Lời Phi Lộ - Tài liệu Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời
sống Hội Thánh
của các Giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể là
tài liệu nền tảng cho kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của các ngài. Tiếc rằng rất
ít người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ biết đến tài liệu này. Trong loạt bài
này chúng tôi cố gắng tóm lược các bài học rút ra từ tài liệu và từ các lớp online do Đức Cha
Cozzens hướng dẫn để giúp độc giả hiểu sâu xa hơn về Bí tích Thánh
Thể và sống Mầu Nhiệm Cao Quý này. Dươi đây là Bài Thứ Sáu. Trong bài này Đức
Cha Cozzens giải thích một cách rõ ràng hơn về Sự Hiệp Thông Thánh và mối liên
hệ với Hội Thánh.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Trong
những bài trước, chúng ta đã học về việc Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta đến
nỗi tự nguyện chịu chết cho chúng ta. Không những thế, Người còn ở lại với
chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể.
Bí
tích Thánh Thể còn được gọi là Sự Hiệp Thông Thánh chính vì, khi đặt chúng ta
trong sự hiệp thông với Hy tế của Đức Kitô, chúng ta được hiệp thông mật thiết
với Người và với nhau qua Người. Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) là đỉnh cao thiêng
liêng, thể hiện sự kết hợp mật thiết nhất giữa Thiên Chúa và con người. Bài này
tóm tắt giải thích của Đức Cha Andrew Cozzens về nguồn gốc Thánh Kinh, ý nghĩa
thần học và ý nghĩa thực tế của việc Hiệp Thông Thánh, làm sáng tỏ vai trò
trung tâm của Bí tích này trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất và hiệp thông trong
Thân Mình Đức Kitô.
Hiệp
Thông Thánh là Thông Phần vào Sự Sống của Thiên Chúa
Hiệp
Thông Thánh là hình ảnh thu nhỏ của cuộc gặp gỡ thân mật giữa Thiên Chúa và dân
Ngài. Bắt nguồn từ tình yêu hy sinh của Đức Kitô, Bí tích này dẫn đến sự kết hợp
mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Trong Thánh Lễ, chúng ta dâng lên Chúa
Cha những hy sinh nhỏ bé của mình kết hợp với Hy Lễ của Đức Kitô trên Thập giá.
Để đáp lại, Ngài ban lại cho chúng ta chính Con Một Ngài. Nhờ ân sủng của Bí
tích Thánh Thể, chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa. Đó
là lý do tại sao các Giáo Phụ của Hội Thánh khi nói về Bí tích Thánh Thể, thường
sự so sánh nó với một tiệc cưới, ý tưởng này cho rằng lễ cưới giữa Thiên Chúa
và mỗi người chúng ta diễn ra trong Thánh Lễ, và trong sự hiệp thông ấy cả hai
trở nên một xương một thịt.
Nếu
quay lại Cựu Ước, chúng ta thấy rằng hình ảnh đám cưới hay hôn nhân là hình ảnh
chính được sử dụng trong đó để diễn tả giao ước với Thiên Chúa với dân Ngài. Và
tất cả những điều đó được ứng nghiệm trong sách Khải Huyền, trong đó Hội Thánh
được mô tả như Tân Nương của Đức Kitô đang sẵn sàng đến và gặp gỡ Tân Lang của
mình. Chính Thánh Phaolô đã nói về điều này trong chương 5 của thư Êphêxô, ở đó
ngài nói, cuộc hôn nhân thực giữa Đức Kitô và Hội Thánh xảy ra vào lúc trên Thập
giá.
“Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến
mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và
lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ
ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh
tuyền.” (Eph 5:25-27)
Điều
chúng ta thấy là Thập giá là lúc mà Thiên Chúa kết hợp chính Mình với chúng ta
bằng cách hiến mạng sống của Người cho chúng ta. Thánh Phaolô nói, cái chết của
Người thanh tẩy và thánh hóa Tân Nương và chuẩn bị cho nàng cho sự kết hợp này.
Tiệc cưới này tuy đã xảy ra trong quá khứ, nhưng được tái trình bày, hay hiện tại
hoá cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ để chúng ta được cùng tham dự. Do đó, Thánh
Lễ là tiệc cưới mà ở đó các tín hữu được kết hợp với Đức Kitô qua sự Hiệp Thông
Thánh (Rước Lễ), thông phần vào tình yêu tự hiến của Người.
Những Giải
Thích Thần học về Hiệp Thông Thánh
Các
nhà thần học Kitô giáo thời ban đầu, như Thánh Ambrose, Augustinô và Nicholas
Kabasilos, đã suy niệm về ý nghĩa thâm thuý của việc Hiệp Thông Thánh. Thánh
Ambrose ví việc Rước Lễ như nụ hôn của Đức Kitô dành cho hiền thê của mình, biểu
thị sự hiện diện thân mật của Người với chúng ta.
Thần
học gia Nicholas Kabasilos của Chính Thống giáo mô tả “mầu nhiệm Thánh Thể hoàn
hảo đến độ đưa chúng ta đến đỉnh cao của mọi điều tốt lành.” Đây là mục tiêu cuối
cùng của mọi ước muốn của con người bởi vì ở đây chúng ta đạt được Thiên Chúa
và Thiên Chúa kết hợp với chúng ta trong sự kết hợp hoàn hảo nhất. Sự thật là Đức
Kitô yêu thương chúng ta và khao khát được ở gần chúng ta đến nỗi Người đến sống
trong chúng ta và Người muốn kết hợp Chính mình trong chúng ta, với chúng ta để
biến đổi chúng ta từ bên trong.
Thánh
Augustinô thường nói về điều này bằng từ ngữ rất đơn giản. Ngài chỉ nói, bạn trở
thành điều bạn lãnh nhận. Nếu bạn Rước Lễ một cách xứng đáng và sốt sắng, bạn sẽ
trở nên giống Đức Kitô hơn.
“Bánh mà anh em thấy trên bàn thờ, được lời
Thiên Chúa thánh hóa, là Mình Đức Kitô. Chén, hay đúng hơn là điều bên trong
chén, được thánh hóa bởi Lời Chúa, là Máu Đức Kitô. Trong những dấu chỉ này, Đức
Kitô, là Chúa muốn trao cho chúng ta Mình và Máu Người đã đổ ra để tha tội
chúng ta. Nếu bạn đã nhận chúng đúng cách, chính bạn là điều bạn đã lãnh nhận.”
Đó
là sự kết hợp thiêng liêng, kết hợp chúng ta cách mật thiết với Thiên Chúa, nên
một với Thiên Chúa nhờ quyền năng biến đổi của việc Rước Lễ cách xứng đáng.
Hiệp
Thông Thánh cũng là Hiệp Thông với Hội Thánh.
Khi
Chúa Giêsu đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, Người thêm sức cho chúng
ta để tiếp tục sứ vụ của Người trên thế gian trong Hội Thánh. Qua việc Hiệp
Thông Thánh, chúng ta thực sự trở nên Thân Mình của Đức Kitô vì Chúa Giêsu đang
sống trong chúng ta. Chúng ta trở thành anh chị em với nhau vì chúng ta có cùng
dòng máu chảy trong huyết quản. Thánh Phaolô đã nói về điều này rất rõ ràng rằng
“Bởi vì chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một tấm Bánh, một thân thể, vì tất cả
chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh này.” (1 Cor 10:17)
Qua
việc Hiệp Thông Thánh, Bí tích Thánh Thể trở thành dấu chỉ hữu hiệu và là
nguyên nhân cao cả của sự Hiệp Thông trong đời sống thiêng liêng và sự hiệp nhất
của dân Thiên Chúa, nhờ đó Hội Thánh được tồn tại. Sách Giáo lý câu 1936 nói rõ
rằng nếu không có Thánh Thể, thì chúng ta sẽ không thực sự hiệp nhất với nhau.
Chúng ta sẽ không thực sự là một phần của thân thể Đức Kitô. Bằng cách này, “Thánh
Thể làm nên Hội Thánh.” Đó là lý do tại sao chúng ta không cho phép những người
ngoài Công giáo hay những người đang có tội trọng lên Rước Lễ. Không phải vì
chúng ta không tôn trọng đức tin Kitô giáo của họ. Nhưng bởi vì Rước Lễ là một
hành động giao ước. Đó là một hành động mà tôi tuyên bố tôi là một phần của Hội
Thánh này. Tôi hiệp thông với Hội Thánh này. Chưa theo đạo thì chưa hoàn toàn
hiệp thông. Phạm tội trọng là mất sự hiệp thông.
Rước
Lễ đòi hỏi một lời thề giao ước long trọng, trong đó các tín hữu khẳng định sự
cam kết của họ với Đức Kitô và Hội Thánh. Từ “Amen” cổ trong tiếng Do Thái có
nghĩa là đồng ý với sự tự hiến theo giao ước của Chúa Giêsu, tuyên bố ước muốn
của một người được kết hợp với Người. Giống như những người lính Rôma ngày xưa
đã tuyên thệ ràng buộc với các tướng lĩnh của họ, các Kitô hữu lập lại mối liên
hệ giao ước của họ với Đức Kitô qua việc Rước Lễ.
Trong
Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để minh họa
mối liên hệ mật thiết giữa các tín hữu và chính Người. Qua việc Rước Lễ, chúng
ta ở lại trong Đức Kitô, chia sẻ sự sống của Người và sinh hoa trái. Nếu chúng
ta mắc tội trọng là chúng ta đã cắt đứt sự hiệp thông này và chúng ta cần phải
giao hoà với Thiên Chúa qua Bí tích Hoà giải trước. Thánh Phaolô giải thích
thêm về khái niệm này khi mô tả các tín hữu là chi thể của thân thể Đức Kitô,
hiệp nhất qua việc họ tham dự bữa ăn Thánh Thể.
Tại
sao giữ Ngày Chúa Nhật, Ngày của Chúa
Trọng
tâm của đời sống Kitô hữu là việc cử hành Ngày của Chúa, trong đó các tín hữu tụ
tập để tưởng nhớ sự hy sinh của Đức Kitô và Rước Lễ. Sự cam kết kiên định của Hội
Thánh sơ khai đối với Thánh Lễ, ngay cả khi đối mặt với sự đàn áp, nhấn mạnh tầm
quan trọng của Bí tích Thánh Thể như nguồn nuôi dưỡng và hiệp nhất thiêng
liêng.
Trải
qua hai ngàn năm lịch sử, các Kitộ hữu đã kiên trì dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để
được Rước Lễ. Ở khắp nơi trên thế giới các chứng nhân đức tin đã liều chết để
được dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Đối với các ngài “Không có ngày của Chúa,
không có bữa ăn của Chúa, không có món quà là Mình và Máu Chúa, thì chúng tôi
không thể sống được.” Thực ra, các ngài thà chết chứ không thể không có Thánh Lễ.
Và các ngài đã chết. Một ngày, Thánh Lễ đối với các ngài và việc Rước Lễ không
chỉ đơn thuần là nghi thức, không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ, mà là sự sống còn.
Bằng
một cách nào đó, Hội Thánh là chính mình nhất khi Hội Thánh quy tụ để cử hành
Thánh Lễ. Ở đây hiện diện cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Ở đây chúng
ta tham dự vào sự thờ phượng đích thực mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Ở đây
chúng ta nhận được chính sự sống của Thiên Chúa đổ ra cho chúng ta. Ở đây chúng
ta trở thành thân thể của Đức Kitô, là Hội Thánh. Không có gì quan trọng hơn điều
này. Và đây là lý do tại sao chúng ta nói về Bí tích Thánh Thể như nguồn mạch
và tột đỉnh của đời sống chúng ta.
Kết luận
Để
kết luận, xin mượn lời của Công Đồng Vaticanô II, “Khi tham dự Thánh Lễ, nguồn
mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, [các tin hữu] dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật
thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Hơn nữa, được bổ dưỡng
bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của
Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu
trong Bí tích cực trọng này. Vì vậy, nhờ dâng lễ và qua việc Hiệp Thông Thánh,
tất cả đều tham dự vào nghi lễ phụng vụ này, thực ra không phải tất cả đều cùng
một cách, nhưng mỗi người theo cách riêng của mình. Được bổ sức trong việc Hiệp
Thông Thánh bởi Mình Đức Kitô, họ biểu lộ một cách cụ thể sự hiệp nhất của dân
Chúa, được biểu thị một cách thích hợp và thực hiện một cách kỳ diệu bởi Bí
tích cao cả nhất này.” (Lumen Gentium, 11).
Câu hỏi
để suy nghĩ
1. Tại
sao có nhiều người Rước Lễ mỗi ngày hay mỗi tuần hết năm này đến năm khác mà
không thay đổi gì cả?
2. Tại
sao bạn lên Rước Lễ khi đi dự Thánh Lễ? Bạn đã làm gì trước và sau khi Rước Lễ?