Các bài từ 5 đền 8 tóm tắt
các video do Chương trình do McGrath Institute for Church Life’s Bishop
John M. D’Arcy
thực hiện trong bộ Video Canh tân Đời Sống Linh mục. Chúng được sử dụng làm tài
liệu để các Linh mục huấn luyện nhân viên giáo xứ của các ngài. Các video này
nhằm trả lời câu hỏi: Làm sao để Bí tích Thánh Thể có thể là nguồn canh tân cho
toàn thể giáo xứ?
Hình thức của những video
này là một cuộc thảo luận bàn tròn giữa Đức Cha Flores và năm nhà chuyên môn về
thần học và mục vụ trong Hội Thánh: Tiến sĩ Timothy O’Malley, Bà Julianne
Stanz, Tiến sĩ McManaway, Bà Crystal Serrano-Puebla và ông Peter J. Ductrám.
Trong những cuộc đàm thoại này, những cái nhìn khác nhau của họ mở ra một sự hiểu
biết mới về những cách thức giúp các thừa tác vụ của chúng ta thể hiện Nền Văn
hóa Thánh Thể. Chương này được viết dựa trên Video 4 của
Phần II và các câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận được lấy trực tiếp từ Cẩm
nang của Chương trình.
https://www.youtube.com/watch?v=IPUgkpDOWeo
Đại
dịch COVID-19 đã làm gián đoạn đáng kể việc đến nhà thờ và tham gia các sinh hoạt
của cộng đồng, tạo ra những thách đố đặc biệt cho các nhà lãnh đạo tôn giáo
trên toàn thế giới. Khi thế giới bắt đầu được chữa lành và mở cửa trở lại, các Linh
mục, Giám mục và các vị lãnh đạo giáo xứ có nhiệm vụ tái kết nối các giáo đoàn
của họ và khuyến khích giáo dân quay trở lại tham dự Thánh Lễ. Bài này đề ra
các chiến lược và sứ điệp hiệu quả để giúp các nhà lãnh đạo Hội Thánh định hướng
giai đoạn quan trọng này, tập trung vào sự đồng cảm, hiểu biết và ý thức đổi mới
về cộng đồng và sứ vụ.
Nhìn Nhận
Ảnh Hưởng của Đại Dịch
Nhận Chân Thực Tại: Bước đầu tiên trong việc
thu hút lại giáo dân trở lại là nhìn nhận ảnh hưởng bi thảm của đại dịch đối với
đời sống của họ. Không thể bỏ qua những tác hại của đại dịch đối với sức khỏe
tâm thần, sự ổn định kinh tế và các tương tác xã hội. Các nhà lãnh đạo Hội
Thánh nên thảo luận cởi mở về những thách đố này, xác nhận những khó khăn và nỗi
lo sợ của giáo dân. Bằng cách đó, họ có thể tạo ra một môi trường tin cậy và cởi
mở.
Hiểu về Nỗi Lo Sợ: Nhiều giáo dân vẫn ngần
ngại trở lại tham dự Thánh Lễ vì lo sợ kéo dài về vi khuẩn. Những nỗi sợ hãi
này có căn cứ và phải được giải quyết bằng sự thông cảm và hiểu biết. Các nhà
lãnh đạo Hội Thánh nên thông báo rõ ràng về các biện pháp an toàn hiện có và trấn
an cộng đồng của mình rằng sức khỏe của họ là ưu tiên hàng đầu. Bằng cách nhìn
nhận và giải quyết những nỗi sợ hãi này, các nhà lãnh đạo có thể giúp giảm bớt sự
lo lắng và khuyến khích giáo dân từ từ quay trở lại với việc thờ phượng trực tiếp.
Thông Tin
Hiệu Quả: Mời Gọi thay vì Áp Lực
Mời Gọi thay vì Áp Lực: Việc mời giáo dân trở
lại tham dự Thánh Lễ phải được tiếp cận với sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn. Thay
vì làm cho mọi người cảm thấy tội lỗi vì sự vắng mặt của họ, các nhà lãnh đạo
nên nhấn mạnh đến những khía cạnh tích cực của việc trở lại nhà thờ. Các sứ điệp
nên tập trung vào niềm vui của cộng đồng, việc nuôi dưỡng tinh thần của Bí tích
Thánh Thể và sự nâng đỡ trong gia đình giáo xứ.
Nhấn Mạnh đến Bí tích Thánh Thể:
Bí tích Thánh Thể là trung tâm của việc thờ phượng Công giáo, hiện thân cho Đức
Kitô trong cộng đồng. Việc nhấn mạnh đến khía cạnh trung tâm này của đức tin có
thể làm cho giáo dân hứng thú quay trở lại tham dự Thánh Lễ. Nhắc nhở họ rằng
tham dự Thánh Lễ không những chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một cơ hội để gặp gỡ
Đức Kitô một cách thân tình và cá nhân hơn.
Đời Sống Cộng Đồng: Nhấn mạnh đến tầm
quan trọng của khía cạnh cộng đồng trong Thánh Lễ. Việc tụ tập quanh bàn thờ tượng
trưng cho sự hiệp nhất và nâng đỡ của cộng đồng giáo xứ. Làm nổi bật ý thức thuộc
về và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thờ phượng chung có thể khuyến khích giáo dân
kết nối lại với cộng đồng đức tin của họ.
Cung Cấp
Không Gian An Toàn và Thoải Mái
Các Cuộc Tụ Họp Linh Động:
Để đáp lại các mức độ thoải mái khác nhau, hãy nghĩ đến việc tổ chức các cuộc tụ
họp nhỏ hơn, thân mật hơn hoặc các buổi phụng vụ ngoài trời. Những lựa chọn
thay thế này có thể mang lại một môi trường an toàn hơn cho những người vẫn thận
trọng trước các đám đông lớn. Tính linh động trong các lựa chọn địa điểm để cử
hành phụng vụ cho thấy sự nhạy cảm đối với nhu cầu cá nhân và có thể giúp họ dễ
dàng trở lại sinh hoạt thường xuyên hơn.
Tôn Trọng Mức Độ Thoải Mái của Mỗi Cá Nhân:
Ý thức rằng mỗi người giải quyết những lo âu của mình một cách khác nhau. Cung
cấp nhiều lựa chọn tham gia khác nhau, chẳng hạn như các buổi phụng vụ phát
hình trực tiếp, hoặc các khu vực dành riêng cho những người thích có một khoảng
cách thể lý hơn, có thể giúp mọi người cảm thấy được hòa nhập và được tôn trọng.
Giải Quyết
các Vấn Đề Rộng Lớn Hơn
Sức Khỏe Tâm Thần và Bạo Lực trong Gia Đình:
Đại dịch đã làm các cuộc vật lộn về sức khỏe tâm thần và bạo lực trong gia đình
thêm trầm trọng. Các nhà lãnh đạo Hội Thánh nên nhìn nhận những vấn đề này và
đưa ra những nâng đỡ qua lời cầu nguyện, tư vấn và các nguồn lực cộng đồng.
Cung cấp một không gian an toàn cho những người bị ảnh hưởng bởi chúng tìm kiếm
sự giúp đỡ có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của họ.
Số Lượng không phải Là Tất Cả:
Mặc dù việc theo dõi mức độ tham gia là quan trọng nhưng trọng tâm chính phải
là sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của cộng đồng. Chất lượng của sự tham gia
thường quan trọng hơn số lượng. Nhấn mạnh đến sự phát triển cá nhân và sức khỏe
tinh thần hơn chỉ đơn thuần số người tham gia có thể thúc đẩy một môi trường hỗ
trợ và nuôi dưỡng nhiều hơn.
Nâng Đỡ
Các Nhà Lãnh Đạo Giáo xứ
Nghỉ Ngơi và Đổi Mới: Các Linh mục, giáo lý
viên và những vị lãnh đạo giáo xứ đã ở tuyến đầu trong suốt đại dịch và có thể
đang bị kiệt sức. Cung cấp cơ hội để họ nghỉ ngơi và đổi mới là điều cần thiết.
Những ngày cầu nguyện, tĩnh tâm và thời gian yên tĩnh có thể giúp họ lấy lại
tinh thần và đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục việc mục vụ của họ một cách hiệu
quả.
Quan Hệ với Những Cơ Quan Trợ Giúp:
Cộng tác với các tổ chức như Caritas để cung cấp thêm những nâng đỡ cho các vị
lãnh đạo giáo xứ. Những mối quan hệ hợp tác này có thể cung cấp các nguồn lực để
nuôi dưỡng tinh thần và hỗ trợ thiết thực, giúp các nhà lãnh đạo phục hồi năng
lực và tiếp tục công việc quan trọng của họ với một sức sống mới.
Rao giảng
về Hy vọng và Sự Phong Phú
Sứ Điệp Hy Vọng: Trong thời gian thử
thách này, việc rao giảng sứ điệp hy vọng là điều vô cùng quan trọng. Nhấn mạnh
rằng dù khó khăn nhưng Thiên Chúa vẫn hiện diện và hoạt động trong cộng đồng. Đề
cao những câu chuyện về sự kiên cường và những hành động nhân ái trong giáo xứ
để gây hứng khởi và nâng đỡ Hội Thánh.
Tránh Não Trạng Nghĩ Rằng Mình Thiếu Thốn:
Khuyến khích một não trạng dư thừa thay vì thiếu thốn. Nhắc nhở giáo dân rằng họ
có mọi sự họ cần để chia sẻ Tin Mừng và sống đức tin của họ. Việc tập trung vào
những ơn lành và nguồn lực sẵn có có thể nuôi dưỡng một tinh thần cộng đồng
tích cực và chủ động hơn.
Suy Nghĩ
về Căn Tính và Sứ Vụ
Tiến Trình Biện Phân: Hãy sử dụng thời gian
này để suy nghĩ về căn tính và sứ vụ của giáo xứ. Tham gia vào một tiến trình
phân định để hiểu giáo xứ ngày nay là gì, những tài năng và nguồn lực nào có sẵn
và cách tốt nhất để tiến về phía trước. Sự suy tư này có thể hướng dẫn các sáng
kiến trong tương lai và giúp giáo xứ phát triển một cách mới mẻ và có ý
nghĩa.
Tiếp Cận Có Chủ Ý: Hãy chủ động tiếp cận
những giáo dân còn do dự. Những lời mời cá nhân và việc tiếp cận có chủ ý có thể
tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc mời họ quay trở lại. Một cuộc điện thoại,
một bức thư, một lời nhắn cá nhân hoặc một chuyến thăm hỏi có thể cho giáo dân
thấy rằng họ được quý trọng và nhớ đến.
Vai Trò
của Bí Tích Thánh Thể
Tính Trung Tâm của Bí tích Thánh Thể:
Bí tích Thánh Thể hiện thân cho sự hiện diện của Đức Kitô với các tín hữu trong
cuộc vật lộn của họ. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong sứ
điệp và bài giảng của mình, nhắc nhở giáo dân rằng Đức Kitô ở cùng họ, sát cánh
bên họ trong những thử thách của họ. Tính trung tâm này có thể thu hút mọi người
trở lại với tâm điểm đức tin của họ.
Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng với Đấng Chịu Đóng Đinh:
Sự thành công trong sứ vụ Kitô hữu không được đo bằng những con số mà bằng lòng
trung thành với Đức Kitô, đặc biệt là trong Cuộc Thương Khó của Người. Quan điểm
này có thể giúp duy trì sự tập trung và khả năng phục hồi, ngay cả khi số lượng
người tham dự thấp. Nhấn mạnh rằng thành công thực sự nằm ở việc noi gương yêu
thương và hy sinh của Đức Kitô.
Nuôi Dưỡng
Một Nền Văn Hóa Tăng Trưởng
Cắt Tỉa và Tăng Trưởng: Hãy xem thời gian này
như một cơ hội để cắt tỉa và phát triển trong giáo xứ. Xác định những lĩnh vực
cần được chú ý nhiều hơn và nuôi dưỡng chúng một cách cẩn thận. Giống như người
làm vườn tỉa cây để kích thích sự nẩy nở mới, giáo xứ có thể sử dụng thời gian
này để tập trung vào những khía cạnh thiết yếu của sứ vụ và mục vụ của mình.
Công Việc Chuyển Đổi cách Tiệm Tiến:
Hãy hiểu rằng việc chuyển đổi và tăng trưởng là những tiến trình tiệm tiến, đòi
hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực liên tục. Khuyến khích giáo dân đón nhận công việc
chậm rãi, đều đặn của Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi cuộc sống của họ và đời
sống của giáo xứ. Sự kiên nhẫn và kiên trì là chìa khóa để phát triển tâm linh
lâu dài.
Khuyến
Khích Nghỉ Ngơi và Canh Tân
Nghỉ Ngơi để Đổi Mới: Giống như bánh cần được
để yên một thời gian để dậy men, hãy khuyến khích các vị lãnh đạo giáo xứ dành
thời gian nghỉ ngơi để có thể hồi phục trở lại trong sứ vụ của mình. Nghỉ ngơi
không phải là điều xa xỉ nhưng là điều cần thiết để có được một tác vụ bền vững
và hiệu quả. Tạo cơ hội nghỉ ngơi và đổi mới trong lịch trình của giáo xứ.
Tái Kết Nối với Ơn Gọi: Thôi thúc các Linh mục
và các nhà lãnh đạo giáo xứ kết nối lại với ơn gọi ban đầu và lòng say mê với
ơn gọi của họ. Suy nghĩ này có thể trẻ trung hóa quyết tâm và nghị lực của họ với
việc mục vụ. Việc nhớ lại niềm vui và mục đích của ơn gọi có thể làm cho họ hứng
khởi để tiếp tục công việc của mình với nhiệt tình mới.
Nắm Vững
Tiến Trình
Việc Hiệp Hành: Nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc Hiệp Hành, trong đó toàn thể cộng đồng tham gia vào tiến trình phân định.
Nỗ lực tập thể này là điều rất quan trọng để tiến bước. Sự tham gia của cộng đồng
vào việc đề ra quyết định sẽ thúc đẩy ý thức làm chủ và hợp tác.
Phân Định Từng Bước: Khuyến khích thực hiện
bước tiếp theo trong tiến trình phân định, tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng
dẫn tiến trình này. Các bước nhỏ chầm chậm có thể dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể
theo thời gian. Lòng kiên nhẫn và tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
là điều cần thiết để thành công trong việc phân định này.
Giải Quyết
Những Thách Đố bằng Tình Yêu
Yêu Đến Cùng: Nhắc nhở các nhà lãnh
đạo rằng nhiệm vụ cao nhất của họ là yêu thương giáo dân đến cùng, như Đức Kitô
đã yêu thương giáo dân của Người. Đây là thước đo thực sự của sự thành công
trong mục vụ. Tình yêu là nền tảng của mọi việc mục vụ và phải là nguyên tắc chỉ
đạo trong mọi nỗ lực lôi kéo lại sự tham gia của giáo dân.
Sự Thánh Thiện thay vì Số Lượng:
Thành công trong mục vụ không bởi đo lường bởi số lượng mà đo lường bằng sự
thánh thiện và tình yêu chung thủy. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thánh thiện
cá nhân và việc phục vụ đầy yêu thương. Việc tập trung vào sự thánh thiện và
tình yêu có thể truyền cảm hứng cho một cam kết dấn thân sâu xa hơn đối với đức
tin và với cộng đồng.
Kết luận
Việc
mời gọi giáo dân trở lại sau đại dịch là một nhiệm vụ phức tạp nhưng vô cùng bổ
ích. Bằng cách nhìn nhận sư sợ hãi, đưa ra những nâng đỡ đầy nhân ái và nhấn mạnh
đến niềm hy vọng và cộng đồng, những vị lãnh đạo Hội Thánh có thể hướng dẫn cộng
đồng của mình vượt qua thời điểm đầy thử thách này. Trọng tâm phải luôn là Bí
tích Thánh Thể, cộng đồng và tình yêu, vốn là những điều xác định mục vụ Kitô
giáo. Bằng cách áp dụng những chiến lược này, các nhà lãnh đạo Hội Thánh có thể
giúp cộng đồng của họ chữa lành, tăng trưởng và phát triển mạnh sau đại dịch,
nuôi dưỡng ý thức mới về đức tin và sự đoàn kết.
Câu
Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận
Dựa trên thực tại của giáo xứ của bạn, hãy chọn những câu hỏi
có ý nghĩa hơn đối với giáo xứ của bạn và chia sẻ câu trả lời của bạn trong các
nhóm nhỏ.
1. Cộng
đồng của bạn đã giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch như thế nào? Bạn có tạo
ra không gian để các nhà lãnh đạo, mục tử và giáo dân của mình nhận ra họ đang ở
đâu về mặt tình cảm, tâm linh, v.v., không?
2. Cộng
đoàn của bạn đã làm gì (nếu có) để chủ ý mời gọi mọi người quay trở lại với việc
cử hành phụng vụ? Làm thế nào bạn đồng hành cùng những người có thể chưa sẵn
sàng quay trở lại — nhìn nhận những nỗ lực của họ, cung cấp những cách thay thế
để họ tham gia vào cộng đồng, v.v.?
3. Khi
đối diện với cảm giác thiếu thốn phương tiện, làm sao bạn có thể đón nhận sứ điệp
hy vọng của Tin Mừng? Làm sao bạn có thể loan truyền sứ điệp ấy cho những người
khác trong cộng đồng của bạn, là những người có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong nỗi
lo sợ luẩn khuất quanh đại dịch?
4. ‘Bước
tiếp theo’ mà Chúa Thánh Thần có thể mời gọi bạn và cộng đồng của bạn cùng nhau
thực hiện là gì?