Phaolô
Phạm Xuân Khôi
Có
lẽ rất nhiều người trong chúng ta lần Chuỗi Lòng Thương Xót hằng ngày. Chúng ta
lần chuỗi vì sùng kính Chúa và tin vào những điều Chúa Giêsu đã hứa với Thánh Faustina
khi Người bảo Chị “Con hỡi, con hãy khuyến khích các kinh hồn lần chuỗi mà
Ta sẽ ban cho con. Ta vui lòng ban cho họ tất cả những gì họ xin qua việc làn
chuỗi này.” (1541). Chúa còn hứa nhiều điều hơn nữa. Để làm sáng tỏ các lời
hứa này, Chúa nói thêm với Chị, “Qua Chuỗi Lòng Thương Xót, con sẽ nhận được
tất cả mọi sự, nếu điều con xin hợp với Thánh Ý Ta” (Nhật Ký, 1731).
Trong
bối cảnh Phục hưng Thánh Thể, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu mối liên hệ giữa
Chuỗi Lòng Thương Xót và Thánh Lễ, vì trong Thánh Lễ chúng ta dâng lên Thiên
Chúa một Hy Lễ hợp với Thánh Ý Thiên Chúa nhất, đó chính là Hy Lễ của Đức Kitô.
Mà hai Kinh chính của Chuỗi Lòng Thương Xót đều nhắc đến Hy Lễ này.
Chuỗi Thương Xót nhắc đến Hy Lễ
trên Bàn Thờ
Chúng
ta bắt đầu Chuỗi Thương xót bằng kinh “Lạy Cha Hằng Hữu.” Trong
kinh này chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”. Điều ấy phản ánh cách chúng ta xưng
hô với Ngài trong Kinh nguyện Thánh Thể của mỗi Thánh Lễ. Chúng ta không chỉ gọi
Ngài một cách trừu tượng là “Thiên Chúa” hay “Đấng Tối cao”. Thay vào đó, chúng
ta đến với Ngài như Người Cha yêu thương được Chúa Giêsu Kitô mạc khải – “Người
Cha giàu lòng thương xót” (Eph 2:4). Bằng cách sử dụng thuật ngữ “Cha
Hằng Hữu,” chúng ta nhấn mạnh đến thiên tính của Ngài, vượt ra ngoài không
gian và thời gian. Ngài ở khắp mọi nơi và nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương
lai cùng một lúc. Vì vậy, Ngài nhìn thấy Lễ Vật và sự Hy sinh hoàn hảo của Con
Ngài để chuộc tội nhân loại cho đến đời đời.
Rồi
sau đó chúng ta đọc tiếp, “Con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn, và Thiên
tính của Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.” Cụm từ này
liên quan mật thiết với Bí tích Thánh Thể vì trong Thánh Lễ, Linh mục dâng lên
Chúa Cha Mình Máu Đức Kitô trong hình bánh rượu. Khi chúng ta cầu nguyện
với Chuỗi Thương Xót, chúng ta không tham dự vào hành động dâng hiến này này một
cách trực tiếp, nhưng một cách thiêng liêng. Để việc tham dự thiêng liêng này
thực sự có hiệu quả theo Ý Chúa, chúng ta cũng phải chuẩn bị như khi tham dự trực
tiếp.
Trong
Thánh Lễ, chúng ta cùng với Linh mục chuẩn bị của Lễ bằng cách đem bánh và rượu
lên bàn thờ. Bánh là hoa mầu ruộng đất và công lao của con người. Rượu là sản
phẩm từ cây nho và công lao của con người. Chính vì thế của Lễ dâng lên không
chỉ là Hy Lễ của Chúa Giêsu mà còn bao gồm mỗi người chúng ta và những hy sinh
nhỏ bé của chúng ta kết hợp với Hy Lễ của Chúa để dâng lên Chúa Cha. Đó là lý
do tại sao trước Lời Nguyện Tiến Lễ Linh mục mời gọi chúng ta, “Anh chị em
hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha
toàn năng chấp nhận.” Như thế, Hy Lễ được dâng lên là của Chúa Giêsu mà
Linh mục nói là “của tôi” vì Linh mục hành động trong cương vị là Đức Kitô và
“của anh chị em” là những hy sinh của mỗi người chúng ta kết hợp với Hy Lễ của
Đức Kitô. Rồi trước khi truyền phép, Linh mục nài xin Chúa Cha “dùng ơn Thánh
Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Ðức
Giêsu Kitô, Chúa chúng con.” Như vậy qua việc truyền phép, chính chúng
ta cũng được trở thành Thân Mình của Đức Kitô, chứ không phải chỉ bánh và rượu.
Khi dâng không những chỉ Mình và Máu, mà còn cả Linh hồn và
Thiên tính của Chúa Con, chúng ta tuyên xưng đức tin vào sự Hiện Diện
Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta công nhận rằng Thánh
Thể là Toàn Thể Đức Kitô, Con Thiên Chúa, bao gồm cả Mình, Máu, Linh
hồn và Thiên tính, được thực sự dâng lên Chúa Cha trong Thánh Lễ, mà chúng
ta bây giờ dâng lên Ngài cách thiêng liêng khi lần Chuỗi Thương Xót.
Khi
đọc câu “Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới,” chúng ta
kết hợp những hy sinh nho nhỏ của mình với hy sinh vô giá và hoàn hảo của Đức
Kitô để đền tội cho chính mình và cho những người khác. Đức Kitô đã hoàn tất
công trình Cứu Chuộc nhân loại bằng cách chết trên Thánh giá để đền thay cho tội
lỗi chúng ta và toàn thế giới từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Trong Thánh
Lễ, biến cố này được hiện tại hoá cho chúng ta một cách mới mẻ. Mới mẻ vì bao gồm
những hy sinh nho nhỏ của chúng ta. Như thế, khi lần Chuỗi Lòng Thương Xót
Chúa, chúng ta dâng Lễ cách Thiêng Liêng giống như khi chúng ta đọc kinh Rước Lễ
Thiêng Liêng.
Chuỗi Thương Xót nhắc đến Hy Tế
Thập Giá
Khi đọc “Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa
Giêsu Kitô,” chúng ta tưởng nhớ Cuộc Khổ Nạn của
Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu độ nhân loại như Hội Thánh tuyên xưng trong Kinh
Tiền Tụng trong tuần thứ năm Mùa Chay “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa
toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, ... Vì nhờ
cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải
tuyên xưng uy linh Chúa.”
Qua
những lời này chúng ta cầu khẩn “xin thương xót chúng con (hoặc cầu bầu
cho một linh hồn hay một người nào đó) và toàn thế giới”. Lời cầu nguyện cho chính mình nhắc nhở chúng
ta rằng mình là người tội lỗi, luôn cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Điều này giống
như Hành Động Sám Hối trong Thánh Lễ. Trong
việc chuyển cầu cho tha nhân, không có cách chuyển cầu nào quyền năng hơn chuyển
cầu cậy vào “Cuộc Khổ Nạn hồng phúc” của Hội Thánh trong Thánh Lễ.
Nhiều
khi chúng ta chỉ nhớ đến ơn tha tội khi nghĩ đến Cuộc Khổ nạn của Chúa mà quên
những ơn quan trọng khác Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên Thập Giá. Cẩm nang
Huấn luyện Tông Đồ Thánh Thể của Lòng Thương Xót kể ra những ơn sau đây:
· Người đã chịu phạt thay cho
chúng ta (Is 53:4-5; Mt 8:16-17; 1 Phr 2:24).
· Người đã bị thương tích để
chúng ta được chữa lành (Is 53:5; 1 Phr 2:24).
· Người đã biến thành hiện thân
của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người (Is 53:10;
2 Cor 5:21).
· Người đã gánh lấy nỗi ô nhục của
chúng ta để chúng ta có thể chia sẻ vinh quang của Người (Mt 27:35-44; Dt
2:10, 12:2).
· Người đã trở nên nghèo khó vì
chúng ta để chúng ta trở nên giàu có trong Người (2 Cor 8:9; 9:8; Cv
20:35).
· Người đã bị loại trừ để chúng
ta được Chúa Cha nhận làm con cái (Mt 27:46 và 50; Eph 1:5-6).
· Người trở nên đồ bị nguyền rủa
để chúng ta được chúc lành (Gal 3:14).
Chính
vì thế để đọc Chuỗi Thương Xót cho có hiệu quả, chúng ta không những chỉ đọc
ngoài miệng mà còn phải suy niệm về ý nghĩa của những lời ấy trong tương quan với
những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trong Hy Tế Thập Giá. Khi đọc “Vì Cuộc
Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”
chúng ta không những chỉ cầu xin Thiên Chúa ân huệ, mà còn dâng lên Ngài một
hy lễ tạ ơn. Trong đó chúng ta nhìn nhận Ngài là Người Cha nhân từ, đầy
Lòng Thương Xót, Đấng ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để chu toàn
bổn phận mà Ngài đã trao phó cho chúng ta qua Đức Kitô. Khi làm như thế, việc lần
Chuỗi Lòng Thương Xót của chúng ta sẽ trở thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng
Thiên Chúa.
Kết Luận
Chuỗi
Lòng Thương Xót Chúa bắt nguồn từ Hy Tế Thánh Thể. Khi đọc Chuỗi Lòng Thương
Xót chúng ta không tham dự trực tiếp vào Hy Tế của Đức Kitô như trong Thánh Lễ
vì trong Thánh Lễ, Hy Tế ấy được hiện tại hoá để cho chúng ta được thông phần.
Tuy nhiên, Chuỗi Thương Xót là một phương tiện cho chúng ta suy niệm, tưởng nhớ
và sống Thánh Thể ở ngoài Thánh Lễ. Nó mời gọi chúng ta kết hợp những hy sinh của
mình với Hy Lễ của Đức Kitô cách thiêng liêng để cầu cho chính mình hoặc chuyển
cầu cho người khác. Chúa Giêsu đã hứa qua Thánh Faustina “Qua Chuỗi Lòng Thương
Xót, con sẽ nhận được tất cả mọi sự, nếu điều con xin hợp với Thánh Ý Ta” (Nhật
Ký, 1731). Và cách tốt nhất để điều chúng ta cầu xin hợp với Thánh Ý Chúa là cầu
xin trong tâm tình dâng hiến kết hợp với Hy Lễ của Đức Kitô và tạ ơn như trong
Thánh Lễ.
Câu hỏi để Hồi Tâm
1. Bạn có khi nào lần Chuỗi
Thương Xót không? Bạn lần chuỗi với mục đích gì?
2. Và bạn lần chuỗi với thái độ
nào?
3. Làm sao để lần Chuỗi Thương
Xót cách đẹp lòng Chúa nhất?
*