(Chúa nhật XXXII TN B)
Nhiều hình ảnh người góa bụa
được Thánh Kinh không chỉ tô hồng mà còn xác nhận là một trong những đối tượng
được Thiên Chúa ưu ái và bảo vệ cách đặc biệt bằng những luật lệ cụ thể trong
Cựu Ước (x.Xh 22,21; Ed 22,7). Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu cũng đã ưu ái
bà góa thành Naim có đứa con trai duy nhất bị chết, nên dù không được khẩn xin,
Người vẫn ra tay uy quyền cho cậu ta sống lại (x.Lc 7,11-17). Trong ba bài đọc
Thánh Kinh của Chúa nhật XXXII TN B thì bài đọc thứ nhất trích sách các Vua và
bài Tin mừng tường thuật và ca tụng nghĩa cử cao đẹp của bà góa thành Xarépta
và bà góa tại Giêrusalem. Cả hai đều là những bà góa nghèo nhưng sẵn sàng hiến
dâng “phần nuôi sống” mình, cũng là chính sự sống của mình cho tha nhân và cho
Thiên Chúa. Chúng ta cùng xét suy đôi điều qua cái tâm, cái lòng và cuộc sống
của người góa bụa.
1.Một mối
tình thủy chung: Trước hết cần
phân biệt người góa bụa với các bà mẹ đơn thân. Chúng ta không thể tiên thiên
“đánh giá - xếp hạng” cho tình trạng sống này vì hình như mỗi hoàn cảnh đều mỗi
vẻ khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng đây
là tình trạng “không bình thường” theo lẽ tự nhiên. Trái lại tình cảnh của
người góa bụa dù là đàn ông hay đàn bà là chuyện thường tình của kiếp nhân
sinh. Chuyện tái giá hay đi bước nữa khi người phối ngẫu đã qua đời là chuyện
chẳng có gì sai trái, dù phía nữ giới có thể bị dị nghị cách nào đó, đặc biệt
trong nhiều xã hội trước đây vốn đề cao đạo “tam tòng – tứ đức”. Dù xưa hay nay
thì người ta vẫn trân trọng những mẫu đời “thờ chồng, nuôi con” hoặc tín trung
với người bạn quá cố mà nguyện làm cảnh gà trống nuôi con. Đây là một trong
những tiêu chí để chọn người vào hàng Giám Quản hay bậc trợ tá của Giáo Hội
thời sơ khai (x.1Tm 3,1-13). Thủy chung với người bạn đời đang còn sống quả là
một nỗ lực bền bỉ không chỉ trong tình yêu mà cả trong sự tiết chế. Chính vì
thế, việc chung thủy với người bạn đời đã khuất càng được trân trọng gấp bội
khi tự nguyện từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình vì yêu thương và muốn tín
trung trọn vẹn với chỉ một người.
2.Một tình
yêu trao hiến đến cùng: Yêu thương là
một quá trình trao ban và đón nhận nhau. Yêu thương cách đích thực là tự nguyện
trao ban điều tốt, điều tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện
và không tính toán, đồng thời cũng sẵn sàng đón nhận người mình yêu với tất
những gì người ấy “là và có” một cách quảng đại, không so đo. Người ta thấy rõ
hai động thái này trong đời hôn nhân. Đức Bênêđíctô XVI đã gọi đó là Eros và
Agapê, hai chiều kích của tình yêu này xem ra phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa cách
rõ nét nhất (TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 2). Với thời gian, qua các hình thức
“mại dâm thánh” cùng với sự ích kỷ hưởng thụ của con người theo sự cám dỗ thần
dữ thì chiều kích Eros (đón nhận) đã bị biến dạng, tha hóa. Từ đó chiều kích
trao hiến (Agapê) đóng vai trò chủ yếu trong việc biểu lộ tình yêu đích thực.
Với người góa bụa thì cái
chiều kích đón nhận xem ra vẫn còn đó qua người con. Nhưng nó sẽ vơi dần theo
khi đứa con đến lúc phải lìa cha mẹ mà luyến ái với người bạn đời (x.Mc 10,7).
Cuộc đời của người góa bụa là một chuỗi trao ban, hiến dâng không ngơi nghỉ.
Chỉ còn chút bột và chút dầu để ăn bữa cuối cùng với đứa con, thế mà bà góa
thành Xarépta đã không ngại ngần dâng trao cho ngôn sứ Êlia (x.1V 17,7-16).
Chúa Giêsu đã ngợi khen lòng quảng đại của một bà góa tại đền thờ Giêrusalem
khi đã không ngại ngần dâng cúng vào Đền Thờ “tất cả những gì bà có, tất cả
những gì để nuôi thân bà” (x.Mc 12,44; Lc 21,4).
3. Một tâm
hồn nghèo khó thực sự: Người góa bụa
là một trong những người nghèo của Thiên Chúa, được Người ưu ái chăm sóc và bảo
vệ. Xin đừng quên số người góa bụa trong các xã hội trước đây thì phụ nữ chiếm
tuyệt đại đa số. Một mình nuôi con mà bôn ba cuộc sống thì khó bì được với
người ta vẹn đủa cả đôi, nhất là khi sinh kế thời bấy giờ dựa vào sức lao động
của cơ bắp là chủ yếu. Do dó hạn từ “góa” thường đi đôi với hạn từ “nghèo”.
Những người góa bụa, cách riêng các phụ nữ góa chồng không chỉ nghèo về vật
chất, của cải, bạc tiền mà họ còn nghèo khó cả về mặt tinh thần. Ngay cả trong
thời kỳ gọi là hoàng kim của Giáo hội là thời Giáo hội sơ khai, khi mà những
người trong tôn giáo mới này “không ai lấy sự gì làm của riêng, mọi sự đều là
của chung” (x.Cv 2,44; 4,32) thế mà các bà góa vẫn đã từng bị đối xử thiếu công
bằng, bị bỏ quên (x.Cv 6,1).
Hồng ân Nước Trời là một ân
ban trọng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Không một ai có thể tự mình chiếm
hữu ân ban ấy dựa vào khả năng và công trạng của mình. Chúa Giêsu đã mặc nhiên
nói đến chân lý này khi khẳng định rằng người giàu có khó vào Nước Trời, khó
hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim. Những gì mà người giàu cho rằng
có thể mua được bằng tiền bạc thì chắc chắn không phải là Nước Trời
(x.Lc18,24-27). Một tâm hồn nghèo khó thực sự thì sẽ có được sự tự do với các
thực tại đời này để rồi biết gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong niềm tin. Và
họ đã biết mở lòng để đón nhận Nước Trời như là ân ban.
Mong sao những người góa bụa
được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm chăm sóc bằng sự trân trọng như những
người nghèo của Thiên Chúa, những con người rực sáng trong tình yêu thủy chung,
tình yêu dâng hiến đến cùng. Có thể nói không sợ sai lầm rằng cuộc
đời của nhiều người góa bụa là một dẫn chứng cụ thể, giúp chúng ta biết thế nào
là yêu, thế nào là tin.
Lm, Giuse Nguyễn Văn
Nghĩa – Ban Mê Thuột