Chúa Nhât 29A Thường Niên
Is 45:1, 4-6. 1Tx 1:1-5b. Mt
22:15-21
Bác
sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Bấy
giờ những người Pharisiêu đi ra ngoài và âm mưu với nhau tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu.
Họ
bèn sai các đệ tử của họ cùng đi với những người thuộc phe Hêrođê đến thưa với
Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự
thật mà dạy theo đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy
không coi bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được
phép nộp thuế cho Caesar hay không?”
Nhưng
biết ác ý của họ, nên Chúa Giesu nói: “Tại sao các ngươi lại thử ta,
hỡi những kẻ giả hình! Đưa đồng tiền cho ta coi!” Họ liền đưa cho
Người một đồng bạc. Người bèn hỏi họ: “Hình
và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Caesar”. Bấy giờ Người
bảo họ: “Thế thì của Caesar trả về cho Caesar, của Thiên Chúa trả về cho
Thiên Chúa” (Mt 22:15-21).
***
Bài Phúc Âm hôm nay (Mt 22:15-21) là câu chuyện đã được thánh Mathew kể tiếp
liền sau câu chuyện ngụ ngôn tiêc cưới con vua. Lại một lần nữa mấy người
Pharisiêu tính gài bẫy chúa Giêsu. Họ đã nhận ra rằng Chúa ám chỉ họ là những
người đã từ chối không đến dự tiệc cưới và giết sứ giả của vua, nghĩa là không
chịu cải đổi tâm hồn để trở nên thánh thiện qua câu chuyện ngụ ngôn tiệc cưới
Chúa Nhật tuần trước (Mt 22:1-14). Do đó họ bắt đầu âm mưu chống Chúa
bằng cách gài bẫy để có cớ tấn công Ngài. Thoạt tiên họ ve vãn, nịnh bợ Chúa -theo
mưu kế đã tính của chúng- để Ngài lơ ý mà nói lỡ lời. Một tên Pharisiêu giả vờ
ca ngợi Chúa, nào là Chúa lương thiện, nhân lành, chỉ biết giảng dạy sự thật,
ngay thẳng theo đường lối của Thiên Chúa, không coi trọng ý kiến cũng như xét
đoán con người chỉ dựa vào bề ngoài. (c. 16).
Câu chúng hỏi Chúa “Theo luật thì có phải
đóng thuế cho Caesar hay không?”, thì chúng biết Chúa thừa khả năng để cắt
nghĩa luật Torah của Do Thái. Còn Chúa, chắc chắn Chúa cũng thừa biết hậu ý xấu
của chúng khi đặt câu hỏi này, cũng như những thách thức và cạm bẫy chúng giăng
ra để giật xập Ngài. Những tên Pharisiêu này buộc Ngài phải đứng vào tư thế
hoặc là chống lại đa số dân chúng hoặc là đối ngịch với chính quyền La Mã lúc
đó. Cả hai đều nguy hiểm cho Chúa. Và chúng sẽ dựa vào đó để hãm hại Ngài.
Nhưng Chúa Giêsu khôn ngoan vô cùng.
Ý NGHĨA VIỆC ĐÓNG THUẾ
Loại thuế đặc biệt nói trong Tin Mừng hôm nay là thuế thân, nghĩa là thuế đánh
trên đầu người, bất kể nam, nữ hay nô lệ tuổi từ 12 đến 65 đều phải chịu. Tiền
thuế đóng là một Denarius (đồng tiền bạc cổ La Mã), tương đương một ngày
lương. Loại thuế này được thiết lập năm 6 AD khi mà xứ Judea trở thành một tỉnh
lỵ của La Mã. Dân Do Thái Israel rất ghét loại thuế này nên ngọn lửa quốc gia
cực đoan đã bùng lên, rồi từ đó mới phát sinh ra phong trào Zealot, một phong
trào quá khích chống lại đế quốc La Mã xâm lược đã gây ra cuộc chiến tàn khốc
vào những năm 66-70 cho người Do Thái. Trong khi những người Pharisiêu chống
lại việc đóng thuế thì phe theo Herođê lại ủng hộ La Mã và chấp nhận đóng thuế.
Nếu Chúa Giêsu ủng hộ việc đóng thuế cho Caesar thì Ngài sẽ bị dân Do Thái phản
đối, không nhận là tiên tri của họ. Ngược lại nếu Ngài dùng lý, chống lại thuế
thì họ sẽ báo cáo với La Mã Chúa là tay cách mạng, phản động nguy hiểm. Chúa đã
nhìn rõ cái bẫy chúng giăng ra, nên Chúa biểu chúng đưa cho Chúa coi đồng tiền
đóng thuế. Họ đã đưa cho Chúa đồng tiền La Mã (c. 19). Sự thật đã hiện trên mặt
đồng tiền là khi đã nhận đồng tiền đó làm kinh tế, phương cách buôn bán, trao
đổi thương mại, tức chấp nhận sự cai trị của người La Mã trên đất Palestine
rồi.
Chúa Giêsu hỏi chúng về cái hình người và danh hiệu trên đồng tiền. Đa số dân
Do Thái coi đồng tiền đó là phạm thượng bởi vì đó là hình người, và như vậy,
theo luật Do Thái trong cựu ước là phạm giới răn cấm không được tạc hình người
hay súc vật, tức là phạm tội thờ ngẫu tượng. Còn tước hiệu thì ghi: “Tiberius
Caesar, con thần linh Augustus, thầy cả thượng phẩm” thì rõ ràng là
tuyên bố đối đầu với Thiên Chúa là đấng đang thống trị trên dân Israel. Do đó,
dân Do Thái không coi đồng tiền đó là gì cả.
HÃY TRẢ LẠI CHO CAESAR….
Câu trả lời của Chúa: “Hãy trả cho Caesar cái gì thuộc về Caesar, và trả cho
Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa” ám chỉ rằng cả dân Pharisiêu lẫn dân
theo Herode chẳng tên nào làm chuyện này cả. Đây là một cáo buộc nghiêm trọng.
Những ai đồng ý dùng đồng tiền này của Caesar thì phải trả thuế lại cho Caesar
đúng như vậy. Câu trả lời của Chúa Giêsu tránh không nói về khía cạnh pháp luật
là phải đóng thuế.
Chúa hoàn toàn biết chúng là những kẻ giả hình nhân đức, và Chúa còn biết rõ
chúng hơn nữa về những chuyện khác, nhưng Ngài chỉ nói lên một sự thật vắn gọn
như vậy thôi. Thực ra Chúa đã nêu lên một cuộc tranh luận ở một tầng mức mới mà
không làm sai lạc hoặc mất đi trạng thái tinh tuyền và tính lương thiện của
Ngài. Còn những kẻ giả hình nhân đức mà hỏi Ngài về chuyện thuế má có liên quan
đến luật Chúa thì đúng ra họ phải nghĩ đến việc trả ơn lại cho Chúa vì những
phúc lành Chúa đã ban cho họ.
PHỤNG SỰ CHÚA VÀ PHỤNG SỰ CAESAR
Trước mặt mọi người, trên đồng tiền, có hai hình ảnh: Hình ảnh Caesar và hình
ảnh Thiên Chúa. Về hình Caesar, Chúa hỏi một câu đơn giản:
-Hình của ai đây?
Họ
trả lời gọn lỏn:
-Caesar.
Do đó, câu trả lời “Hãy trả cho Caesar cái gì thuộc về Caesar”, có nghĩa
là một phần gia sản của các ngươi thuộc về ông ta. Nhưng Chúa Giêsu cũng có một
câu hỏi thứ hai rất thâm thúy như xoáy vào tim óc họ:
-Hình ảnh và ân phúc của ai đang ở trong mỗi một người các ông?
Câu
trả lời cũng đơn giản:
-Thiên Chúa.
Do đó, Chúa nói: “Hãy trả lại cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa”,
có nghĩa là tất cả con người các ngươi, từ thể xác đến linh hồn và trí khôn,
hoàn toàn và trọn vẹn, không chia cắt, phân biệt.
Do ai mà chúng ta có được ơn phúc trong cuộc sống hàng ngày, và chúng ta phải
biết ơn, trung thành và tùng phục ai? Có phải Thiên Chúa không? Phụng sự Thiên
Chúa và phụng sự Caesar có tương hợp nhau không? Hay có sự phân bì, cạnh tranh,
khiến lòng trung thành của chúng ta bị phân tán, làm cho ý niệm ơn phúc trở nên
khác biệt? Chúa Giêsu đòi hỏi không những chỉ trả lại cho Thiên Chúa cái gì
thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là tất cả mọi sự…, mà còn yêu cầu trả lại cho Caesar
cái gì thuộc về Caesar, có nghĩa là phải sống trọn vẹn những đòi hỏi về công
lý, công bằng, tự do và an bình trong mối liên đới xã hội hầu thực thi công
ích.
THẾ QUYỀN KHÔNG THỂ VƯỢT QUYỀN THIÊN CHÚA
Là công dân một nước, dĩ nhiên ta phải thuần phục nhà cầm quyền, nhưng bên trên
thế quyền còn có Thiên Chúa. Quyền của Thiên Chúa bao gồm cả quyền của con
người, liên quan đến mọi dân tộc và mọi thời đại. Đối tượng trực tiếp là thần
quyền Thiên Chúa đòi hỏi người ta phải thờ phượng và phục tùng Thiên Chúa, đồng
thời bảo đảm cho người dân những mối lợi trường cửu. Quyền lợi của người dân là
do Thiên Chúa mà có, nhưng trực tiếp do người cầm quyền nắm giữ để phục vụ cho
lợi ích chung ở trần thế này. Nghĩa vụ của người dân đối với Thiên Chúa và với
chính quyền không phải là không dung hòa được với nhau, nếu hiểu cho đúng nghĩ.
Nói cách khác, khi người ta phục vụ quyền lợi chính đáng của nhà nước, của dân
tộc v.v..thì đó là phục vụ chính Thiên Chúa. Nhưng không ai được vi phạm quyền
lợi của Thiên Chúa để gọi là phục vu quyền lợi của “người ta”, dù người này là
chính quyền hay là ai đi nữa. Vì lúc đó quyền lợi của “người ta” là không chính
đáng. Chính quyền thay Trời trị dân để mưu cầu cơm no áo ấm, hạnh phúc cho dân.
Nếu chính quyền không thực hiện được như vậy, làm mất lòng dân thì dân có quyền
lật đổ vua, vì vua đã cãi lệnh Trời, đi ngược lại quyền lợi của dân do Thiên
Chúa ban cho họ như Tự Do, Dân chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo…Ta không thể
phục tùng, ủng hộ loại chính quyền có dã tâm tước đoạt những quyền căn bản ấy
của người dân, vì như vậy là đồng lõa với chính quyền chống lại chủ đích và
quyền lợi của Thiên Chúa. Khi đó, sự trung thành, biết ơn, phục vụ Thiên Chúa
của ta đã bị phân tán; ý niệm ơn phúc Chúa ban cho ta đã trở nên khác lạ; phục
vụ Thiên Chúa của ta không vượt lên trên việc phục vụ thế quyền như bổn phận
của ta đã được Chúa qui định là phải trả lại Thiên Chúa tất cả những gì ta có.
Những vị cầm đầu Giáo Hội trung ương cũng như địa phương lại có bổn phận lớn
lao và quan trọng hơn nữa.
CYRUS LÀ KHÍ CỤ TRONG BÀN TAY THIÊN CHÚA
Trong bài đọc 1 sách Isaiah hôm nay (Is 45: 1, 4-6), chúng ta bắt gặp Cyrus là
vua xứ
Ba
Tư, Isaiah cho biết là ông ta đã được « xức dầu thánh », một dấu chỉ
nói về dân Israel, nhưng ở đây lại ám chỉ Cyrus, bởi vì ông là đại diện của
Chúa (45:1). Khi vua Cyrus cho phép dân Israel trở về đất tổ để xây lại đền thờ
Jerusalem đã bị phá hủy là lúc mà dân Israel chấm dứt thời kỳ bị nô lệ. Cyrus
tượng trưng cho đấng thiên sai mà dân Israel đang mong đợi. Ông là hình ảnh của
đấng cứu chuộc đã được hứa và thiết lập để giải phóng dân Chúa khỏi nô lệ tội
lỗi và đem họ vào vương quốc tự do đích thực. Mặc dù ông được nuôi dưỡng là dân
ngoại, nhưng ông được xức dầu thánh Chúa để thi hành sứ mạng giải phóng dân
Chúa. Mặc dù ông không biết đến Thiên Chúa, nhưng cuối cùng ông cũng hiểu rằng
ông được Thiên Chúa chọn. Chúa đã đặt mọi sự trong tay ông để ông hoàn thành
chủ đích của Chúa. Thiên Chúa nuôi dưỡng ông với mục đích đặc biệt là giải
phóng dân Do Thái ra khỏi Babylon.
VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
Làm sao để phục vụ Thiên Chúa trong
xã hội loài người?
Nhờ ánh sáng của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thử coi lại một trong những tài
liệu rất quan trọng của Giáo Hội nói về sứ mạng và sự dấn thân của Giáo Hội vào
thế giới văn minh ngày nay. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới
Hiện Đại « VUI MỪNG VÀ HY VỌNG » của Công Đồng Vatican II đã đưa ra
một kế hoạch mới nhấn mạnh đến vấn đề không phải là thoái lui hay khải hoàn,
cũng không phải là hòa mình đến độ đồng hóa, nhưng là nhiệm vụ cấp thiết phải
đối thoại, nghĩa là lắng nghe và lên tiếng, đồng thời cộng tác có
nguyên tắc với những cơ chế xã hội khác và những cộng đồng dân tộc. Sứ mạng của
Giáo Hội phải được biểu hiện thành những quan điểm xã hội và phải coi những
thực tại trần thế và chủ nghĩa đa nguyên là quan trọng.
Cũng cần nhớ
lại những điểm chính yếu của hiến chế «Vui Mừng và Hy Vọng».
Hiến chế Mục
Vụ của Giáo Hội về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại khuyến khích thái độ cởi mở
với thực tế về sự hiện diện của một loại tôn giáo dưới hình thức thế quyền,
thường được hiểu một cách đơn thuần là tình trạng thế tục, mất hết đặc tính tôn
giáo.
Hiến chế
« Vui Mừng và Hy Vọng » phát triển chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo theo
giáo huấn xã hội của Đức Phaolo VI và Đức Gioan Phaolo II, và chắc chắn là có
tâm óc và công trình của Joseph Ratzinger mà hiện là Đức Benedict XVI. Tài liệu
giúp ta hiểu biết về con người nhân bản, chú trọng đến những ưu tư đương đại về
tự do, bình đẳng và tình liên đới. Nó giúp tái xác định sứ mạng của Giáo Hội
như là dấu chỉ và bảo đảm an toàn cho nhân cách con người. Vậy là Hiến Chế Mục
Vụ đã đưa ra một căn bản thần học về sứ mạng xã hội của Giáo Hội.
Cuối cùng, nó
đã gợi ý và đề nghị một kế hoạch giúp Giáo Hội làm sao có thể tham gia vào thế
giới trần thế với một thái độ nể trọng và tôn kính đối với sinh hoạt của Chúa
Thánh Thần đang tác động qua nhiều biến cố, cơ sở và cộng đồng trong thế giới
của chúng ta. Công trình của hiến chế «Vui Mừng và Hy Vọng » hẳn phải còn
lâu mới hoàn thành và kết thúc. Chúng ta cần phải có phân tích, nghiên cứu
thêm, và phối hợp với sứ mạng xã hội để đi xâu vào trung tâm điểm của đời sống
Công Giáo.
Cũng cần phải
nhấn mạnh rằng sứ vụ truyền giáo là công việc chung của toàn thể Giáo Hội,
không phải là nhiệm vụ của một ít người hay một nhóm chuyên viên kỳ tài nào đó mà thôi.
ĐÁNH GIÁ SAU CÙNG CỦA CÔNG
ĐỒNG VATICAN II
Đánh giá sau
cùng của công đồng Vatican II –«Vui Mừng và Hy Vọng»- về tất cả những cố gắng
về thần học cũng như mục vụ của chúng ta nằm ở điểm chính yếu này : Nếu
chúng ta thực sự tin rằng chúa Giêsu Kitô là Chúa lịch sử và thế giới cũng như
thời đại của chúng ta thuộc về Ngài, thì phải chăng chúng ta phải phán xét
những cố gắng của chúng ta theo như tâm tư, ý nghĩ của Chúa Giêsu Kitô?
Phải chăng chúng ta phải đánh giá tất cả mọi sự chúng ta có và những việc chúng
ta làm dựa vào cách thức chúng ta tự mở mắt chúng ta và mắt tha nhân để nhìn
ngắm hào quang và vẻ đẹp cứu độ của chúa Kitô? Phải chăng chúng ta phải tự hỏi
xem những cố gắng của chúng ta có đi sâu vào những lời hứa và lòng tin tưởng
của chúng ta nơi tình vua, sự hiện diện và quyền uy của Chúa Giêsu Kito trong
lich sử loài người?
ĐÔI LỜI KẾT
Nếu hình ảnh
của Caesar được in trên đồng tiền La Mã mà nó phải được trả lại cho ông ta, thì
trái tim loài người phải mang dấu ấn của Tạo Hóa, là Chúa duy nhất của đời
chúng ta. Ngài đã đánh dấu chúng ta với mục đích riêng của Ngài, rồi sai chúng
ta đi thi hành sứ mệnh trên khắp thế giới. Những kế hoạch của loài người chúng
ta có giúp chúng ta trở thành những tiên tri, những đầy tớ và sứ giả tốt lành
hơn của vương quốc của chúa Giêsu không? Chúng ta đừng bao giờ xấu hổ vì phải
công khai làm việc vì vương quốc của chúa Giêsu, và tuyên xưng cho mọi người
biết về Ngài. Chỉ có một mình Ngài bảo đảm cho chúng ta có được sự vui mừng
đích thực và niềm hy vọng thâm sâu, một «Vui Mừng và Hy
Vọng» thực sự cho muôn dân trong «thời đại chúng ta». Vương quốc của
Ngài thì vĩnh cửu.
Chúng ta hãy
cầu nguyện để có được lòng can đảm và trí khôn ngoan hầu có thể trả lời một
cách trung thực và đơn giản khi chúng ta cảm thấy mình đi lạc đường, ở trong
tình trạng phân vân, hồ nghi. Chúng ta đã được in dấu và chúc phúc với hình ảnh
của Thiên Chúa. Đừng bao giờ quên chúng ta thực sự thuộc về ai, và tại sao
chúng ta phải thực sự làm những điều chúng ta cần phải làm. Chúa gọi chúng ta
không phải vì chúng ta, nhưng Chúa vời chúng ta đến để sai chúng ta đi vào thế
giới để tuyên xưng danh Ngài và công trình cứu độ của Ngài. Đó là sứ mạng khó
khăn và nguy hiểm. Nhưng đó cũng là lý do để cho mọi người chúng ta vui mừng.
Đừng bao
giờ coi việc phục vụ thế quyền trên quyền lợi và mục đích của Thiên
Chúa.
Fleming Island, Florida
Oct.14,
2020.