Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT


Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

                

Nhiều người nói về những câu chuyện của những nhân vật vĩ đại, can đảm và hy sinh tuyệt vời. Nhưng còn một hy sinh vượt trội trên hết mọi hy sinh và vĩ đại nhất trong những vĩ đại trong mọi thời đại, dù bạn có nhận ra nó hay không thì nó cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến bạn!

Bạn có bao giờ nghĩ là có người can đảm tuyệt vời như vậy không? Hoặc có lúc nào bạn bị xúc động đến độ không thể tưởng tượng nổi sự hy sinh của người ấy lại cao cả đến độ chịu chết chỉ vì lợi ích và cứu sống những người khác không?

Chúng ta thử coi lại những câu chuyện về những nhân vật phi thường tương tự như vậy ở trong Kinh Thánh.

- Cậu mục đồng nhỏ David đã dám thách đấu với cả một đạo quân Philistine và chiến đấu với hiệp sĩ khổng lồ Goliath.

- Vị vua trẻ Josiah đã dám đứng ra gánh vác cả một cơ nghiệp to lớn gồm văn hóa và tôn giáo của một quốc gia để dẹp bỏ lãnh thổ của dân ngoại đang thờ ngẫu tượng và tái lập việc tôn thờ Thiên Chúa thật.

- Thánh Gioan Tiền Hô đã hiên ngang đứng thẳng trước bạo lực và trả giá bằng cái đầu của mình để trên đĩa.

- Thánh Phaolo Tông Đồ là người đầu tiên -nói trong Kinh Thánh- đã truy nã Giáo Hội nhưng rồi lại dâng hiến chính đời mình cho Giáo Hội. Ngài phải chịu nhiều cực hình, đói, khát khổ cực, bị đánh đòn, ném đá cho đến chết.

-Và còn nhiều hơn nữa, không kể hết được, những thiện nam tín nữ đã hy sinh mạng sống mình cho một niềm tin cao cả, vĩ đại hơn cả chính họ.

 

MỘT HY SINH VĨ ĐẠI NHẤT

Trong số những nhân vật vĩ đại nêu gương can đảm và hy sinh trong Kinh Thánh còn có một nhân vật siêu quần vượt trội hơn hết và duy nhất vì gương hy sinh của Người vĩ đại nhất vượt thời gian và không gian trong mọi thời đại.

Là duy nhất bởi vì gương hy sinh này liên hệ đến một nhân vật cũng duy nhất đã hy sinh địa vị duy nhất của mình, mạng sống của mình để cho mọi người được hưởng ơn huệ hy sinh đó.

Gương hy sinh duy nhất này cũng vĩ đại nhất bởi vì nó vượt trội nhất trong các loại hy sinh mà trí con người không tài nào có thể tưởng tượng nổi…

Đó là sự hy sinh cao cả của Chúa Giesu Kito, một hy sinh ngoại lệ, không thuộc loại hy sinh của loài người.

 

TẠI SAO CHÚA KITO LẠI HY SINH?

Nhiều người đã biết Chúa Giesu Kito chịu chết trên thập giá như một tội phạm. Đây là chủ đề chính của Kito Giáo, trung tâm điểm của Kinh Thánh Kito Giáo mà không phải tất cả mọi người đều biết và thấu hiểu tường tận.

Nhiều đoạn Kinh Thánh cho thấy sự quan trọng của việc hy sinh này và lý do tại sao nó lại cần thiết. Xin kể vài lý do:

· “Nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Thiên Chúa ngự trong ánh sáng, thì chúng ta là anh em cùng hiệp thông với nhau, và máu Đức Giesu con của Người thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Ga 1:7).

· “Thiên Chúa thì đầy lòng nhân ái và ân sủng nên Người -nhờ máu Thánh Tử đổ ra-  chúng ta được cứu chuộc và tha thứ mọi tội lỗi” (Ep 1:7).

· “Anh em hãy nhớ rằng Thiên Chúa cứu anh em khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em để lại, không phải bằng vàng bạc là những thứ hay hư nát, mà bằng máu, bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết là Đức Kito” (1Pr 1:18-19).

· Vì mọi người đều có tội, nên tất cả chúng ta bị tước mất vinh quang Thiên Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trở nên công chính, thoát khỏi mọi hình phạt do tội lỗi của chúng ta nhờ ân sủng của Người qua công trình cứu chuộc của Đức Kito. Thiên Chúa đã định Đức Kito phải đổ máu mình ra làm hy lễ tha tội cho những ai tin” (Rm 3:23-25).

· “Rồi Đức Giesu cầm lấy chén rượu, cám tạ Thiên Chúa, trao cho các môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu thầy -máu Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Người- đổ ra hy sinh cho muôn người được tha tội” (Mt 26:27-28).

Trên đây là ít đoạn thay cho nhiều đoạn khác làm thí dụ để chúng ta thấy rằng Chúa Giesu Kito đã hy sinh chết làm lễ vật thay cho chúng ta để tội lỗi chúng ta được rửa sạch. Người tự mình chịu hình phạt chết thay cho chúng ta, một hình phạt đúng ra là chúng ta phải chịu. Thư gửi tin hữu Do Thái có câu: “Chiếu theo luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu, không có máu đổ ra thì không có ơn tha thứ “ (Dt 9:22). Nếu Chúa Giesu Kito không chết cho chúng ta, chúng ta sẽ phải chết vì tội lỗi chúng ta và đời đời phải xa cách Thiên Chúa, không một hy vọng gì có được đời sống tốt đẹp mai sau.

Đó là điều rất quan trọng, bởi vì kế hoạch của Thiên Chúa cho loài người là giúp mỗi người chúng ta có cơ hội để đạt đời sống vĩnh cửu!

 

CHÚA GIESU BIẾT CHÚA SẼ CHẾT THẾ NÀO

Có bao giờ bạn muốn biết bạn sẽ chết khi nào, ở đâu và thế nào không? Có người muốn chết cách êm ái nhưng có người lại chết trong hoảng sợ lo âu.

Nhưng có một người duy nhất là Đức Giesu thành Nazareth lại biết trước chắc chắn về cái chết của mình sẽ xẩy ra khi nào, ở đâu và thế nào. Và, cái chết của Người không đến một cách an bình. Nó đến trong mưu toan đã định trước với bạo lực rất tàn nhẫn.

Chỉ ít thánh nhân trong thời gian mục vụ như Nicodemus, nhà lãnh tụ Do Thái giáo đã được Chúa Giesu nói: “Như ông Maisen nâng con rắn bằng đồng lên ở trong sa mạc thế nào thì Con Người cũng phải giương cao lên như vậy, để cho ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Chúa đã so sánh mình với con rắn bằng đồng được gắn ở đầu cái gậy; nếu ai ngắm nhìn nó thì sẽ khỏi chết (Ds 21:8-9). Chúa dùng động từ “nâng lên” là chỉ Chúa sẽ bị đóng đanh trên thập giá rồi người ta dựng cây thánh giá đó lên khỏi mặt đất nơi bị hành quyết.

Nhiều ngày trước khi chịu chết, Chúa Giesu đã dùng cùng một kiểu nói đó với một đám đông người: “Khi tôi được nâng cao lên khỏi mặt đất thì tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Môn đệ Gioan lúc đó nói rõ thêm“Người nói như vậy là ám chỉ Người sẽ chết thế nào” (Ga 12:30-32; 8:28).

Bạn sẽ sống với tư tưởng đó thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ra sao khi biết là trong ít năm nữa, vào một ngày đặc biệt nào đó bạn sẽ bị một tai nạn và chết bất đắc kỳ tử một cách rùng rợn kinh khủng? Cái chết ấy của bạn thật là cô đơn; bạn bẻ, người thân không một ai có mặt.

Dù biết sẽ phải chết như vậy, Chúa Giesu vẫn không ngần ngại thi hành sứ mệnh của Chúa. Thánh Luca kể lại: “Khi thời giờ đến gần…Chúa Giesu nhất quyết đi lên Jerusalem” (Lc 9:51). Người đã được chỉ định phải hoàn tất sứ mệnh đó vì Người đã phải xuống trần.

Khi Chúa rong ruổi ngược xuôi trên các nẻo đường ở Judea và Galilee, chắc chắn Chúa đã nhìn thấy những người bị chết treo trên thập giá. Bị đóng đanh chết trên thập giá là một hình phạt công khai dành cho tội nhân. Chúa biết cái chết đó đang chờ đợi Chúa, và hình phạt Chúa chịu sẽ kinh hồn ghê gớm vô cùng.

 

BỊ ĐÓNG ĐANH CHÂN TAY VÀ NHỮNG TRẬN ĐÒN ĐAU ĐỚN KINH HỒN

Đóng đanh vào thập giá là một án tử rất kinh hoàng đã được dự tính trước. Hồi xưa người ta dùng để xử những tù binh người Assyria bị bại trận bằng cách lấy những cây gỗ nhọn đâm vào nạn nhân và đưa lên cao. Từ đó hình phạt này đã trở thành văn hóa cổ Hy Lạp và sau cùng đến La Mã  thì rất phổ thông.

Hình thức xử tử rất ác độc này là có mục đích và chũ trương xỉ nhục nạn nhân. Nạn nhân bị lột hết áo quần để trần truồng cũng là một hình thức nhục mạ khác. Cuộc xử tử công khai và đặc biệt này thường được thi hành dọc theo những con đường chính của thành phố và bên ngoài cổng thành để cho công chúng, khắp bàn dân thiên hạ hiểu đây là một thông điệp: Đừng có sợ sức mạnh và quyền lực của La Mã và, đây là điều có thể xẩy ra cho các ngươi.

Chúa Giesu đã không bao giờ thách thức chính quyền La Mã. Toàn quyền La Mã tại Judea lúc đó là Philato cũng không thấy Chúa Giesu có tội gì đáng phải chết (Lc 23:4, 14; Ga 18:38; 19:4,6). Nhưng chính quyền Do Thái giáo lúc đó lại nhất định gán tội cho Chúa và yêu cầu đóng đanh Chúa vào thập giá. Lúc đầu họ gán cho Chúa tội phạm thượng (Mt 26:65). Nhưng tội này theo luật La Mã lại không đáng phạt, họ bèn đổi ra tội phản bội và xúi dục nổi loạn (Lc 23:2) là tội mà hình phạt là đóng đanh vào thập giá.

Họ cũng đã làm reo, gây áp lực quan Philato, buộc ông phải giết Chúa Giesu là người vô tội (Ga 19:12). Philato đã chịu thua dân Do Thái, chấp nhận hình phạt mà chúng đòi hỏi là đánh đòn Chúa rồi đem đóng đanh vào thập giá.

Hình phạt đánh đòn là dùng những bó roi bằng da, ở đầu mỗi sợi có gắn những cục sắt hay xương khô. Thứ roi này khi đánh vào người sẽ làm rách da thịt tả tơi thành nhiều mảnh khiến máu chảy dầm đìa…Nhiều nạn nhân chịu không nổi đã chết vì những trận đòn như vậy trước khi bị đóng đanh vào thập giá.

Tiên tri Isaia (52:14) đã tả cảnh máu chảy thịt rơi mà Chúa phải chịu như sau: “Mặt mày Chúa tan nát không còn hình dạng gì là người nữa….” Chúa bị tan nát, bê bết, da thịt bầy nhầy…đến độ không tài nào có thể mường tượng được đó là con người.

Sau đó Chúa Giesu bị mang đi đóng đanh. Theo phong tục thì các nạn nhân bị treo lên thập tự bằng cách đóng đanh vào tay chân hay cột bằng giây thừng trong nhiều giờ -thường là nhiều ngày- trước khi chút hơi thở cuối cùng và chết.

Cuộc hấp hối của Chúa trên thập giá quả là kinh hoàng đến nỗi dân La Mã lúc đó đã nghĩ ra chữ excruciare do chữ Ex và Cruciare (cruc, crux=croix) nghĩa là đóng đanh vào thánh giá mà thể quá khứ là excruciatus, được dịch qua tiếng Anh là Excruciating, diễn tả một nỗi đau đớn ghê gớm cả thể xác lẫn tinh thần không thể chịu nổi và cũng không tài nào diễn tả được cái cực hình đóng đanh vào thập giá đó gây đau đớn đến thế nào.

 

CHÚA GIESU ĐÃ CHẾT THẾ NÀO?

Cái chết của Chúa Giesu do cuộc hành hình, đánh đập và đóng đanh có nhiều nguyên nhân: mất máu vì nhiều vết thương, da thịt rách nát; bị ‘sốc’ vì nhiều chấn thương lớn trên thân xác; bị nghẹt thở vì Chúa không còn đủ sức để nâng mình lên, nhấc chân lên để thở, vì toàn thân bị đau đớn ê ẩm và tê liệt.…

Ngoài ra Chúa Giesu còn bị xúc động bởi cảnh tượng hàng triệu con cừu, dê, chiên, chim và súc vật đã được hiến tế trước đây cả hàng thế kỷ ở Israel, trong đó có cả triệu con chiên Vượt Qua. Thánh Phaolo tông đồ đã viết trong thư gửi tin hữu Corinto: “Chúa Kito đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua cho chúng ta” (1Cr 5:7).

Giống như vậy, thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 10:4) cho thấy: Máu súc vật chiên bò…không thể nào xóa được tội lỗi; nó chỉ có thể được hoàn chỉnh bằng chính cái chết của Chúa Kito mà thôi (c. 5-10; Dt 9:11-14).

Những tế vật đó đã chết như thế nào? Cổ họng bị cắt và máu chảy, nghĩa là chúng chết rất nhanh và ít có đau đớn.  Chúa Giesu Kito cũng chết vì chảy máu nhưng rất đau đớn và giai dẳng, bị treo trên thập giá từ 9:00 giờ sáng đến 3:00 giờ chiều (Mc 15:25, 34-37).

Để cho chắc ăn là Chúa đã chết, một tên lính La Mã đã dùng ngọn mác đâm vào chính tim Chúa. Giọt máu cuối cùng đã chảy ra (Ga 19:34). Lời tiên tri Zacharia đã ứng nghiệm (12:10) và “họ đã đứng nhìn lên đấng mà họ đã đâm thâu” (Ga 19:37).

Đây là lúc chấm dứt nhiệm vụ của Chúa, lúc Chúa chút hơi thở cuối cùng và nói: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:30), tiếng Hy Lạp là tetelestai có nghĩa là “đã trả hết”. Chữ này đã được ghi trên tờ biên nhận lúc đó.

Sự hy sinh tận hiến của Người đã hoàn thành. Phần sứ mệnh này trước đó đã được diễn tả là “Người đã hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn dân” đã xong. Thân xác người bê bết máu đã được hạ xuống khỏi thập giá và đem đến để trong một mộ đá gần đó  ba ngày ba đêm cho đến lúc Chúa Phục Sinh (Mt 20:28; 12:40).

 

TIỀN HIỆN HỮU CỦA ĐỨC GIESU KITO

Một vấn đề rất quan trọng của câu chuyện hy sinh vừa được nói ở trên mà nhiều người không để ý đã bỏ quên hay không biết và không hiểu đó là sự tiền hiện hữu của Đức Giesu Kito trước khi Chúa xuống thế làm người.

Bàn về việc này, đa số người chỉ dựa vào câu đầu tiên của sách Sáng Thế: “Từ khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời và đất” (St 1:1).  Nhưng thực ra Kinh Thánh trước đó đã bắt đầu bằng những lời thánh Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Người hiện hữu từ lúc khởi đầu cùng với Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự qua Người, và chẳng có gì được tạo dựng mà không qua Người” (Ga 1:1-13).

Đây là những sự thật đã được biểu lộ:

   * Từ khởi đầu đã có hai Thiên Chúa Người, một gọi là LỜI và hai là THIÊN CHÚA.

   * Cùng một lúc, “Người” là Thiên Chúa, và “Lời” cũng là Thiên Chúa   

 * Cả hai cùng hiện diện từ khởi đầu –không có vị nào được tạo dựng, mà cũng chẳng có vị nào tạo ra vị nào. Bởi vì“từ khởi đầu Thiên Chúa đã tạo ra Trời và Đất” (St 1:1). Cả hai nhân vật này đã hiện hữu trước khi vũ trụ được tạo thành.

 * Người là THIÊN CHÚA “đã tạo dựng nên mọi sự qua” đấng gọi là “LỜI”

Người đã hy sinh mạng sống của Người để cứu chuộc nhân loại, đã hy sinh từ bỏ sự hiện hữu bất tử của Thiên Chúa vì chúng ta.

 

LỜI TRỞ NÊN NGƯỜI

Thánh sử Gioan cũng cho chúng ta biết một sự thật khác rất quan trọng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta…,và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. (Ga 1:14). Lời đã hiện hữu với Thiên Chúa từ khởi đầu là Thiên Chúa, và Người “trở nên loài người và hiện diện giữa chúng ta,” và Người là đấng mà thánh Gioan và các môn đệ khác đã trông thấy chính là đấng mà chúng ta biết là Đức Giesu Kito.

Câu 10 lại cho chúng ta thấy “ Người đến giữa thế gian do Người tạo dựng ra, nhưng thế gian lại không nhận biết Người.” Cả câu này và câu 3 đều cho chúng ta biết Người là đấng đã tạo dựng nên thế gian và toàn thể vũ trụ.

Câu 1:2-3 thư gửi tín hữu Do Thái cũng xác nhận việc này: “Thiên Chúa -qua Thánh Tử- đã tạo dựng nên vũ trụ”.

Thánh Phaolo còn cho thêm những chi tiết khác về sự thật lạ lùng đó trong thư gửi tín hữu Colossi (1:15-16): “Chúa Kito là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Người hiện hữu trước khi mọi vật được tạo thành và ở trên hết mọi loài thụ tạo, vì qua Người Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự trên trời dưới đất. Người tạo thành mọi sự mà chúng ta trông thấy và những sự chúng ta không trông thấy. Tất cả mọi sự được tạo dựng nhờ Người và cho Người.”

Con Người xuống thế với thân xác loài người như Chúa Giesu Kito đã tạo dựng nên không phải chỉ có vũ trụ hữu hình mà chúng ta nhìn thấy mà cả “vương quốc trên trời” tức vũ trụ thần linh của các thiên thần trong một thế giới vô hình vượt quá cả những tri thức tự nhiên của con người.

 

THIÊN CHÚA CHA VÀ ĐỨC GIESU TRONG TRẠNG THÁI THIÊN CHÚA

Vì loài người bị giới hạn bởi những giác quan xác thịt của mình như thị giác, khứu giác, vị giác…nên khó có thể tưởng tượng được sự hiện hữu của một thế giới thần linh ở bên kia thế giới của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể nắm bắt được một Thiên Chúa được diễn tả trong Isaiah 57:15 “Ta là đấng muôn trùng cao cả, ngự trị chốn vĩnh hằng cao vời và thánh thiện”. Thiên Chúa Cha và Đức Giesu Kito Con của Người sống ở bên kia thế giới vật chất của chúng ta -bị giới hạn bởi không gian và thời gian- là thế giới không bắt đầu và không tận cùng.

Daniel 7:9-10 cũng diễn tả một Thiên Chúa Cha tương tự như vậy trong lúc thị kiến: “Áo Người trắng như tuyết, tóc Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai Người ngồi cùng với bánh xe toàn là ngọn lửa. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Hàng triệu thiên thần hầu hạ Người; nhiều triệu thiên thần đứng túc trực trước và bên cạnh.”

Thánh sử Gioan cũng nói cho chúng ta biết là Chúa Giesu Kito cũng tiền-hiện-hữu cùng với Thiên Chúa Cha và đã sống lại vinh hiển. Thánh sử đã diễn tả vẻ huy hoàng vinh quang tuyệt vời ấy như được ghi trong sách Khải Huyền 1:14-18:

  “Đầu Người và tóc Người trắng như len trắng, như tuyết. Và măt Người như ngọn lửa hồng. Chân Người giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò. Tiếng Người vang như tiếng nước lũ, như sóng biển…Và, mặt Người sáng như mặt trời tràn đầy hào quang chói lọi. Khi thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người như chết vậy. Nhưng Người đặt tay hữu Người lên tôi và nói “Đừng sợ! Ta là đầu và là cuối. Ta là đấng hằng sống. Ta đã chết và nay ta sống đến muôn thuở muôn đời!”

Đây là Đấng đã trở thành đức Giesu Kito hiện hữu như trước khi Người trở thành con người xương thịt. Đây chính là Thiên Chúa Hiện Hữu Vinh Quang. Đây chính là đấng mà Người xin cho được tái tạo khi Người cầu nguyện vào đêm sau cùng của cuộc đời con người của Người, “ Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:5).

Và Người đã được tái tạo. Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 12:2) đã nói cho chúng ta thấy: “Vì sự vui mừng đang chở đợi, Người cam chịu khổ nhục thánh giá, chẳng nề ô nhục. Nay Người ngự bên hữu ngai vinh hiển Thiên Chúa.”

 

CHÚA GIESU KITO ĐÃ HY SINH VÌ CHÚNG TA

Bây giờ chúng ta được hưởng rất nhiều ơn phúc vì sự hy sinh cao cả của Chúa Giesu Kito. Người đã hy sinh tự hiến mạng sống mình làm của lễ cứu chuộc tội lỗi chúng ta. Người cũng hy sinh từ bỏ tính thần linh Thiên Chúa vinh quang bất tử để trở thành loài người bình thường để có thể chết cho tội lỗi chúng ta. Vì là Thiên Chúa vinh hiển đầy quyền lực, Người có thể không bao giờ chết vì người là thần linh và bất tử. Nhưng Người đã mặc lấy máu thịt loài người để có thể chết cho chúng ta. Đó chính là điều Người muốn, và Người đã làm.

Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Philiphe (Pl 2:5-8) khuyên chúng hãy khiêm tốn và tự hiến giống như Chúa Giesu Kito đã làm: “Anh em hãy có tâm tình như chính Đức Giesu Kito. Dù là Thiên Chúa, Người cũng không nghĩ mình nhất thiết phải ngang hàng với Thiên Chúa. Thay vì vậy, Người đã từ bỏ đặc quyền Thiên Chúa của mình, mặc lấy thân nô lệ và sinh ra làm người. Khi mặc lấy hình thức loài người, Người khiêm tốn vâng lời Thiên Chúa và chết trên thập giá như một tội nhân.”

Điều này rất quan trọng và thâm sâu. Khi Con Người này đã là Thiên Chúa với Thiên Chúa Cha xuống trần gian -một thứ trần gian mà chính Người đã tạo dựng nên- thì Người xuống thế như thế nào? Người không đến trong vinh quang chói lòa ánh sáng để cho muôn dân biết Người là Thiên Chúa để thờ lạy. Người không xuất hiện như một triết gia nổi danh thế giới như Platon hay Aristode…Người không đến như một danh tướng Caesar đứng đầu một đạo binh hùng dũng đang hiên ngang tiến vào tiếp nhận thành Rome và đế quốc hùng mạnh lẫy lừng một thời.

Người có thể làm bất cứ điều gì như vậy, nhưng Người đã không làm. Người đã để mọi vinh quang huy hoàng, quyền lực, thế giá qua một bên rồi xuống thế như một người tầm thường có thể chết và đang chết. Và Người đã làm như vậy để thi hành kế hoạch mà Người và Thiên Chúa Cha đã tính và dàn xếp từ trước khi có vũ trụ (1Pr 1:20; Kh 13:8).

Không ai có thể buộc Người phải thi hành quyết định này.  Người đã nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần là Người đã tự mình chọn lấy việc này: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên…Tôi hy sinh mạng sống tôi để rồi tôi lấy lại. Không ai có thể lấy mạng sống của tôi khỏi tôi. Tôi tự nguyện hy sinh.” (Ga 10:15-18).

 

TẠI SAO CHÚA PHẢI CHẾT

Bây giờ chúng ta có nhiều hình ảnh trọn vẹn hơn về sự hy sinh của Chúa Giesu Kito. Là Thiên Chúa cùng với Chúa Cha, Đức Giesu Kito cũng hằng có muôn đời và không bao giờ chết. Nhưng vì tội lỗi của loài người –của mỗi một người chúng ta và của tất cả chúng ta- chúng ta cần đến Đấng Cứu Thế, một hy sinh hiến tế để đền trả cho tội lỗi của tất cả chúng ta.

Đây là lý do không một hy sinh nào khác khả dĩ đầy đủ ngoài mạng sống của Chúa Kito, là đấng đã tạo dựng nên muôn sự muôn loài, trong đó có loài người, có thể trả giá đền tội thay cho chúng ta. Sự hy sinh tuyệt đỉnh này đã lấy đi mạng sống của đấng Tạo Hóa đã tạo ra sinh mạng của loài người, của tất cả những ai đã và đang sống hoặc luôn luôn sống, để đền cho cái tội đáng chết của những con người đầy dẫy tội lỗi đang sống và luôn luôn sống.

Nếu Chúa Giesu là một người bình thường thì sự hy sinh của Người chỉ có thể đền trả cho bản án tử hình của một mình Chúa thôi. Nếu Chúa là người không có tội thì có lẽ Chúa chỉ đền tội thay cho một người nào thôi nếu việc đó được Thiên Chúa chấp nhận. Nhưng Đức Giesu không phải là một người bình thường, Người là Thiên Chúa là đấng Tạo Hóa hiện thân làm người bằng xương thịt, và chỉ sinh mạng này của Chúa Giesu mới có giá trị hơn tất cả các sinh mạng của loài người ở mọi thời đại trên khắp địa cầu.

 

MỤC ĐÍCH CỦA KẾ HOẠCH THIÊN CHÚA

Đằng sau những ý nghĩa trên là kế hoạch của Thiên Chúa mà ít người hiểu. Nó không chỉ là vấn đề Chúa Giesu chết và chúng ta được tha thứ. Mục đích là Thiên Chúa muốn “mang nhiều con cái Người vào chốn vinh quang” như một phần của gia đình Người!

Chúng ta hãy để ý đoạn thư thánh Phaolo gửi tín hữu Do Thái (Dt 2:9-12): “Điều mà

chúng ta thấy là Đức Giesu, ‘trong một thời gian ngắn đã thua kém các thiên thần’; và vì Người đã chịu đau khổ và chịu chết, nên bây giờ ‘Người được đội mũ triều thiên vinh quang’. Đúng thế, nhờ ơn Thiên Chúa, Đức Giesu đã nếm sự chết cho mọi người. Thiên Chúa, -vì Người và qua Người- mà mọi sự được tạo thành, đã chọn mang nhiều con cái vào chốn vinh quang. Đó là quyền duy nhất Thiên Chúa đã biến Chúa Giesu, qua sự đau khổ của Người, thành nhà lãnh đạo toàn hảo, thích hợp để đem họ vào nơi cứu độ.

“Bây giờ Chúa Giesu và những ai được Người thánh hóa thì có cùng một Cha. Vì vậy Chúa Giesu không còn phải xấu hổ khi gọi họ là anh chị em. Người đã nói với Thiên Chúa: ‘Ta sẽ tuyên xưng danh các ngươi là anh chị em. Ta sẽ ca ngợi các ngươi giữa đại hội’” (Dt 2:9-12).

Đó là lý do thánh Phaolo đã gọi Chúa Giesu là “con đầu lòng trong anh em”(Rm 8:29). Tương tự như vậy, trong 2Corinto 6:18 thánh sử cũng đã viết: “Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai con gái của Ta. Chúa toàn năng phán như vậy.”

Lạ lùng thay đó lại là mục đích của kế hoạch Thiên Chúa. Vì vậy Chúa Giesu Kito đã tự mình là hoàng đế tràn đầy vinh quang sáng lạng mà Người đã chia sẻ với Chúa Cha là Thiên Chúa ở trên thiên đàng. Vì vậy mà Người đã xuống thế sống như người phàm và hy sinh mạng sống để cứu chuộc tội lỗi chúng ta. Và vì vậy Chúa Cha đã làm cho Người sống lại để trở về hiện trạng vinh quang như trước là “con đầu lòng trong anh em”. Những “người anh em này” đã có định mệnh là con trai con gái của Thiên Chúa!

Trong vinh quang vĩnh hằng, Người không bao giờ chết. Nhưng vì tội lỗi chúng ta, chúng ta cần phải có một đấng cứu thế, một hy tế để đền cho tội đáng chết của chúng ta.

 

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

Vậy chúng ta phải làm gì? Đức Giesu Kito đã trao đổi giữa hai sự sống của Người và của nhiều người chúng ta. Vì Thiên Chúa, đấng đã trở thành người nên con người đó –tất cả những ai sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Người cũng như Người đã hy sinh mạng sống của Người cho chúng ta- có thể trở thành Thiên Chúa, như một phần của gia đình Thiên Chúa. Đó là sự thật kỳ lạ được nói trong Kinh Thánh!

Kế hoạch của Thiên Chúa là “mang nhiều con cái vào chốn vinh quang” nhờ Chúa Giesu Kito, “con đầu lòng của nhiều anh chị em.” Kế hoạch và mục đích đó gồm có bạn ! Bạn được tạo dựng nên không phải để có một đời sống rỗng tuếch vô nghĩa, nhưng với một mục đích vĩ đại nhất không thể ngờ được là trở thành một phần của gia đình Thiên Chúa, những con cái chính thức của Một Thiên Chúa!

Như chúng ta biết, Đức Giesu Kito đã hiến tế một của lễ vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Người đã hy sinh cho bạn! Tại sao hôm nay bạn lại không cam kết biến mục đích của Thiên Chúa đã làm cho bạn trở thành hiện thực bằng cách nhận biết và chấp nhận cái mục đích mà Đức Giesu Kito đã đau khổ và hy sinh chết thay cho bạn, cũng như cam kết hiến thân bạn cho Người như Người đã hy sinh mạng sống của Người cho bạn?

 

Mùa Chịu Nạn 2020

NTC

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!