã tấn công những người Kito giáo ở phía Nam và bắt cả ngàn người làm nô lệ. Luật Hồi Giáo Sharia đã được đem vào áp dụng tại một số quốc gia Hồi Giáo ở phía Bắc Nigeria, và từ sau vụ 9-11-2001 tên Osama là tên rất phổ thông được đặt cho trẻ em mới sinh để tỏ lòng tôn kính Osama bin Laden.

 

Một yếu tố nữa làm số tín đồ Hồi Giáo cơ bản tăng lên là vì mức sinh sản ở các xứ Hồi Giáo cao. Ở những nước kinh tế tụt hậu, một nửa dân số là người trẻ vì những cặp vợ chồng lấy nhau thường có từ 6 đến 8 người con.

 

Vì cách điều hành kinh tế ở nhưng nước này, thay vì khuyến khích hoạt động thương mại, họ lại giới hạn, thành thử thành phần trẻ không kiếm ra được việc làm. Chẳng có cách nào để giúp đỡ gia đình nên các thanh niên không thể lấy vợ. Lời hứa sẽ có 72 cô gái đồng trinh trẻ đón chờ khi một thanh niên chết vì thánh chiến jihad khiến họ dễ dàng tham gia những vụ tự sát khủng bố, tin rằng họ sẽ chẳng mất mát gì cả ngoài việc hy sinh tử vì đạo. Vì vậy các chính phủ và những tổ chức Hồi Giáo đã bỏ ra cả ngàn dollars cho những gia đình có người tử vì đạo. Với số tiền đó, họ có thể   sống đế vương trong những xóm nghèo xập xệ ở các trại tỵ nạn.

 

TÌNH TRẠNG KHÓ XỬ CỦA CÁC NƯỚC TÂY PHƯƠNG

 

Tuy nhiên nghèo đói không phải là lý do chính của vấn đề. Hầu hết những tên đâm bom tự sát trong vụ 9-11 đều thuộc giới khá giả, ngay cả Osama bin Laden cũng xuất thân từ một gia đình giàu có nhất ở Saudi Arabia. Nhiều yếu tố khác nữa đã giúp cho Hồi Giáo cơ bản vùng dậy và đưa đến khủng bố, gồm cả vấn đề Israel / Palestine và vấn đề văn hóa Hoa Kỳ.

 

Sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Trung Đông lại như đổ thêm dầu vào lửa làm cho ngọn lửa Hồi Giáo cơ bản bùng cháy to hơn trong những bước đường dài sau này. Không một nước nào trong thế giới Ả Rập lại có thể nói đựoc là có ổn định chính trị.Tất cả đều bị Hồi giáo cơ bản khuấy động và làm khó. Hoa Kỳ thực sự nằm ở thế không thể thắng được. Quân đội Hoa Kỳ có thể thắng chiến tranh nhưng không thể thắng được hòa bình.

 

Một khó khăn rắc rối nữa cho nhiều nước Tây Phương là sự hiện diện của Hồi Giáo cơ bản nằm ngay chính trong nước họ do luật di trú thay đổi từ  thế chiến II. Sự nguy hiểm này đã trở thành thực tế vào tháng 3 năm 2004 trong vụ đặt bom trên xe lửa ở Madrid và vụ ôm bom tự sát ở Luân Đôn tháng 7 năm 2005.

 

Một chuyện lạ kỳ nữa là, trong khi các nước tây Phương cho phép dân các nước Hồi Giáo đến định cư tại nước mình và cho họ trở thành công dân thì không một quốc gia Hồi Giáo nào lại cho phép dân từ một nước Kito giáo đựơc vào sống thường trực tại một nước Hồi Giáo mà không bắt buộc họ phải cải đạo thành Hồi Giáo. Người theo đạo Hồi biết rằng Hồi Giáo và chế độ Tự Do Tây Phương không thể thích hợp hòa đồng với nhau được.

 

Những xung đột khác không thể tránh được về sau này giữa hai thế giới Hồi Giáo và Tây Phương đã được tiên đoán qua những lời tiên tri trong Kinh Thánh sẽ được bàn tới trong bài kế tiếp. 

 

TẠI SẠO NGƯỜI TA LẠI THÙ GHÉT HOA KỲ NHƯ VẬY?

 

Biến cố kinh hoàng 9-11-2001 tấn công Tòa nhà Thương Mại Quốc Tế The World Trade Center ở Nữu Ước và Ngũ Giác Đài ở D.C. và sau đó những vụ không tặc làm rớt 4 chiếc máy bay phản lực thương mại chuyên chở hành khách nội địa đã bị toàn thể thế giới kết án, trong đó có cả những nước từ xưa đã có truyền thống thù nghịch với Hoa Kỳ.

 

Nhìn những thảm cảnh chết chóc đổ nát tang thương đó, người dân Hoa Kỳ cảm thấy bối rối, bàng hoàng tự hỏi: Tại sao người ta lại ghét chúng tôi như vậy? Hai hiện tượng tương phản: quang cảnh dân chúng túa ra đường phố hò reo vui mừng ở một vài quốc gia đối ngược với những bản tin bày tỏ thiện cảm và ủng hộ Hoa Kỳ của tất cả thế giới. Dĩ nhiên mối thù hận đối với Hoa Kỳ đã trở nên ngày càng  sâu đậm và mãnh liệt hơn ở một số nước, nhưng ngay bây giờ người ta muốn biết là tại sao lại như vậy.

 

Câu trả lời đơn giản là: Vì Hoa Kỳ yểm trợ Israel. Sự âm ỉ phản đối tình trạng Trung Đông đã làm tăng cơn giận dữ bực tức đối với Hoa Kỳ. Nhiều người nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ áp lực mạnh Israel thì Israel đã nhượng bộ Palestine rồi.

 

Sự thành lập quốc gia Israel chắc chắn cũng là một lý do. Lý do nữa là sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và Anh quốc trên phần đất của Hồi Giáo. Nhưng những trả lời đó chỉ nhắm vào Trung Đông mà thôi. Những nơi khác trên khắp thế giới thì sao? Đâu phải nơi nào cũng thương yêu Hoa Kỳ !

 

Ở phạm vi bài này chỉ bàn về vấn đề Trung Đông và Hồi Giáo, chúng tôi xin được không nói tới lý do chính trị, đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ đối với những nước đồng minh trên khắp thế giới, nhất là những nước nhược tiểu đang phát triển. Thế giới nói chung, những nước nghèo kém mở mang nói riêng, vì hoàn cảnh đặc biệt, vì nhiều lý do mà đất nước họ phải nằm trong thế chẳng đặng đừng phải cậy nhờ Hoa Kỳ cả kinh tế lẫn quân sự. Hoa Kỳ bỏ tiền ra giúp thế giới. Họ biết ơn. Nhưng họ vẫn không ưa Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ. Tại sao vậy? Cung cách viện trợ của Hoa Kỳ? Chính sách cảnh sát quốc tế? Hoa Kỳ thay lòng đổi dạ?  Hoa Kỳ sẵn sàng giết, bán, hy sinh không thương tiếc những người bạn của mình vì quyền lợi riêng.

 

Chắc chắn là còn nhiều lý do khác nữa đã làm cho sự bài Hoa Kỳ tăng lên. Dĩ nhiên không phải vì ganh tị Hoa Kỳ giàu có phồn vinh nhất thế giới. Nhưng sách Cách Ngôn có câu đã giúp ta hiểu tại sao vấn đề lại trở nên tồi tệ hơn trong những thập niên gần đây. “Công Chính thì nâng cao ca tụng cả một dân tộc; nhưng tội lỗi là nỗi xỉ nhục cho các sắc dân”(Prov.14:34).

 

Trước kia, Hoa Kỳ đã được toàn thể thế giới ngưỡng mộ. Khi thế chiến I xẩy ra với những cảnh chết chóc và đổ nát tang thương, dân Âu Châu đã nhìn vào tổng thống Woodrow Wilson với hy vọng ông sẽ có một đường lối mới tốt đẹp hơn. Nhưng vì không được sự ủng hộ của dân chúng trong nước nên Hoa Kỳ đã không thể can thiệp được. Lúc bấy giờ thế giới cũng không thể trách Hoa Kỳ là dửng dưng trước đau khổ của thế giới. Ở thế chiến II thì khác hẳn. Lần này Hoa Kỳ đã cam kết gíup đỡ thế giới, và đã nhận trách nhiệm đứng đầu phe thế giới tự do.

 

Ngay cả ở Trung Đông, những người kháng chiến / chống đối cũng coi Hoa Kỳ như là thủ lãnh. Thời tổng thống Carter, ông đã dàn xếp để cho Ai Cập và Israel ngồi lại với nhau. Sau này,  các tổng thống kế tiếp cũng đã can dự vào vấn đề và luôn luôn nói chuyện với cả hai phía. Nhưng sau vụ khủng bố 9-11, người Mỹ đã nhìn thấy cảnh tượng dân Palestine nhảy múa reo hò trên đường phố,  mừng chiến thắng trên đau khổ của dân Hoa Kỳ…

 

Rõ ràng người ta không còn nể trọng và biết ơn Hoa Kỳ như trước kia nữa. Kinh Thánh đã giúp chúng ta hiểu được tại sao lại có sự thay đổi như vậy .

 

Trong cựu ước, sách Thứ Luật / Deuteronomy, chương 28 nói về Thiên Chúa chúc lành cho những ai biết vâng theo luật Chúa và chúc dữ cho những ai không nghe và tuân giữ luật Chúa. Đem Kinh Thánh ra mà cắt nghĩa việc quân khủng bố đánh phá Hoa Kỳ thì có vẻ như là “mụ đạo” và vô lý. Nhưng đó là sự thật, là Hoa Kỳ không còn được kính nể như trước nữa. Và nhiều lý do chính đáng khác cho chúng ta biết là tại sao.

 

Hồi Giáo cơ bản là những người đứng đàng sau phần lớn những cuộc khủng bố như vậy vì họ sợ cái văn hóa Hoa Kỳ ảnh hưởng đến nếp sống của xã hội và cộng đồng của họ. Dĩ nhiên hận thù và khủng bố đều là ác độc quỉ quái và không thể tha thứ được, không một lập luận và lý giải nào có thể biện minh cho những tội ác ấy được. Thực ra, nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ bị ghét bỏ vì họ đã thay đổi những nguyên tắc sống chính đáng, lẽ ra không nên thay đổi. Cách nhìn và quan điểm sống của dân Hoa Kỳ không còn đạo đức nữa, đã trở thành vô luân và làm băng hoại cả quốc gia…..

 

Phim ảnh và truyền hình Hoa Kỳ đã làm tiêu tan truyền thống gia đình,  ngay tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới.  Những nhân vật trong phim truyện thì ăn mặc hở hang, lời nói thô lỗ tục tĩu, cử chỉ thì hỗn xược không một tí gì là tôn kính ngừơi già cả lớn tuổi, lại luôn luôn bị nhục dục ám ảnh. Nhiều chương trình phim kịch khác thì lại đưa ra hình ảnh của một xã hội cực kỳ bạo động. Tiếc thay, xã hội Tây Phương lại quen với những lối sống và hình ảnh đó nên họ chẳng cần suy nghĩ thắc mắc gì cả. Nhưng ở những nơi còn có chút ít đạo đức thì họ cảm thấy những cảnh tượng đồi trụy ấy đang đe dọa họ. Ảnh hưởng này đã trở nên tồi tệ chừng mười năm gần đây do những chương trình vệ tinh truyền hình và nhất là hiện nay mạng lưới internet lại quá phổ quát và sẵn sàng.

 

Tin tức những gương xấu về sắc dục của những tên hư đốn trên thượng tầng xã hội và ngay cả trong chính phủ đã làm người ta không còn nể trọng đối với những cơ quan / tổ chức chính trị của Hoa Kỳ. Tin tức và những gương xấu như vậy càng ngày càng lan rộng mau chóng vì ngành truyền thông trong những năm gần đây đã phát triển rất mạnh.

 

Thêm vào đó, phim ảnh khiêu dâm con heo của Hoa Kỳ chiếm 80% tổng số trên thế giới và hiện lan tràn tại nhiều nước. Những rạp chiếu lậu video phim X  của Hoa Kỳ thì đầy dẫy. Rõ ràng là ảnh hưởng của những phim ảnh đồi trụy đó có hai mặt. Nhiều người coi những phim ảnh đó sẽ chỉ oán ghét Hoa Kỳ mà thôi. Đối với những người đạo đức thì sự oán hận Hoa Kỳ lại càng sâu đậm hơn nữa vì họ không thể tưởng tượng được Hoa Kỳ lại có thể xuất cảng những cái hư đốn tồi tệ như vậy của mình chỉ vì ham lợi lộc tiền bạc.

 

Sách Thứ Luật / Deuteronomy đoạn 28 cho thấy nếu biết nghe lời Chúa và thi hành lệnh của Ngài thì sẽ được Chúa “nâng lên cao trên hết tất cả các quốc gia ở trần thế này”(câu 1) đúng như Hoa Kỳ đã được ân hưởng trong thời gian trước thế chiến II. Chúa còn hứa ban cho “sức mạnh trợ giúp chống trả lại quân thù” (câu 7).  Coi lại lịch sử, ta thấy  Hoa Kỳ quả thực là quốc gia đã được Chúa chúc phúc vì ngay từ những ngày đầu lập quốc cách sống và luật lệ Hoa Kỳ đã theo sát những giới răn Chúa dạy.

 

Trái lại, sau này họ không còn nghe lời Chúa nữa. Câu 15 cho thấy những hậu quả ngược lại nếu không biết nghe lời Chúa và thực hành luật của Ngài. Câu 16 nói rõ: “ Khốn nạn thay những ngừơi đang ở trong thành phố….”. Dân Hoa Kỳ bây giờ sống trong những thành phố không còn cảm thấy được an ninh và an toàn nữa.

 

Nhiều người đọc đến đây sẽ cảm thấy rằng trách nhiệm làm mất an ninh của mình nó ở chỗ khác. Sách Joshua , chương 7 nói về câu truyện anh chàng Achan, vì phạm tội mà ảnh hưởng đến cả nước. Kinh thánh kể rõ ràng là Achan đã cãi lời Chúa, đánh cắp chiến lợi phẩm lấy được ở trận đánh thành Jericho, rồi đem giấu, nên Joshua và cả nứoc Israel đã thua trận. Joshua đã phủ phục cầu xin Chúa…Cuối cùng Joshua đã khám phá ra và trừng phạt Achan. Sau đó Chúa mới cho Joshua / dân Israel thắng trận.

 

Câu chuyện cho chúng ta thấy cách ăn ở của mỗi ngừơi chúng ta rất quan trọng. Tất cả mọi người dân trong nước đều ăn ngay ở lành, sống đẹp lòng Chúa thì Chúa sẽ chúc phúc cho cả quốc gia dân tộc.

  

 

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU VÀ SỰ THẬT

“Tình Yêu và Sự Thật không bao giờ áp đặt”

 

Ngày lễ Chúa KITO Vua 26-11-06, trong phút suy niệm trước hàng ngàn người đang tụ tập tại công trường Thánh Phêro, qua cửa sổ phòng làm việc, Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã nói: “Chúa Kitô là Vua, nhưng nước của Người là nước Tình Yêu và Sự Thật. Tình Yêu và Sự Thật không bao giờ áp đặt bằng sức mạnh bạo lực. Nó gõ cửa tâm hồn chúng ta và nơi nào nó tới thì nó mang thanh bình  và an  vui”.

 

Chúa đã đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật. Nhưng thế nào là Sự Thật?

 

Toàn thể sự hiện hữu của Chúa cho chúng ta thấy “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đó là sự thật mà Chúa đã chứng minh cho chúng ta đầy đủ bằng sự hy sinh trọn vẹn mạng sống của Ngài trên núi sọ.

 

Thập giá chính là “Ngai Vàng”, từ đó Chúa tỏ uy quyền tình yêu cao cả của Chúa là hy sinh chính thân xác Chúa để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. Chúa đã đánh bại mọi quyền uy của các ông hoàng bà chúa ở trần gian để thiết lập một Vương Quốc vĩnh cửu. Vương quốc của Chúa được thể hiện một cách trọn vẹn trong ngày tận thế, khi mà tất cả mọi kẻ thù  và sự chết phải qui phục dưới chân Ngài (1Corinthians 15: 25-27).

 

Chúa Kitô, con Thiên Chúa sẽ trao vương quốc cho Chúa Cha và sau cùng Thiên Chúa sẽ ở “trên hết mọi sự, có toàn quyền trên muôn loài” (1Corinthians 15: 28)

 

 “Con đường đi tới đích đó thì dài”, Đức Thánh Cha nói tiếp, “không thể cắt ngắn hoặc đi tắt được”. Mỗi người chúng ta hoàn toàn tự do chấp nhận Sự Thật của Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thật. Tình Yêu cũng như Sự Thật không bao giờ áp đặt. Nó đến gõ cửa tâm hồn tâm trí chúng ta, và nơi nào nó đến thì nó mang thanh bình và an vui.

 

Đó là con đường, nước Chúa ngự trị, là kế hoạch cứu độ của Chúa, là một “màu nhiệm”. Theo nghĩa kinh thánh thì kế hoạch đó được thể hiện từ từ từng bước một trong suốt chiều dài lịch sử.

 

“Chớ gì Thiên Chúa  ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng ta để kế hoặch Công Lý và Hòa Bình của Chúa được hoàn thành !”.-Lời kết thúc suy niệm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

 

Pace Island, Florida Dec 2007

NTCanh

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!