Lời
người dịch:
Mùa
Chay là mùa ăn năn thống hối. Nhưng khi nói đến xưng tội, đôi lúc tôi thấy mình
chẳng có tội gì mà xưng. Cảm tạ Chúa đã giúp tôi tìm thấy bài này của Đức Ông
Charles Pope đăng trên “Community in Mission” ngày 20 tháng 2, năm 2024. Bài này
đã giúp tôi nhận chân được thực trạng tội lỗi của mình và chân thành thống hối.
Đồng thời Kinh Cầu Sám
hối và Đền tạ của ngài cũng giúp tôi xét mình một cách kỹ lưỡng và dễ
dàng hơn. Tôi xin mạn phép dịch ra tiếng Việt ở đây để chia sẻ với quý bạn.
Phaolô
Phạm Xuân Khôi
Đối với nhiều người, Bí tích Hoà Giải được
thực hiện một cách chiếu lệ. Trong việc xét mình xưng tội, chúng ta thường cho
là đủ khi xét đến một số vấn đề liên quan đến hành vi bề ngoài: “Tôi tức giận với
con cái…. Tôi có những tư tưởng tà dâm…. Tôi bị chia trí khi cầu nguyện, hoặc
tôi đã không cầu nguyện nhiều như đáng lẽ phải làm…. Tôi đã nói hành nói xấu
người khác…. và vân vân. Mặc dù việc xưng tội về những điều ấy tốt và đúng
nhưng đúng hơn là, để thực sự được chữa lành khi xưng tội, thì cần phải đi xa hơn.
Cần phải tìm hiểu những động lực và động cơ sâu xa hơn của tội lỗi; để xét
không chỉ những gì tôi đã làm mà còn về lý do tại sao tôi làm điểu ấy.
Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu mời
gọi chúng ta đi sâu hơn một chút so với việc chỉ xem xét những hành vi bề
ngoài. Người bắt đầu bằng việc phê phán các luật về thanh tẩy của người Do Thái,
chẳng hạn như chế độ đồ ăn kiêng “Kosher” và Người nói:
“Xin
mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào
trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ
con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. … Bất cứ cái gì từ bên
ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó
không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” (vậy là Người
tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.) (Mat 7:14-15; 18-19)
Người Do Thái vào thời Chúa Giêsu rất tỉ mỉ
trong vấn đề giữ luật thanh sạch bề ngoài. Khái niệm về sự thanh sạch theo nghi
lễ và những tuân thủ bề ngoài đã ăn sâu vào nếp sống của họ. Chính điều này
không có gì là sai, nhưng nó có nguy cơ làm gián đoạn tiến trình nhìn vào nội
tâm một cách sâu xa hơn. Một người có thể nghĩ rằng tôi là một anh hùng vì tôi tránh
xa các thực phẩm ô uế và làm những việc khác như đóng thuế thập phân, nhưng rồi
(vì địa vị anh hùng của tôi), tôi không cần xét đến cách tôi đối xử khinh thường
người khác hoặc có thái độ không tha thứ, v.v. Việc tuân giữ luật lệ theo nghi
thức không có gì là sai, nhưng tính xác thịt của chúng ta có thể bóp méo nó và làm
cho nó trở thành nguy hiểm bằng cách biến sự thánh thiện thành việc tuân giữ bề
ngoài theo hình thức.
Linh đạo Do Thái đã cảnh báo về việc này bằng
câu nói nổi tiếng của ông Môsê: “Vậy, anh em hãy cắt bì tâm hồn anh em và đừng
cứng cổ nữa” (Đệ Nhị Luật 10:16). Do đó, Chúa Giêsu khai thác sự thận
trọng truyền thống này và cảnh báo rằng thánh thiện không chỉ là tuân thủ các
nghi lễ hay hành vi đơn thuần bề ngoài.
Và
rồi Người ban cho chúng ta một bí quyết để xưng tội tốt:
“Bất
cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng, rồi bị thải ra ngoài sao? Còn những cái gì
từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người
ra ô uế. Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại
tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho
con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.".
(Matthêu 7:17-20).
Hãy chú ý cách Chúa Giêsu tập trung vào những
động lực sâu xa bên trong nảy sinh ra tội lỗi. Chính từ lòng của con người và
những tư tưởng xấu xa, sai lầm của họ mà hành vi xấu xuất hiện. Chỉ nói “Tôi tức
giận” là chưa đủ. Đúng hơn là chúng ta nên hỏi thêm: “Điều gì khiến tôi tức giận?”
Điều gì trong lòng và trong tâm trí tôi khiến tôi nổi giận? Có phải là sợ hãi?
Thế thì tại sao tôi lại sợ? Có phải tôi sợ hãi vì tôi chưa tin cậy vào Thiên Chúa
đủ không? Có phải tôi sợ hãi vì tôi đặt cái tôi là trung tâm và khi cả thế giới
không nghĩ như tôi hoặc không có những ưu tiên như tôi, thì tôi sợ không? Có phài tôi sợ hãi vì tôi là người thích kiểm
soát và muốn mọi sự phải xảy ra đúng như kế hoạch của tôi không? Nếu nó không xảy
ra đúng như tôi dự định thì liệu tôi có sợ hãi và nỗi sợ hãi của tôi dẫn đến tức
giận không? ….Tại sao tôi lại tức giận? Điều gì gây ra nó?
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với mọi tội
khác mà tôi phạm. Tại sao tôi lại làm những việc này? Những động cơ và thái độ
tội lỗi nào dẫn đến hành vi tội lỗi này? Những động cơ và tư tưởng xấu nằm sâu
trong đáy lòng, từ đó phát sinh những hành vi xấu mà tôi cần phải xưng khi xưng
tội.
Chúa Giêsu dạy chúng ta đi sâu hơn, vào tận
đáy lòng và tâm trí của mình, để tìm ra những nguyên nhân gây ra hành vi tội lỗi.
Và điều này dẫn chúng ta đến một công thức xưng tội tốt, một cách xưng tội chuyển
từ việc sám hối hình thức sang một cách xưng tội có sức thuyết phục và có khả
năng biến đổi con người chúng ta. Những bước cơ bản là gì?
1. Hãy
quan sát hành vi tội lỗi của bạn nhưng đừng ngừng lại ở đó. Hãy xem nó như một
triệu chứng của một điều gì đó sâu xa hơn.
2. Một
khi bạn đã quan sát được NHỮNG GÌ bạn làm, hãy hỏi “Tại sao?” Hãy để Chúa Thánh
Thần chỉ cho bạn những động cơ sâu xa hơn dẫn đến hành vi tội lỗi ấy. Để đạt được
mục tiêu này, việc sử dụng bảy mối tội đầu cũng rất hữu ích: Kiêu ngạo, hờn giận,
dâm dục, tham lam, tham ăn, ghen tương và lười biếng. Có một số tài liệu tốt mà
tôi có thể giới thiệu cho bạn. Peter Kreeft đã viết một cuốn sách hay về chủ đề
này: Trở lại với Nhân đức (Back
to Virtue). Đức Cha Robert Barron cũng đã phát hành một DVD về chủ đề: Bảy Mối
Tội Đầu (The
Seven Deadly Sins).
Ngoài Bảy Mối Tội Đầu còn có vô số những
thái độ khác gây ra tội lỗi; những điều như sợ hãi, thờ ơ, lười biếng, khinh miệt,
ô uế, hận thù, độc ác, hèn nhát, ghen tị, trả thù, không vâng lời, cứng lòng,
keo kiệt, ích kỷ, nhỏ mọn, bất chấp, bỏ bê, thành kiến, kiêu ngạo, tự cho mình
là trung tâm, khoa trương, thiếu thành thật, thiếu kiên nhẫn, thiếu chung thủy,
vô ơn,… và vân vân.
Hãy tập trung vào những động lực và thái độ
sâu xa hơn này vì chính chúng làm nảy sinh hành vi xấu xa của chúng ta. Hãy học
cách gọi đích danh chúng. Hãy tìm hiểu để biết di chuyển và chiến thuật của chúng.
Nhưng bạn nói, “Trời ơi, có quá nhiều điều
để nhớ ở đây!” Phải, tôi sẽ giúp bạn bằng cách cung cấp cho bạn một nguồn tài
liệu mà tôi đã tự biên soạn từ nhiều nguồn khác nhau. Nó được gọi là Kinh cầu Sám hối
và Đền tạ (the Litany of Penance and Reparation). Đó là một danh sách rất kỹ lưỡng
(nếu tôi tự nói) về những động lực sâu xa hơn và những thái độ tội lỗi dẫn đến
hành vi tội lỗi. Hãy cầu nguyện cẩn thận trước khi xưng tội và bạn sẽ tìm thấy ơn
trợ giúp để tuân theo những giáo huấn của Chúa Giêsu ngõ hầu đi sâu hơn và nhìn
vào đáy lòng và tâm trí mình để khám phá ra những động cơ sâu xa nhất gây ra
hành vi xấu.
3. Sau
khi chuẩn bị theo cách này, bạn hãy đi xưng tội và thú nhận không những chỉ những
hành vi xấu (là các triệu chứng) mà còn nói rõ những động lực và thái độ sâu xa
hơn này. Hãy gọi tên của chúng! Hãy vạch mặt chỉ tên chúng để biết rõ đường đi
nước bước của chúng.
4. Hãy lặp lại tiến trình này thường
xuyên trong năm và nhờ thế đạt được sự hiểu biết về chính mình và khả năng làm
chủ bản thân hết năm này qua năm khác. Việc xưng tội sẽ được mở ra vì
nó sẽ không còn là một danh sách chiếu lệ gồm những hành vi đơn thuần bề ngoài.
Nó sẽ trở thành một bí tích hấp dẫn và biến đổi, chặt dứt những xích xiềng sự
trói buộc của tội lỗi bằng quyền năng ân sủng của Thiên Chúa.
Hãy
thử phương pháp này. Chưa bao giờ biết thất bại!
Đức Ông Charles Pope
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.