(Chúa Nhật I
Mùa Chay C)
“Xin chớ để
chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,13). Lời
cầu xin cuối trong kinh Lạy Cha mà Chúa Kitô dạy khẳng định hai sự thật mà
chúng ta phải không ngừng cảnh giác đó là thần dữ và chước cám dỗ. Cám dỗ loài
người có thể nói là việc chính yếu của thần dữ. Đã là Satan thì chước mưu cám
dỗ không thể không tinh ranh, ma mãnh. Khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng tin
mừng, Chúa Kitô đã phải đương đầu với các chước cám dỗ của Satan trong hoang
địa mà cả ba tin mừng nhất lãm đều tường thuật dù có một vài tiểu dị nhưng đều
đồng quy về nội dung.
Lấy điều xấu để
cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để làm cái
mồi nhữ để cám dỗ nhân loại. Nó cám dỗ con người tìm cách thủ đắc
điều tốt bằng những phương thế không chính đáng và trái với đường lối của Thiên
Chúa. Một quy tắc luân lý mà Hội Thánh Công giáo khẳng định và những ai có
lương tri ngay thẳng thì đều đồng thuận đó là “mục đích không thể biện minh cho
phương tiện”. Để đạt mục đích tốt thì chỉ được phép dùng những
phương tiện tốt, hoặc ít ra là không xấu. Xưa kia Satan đã lấy việc phân biệt
sự lành sự dữ, vốn là một điều tốt để cám dỗ nguyên tổ loài người. Nhưng nó đã
cám dỗ nguyên tổ phân định lành dữ, tốt xấu theo tiêu chí của mình chứ không
phải theo thánh ý của Thiên Chúa. Đây là sự ma mãnh, tinh quái của thần dữ và
nó đã thắng Ađam-Eva.
Với Chúa Kitô
thì Satan vẫn dùng chước mưu ấy. Có thể khẳng định rằng nó thừa biết sứ vụ cứu
độ của Đấng Thiên Sai. Ma quỷ không dại gì cám dỗ Người khước từ sứ vụ cứu độ
nhân loại, nhưng nó chỉ cám dỗ Người chọn con đường cứu độ cách dễ dàng theo ý
riêng Người chứ không theo thánh ý Chúa Cha. Xưa kia ma quỷ cám dỗ tiên tổ loài
người chủ yếu ở lãnh vực đức tin tức là nơi cái nhìn, ở sự nhận thức về tính
chất tốt xấu, lành dữ của sự vật hiện tượng. Với Chúa Kitô thì ma quỷ tấn công
cách toàn diện cả ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến. Theo
tường thuật chung của ba Tin mừng nhất lãm thì thứ tự có bị
đảo ngược phần nào.
1.Đức
mến: “Nếu
ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá thành bánh đi” (Lc 4,3).
Chu cấp lương thực, của cải vật chất cho người ta là một hành vi yêu thương
cách thiết thực và cụ thể. Với quyền năng của mình, Chúa Kitô thừa sức thực
hiện điều ấy. Sự tinh ranh của ma quỷ ở chỗ nó cám dỗ Chúa Kitô yêu thương con
người cách phiếm diện, nói nôm na là chỉ lo cho người ta về phần xác. Con người
không phải là linh hồn cũng không phải là thân xác mà là thực thể xác hồn duy
nhất. Nếu chỉ yêu phần xác hay chỉ phần linh hồn mà thôi thì không phải yêu
thương con người. “Người ta sống không nguyên nhờ bởi cơm bánh mà còn nhờ mọi
lời Thiên Chúa phán ra”. Chúa Kitô đã lật tẩy mưu mô của thần dữ khiến nó phải
câm miệng.
2.Đức tin: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị...Vậy nếu
ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,6-7). Ma quỷ đã khôn khéo cám dỗ
Chúa Giêsu thoả hiệp với nó để đạt thành công nhanh chóng. Quả thật sức mạnh
của đồng tiền, của quyền lực vốn thật khó cưỡng. “Có tiền thì mua tiên cũng
được. Chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Những câu nói trên phần nào phản ảnh hiện thực
ấy. Thoả hiệp với quyền lực trần gian để đạt mục tiêu tốt, chẳng hạn như để
được dễ dàng sinh hoạt tôn giáo…là một trong những chước cám dỗ mà Giáo Hội
chúng ta mọi thời, đặc biệt khởi đi từ Sắc chỉ Milan năm
313, phải
đương đầu và lịch sử minh chứng rằng đã không lần chúng ta sa chước cám dỗ để
rồi phải ăn năn, xin lỗi. Trong niềm tin thì chúng ta “phải bái
lạy Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, và phải thờ phượng một mình Người mà
thôi”.
3.Đức cậy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy lên nóc Đền thờ
Giêrusalem mà gieo mình xuống, chắc chắn Thiên Chúa sẽ sai thiên thần đỡ chân
ông”(x.Lc 4,9-10). Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và nếu Người là Cha nhân
hậu thì Người phải lo lắng cho chúng ta mọi sự tất tần tật và không thể nào để
chúng ta phải lâm cảnh bỉ cực, khốn khổ. Và như thế hạnh phúc vĩnh cửu đã nằm
trong túi áo chúng ta cho dù chúng ta không xin và cũng chẳng tìm kiếm. Theo
viễn kiến này thì con người đã nắm được Thiên Chúa trong tầm tay. Ỷ lại vào
tình cha mà bắt cha làm theo ý mình thì người con đã hữu ý hay vô tình đặt mình
lên trên người cha. Trật tự bị đảo ngược thì sinh ra hỗn độn. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Loài người chúng ta
dù đã được nhận làm con Thiên Chúa nhưng vẫn là loài thụ tạo. Chúng ta phải
thực thi thánh ý Thiên Chúa chứ không thể buộc Thiên Chúa làm theo ý mình.
Trong hoang
mạc, Chúa Giêsu đã đánh bại ma quỷ nhưng nó vẫn chưa chịu bó tay. Tin mừng
tường thuật rằng nó rút lui và chờ dịp khác. Ma quỷ tiếp tục tấn công Chúa
Giêsu không chỉ suốt ba năm Người rao giảng tin mừng, mà cả đến những giờ khắc
trong vườn cây dầu và phút giây Người hấp hối trên thập giá. Dĩ nhiên với Chúa
Giêsu thì ma quỷ đã thất bại hoàn toàn nhưng còn với môn đệ của Người thì sao
đây?
“Xin chớ để
chúng con sa chước cám dỗ”. Ước gì lời cầu xin này luôn nhắc nhớ chúng ta cẩn
trọng với sự tinh ranh, ma mãnh của Satan để rồi biết tỉnh thức cầu nguyện luôn
như lời Chúa Giêsu nói với ba môn đệ thân tín trong vườn cây dầu “tinh thần thì hăng hái nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).
Lm Giuse
Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột