Cả anh em nữa, anh em có
muốn bỏ Thầy mà đi không? Chúa Giêsu không hỏi: anh em có tiếp tục theo Thầy
không mà lại hỏi thẳng thừng: anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không. Một câu hỏi
không thuộc dạng mời gọi như trước đây mà là đặt vấn đề chọn lựa rõ ràng, dứt
khoát.
Kitô hữu chúng ta theo đạo
không phải là theo một học thuyết mang tính triết lý hay thần học nào đó, nhưng
là theo một "con người", theo một "ai đó", một "Đấng
nào đó". Đấng hay con người mà chúng ta lựa chọn đi theo, lựa chọn để gắn
bó, đó là Đức Giêsu Kitô. Chọn lựa một công việc để làm kế sinh nhai quả không
mấy dễ. Chọn lựa một bậc sống thật lắm phân vân đủ bề. Chọn lựa một con người
để làm bạn đời trăm năm cũng lắm sự nhiêu khê. Và chọn lựa Đấng để trao gửi
hạnh phúc hôm nay và vĩnh cửu chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì thế, khi phải
chọn lựa trong một vấn đề quan trọng, chúng ta cần có đủ cơ sở một cách nào đó.
Sau khi nhắc lại cho dân
tình yêu của Thiên Chúa qua các kỳ công Người đã thực hiện để bảo vệ dân,
Giosuê khẳng khái trước toàn dân rằng: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi
sẽ phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24,15) . Và dân đã đáp lại rằng họ không hề có ý định
bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác. Họ sẽ thờ phụng Thiên Chúa, vì chính
Đức Chúa, Thiên Chúa của họ dùng quyền năng thực hiện những dấu lạ lớn lao để
đem họ cùng với cha ông họ ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ mà vào đất hứa.
Như thế, cơ sở để dân Chúa xưa chọn thờ phụng Người đó là vì Người đã giải
thoát họ khỏi cảnh đời nô lệ.
Trước
câu hỏi của Chúa Giêsu, một kiểu đặt vấn đề đòi hỏi có sự chọn lựa dứt khoát
thì Phêrô đã thay mặt nhóm Mười Hai trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con
biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Không kể trường hợp một phần tử trong nhóm không tin, thì câu trả lời của Phêrô
nói lên sự chọn lựa của cả tập thể Tông Đồ. Và sự chọn lựa ấy đặt cơ sở trên
điều này: vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Để nói lên được
những lời này, chắc chắn cùng với các bạn, Phêrô đã từng chứng kiến uy quyền
của Thầy khi khiến nước lã hóa thành rượu ngon (x.Ga 2,1-12). Các vị đã từng
nghe Thầy nói với viên sĩ quan cận vệ nhà vua rằng: “Ông cứ về đi, con ông
sống” và đứa con trai của ông ta đang đang hấp hối đã đuợc cứu sống (x.Ga
4,46-54 ). Và các ngài chưa thể quên lời tạ ơn mới đây của Thầy đã giúp cho năm
ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê chỉ từ năm chiếc bánh lúa
mạch và hai con cá (x.Ga 6,1-15).
Không ai tự nguyện dấn thân
theo một lý tưởng, thực hiện một trách vụ hay gắn bó với một con người mà không
ấp ủ một hoài bão, một ước mơ hay niềm hy vọng nào đó. Xưa, dân Do Thái chọn
tôn thờ Thiên Chúa là để một mặt khỏi bị Người giáng họa, trừng phạt, mà trái
lại sẽ được Người chúc phúc và che chở trước các “kẻ thù” lân bang (Gs
24,19-20).
Cái hoài bão, uớc mơ, đúng
hơn là cái mục đích việc Phêrô thay mặt anh em chọn gắn bó với Thầy đó là vì
“Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Sự sống đời đời là một ước mơ
của con người, mọi thời và mọi nơi. Dù đủ đầy của cải vật chất, dù nắm trong
tay quyền sinh sát của bậc đế vương thì con người vẫn cảm nhận cái hữu hạn của
cuộc sống đời này. Danh vọng quyền lực, của cải hay tiền tài không thể giúp ta
kéo dài cuộc sống đến vô tận. Một thanh niên có nhiều sản nghiệp đã đến tham
vấn Chúa Giêsu: Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời
đời? Sau khi biểu anh ta giữ các giới răn, Chúa Giêsu đã mời gọi anh ta hãy bán
của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến mà theo Người (x.Mt 19,16-22; Mc
10,17-22; Lc 18,28-30).
Chọn lựa là hy sinh. Một câu
nói cho thấy một lẽ tất yếu của việc chọn lựa. Chọn ra đi thì phải hy sinh
chuyện không ở lại, chọn việc cất tiếng nói thì đương nhiên phải mất thái độ
giữ im lặng, đã chọn tôn thờ Thiên Chúa thì phải bỏ các thần của dân ngoại
(x.Gs 24,23)… Tuy nhiên sự hy sinh trong việc chọn lựa không chỉ dừng lại ở các
nội dung của sự chọn lựa mà còn có đó sự hy sinh ngay trong chính hành vi chọn
lựa. Sự hy sinh ở đây được hiểu như một sự đánh cược, một sự dân thân, một sự
“liều lĩnh” nào đó. Vì chưng, chúng ta vốn khó có được các cở sở một cách chắc
chắn kiểu trăm phần trăm khi chọn lựa một điều gì đó. Chúng ta dễ nhận ra ngay
hiện thực này qua việc các bạn thanh niên nam nữ chọn bạn đời hay chọn ơn gọi
tu trì. Như thế, sự hy sinh ở đây có thể hiếu như sự can đảm dấn thân, chấp
nhận nhiều “cái giá” phải trả khi chọn lựa.
Cái giá mà chúng ta phải trả
khi chọn lựa đi theo Chúa Giêsu, gắn bó với Người đó chính là “vác thập giá”.
“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”
(Lc 14,27). Cái giá mà Phêrô sẽ phải trả được Đấng Phục sinh báo trước: “Thật,
Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu
tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và
dẫn anh đế nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách
nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga
21,18-19).
“Thiên Chúa dựng nên tôi
không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà cần có tôi” (thánh Âugustinô
). Tự do là một quà tặng cao quý Chúa ban cho loài người, loài cao trọng nhất
trong các loài hữu hình Người dựng nên. Tự do là một ân ban cao quý và cũng là
một thử thách ắt có của tình yêu. Được sống đời đời hay phải chết đời đời có
nghĩa là được hạnh phúc bất diệt hay bị trầm luân mãi mãi, các khả thể này đang
tùy ở sự lựa chọn của chúng ta. Ai lại không muốn được sự sống đời đời, được
hạnh phúc bất diệt, nhưng vấn nạn khó vượt qua đó là chúng ta thường e ngại
phải trả giá vì phải chọn lựa.
Lm. Giuse
Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột