Các
bài từ 5 đền 8 tóm tắt các video do Chương trình the McGrath
Institute for Church Life’s Bishop John M. D’Arcy thực hiện trong bộ
Video Canh tân Đời Sống Linh mục. Chúng được sử dụng làm tài liệu để các Linh mục
huấn luyện nhân viên giáo xứ của các ngài. Các video này nhằm trả lời câu hỏi: Làm
sao để Bí tích Thánh Thể có thể là nguồn canh tân cho toàn thể giáo xứ?
Hình
thức của những video này là một cuộc thảo luận bàn tròn giữa Đức Cha Flores và
năm nhà chuyên môn về thần học và mục vị trong Hội Thánh: Tiến sĩ Timothy
O’Malley, Bà Julianne Stanz, Tiến sĩ McManaway, Bà Crystal Serrano-Puebla và
ông Peter J. Ductrám. Trong những cuộc đàm thoại này, những cái nhìn khác nhau
của họ mở ra một sự hiểu biết mới về những cách thức giúp các thừa tác vụ của
chúng ta thể hiện Nền Văn hóa Thánh Thể. Chương này được viết dựa trên Video 1
và các câu hỏi để suy niệm và thảo luận được lấy trực tiếp từ Cẩm nang của
Chương trình.
https://www.youtube.com/watch?v=J4chgZy7LBA&t=1s
Nền
văn hóa Thánh Thể trong một giáo xứ không chỉ là việc tuân thủ các nghi lễ; đó
là một biểu hiện sâu xa và năng động của đức tin thấm nhuần mọi khía cạnh của đời
sống cộng đồng. Về cốt lõi, nền văn hóa Thánh Thể được đặc trưng bởi một ý thức
sâu xa về lòng biết ơn, lòng tôn kính và hiếu khách, tất cả đều tập trung vào
quyền năng biến đổi của Bí tích Thánh Thể. Rút ra từ cuộc đàm luận phong phú giữa
các chuyên viên trong Hội Thánh. Bài này tìm hiểu bản chất đa diện của nền văn
hóa Thánh Thể và cách thức nó thể hiện trong đời sống giáo xứ.
Một Nền Văn Hoá Biết ơn và Ý
thức
Nền
văn hóa Thánh Thể bắt đầu với một cộng đồng ý thức sâu xa về những hồng ân đã
nhận được từ Chúa Giêsu. Lòng biết ơn này không chỉ là tình cảm nội tâm mà còn
là động lực thúc đẩy cộng đồng chia sẻ những hồng ân ấy với tha nhân. Đức Cha
Daniel Flores hùng hồn mô tả đây là một cộng đồng nhận ra mình đã nhận được điều
gì đó tốt đẹp và có quền năng biến đổi từ Chúa Giêsu và mong muốn mở rộng ân sủng
ấy đến một thế giới rộng lớn hơn.
Ý
thức và lòng biết ơn này là nền tảng của nền văn hoá Thánh Thể. Nếu không có
chúng, các nghi thức và thực hành chung quanh Bí tích Thánh Thể có thể trở nên
trống rỗng. Một cộng đồng thực sự hiểu hồng ân Thánh Thể sẽ tự nhiên phản ánh sự
hiểu biết này trong các hoạt động và tương tác của mình, tạo ra một môi trường
mà sự hiện diện Thánh Thể của Đức Kitô được cảm nhận một cách tỏ tường.
Tôn kính và Thực hành
Việc
tôn kính Thánh Thể là một dấu ấn quan trọng khác của nền văn hóa Thánh Thể. Sự
tôn kính này được thể hiện rõ ràng trong cách cử hành Thánh Lễ, cách nó được
rao giảng và cách nó được hòa nhập vào đời sống hàng ngày của giáo xứ. Tiến sĩ
Tim O'Malley nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn kính này, đồng thời lưu
ý rằng một nền văn hóa Thánh Thể lành mạnh được đặc trưng bởi những thực hành
tôn vinh sự thánh thiêng của Thánh Thể.
Tuy
nhiên, sự tôn kính này không chỉ xảy ra vào lúc truyền phép trong Thánh Lễ. Nó
còn vượt ra ngoài phụng vụ để ảnh hưởng đến cách sống của giáo dân. Bí tích
Thánh Thể là nguồn mạch của sự biến đổi, và một cộng đồng đón nhận nền văn hóa
Thánh Thể là một cộng đồng trong đó các nhân đức và ân sủng nhận được từ Bí
tích Thánh Thể được thể hiện rõ ràng trong đời sống của các thành viên.
Một Nền Văn Hoá Có Chủ ý và Được
Vun Trồng
Việc
xây dựng và duy trì một nền văn hóa Thánh Thể đòi hỏi những ý định và nỗ lực có
chủ ý. Julianne Stans nhấn mạnh văn hóa không ở trạng thái tĩnh; nó năng động
và đòi hỏi sự vun trồng liên tục. Điều này có nghĩa là phải lưu tâm đến “mảnh đất”
nơi nền văn hóa này phát triển. Giống như một khu vườn cần được chăm sóc và
quan tâm, nền văn hóa Thánh Thể trong giáo xứ cũng vậy.
Những
nỗ lực có chủ ý để nuôi dưỡng một nền văn hóa Thánh Thể có thể bao gồm việc tạo
ra những cơ hội để giáo dục giáo dân, khuyến khích lòng tôn kính và cung cấp
không gian để chiêm niệm và gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Nó liên
quan đến việc nhìn vào cách Bí tích Thánh Thể nuôi sống cộng đồng và sai giáo
dân trong cộng đồng ra đi để phục vụ tha nhân. Chủ ý này đảm bảo rằng nền văn
hóa Thánh Thể không chỉ là sản phẩm phụ vô thức của đời sống giáo xứ mà còn là
trọng tâm hình thành mọi khía cạnh của sinh hoạt cộng đồng của giáo xứ.
Một Nền Văn Hoá Hiếu Khách và Gặp
Gỡ
Một
nền văn hóa Thánh Thể thực sự được đánh dấu bằng lòng hiếu khách sâu xa. Lòng
hiếu khách này vượt xa việc đơn thuần chào hỏi; nó bao gồm việc chào đón mọi
người vào một không gian mà ở đó họ có thể gặp gỡ Đức Kitô một cách mật thiết.
Crystal Serrano Puebla vạch ra rằng lòng hiếu khách đích thực trong nền văn hóa
Thánh Thể là đón nhận người khác như Đức Kitô và làm cho họ cảm thấy mình thuộc
về cộng đoàn.
Tinh
thần chào đón này rất quan trọng vì nó phản ánh bản chất toàn diện của chính Bí
tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là Bí tích hiệp nhất, quy tụ mọi người từ nhiều
hoàn cảnh khác nhau lại thành một thân thể. Một giáo xứ thể hiện một nền văn
hóa Thánh Thể đảm bảo rằng mọi người, dù là thành viên lâu năm hay khách đến
thăm lần đầu, đều cảm thấy được chào đón và có giá trị đối với giáo xứ. Tính
bao gồm này phản ảnh tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện mà Đức Kitô ban tặng
cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
Một Nền Văn Hoá Đồng hành và Quan
hệ
Bí
tích Thánh Thể không những chỉ là một nghi lễ mà còn là một mối quan hệ. Một nền
văn hóa Thánh Thể có tính tương quan sâu xa, được đặc trưng bởi một cộng đồng đồng
hành cùng các thành viên của mình qua mọi giai đoạn của cuộc sống. Serrano
Puebla nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đồng hành này, đồng thời lưu ý rằng
cộng đồng Thánh Thể là một cộng đồng có mối quan hệ sâu xa với các thành viên của
mình, hiểu biết và hỗ trợ họ trong những niềm vui cũng như những khó khăn của đời
sống họ.
Khía
cạnh tương quan này rất cần thiết vì chính Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông với
Đức Kitô và với nhau. Một nền văn hóa Thánh Thể khuyến khích giáo dân coi nhau
như anh chị em trong Đức Kitô, nuôi dưỡng cảm giác thuộc về nhau và hỗ trợ lẫn
nhau. Động lực quan hệ này giúp cộng đồng đáp ứng nhu cầu của các thành viên và
cùng nhau lớn lên trong đức tin.
Sứ Vụ và Đi Ra Gặp gỡ
Một
nền văn hóa Thánh Thể đương nhiên vượt ra ngoài các bức tường của giáo xứ. Bí
tích Thánh Thể sai các tín hữu đi vào thế giới để sống Tin Mừng trong cuộc sống
hằng ngày của họ. Tiến sĩ O'Malley thảo luận về cách hiểu khái niệm giáo xứ
không chỉ như một không gian vật chất mà còn như một ranh giới địa lý bao gồm tất
cả mọi người trong đó. Sự hiểu biết rộng hơn về giáo xứ này có nghĩa là sứ vụ của
cộng đồng Thánh Thể bao gồm tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, từ việc giải
quyết tình trạng nghèo đói đến việc thăng tiến niềm vui của con người.
Sự
tập trung hướng ngoại này là dấu chỉ của một một nền văn hóa Thánh Thể. Chỉ tụ họp
để tham dự Thánh Lễ mà thôi thì chưa đủ; cộng đồng cũng phải sống sứ vụ Thánh
Thể trong thế giới. Điều này bao gồm các hoạt động bác ái, công bằng xã hội và Phúc
Âm hoá. Khi làm như vậy, giáo xứ trở thành chứng từ sống động cho quyền năng biến
đổi của Bí tích Thánh Thể.
Tính Chân thực và Sự Bất Toàn
Tính
chân thực là một yếu tố quan trọng khác của nền văn hóa Thánh Thể. Tính chân thực
này nhìn nhận rằng cộng đồng chưa hoàn hảo nhưng đang cố gắng sống đức tin của
mình giữa những điều bất toàn. Tiến sĩ Josh McManaway và Tim O'Malley thảo luận
về việc tại sao nền văn hóa Thánh Thể không nhằm tạo ra một cộng đồng hoàn hảo
mà nhằm nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô giữa sự đổ vỡ của chúng ta.
Sự
nhìn nhận này cho phép một cách tiếp cận chân thực và khiêm tốn đối với đời sống
giáo xứ. Nó giải phóng cộng đồng khỏi áp lực phải hoàn thiện và thay vào đó tập
trung vào ân sủng biến đổi của Bí tích Thánh Thể. Tính chân thực này rất hấp dẫn,
đặc biệt đối với thế hệ trẻ, những người thường tìm kiếm một cộng đồng đức tin
thực sự và dễ gần gũi.
Nghèo khó và Khiêm tốn
Ý
thức sâu xa về sự nghèo khó và khiêm nhường trước Thánh Thể là điều cần thiết để
vun trồng nền văn hóa Thánh Thể. Đức Cha Flores và các tham dự viên suy niệm về
lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô để cho mình được những người nghèo Phúc
Âm hoá, nhấn mạnh rằng việc nhận ra sự nghèo khó của chính mình là chìa khóa để
tiếp cận Bí tích Thánh Thể với thái độ đúng đắn.
Sự
nghèo khó về tinh thần này là nhìn nhận nhu cầu khẩn trương của chúng ta với Đức
Kitô và với nhau. Bí tích Thánh Thể kêu gọi chúng ta đến sự khiêm nhường này,
nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều cần ân sủng của Thiên Chúa như nhau.
Quan điểm này nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái trong cộng đồng,
khi giáo dân nhận ra bản tính nhân loại chung của họ và sự lệ thuộc của họ vào Thiên
Chúa.
Niềm vui và Vẻ Đẹp
Cuối
cùng, một nền văn hóa Thánh Thể được đánh dấu bằng niềm vui và vẻ đẹp. Niềm vui
gặp gỡ Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể phải được thể hiện rõ ràng trong đời sống
giáo xứ. Niềm vui này không phải là một niềm vui hời hợt mà là một hạnh phúc tận
đáy lòng, đến từ tình yêu và ân sủng sâu xa được cảm nghiệm trong Bí tích Thánh
Thể.
Ve
đẹp cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Thánh Thể. Vẻ đẹp này
không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn có tính tâm linh. Đó là vẻ đẹp của một cộng đồng
sống đức tin của mình một cách chân thực và trọn vẹn. Vẻ đẹp này thu hút người
khác đến với đức tin, khi họ nhìn thấy niềm vui và tình yêu đặc trưng của một cộng
đồng Thánh Thể.
Kết Luận
Một
nền văn hóa Thánh Thể là một cách bày tỏ đức tin sống động, năng động, có khả
năng biến đổi cộng đồng giáo xứ. Nó được đặc trưng bởi lòng biết ơn, lòng tôn
kính, chủ ý, lòng hiếu khách, mối quan hệ, sứ vụ, tính chân thực, khiêm tốn, niềm
vui và vẻ đẹp. Bằng cách nuôi dưỡng những yếu tố này, một giáo xứ có thể trở nên
một cộng đồng Thánh Thể đích thực, ở đó sự hiện diện của Đức Kitô được cảm nhận
một cách sâu xa và được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Sự biến đổi
này không những chỉ phong phú hoá giáo xứ mà còn lan tràn ra thế giới rộng lớn
hơn, phản ánh tình yêu sâu thẳm và vô biên của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể.
Câu hỏi
để Suy nghĩ và Thảo luận
Dựa
trên thực tại của giáo xứ của bạn, hãy chọn những câu hỏi có ý nghĩa hơn đối với
giáo xứ của bạn và chia sẻ câu trả lời của bạn trong các nhóm nhỏ.
1. Bạn mô tả thế nào về sự hiểu
biết, cử hành và sống Bí tích Thánh Thể của giáo xứ của bạn?
2. Các mối quan hệ trong giáo xứ
của bạn có bao gồm những người bên ngoài bức tường nhà thờ của bạn không? Mọi
người trong ranh giới địa lý của giáo xứ của bạn? Làm thế nào bạn có thể bắt đầu
nghĩ về lòng hiếu khách như một nhân đức bắt nguồn và tuôn chảy từ Bí tích
Thánh Thể, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô?
3. Việc chiêm ngưỡng Đức Kitô
trong Bí tích Thánh Thể hình thành tầm nhìn của chúng ta để nhìn thấy và nhận
ra Đức Kitô nơi những người chung quanh mình, và gợi hứng cho chúng ta chia sẻ
tình yêu của Đức Kitô mà chúng ta nhận được trong Bí tích Thánh Thể với những ai
cần đến Người. Nó cũng giúp chúng ta nhận ra mình cần Người. Làm thế nào chúng
ta có thể đem toàn thể tâm hồn mình vào việc cử hành Thánh Lễ và để cho Đức
Kitô biến đổi chúng ta thành những “nhà tạm có chân” ngõ hầu chúng ta có thể đem
Đức Kitô vào thế giới?
4. Hãy suy nghĩ một chút về sự
nghèo khó của chính bạn. Bạn nghèo như thế nào trước Đức Kitô, với tư cách cá
nhân, với tư cách là cộng đồng giáo xứ? Làm thế nào Đức Kitô có thể yêu cầu bạn
chấp nhận sự nghèo khó này thay vì đẩy nó sang một bên – trao nó cho Người để
Người có thể lấp đầy bạn bằng chính Người?
5. Bạn cần thực hiện những bước
tiếp theo nào để thành lập các cộng đồng nhỏ trong giáo xứ của bạn?