Hằng năm cứ đến
ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo Hội hướng đến việc cổ
võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh
mục. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của
một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc
sống ấy.
Một sự thật dễ
thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức
hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình
chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn
nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân vô thập toàn”. Trái lại
khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận,
vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Dù vậy, qua những lời
của chính Chúa Kitô, chúng ta cũng cần xem xét đôi điều để phân biệt mục tử với
người chăn thuê.
Đã nói là phân
biệt hai thực thể nào đó thì chắc chắn giữa chúng phải có nét tương đồng khiến
người ta dễ lầm lẫn. Vì thế, trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra
tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:
1.Qua cửa ràn
chiên: Cả hai, vị mục tử và kẻ chăn thuê đều đường đường chính chính qua cửa
ràn chiên mà vào và ra chứ không leo tường hay chui rào. Có thể nói rằng dù
được tấn phong giám mục thành sự, được truyền chức linh mục thành sự, dù có sắc
phong, có văn thư bổ nhiệm hợp pháp…thì cũng chưa hẳn đã là mục tử chính hiệu.
2.Biết chiên:
Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung
phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi
là biết theo nhãn quan nhân loại.
3.Chiên nghe
tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì
người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8). Ngoại trừ
một số ít chiên “cá biệt” hoặc bị gán nhãn mác là “chống giáo sĩ”, thì có thể
nói là đại đa số giáo dân Công giáo, cách riêng giáo dân Công giáo Việt Nam đều
ngoan, theo nghĩa là biết vâng nghe lời các đấng bậc.
4.Người chăn
thuê và mục tử đều dẫn chiên đến đồng cỏ và nguồn nước: Rất có thể chiên không
được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất,
nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho
đàn chiên. Phải chăng đã và đang có đó nhiều vị giảng dạy, cử hành các Bí tích,
làm mục vụ… mà còn thiếu tấm lòng mục tử?
Tiếp đến chúng
ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây
là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính
phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong
phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.
1.Làm chỉ vì
tiền: Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì
đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng
ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hoặc
hưởng lương theo sản phẩm.
2.Làm hết giờ
hơn là làm hết việc: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến
giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu
người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng
làm cách công tâm và hết tình thì chưa hẳn có. Trái lại, nếu đúng là mục tử thì
có thể nhiều khi làm không hết việc, thậm chí có khi không được việc trước mắt,
nhưng luôn thực thi hết lòng.
3.Không quan
tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê
thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm
hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương. Đã là mục tử thì không
thể quên lời của Thầy chí thánh, Giêsu: “Ta còn nhiều chiên ở ngoài đàn…”
4.Không bao giờ
sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự
nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người
chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến
dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê.
Trái lại, đây là điểm không thể thiếu để thẩm định ai mới là mục tử.
Đọc lịch sử
Giáo Hội và với chút luận suy thì chúng ta có thể khẳng định rằng đã và có thể
đang có đó “kẻ trộm, kẻ cướp” trong vai mục tử. Thế nhưng đó chỉ là số rất nhỏ
và rồi đoàn tín hữu cũng có thể dễ dàng phát hiện hạng người đến chỉ nhằm giết
hại đàn chiên, hoặc nếu họ có ngụy trang cách khéo léo thì “cây kim lâu ngày
trong bọc cũng sẽ lộ ra”. Trái lại sự nhập nhằng đen trắng giữa mục tử với kẻ
chăn thuê thì hầu như rất khó nhận diện cả với đàn chiên và có thể với cả các
đấng bậc trong vai vị mục tử.
Với bốn điểm
đồng và bốn điểm dị, thầm mong khi phân biệt mục tử với người chăn thuê, chúng
ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử
trong Giáo Hội, thì đang còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng
rằng một số mục tử nào đó trong Giáo Hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành
nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ
chăn thuê đang mang danh mục tử.
Dù rằng ngay cả
bậc thánh nhân được liệt vào hàng các Thánh mục tử thì không một ai thực sự là
mục tử chính danh chính phận. Chỉ một mình Chúa Giêsu mới đích thực là mục tử.
Dù là bậc cao trọng và đạo hạnh trong Hội Thánh thì vẫn tồn tại hai tính phần
mục tử và chăn thuê nơi các đấng bậc. Mong sao phần tính chăn thuê chỉ là phần
chiếm tỷ lệ rất nhỏ nơi con người và đời sống các ngài. Nếu phần tính chăn thuê
đang là 30-50% hay quá bán thì quả là đáng quan ngại. Chắc chắn Thiên Chúa
không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của
Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần
trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt
lành như lòng Chúa ước mong.
Lm. Giuse
Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Tb:Với tiêu
chí “sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên” thì cũng nên khiêm nhu xem xét
lại cách sống của các mục tử trong thời kỳ đại dich Covid 19 vừa qua. Phải
chăng đã từng có đó nhiều “tấm gương” không được sáng so với nhiều nhân viên y
tế, nhiều tấm lòng thiện nguyện, thậm chí nhiều công viên chức ngoài xã hội?
Nói cách nôm na là các ngài “quá sợ chết”!