PHỤC HƯNG MỘT NỀN VĂN HOÁ THÁNH THỂ
Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 2
Dưới
đây là tóm tắt từng bài huấn đức trong bốn bài của Đức Cha Daniel Flores, Chủ Tịch
Ủy Ban Tín Lý của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Bốn bài huấn đức này tập trung vào
linh đạo Thánh Thể của Linh mục. Ngài mời gọi các Linh mục gặp gỡ nơi Bí tích
Thánh Thể nguồn mạch canh tân cho ơn gọi Linh mục của các ngài. Ngoài ra, Bí
tích Thánh Thể cũng là một phần không thể thiếu được trong sứ mệnh thúc đẩy
tinh thần đồng trách nhiệm trong giáo xứ giữa các tín hữu đã được rửa tội. Các
video này được McGrath
Institute for Church Life thực hiện và đăng trên YouTube. Loạt
bài này này tóm tắt những điểm chính của Đức Cha Flores trong mỗi video.
Trong
chương trình Phục hưng Thánh Thể Năm Thứ Nhất, Tiểu ban Phục hưng Thánh Thể của
HĐGMHK đề nghị các Linh mục suy niệm về các bài gỉảng này dựa trên phương pháp
Lectio Divina khi xem từng video. Các Giám mục tha thiết yêu cầu các Linh mục bỏ
ra chút ít thì giờ để xem những video này vì nó là nền tảng cho công trình Phục
hưng Thánh Thể của giáo xứ.
.
Phaolô
Phạm Xuân Khôi
Bài 2 - Mối Liên hệ giữa Phụng
Vụ Lời Chúa, Tin Mừng và Mầu Nhiệm Bàn Thờ
https://www.youtube.com/watch?v=gZo_L7iBzu4&t=2s
“Một câu hỏi khác mà
tôi nghĩ có thể xảy ra với chúng ta khi chúng ta cố gắng hòa vào dòng chảy và sự
cao cả của mầu nhiệm này là hiểu rõ hơn một chút trong tâm trí Chúa về mối liên
hệ giữa phụng vụ Lời Chúa, nghĩa là việc công bố lời Ngôn sứ về các câu Thánh
Kinh được đọc trong Thánh Lễ, cũng như Lời ấy liên quan thế nào đến Tin Mừng,
và rồi chuẩn bị cho chúng ta về mầu nhiệm bàn thờ.” (Đức Cha Flores)
Trong bài này, Đức Cha
Daniel Flores giải thích rằng Mầu nhiệm Thánh Thể, trung tâm của đức tin Công
giáo, mời gọi chúng ta suy niệm sâu xa về mối liên hệ giữa Phụng vụ Lời Chúa,
Tin Mừng và Mầu nhiệm Bàn thờ. Mối liên hệ phức tạp này đóng vai trò phản ánh
sâu xa về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử.
Phụng vụ Lời Chúa: Lời Loan báo và Thánh Kinh
Phụng vụ Lời Chúa, bao
gồm những lời ngôn sứ trích từ Thánh Kinh trong Thánh Lễ, chuẩn bị cho chúng ta
về Mầu nhiệm Bàn thờ. Thời điểm phụng vụ này đóng vai trò như một tóm lược toàn
thể công cuộc cứu độ.
Ngay từ đầu Lịch sử Cứu
độ, Thiên Chúa đã truyền đạt những ước muốn và ý định của Ngài cho dân Israel
qua các ngôn sứ. Ông Môse và các ngôn sứ sau này đóng vai trò then chốt trong
việc hình thành căn tính của dân Thiên Chúa, thúc giục họ hối cải, thực thi
công lý và lòng nhân ái. Lời Chúa, được truyền đạt qua những tiếng nói của các
ngôn sứ này, là công cụ giúp biến dân Israel thành một dân tộc sống trong sự
công chính và thánh thiện của Thiên Chúa.
Công bố Lời Chúa là điều
không thể thiếu trong việc cử hành Thánh Lễ. Nó giúp chuẩn bị chúng ta cho công
việc của Đức Kitô, truy tìm Lịch sử Cứu độ qua Lời Chúa phán. Phụng vụ Lời Chúa
mời gọi chúng ta đắm mình trong Lịch sử Cứu độ này. Nó kêu gọi chúng ta nhận ra
tính liên tục giữa những lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước và việc thực hiện
chúng nơi Đức Kitô.
Việc di chuyển về phía
Đức Kitô này mặc khải kế hoạch bao quát để cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa - một
kế hoạch được thể hiện qua thời gian và đạt đến đỉnh cao nơi con người Chúa
Giêsu Kitô. Những lời loan báo mang tính tiên tri không chỉ gửi đến con người
trong thời đại của họ mà còn chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Kitô. Thánh
Kinh, nhất là trong khi cử hành Thánh Lễ, cho chúng ta cơ hội hiểu được lịch sử
cứu độ do Thiên Chúa khởi xướng qua các ngôn sứ. Sự hiểu biết này chuẩn bị cho
chúng ta hiểu được ý nghĩa của sứ vụ của Đức Kitô và công việc Người làm để cứu
rỗi chúng ta.
Chính Chúa Giêsu thường
nhắc đến các ngôn sứ để giúp chúng ta hiểu Thánh Kinh. Những lời Thánh Kinh hướng
dẫn chúng ta giải thích những hành động và giáo huấn của Đức Kitô, giúp chúng
ta hiểu được chiều sâu tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Phụng vụ Lời
Chúa ban lời hướng dẫn cho trí khôn nhưng cũng gợi lên sự đáp trả yêu thương và
sám hối từ tâm hồn.
Mối liên hệ năng động
giữa Lời Chúa và sự đáp trả của chúng ta đối với Lời Chúa là một khía cạnh cơ bản
của đức tin chúng ta. Thiên Chúa mong muốn sự đáp trả từ chúng ta, như Ngài đã
làm với dân Israel.
Tin Mừng là Ngôi Lời Nhập Thể
Trọng tâm của Phụng vụ
Lời Chúa là Tin Mừng. Tin Mừng trình bày cho chúng ta cuộc đời, giáo huấn và
hành động của Chúa Giêsu Kitô. Qua Tin Mừng, chúng ta gặp Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng
đến để mạc khải trái tim của Chúa Cha và mời gọi chúng ta bước vào mối quan hệ
mật thiết hơn với Ngài.
Tin Mừng là minh chứng
cho sứ vụ của Ngôi Lời Nhập Thể – biểu lộ tình yêu, lòng trắc ẩn và lòng thương
xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu,
chúng ta thấy chính phong cách của Thiên Chúa - ước muốn sâu xa của Ngài là đến
gần dân Ngài, chữa lành vết thương của họ và hướng dẫn họ đến sự sống đời đòi.
Cũng tương tự, các sách
khác của Tân Ước, đặc biệt là các Thánh thư và Sách Công vụ Tông đồ, đưa ra lời
chú giải về sứ vụ của Đức Kitô và ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Những tác phẩm
này cung cấp những bài giáo lý về tình yêu được bày tỏ với chúng ta trong Đức
Kitô, hướng dẫn chúng ta hiểu căn tính và sứ vụ của mình là những môn đệ Đức
Kitô.
Các Linh mục có nhiệm vụ
lựa chọn những điểm trong Thánh Kinh để giúp giáo dân hiểu sâu xa hơn về căn
tính và sứ vụ của Đức Kitô. Tin Mừng là lời loan báo độc đáo về tình yêu và
hành động của Đức Kitô, mời gọi chúng ta đáp lại Người. Sự chú ý của chúng ta đối
với Tin Mừng phản ánh cam kết của chúng ta trong việc dấn thân vào các mầu nhiệm
được diễn ra trong Thánh Lễ.
Các tường thuật Tin Mừng
trình bày một cách sinh động về sứ vụ công khai của Đức Kitô, thể hiện lòng trắc
ẩn, thương xót và lời mời gọi đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu, trong nhân tính của
Người, tỏ lộ một cách minh bạch tấm lòng của Chúa Cha, mời gọi chúng ta đáp lại
tình yêu của Người. Việc chúng ta đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô nuôi dưỡng một
mối liên hệ tham gia với Người, cho phép chúng ta bước vào tình yêu của Ngưởi.
Phụng vụ Lời Chúa Chuẩn bị cho Mầu nhiệm Thánh
Thể
Phụng vụ Lời Chúa đóng
vai trò như một giai đoạn chuẩn bị, đặt nền tảng cho chúng ta trong tường thuật
về lịch sử cứu độ và hướng chúng ta tới mầu nhiệm Thánh Thể. Các bài đọc Cựu Ước
và Tân Ước, cùng với những giáo huấn của các tông đồ, hướng dẫn chúng ta hiểu
được tình yêu sâu đặm của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô.
Đỉnh cao sứ mạng của Đức
Kitô là Cuộc Khổ nạn, Cái Chết và sự Phục sinh của Người. Những sự kiện này, được
mô tả là “giờ” của Người, cho thấy tình yêu sâu đặm của Thiên Chúa dành cho
chúng ta. Sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá chứng mính tình yêu được công
bố trong Thánh Kinh, giúp chúng ta tận mắt nhìn thấy và hiểu được tình yêu của
Thiên Chúa.
Phụng vụ nhất quyết hướng
tới việc biểu lộ công trình cứu độ vĩ đại này. Những lời loan báo Tin Mừng chuẩn
bị cho chúng ta chứng kiến sự biểu lộ cách bí tích và thực sự về công việc của Đức
Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Mầu nhiệm Thánh Thể, Hy Lễ được dâng trên bàn thờ,
là sự diễn tả tối hậu tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Mầu nhiệm Thánh Thể: Tham gia vào công việc của
Đức Kitô.
Đỉnh cao của phụng vụ
là Hy Tế Thánh Thể, ở đó Ngôi Lời Nhập Thể được hiện tại hoá cho chúng ta một
cách thực sự cách Bí tích. Qua hành động của Đức Kitô trên bàn thờ, chúng ta được
mời thông phần vào mầu Nhiệm Vượt Qua của Người – cuộc Khổ nạn, cái Chết và sự
Phục sinh của Người.
Bí tích Thánh Thể không
chỉ là một hành động do Đức Kitô thực hiện mà còn là một công việc mà Người muốn
chúng ta tham gia một cách tích cực. Đó là cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa
dành cho chúng ta, mời gọi chúng ta đáp lại bằng đức tin, lòng biết ơn và tình
yêu. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta gặp được mầu nhiệm sâu xa về tình yêu tự
hiến của Đức Kitô, khi Người hiến mình cho phần rỗi nhân loại.
Khi chúng ta đi qua các
phần của phụng vụ, từ công bố Lời Chúa đến cử hành Thánh Thể, chúng ta được mời
gọi đáp lại bằng việc mở lòng ra và bằng đức tin. Lời Chúa, được công bố trong
phụng vụ, mong muốn khơi dậy trong tâm hồn chúng ta một sự đáp trả – một sự đáp
trả bằng tình yêu, lòng sám hối và quyết tâm dấn thân sống theo sứ điệp Tin Mừng.
Mầu nhiệm Thánh Thể mời
gọi chúng ta bước vào sự hiệp thông sâu xa hơn với Đức Kitô, đón nhận tình yêu
của Người và để tình yêu ấy biến đổi cuộc đời chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng
ơn cứu độ không chỉ đơn thuần là điều được Thiên Chúa thực hiện mà còn là một
hành trình chung, ở đó chúng ta được mời bước đi bên cạnh Đức Kitô, đáp lại lời
mời gọi của Người bằng đức tin và tình yêu.
Các Linh mục vừa là tư
tế vừa là thừa tác viên Lời Chúa, được trao phó thánh vụ là hướng dẫn giáo dân
của mình qua hành trình đức tin này. Qua lời nói, hành động và gương sáng của
mình, các Linh mục có đặc quyền dẫn dắt người khác đến gần Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập
Thể, Đấng mời gọi chúng ta thông phần trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Người.
Kết luận
Tóm lại, mầu nhiệm
Thánh Thể mời gọi chúng ta suy niệm về mối liên hệ phức tạp giữa Phụng vụ Lời
Chúa, Tin Mừng và Hy Tế Thánh Thể. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với chúng ta,
mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Đó là một lời mời gọi sâu xa để đi
vào trung tâm của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nó mời gọi chúng ta
đón nhận Lời Chúa, gặp gỡ Đức Kitô trong Tin Mừng và tích cực thông phần vào Hy
Tế Thánh Thể. Khi chúng ta hành trình qua phụng vụ, ước gì chúng ta được đổi mới
trong cam kết sống sứ điệp Tin Mừng và làm chứng cho quyền năng biến đổi của
Tình Yêu Thiên Chúa trên thế gian.