Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
THA THỨ VÀ HÒA GIẢI

 

CHÚA NHẬT 23 A THƯỜNG NIÊN

Ed 33:7-9; Rm 13:8-10; Mt 18:15-20

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
   

Người Công Giáo chúng ta thường có tính dĩ hòa vi quí, coi tha thứ và hòa giải là đầu, nại cớ mến Chúa yêu người. Nhưng thế nào là tha thứ và hòa giải? Tha thứ có dẫn tới hòa giải không hay lại chỉ đưa tới hỗn loạn và bất công?  Hai bài đọc và bài Phúc âm tuần này đã đưa ra cho chúng ta những tiến trình của tha thứ và hòa giải đễ dẫn tới hy vọng hàn gắn những vết thương đau.


 

NHỮNG TIẾN TRÌNH CỦA THA THỨ VÀ HÒA GIẢI

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 18:15-20) đưa ra những yếu tố chính cần phải có để tha thứ. Mathieu nhấn mạnh đến tiến trình sửa lỗi anh em (18:15-20), mọi người cùng cầu nguyện (18:19-20) và tiếp tục ăn năn thống hối (18:21-35).

Câu chuyện xẩy ra ở gần thị trấn Caesarea Philippi (Mt 16: 13-19) cho  thấy Phero được Chúa Giesu gọi là Đá để làm nền móng xây Giáo Hội. Phero được Chúa tin tưởng trao chìa khóa Nước Trời để mở hoặc đóng tùy người. Phero có thể cầm buộc hay tháo gỡ bất cứ điều gì của bất cứ ai thấy là cần thiết cho đời sống của Giáo Hội theo đúng nguyên tắc tha thứ và cầm buộc đã được thiết lập. Câu 18 trong bài Phúc Âm hôm nay (Mt 18:18) chỉ là nhắc lại câu 19 trong đoạn 16 (Mt 16:19) cũng của Mathieu, và nhiều người đã hiểu là tất cả các môn đệ đều được thừa hưởng cái quyền mà trước đây Chúa Giesu chỉ ban cho một mình Phero.

Những danh xưng “dân ngoại”“người thu thuế” được nêu lên trong bài Phúc Âm có lẽ phản ảnh một giai đoạn nào đó trong cộng đồng Giáo Hội của Mathieu thời sơ khai chỉ có những Kito hữu người Do Thái. Vì những người Do Thái giữ luật rất nghiêm ngặt đã xa lánh tập đoàn dân ngoại và người thu thuế, nên cộng đoàn các môn đệ Kito giáo cũng hiên ngang tự tách rời khỏi những thành viên tội lỗi của mình là những người không chịu ăn năn thống hối, ngay cả khi họ bị toàn thể Giáo Hội kết án. Những cá nhân này bị đặt ra ngoài cộng đồng không còn được hiệp thông nữa.

Trong bài đọc 2 thơ gửi tín hữu Roma (Rm 13:8-10), Phaolo đã coi đức ái là luật buộc. Khi đức ái hướng dẫn quyết định luân lý của những ai mang danh nghĩa Kito hữu thì họ đã được luật lệ bảo vệ (13:9). Đức ái cho biết trước mục đích của luật giáo hội và luật dân sự, nghĩa là bảo đảm cho lợi ích và công ích tốt nhất cho tất cả mọi thành viên của cộng đồng Giáo Hội và công dân.


 

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI

Giáo Hội còn nói rõ về việc hòa giải / sám hối trong sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo qua những đoạn #1440-1441:    

Trước hết, tội lỗi là xúc phạm đến Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Người, đồng thời cũng gây tổn thương niềm hiệp thông với Giáo Hội. Bởi vậy sự trở lại sẽ đồng thời mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa và sự hiệp thông với Giáo Hội. Đó là điều mà bí tích sám hối và hòa giải nói lên và thực hiện trong phụng vụ của bí tích này.

Chỉ mình Thiên Chúa có quền tha thứ tội lỗi. Vì Chúa Giesu là con Thiên Chúa, nên Người đã nói về bản tính Người:“Con Người có quyền tha thứ tội lỗi trên mặt đất này”(Mc 2:10) và Người hành sử quyền thần thánh này: “Các tội lỗi của anh đã được tha thứ”(Mc 2:5). Hơn nữa nhân danh uy quyền thần linh của Người, Người đã ban quyền tha tội này cho những con người, để họ hành sử quyền này nhân danh Người.

 

CẦM BUỘC VÀ THÁO GỠ

Giáo lý Công Giáo còn tiếp tục cắt nghĩa hai tiếng Cầm BuộcTháo Gỡ qua những đoạn #1444-1446:

Khi thông ban cho các tông đồ quyền tha tội, Chúa cũng ban cho các ông uy quyền để hòa giải các tội nhân với Giáo Hội. Chiều kích Giáo Hội này của công tác trọng đại của các ông đã được nói lên trong tuyên ngôn long trọng của chúa Kito nói với Simon Phero: Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời: tất cả những gì con cầm buộc dưới đất cũng sẽ bị cầm buộc ở trên trời, và tất cả những gì con tháo gỡ dưới đất cũng sẽ được tháo gỡ ở trên trời (Mt 16:19). “Nhiệm vụ trói buộc và tháo gỡ đã được ban cho Phero như thế, cũng sẽ được ban cho tập đoàn các tông đồ liên kết với vị thủ lãnh của mình”(Mt 18:18; 28:16-20).

    

Các từ Cầm Buộc và Tháo Gỡ có nghĩa là: kẻ nào bị anh em khai trừ khỏi sự hiệp thông của anh em cũng sẽ bị khai trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa; và ai được anh em nhận lại vào sự hiệp thông vói anh em, thì cũng sẽ được Thiên Chúa nhận cho hiệp thông với Người. Sự hòa giải với Giáo Hội không thể tách rời khỏi sự hòa giải với Thiên Chúa.

    

Chúa Kito đã lập bí tích Sám Hối cho tất cả các thành viên tội lỗi của Giáo Hội Người, nhất là những ai sau khi nhận phép rửa tội đã sa ngã phạm tội trọng và như vậy đã đánh mất ân sủng của phép rửa tội, gây thương tổn cho sự hiệp thông với Giáo Hội. Bí tích sám hối cống hiến cho những người đó một khả năng mới để trở lại và lại nhận được ơn công chính hóa.


 

HƠN CẢ THA THỨ VÀ BỎ QUA

Tha thứ không có nghĩa là “bỏ qua” điều mà người khác làm cho mình. Khi một người nào làm tôi bực mình, giận dữ thì người đó phải nhận biết mình có lỗi và thực sự tỏ ra ăn năn hối hận để hàn gắn. Họ có thể đưa ra một cách hàn gắn nào đó với lòng trung thực dẫn tới hòa giải để nhận được tha thứ. Oán hận, ghét bỏ, nhất quyết không tha thứ, trả thù không phải là những tiến trình hàn gắn đau thương. Tha thứ không phải là chỉ nói “OK, bỏ qua” khi một ai đó làm mình phải đau khổ hay thiệt hại vật chất và tinh thần. Tha thứ thực sự là nhất quyết không để cho vết thương lòng của mình giấy động lên trầm trọng hơn. Nếu tôi từ chối tiến tới, tiếp tục ngụp lặn trong đau khổ và căm hờn thì tôi sẽ bị tê liệt bởi ác quỉ và tội lỗi.

Tinh thần bất tha thứ và nung nấu lòng thù hận sẽ biến tim tôi thành trai đá, ngăn chặn mọi suối nguồn yêu thương. Giá trị con người tôi sẽ bị giảm  đi khi tôi không thể tha thứ cho người. Nếu thành thực tha thứ, tôi phải để cho Thiên Chúa chuyển đổi lòng trai đá và ác độc của tôi. Tha thứ cũng không có nghĩa là “quên đi”, mà là một quyết định có ý thức trong đầu tôi rồi cầu xin cho nó từ từ đi xuống tim tôi. Tha thứ cho kẻ đã giết con tôi không có nghĩa là tôi lo lắng cho hắn khỏi ngồi tù. Tha thứ cho người chồng thường xuyên hành hạ vợ con không có nghĩa là đem hắn trở lại với gia đình sau những bạo hành và bất trung. Nói phải trái với người vợ đã bỏ chồng con đi theo tình nhân không phải là bỏ qua những đau khổ ghê gớm đã từng đè nặng trên cả gia đình. Tha thứ cho một linh mục đã lạm dụng trẻ nít không có nghĩa là biện hộ bào chữa cho việc để ông ta trở lại làm mục vụ giữa những trẻ vị thành niên. Tha thứ cho một linh mục hay giám mục đã lỗi đức trong sạch, phạm tội dâm dục, có vợ có con không thể nói “họ cũng là con người mà!”  Nói lẽ phải trái với một chàng trai đã bỏ người yêu sau khi làm nàng mang thai mà không chịu phá thai là khởi đầu một tha thứ và hàn gắn đau thương giữa những người liên hệ. Chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề khi phải quyết định và phán xét một cách khôn ngoan với lòng trắc ẩn về những tình trạng còn mơ hồ nhưng quan trọng có liên hệ đến chúng ta.

Thành ngữ “Hãy Tha Thứ và Quên Đi” không phải là kiểu nói kinh thánh, nhất là của người Kito hữu. Chúa Giesu thường khuyên chúng ta một cách khác là tha thứ nhưng phải nhớ kỹ trong lòng những đau thương ở quá khứ. Khi tôi nhân danh Chúa Giesu Kito và với quyền lực cùng sự hiện diện của Người, tôi thực sự có thể giúp những người đã bị đau khổ quá nhiều và khởi đầu một tiến trình chữa lành. Thật chẳng có gì mà con người không thể làm được cho tha nhân, không có gì mà con người –với sự giúp đõ và ân sủng của chúa Giesu- không thể tha thứ cho kẻ đã xúc phạm đến mình.

 

SỰ THA THỨ CỦA SẮC DÂN AMISH

Nhưng thế nào là tha thứ? Xin nêu lên một thảm cảnh đã xẩy ra trong cộng đồng người Amish ở Hoa Kỳ mấy năm trước đây để chúng ta cùng bàn luận và tìm hiểu ý nghĩa của tha thứ. Thảm trạng giết người đã xẩy ra tai trường học West Nickel Mines của cộng đồng Amish thuộc quận Lancaster bang Pennsylvania hôm 2-11-2006. Charles Roberts IV sau khi đã thả 15 nam sinh và 4 người lớn trước khí trói rồi bắn chết 10 nữ sinh, đoạn tự sát.

Vào ngày xẩy ra thảm nạn, ông của một nữ sinh nạn nhân bị giết đã yêu cầu những gia đình các nạn nhân không nên ghét bỏ tên sát nhân. Ông nói “Chúng ta đừng nghĩ người này là ác quỉ.” Một người cha khác của nạn nhân cũng nói: “Anh ta còn mẹ già, vợ và linh hồn, bây giờ anh ta đang đứng trước mặt Thiên Chúa.”

Một người hàng xóm Amish sau tai nạn mấy tiếng đồng hồ đã đến an ủi gia đình Roberts và biểu lộ lòng tha thứ. Các thành viên của cộng đồng Amish cũng đến thăm và an ủi người vợ góa của tên sát nhân, cha mẹ anh ta và cha mẹ vợ. Khoảng 30 thành viên của cộng đồng Amish đã dự đám tang của tên sát nhân, và vợ anh ta Marie Roberts, người góa phụ cũng được mời dự đám tang của một trong những nạn nhân. Marie Roberts đã viết một bức thư ngỏ xin cộng đồng thương sót và tha thứ. Bà viết: “Lòng yêu thương của quí vị đối với gia đình chúng tôi đã giúp hàn gắn vết thương lòng của chúng tôi mà chúng tôi rất cần. Quà tặng của quí vị cho chúng tôi đã làm chúng tô cảm động vô cùng, không lời nói bút mực nào có thể diển tả đủ được. Lòng yêu thương trắc ẩn cảm thông của quí vị đã vượt quá cả gia đình chúng tôi, cả cộng đồng của chúng ta, và làm thay đổi cả thế giới. Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả quí vị”.


 

HÒA GIẢI THỰC SỰ VÀ HY VỌNG

    

Nhiều người đã công kích việc tha thứ hoàn toàn và mau lẹ như vậy của cộng đồng Amish; họ cho là không thích hợp bởi vì phía được tha thứ  không nói lên nỗi niềm hối hận và, cái nguy hiểm của thái độ đó là sẽ đưa tới việc chối bỏ sự hiện hữu của ác quỉ và tội lỗi. Những người nghiên cứu cuộc sống của dân Amish nhận thấy câu nói “Đừng bao giờ ôm giữ hận thù ở trong lòng” đã trở thành châm ngôn ăn rễ xâu trong nền văn hóa của dân Amish. Họ lý luận rằng việc người Amish sẵn sàng quên đi không báo thù  sẽ chẳng giải quyết được thảm trạng hay tha thứ cho kẻ lầm lỗi mà ít ra nó đã tạo được bước tiến đầu tiên đi tới hòa giải thực sự và một tương lai đầy hy vọng.

Cách tha thứ và hòa giải của dân Amish đã được truyền thông báo chí thế giới bàn luận rất rộng rãi. Tha thứ đã được ăn sâu vào nếp sống của họ như những sợi chỉ đan chen chặt chẽ với nhau trong một tấm vải là niềm tin của dân Amish. Sự nhất quyết tha thứ của họ đã làm lung lay cả thế giới như một cuộc tự vận kinh khủng chưa từng thấy. Tôi có cảm tưởng là sức mạnh chuyển đổi tha thứ này như một sự cứu chuộc phát ra từ cuộc thảm sát ghê gớm ấy ở Nickel Mines vào năm 2006.

Sự tha thứ của người Amish cũng đặt ra nhiều vấn nại lớn cho chúng ta. Ta có thể tha thứ cho một tên sát nhân mắc bệnh tâm trí, nhưng còn những kẻ bình thường cố ý giết người hoặc đe dọa giết người hay làm tổn thương  cả vật chất, tinh thần và thể xác với mục đích chính trị hay trả thù cá nhân thì sao? Sự tha thứ đó có phù hợp với công lý và công bằng không? Một tha thứ quá lẹ như vậy có thực sự biến đổi được tình liên đới giữa con người với nhau không hay lại tạo ra một rối loạn dân sự trong dân chúng? Hoàn cảnh xã hội tôn giáo hiện nay ở Việt Nam cũng đặt ra nhiều câu hỏi khá gai góc cho chúng ta là người công giáo, đặc biệt những vị lãnh đạo tôn giáo. Chỉ lấy vài thí dụ điển hình. Chính quyền cs VN cướp đất của dân, cướp cơ sở tôn giáo, đánh dân và đập phá ảnh tượng Đức Mẹ, giật xập Thánh Giá Chúa nhưng những đấng bậc làm thầy không lên tiếng phản đối, nói rằng tha thứ cho họ! Tha thứ thì đúng rồi, nhưng có giải quyết được vấn đề không? Kẻ được tha thứ có tỏ ra hối hận và đền bù đúng mức vì việc làm của mình không hay lại phạm đi phạm lại nhiều lần những tội cũ như chúng ta đã thấy. Thiết nghĩ việc tha thứ đó chỉ có ở trần gian nhưng trên trời Thiên Chúa chắc không tha, bởi lẽ người tha thứ ở trần gian không thi hành việc giữ chìa khóa thiên đàng của một Phero chính danh, không phải là người canh giữ nhà Chúa thực sự!
 

CANH GIỮ NHÀ CHÚA

Bài đọc 1 sách Ezekiel (Ed 33:7-9) nói về “người canh giữ nhà Israel” (33:7). Danh từ “Người Canh Giữ” ám chỉ người sẽ loan báo ơn cứu chuộc (Ed 33-48); cùng một danh xưng đó lại ám chỉ mục vụ của Ezekiel là loan báo sự giam phạt (Ed 3:17-21). Thánh Gioan Phaolo II cũng dùng danh xưng “người canh giữ” trong kỳ đại hội giới trẻ thế giới năm 2000 ở Roma và năm 2002 ở Toronto. Ngài nói:

Các con là ánh sáng trần gian…” Đối với những người mới được nghe Chúa Giesu lần đầu tiên, như chúng ta, biểu hiệu “Ánh Sáng” nói lên lòng ao ước sự thật và khao khát hiểu biết trọn vẹn đã ăn sâu và in ấn trong tâm khảm con người.

    

Khi ánh sáng phai mờ hoặc tan biến mất, chúng ta không còn nhìn sự vật thực sự của nó nữa. Trong đêm tối chúng ta cảm thấy sợ hãi và bất an và, chúng ta mong cho ánh sáng bình minh mau xuất hiện. Các bạn trẻ thân mến, tùy các con là những người mong chờ buổi ban mai (cf Is 21:11-12), những người loan báo sự xuất hiện của mặt trời là đức Giesu Kito phục sinh!

    

Trong suốt những ngày đại hội giới trẻ thế giới, các bạn trẻ đã được ủy thác làm người canh giữ bình minh, mang ánh sáng Chúa Kito và loan báo hy vọng với ơn cứu chuộc cho toàn thế giới đang ngụp lặn trong đêm tối và thất vọng. Không một trường học nào về hòa giải, tha thứ và an bình tốt hơn là những ngày giới trẻ thế giới. Nó đã đúc giới trẻ thành khuôn mẫu của những yếu tố tạo thành đời sống Kito giáo và những công dân thực sự của vương quốc Thiên Chúa.


 

Fleming Island, Florida

August 2, 2017

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!