Bài suy niệm 41
BÌNH AN CỦA CHÚA KITÔ
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất! Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc12, 49-53)
***
Bạn có thích hội họa không? Tôi hy vọng bạn thích, bởi vì đoạn Phúc Âm nầy đưa ra những đường nét của một bức họa đồ. Chúa Giêsu đang vẽ ra những đường ranh trên cát. Đó là những đường ranh cho thấy cha chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ. Vậy tại sao Chúa Giêsu muốn làm công việc đó?
Những đường ranh vẽ ra trên cát
Khi Chúa Giêsu nói: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51), Ngài không chủ trương chiến tranh hay xung đột giữa con người với nhau. Ngài không cổ võ sự va chạm trong gia đình chỉ vì sự va chạm mà thôi. Ngài không từ bỏ sự yêu thương và tha thứ.
Ngài muốn nói, bằng một ngôn ngữ hoa mỹ hơn, là điều thường khi chúng ta gọi hòa bình, không phải hòa bình chút nào hết. Đó chỉ là sự phủ nhận, vờ vĩnh, che đậy. Khi Ngài nói “ba chống lại hai, hai chống lại ba” (Lc 12, 52), Ngài quan tâm tới những người gây rối trong gia đình và nói rộng ra kể cả kẻ gây rối nơi làm việc, nơi làng xóm láng giềng, nơi người ta thường tụ họp đối với những công việc có tính cách xã hội. Trong thực tế, Ngài thối thúc chúng ta phải đối phó với những vụ xung đột, trực diện với chúng, đừng ẩn núp hay trốn chạy.
Có biết bao người tử tế trên thế giới. Họ tử tế cho đến nỗi không tìm cách đối phó với sự giận dữ, sự va chạm và xung đột. Chúng ta thừa biết điều nầy qua những tương giao của chúng ta.
Nếu chúng ta không thể đối phó với sự xung đột, chúng ta trở nên dính cứng và không thể tăng trưởng được, như câu châm ngôn “ước gì sự bình an của Chúa Kitô quấy động quí bạn” đã diễn tả sự kiện đó một cách tuyệt vời. Muốn mang lại hòa bình, chúng ta phải kẻ những đường ranh lên cát.
Thật xa rồi nhưng đừng xa hơn nữa
Tôi nhớ lại một thanh niên trong tù, ngày kia trên đường ra tòa, đã nói với tôi là có thể mẹ của anh sẽ bảo lãnh cho anh. Nhưng một điều đã xảy ra ngày đó mà anh không bao giờ ngờ trước. Khi thẩm phán nêu lên vấn đề bảo lãnh, mẹ anh đã phản đối, nại lý do có thể điều đó không ích lợi cho con của bà.
Chàng thanh niên đó phải trở lại nhà tù. Anh vô cùng tức giận mẹ anh và khước từ nói chuyện với bà sau ngày có mặt ở tòa án. Bà đã kẻ ra một đường ranh, khi đề cập đến vấn đề bảo lãnh. Hành động của bà đã “đặt để đứa con trai vào cái thế chống lại mẹ mình”.
Anh là một người nghiện ngập ma tuý và mẹ anh ghét điều mà anh đã tự làm cho mình. Bà không thể yểm trợ nếp sống tự huỷ hoại của con mình, nếu điều đó đưa đến kết quả là con bà phải trở lại nhà tù thì cũng đành chịu vậy thôi. Phải ba tuần lễ trôi qua, chàng thanh niên đó mới chấp thuận cho người mẹ vào thăm.
Về sau tôi đã gặp lại anh ở trong nhà giam. Anh cho biết tại sao mẹ anh đã từ chối bảo lãnh cho anh: “Mẹ con không muốn con rong chơi ngoài đường, nuôi dưỡng tính xấu của con và điều đó sẽ huỷ hoại con.” Giờ đây con đã hiểu: “Lần đầu tiên trong hai năm, con đã được chữa lành trong vòng ba tuần lễ.” Sự chia rẽ mà Chúa Giêsu đề cập tới là điều được lấy nguồn cảm hứng từ tình yêu.
Tình yêu và chấp nhận
Có một sự khác biệt sâu xa giữa tình yêu và sự chấp nhận. Tình yêu luôn luôn vô điều kiện. Ngược lại, sự chấp nhận luôn luôn có điều kiện.
Một thanh niên hay thanh nữ có thái độ ương ngạnh ở trong gia đình, đi đi về về như ước muốn, lang thang ngoài đường nhiều giờ, làm điều điếm nhục gia phong, đương nhiên phá hoại cuộc sống êm ấm của gia đình.
Cha mẹ phải vạch ra đường ranh, khi phát biểu: “Con ơi,cha mẹ thương yêu con. Tình yêu của cha mẹ đối với con không bao giờ thay đổi. Vấn đề không phải là con người của con. Chính thái độ của con mới là vấn đề. Thái độ gây tổn thương của con đang phá hoại gia can, huỷ hoại cuộc sống gia đình. Điều đó cần phải chấm dứt. Do đó, nếu con muốn là một phần tử thật sự của gia đình chúng ta, đây là những điều con được làm và những điều không được làm, bao lâu con còn ở dưới mái ấm gia đình. Nếu con không hợp tác đầy đủ, con sẽ nhận lãnh hậu quả.”
Như vậy cha mẹ đã vạch ra những đường ranh rõ ràng. Họ cho biết: “Thật xa rồi, nhưng đừng xa hơn nữa!” Đó là một lời tuyên bố tạo nên sự chia rẽ. Điều đó khiến cha mẹ nghịch với con cái. Tuy nhiên, có những thời cơ cần có sự chia rẽ trước khi có sự bình an thật sự.
Tôi biết một thiếu nữ, khi còn trẻ đã bị người cha lạm dụng tính dục. Chị giữ im lặng cho đến khi trưởng thành mới có can đảm nói cho người mẹ biết điều mà người cha đã làm cho chị. Nhưng người mẹ không tin chị và yêu cầu chị rời khỏi nhà. Sau khi rời nhà, chị đã tố cáo cha chị và ông ta bị kết án về tội hiếp dâm, bị ở tù.
Từ ngày đó, người cha và người mẹ không nói chuyện với con gái nữa. Chị đã vạch ra một đường ranh. Có những thời cơ chúng ta phải có can đảm vạch ra những đường ranh. Không có bình an, nếu không có sự công chính, không có bình an, nếu không có sự tôn trọng, nói rõ ra, nếu không có sự chia rẽ.
Không ai nói thay tôi
Tôi sẽ kết thúc bằng một bài thơ của một người sống sót sau cuộc tàn sát khủng khiếp của Đức Quốc Xã:
Trước tiên họ đến vì người Do Thái,
Nhưng tôi đã không đối đáp, vì tôi không phải người Do Thái.
Rồi họ đến vì người Cộng Sản,
Nhưng tôi đã không đối đáp, vì tôi không phải người Cộng Sản.
Rồi họ đến nhân danh đoàn viên nghiệp đoàn, nhưng tôi không phải nhân viên nghiệp đoàn.
Họ đến vì tôi
Nhưng không còn một ai sót lại để nói thay tôi.