LỜI
NGƯỜI DỊCH
Khi
nhận được bản dịch Tân Chỉ Nam Huấn Giáo này bằng tiếng Anh của Hội Đồng
Giám Mục Hoa Kỳ, người dịch đã vừa đọc vừa suy nghĩ và cầu nguyện để tìm xem
Chúa muốn gì ở mình. Ý thức rằng, chẳng sớm hay muộn thì Ủy Ban Giáo Lý và Đức
Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ chính thức chuyển dịch văn kiện này
ra tiếng Việt, người dịch lúc đầu chỉ có ý dựa theo Chỉ Nam này để viết một số
bài liên quan đến các giáo lý viên mà thôi. Nhưng để viết các bài này thì cần
phải thấu triệt chính bản văn và ý nghĩa của những gì được trình bày trong văn
bản, nên phải dịch trước rồi viết bài sau. Vậy người dịch xin phép chia sẻ những
gì mình học được với các Đấng Bản Quyền và nhất là các giáo lý viên hầu góp phần
vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa.
Bản
dịch này hoàn toàn dựa trên Directory for Catechesis xuất hành tháng 7
năm 2020, ISBN: 978-1-60137-669-5 bằng tiếng Anh, nên có thể có những khác biệt
với những bản dịch từ tiếng Pháp hay tiếng Ý.
Vì
“Chỉ Nam này [được soạn thảo] nhẳm phục vụ các Giám Mục, các Hội Đồng
Giám Mục, và các cơ quan mục vụ và học thuật tham gia vào việc dạy giáo lý và
Phúc Âm hóa”, là những vị đã quen thuộc với những từ chuyên môn của Hội Thánh nên
Chỉ Nam này không có giải thích ý nghĩa của những từ chuyên môn ấy. Để
giúp các độc giả giáo dân, nhất là các giáo lý viên, hiểu rõ tài liệu này hơn,
người dịch xin mạo muội dịch toàn thể cuốn sách càng sát chữ càng tốt để người
đọc tiện đối chiếu với bản tiếng Anh. Đồng thời cũng cố gắng giải thích một số
từ chuyên môn dễ bị hiểu lầm đối với giáo dân. Với mục đích ấy, người dịch xin giải
thích ở ý nghĩa của một số từ chuyên môn tiếng Anh thông dụng trong Chỉ Nam
này.
· Catechesis
– Từ catechesis được dịch sang tiếng Việt là huấn giáo hay việc dạy
giáo lý. Chính vì dịch là huấn giáo hay dạy giáo lý mà nhiều ngưởi hiểu lầm
là việc dạy học viên học thuộc lòng một số câu trả lời về giáo lý. Thực ra theo
Thánh Gioan Phaolô II thì “Dạy giáo lý là nỗ lực của toàn thể Hội Thánh để tạo
ra các môn đệ, để giúp người ta tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa… và để giáo
dục cùng dạy họ ở đời này và như thế xây dựng Thân Thể Đức Kitô” (Catechesi
Tradendae #1). Như thế, “Dạy giáo lý là giúp người ta nhận ra toàn bộ kế
hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là tìm hiểu ý nghĩa
các hành động và lời nói của Đức Kitô, và các dấu lạ Người đã thực hiện”. Mục
đích của việc dạy giáo lý là “dẫn đưa con người đến hiệp thông với Chúa
Giêsu Kitô” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, #426). Chính vì thế mà Hội
Thánh đặt việc dạy giáo lý như là một phần của tiến trình Phúc Âm hóa.
· Evangelization –
Từ này được dịch ra tiếng Việt bằng nhiều cách: (1) Phúc Âm hóa, (2) Rao giảng
Tin Mừng, (3) Truyền giáo. Trong bản dịch này, dịch giả dùng Phúc Âm hóa để
dịch Evangelization, Tân Phúc Âm hóa để dịch New-
Evangelization và Tái Phúc Âm hóa để dịch Re-Evangelization. Còn
từ rao giảng Tin Mừng được dùng để dịch cụm từ proclamation of the
Gospel, và từ truyền giáo được dùng để dịch từ mission hoặc missionary.
Phúc Âm hóa theo Thánh Phaolô VI là “đem Tin Mừng vào tất cả mọi tầng lớp xã
hội của nhân loại, và qua ảnh hưởng của Tin Mừng biến đổi nhân loại từ
bên trong và canh tân nó”. Như thế Phúc Âm hóa khác với Truyền Giáo là đem
Tin Mừng đến với những người chưa biết Chúa. Tất cả mọi người, kể cả Giáo
Hoàng, đều cần được Phúc Âm hóa để được đổi mới từ bên trong.
· Kerygma
– Lời rao giảng hay công bố Tin Mừng đầu tiên hay Tin Mừng nguyên thủy.
Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa kerygma như “lời công bố Tin Mừng đầu
tiên cách hăng say mà nhờ đó một người một ngày nào đó bị tràn ngập và đi đến
quyết định phó thác cho Chúa Giêsu Kitô qua Đức Tin” (Catechesi
Tradendae, #25). Đức Thánh Cha Phanxicô tóm tắt kerygma như sau, “Đức
Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu
chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố
và giải thoát chúng ta.” Và ngài nhấn mạnh rằng, “Trên miệng của giáo lý
viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo đầu tiên” này. (Evangelii
Gaudium, #164). Ngài còn nói thêm “Toàn thể việc đào luyện Kitô hữu trước hết
cần đào sâu kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ
ngừng soi sáng việc dạy giáo lý, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ
chủ đề nào được khai triển trong việc dạy giáo lý. Đây là lời loan báo đáp ứng
khát vọng sự vô biên trong mỗi tâm hồn con người. Tính trung tâm của kerygma
đòi hỏi một số đặc tính thiết yếu của lời công bố mà hiện nay cần có ở khắp mọi
nơi là: diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trước các nhiệm vụ luân lý và
tôn giáo, không áp đặt chân lý nhưng thu hút qua sự tự do”. (Evangelii
Gaudium, #165).
Hy vọng với những chú thích ở trên người đọc sẽ hiểu rõ hơn ý
nghĩa của bản văn và đem ra thực hành trong đời sống cũng như trong việc truyền
thụ đức tin cho người khác. Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn cả người dịch
lẫn những ai đọc bản dịch này để tất cả đều làm mọi sự vì vinh danh Chúa và cứu
rỗi các linh hồn. Chớ gì tất cả chúng ta noi gương Đức Mẹ đọc đi đọc lại Chỉ
Nam này và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Houston, ngày 8 tháng 9, 2020
Phaolô Phạm Xuân Khôi
BẢNG
CHỮ VIẾT TẮT
Thánh
Kinh
|
Các
Tài Liệu Công Đồng Vaticanô II
|
Am
|
Bar
|
Col
|
1 Cor
|
Cv
|
Đnl
|
Dt
|
Eph
|
1 Ga
|
Gal
|
Gal
|
Ger
|
Gs
|
Hos
|
Is
|
Kn
|
Lc
|
Mk
|
Mt
|
Pl
|
1 Pr
|
2 Pr
|
Prv
|
Rm
|
St
|
1 Tm
|
2 Tm
|
Tv
|
1 V
|
Xh
|
Xp
|
|
Amốt
|
Barúc
|
Côlôxê
|
1 Corinthô
|
Tông Đồ Công Vụ
|
Đệ Nhị Luật
|
Thư Do Thái
|
Êphêxô
|
1 Gioan
|
Galatê
|
Gioan
|
Giêrêmia
|
Giôsua
|
Hôsêa
|
Isaêa
|
Khôn Ngoan
|
Luca
|
Marcô
|
Matthêu
|
Philipphê
|
1 Phêrô
|
2 Phêrô
|
Châm Ngôn
|
Rôma
|
Sáng Thế
|
1 Timôthê
|
2 Timôthê
|
Thánh Vịnh
|
1 Các Vua
|
Xuất Hành
|
Xôphônia
|
|
AA
AG
CD
DV
GE
GS
LG
NA
OE
OT
PO
SC
UR
AAS
AL
ASS
c.
cc.
CCEO
CCL
ChV
CIC
CT
GDC
EG
GLCG
Op.
cit.
PG
PL
RICA
x.
#
|
ApostolicamActusiotatem
Ad
Gentes
Christus
Dominus
Dei
Verbum
Gravissimum
Educationis
Gaudium
et Spes
Lumen
Gentium
Nostra
Aetate
Orientalium
Ecclesiarum
Optatam
Totius
Presbyterorum
Ordinis
Sacrosanctum
Concilium
Unitatis
Redintegratio
Các
Chữ Tắt Khác
Acta
Apostolicae Sedis
Amoris
Laetitia (Phanxicô)
Acta
Apostolicae Sedis
Giáo
Luật số
Các
Giáo Luật số
Corpus
Canonum Ecclisarum Orientalium
Corpus
Christianorum, Series Latina
Christus
Vivit (Phanxicô)
Codex
Iuris Canonici
Catechesi
tradendae (Gioan Phaolô II)
Chỉ
Nam Chung về Huấn Giáo
Evangelii
Gaudium (Phanxicô)
Sách
Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
Opera
citata
Patroligia
Greaca (J.P. Migne)
Patroligia
Latina (J.P. Migne)
Rite
of Christian Initiation of Adults
Xem
Số
|
|
|
|
|
MỞ ĐẦU
Tiến
trình dạy giáo lý trong những thập niên gần đây đã được đánh dấu bằng Tông
Huấn Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta (Catechesi Tradendae). Văn bản
không những miêu tả cuộc hành trình được thực hiện bắt đầu từ cuộc canh tân của
Công Đồng Vaticanô II, mà còn cô đọng những đóng góp của rất nhiều Giám Mục từ
khắp nơi trên thế giới đã nhóm họp tại Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1977. Theo
ngôn từ của tài liệu ấy thì việc dạy giáo lý “có hai mục tiêu là trưởng thành
hóa đức tin ban đầu và giáo dục người môn đệ thật của Đức Kitô bằng một sự hiểu
biết sâu xa hơn và có hệ thống hơn về con người và sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.”
Đây là một công tác khó khăn không cho phép một sự phân biệt cứng nhắc giữa những
giai đoạn khác nhau liên quan đến tiến trình dạy giáo lý. Trong bất cứ trường hợp
nào thì mục đích, dù là một mục đích có những đòi hỏi khắt khe, vẫn không thay
đổi, đặc biệt là trong bối cảnh văn hóa của những thập niên gần đây. Một lần nữa
dựa theo bản văn của Thánh Gioan Phaolô II thì việc dạy giáo lý có ý định “nhờ
sự trợ giúp của Thiên Chúa, phát triển đức tin ban đầu, cùng thăng tiến đến mức
viên mãn, và nuôi dưỡng mỗi ngày đời sống Kitô hữu của các tín hữu, trẻ cũng
như già. Mục đính này đúng ra là làm tăng trưởng, ở mức độ hiểu biết và đời sống,
hạt giống đức tin đã được Chúa Thánh Thần đã gieo cùng với lời công bố đầu tiên,
và được truyền lại cách hiệu nghiệm qua Bí Tích Thánh Tẩy.” Bằng cách này, việc dạy
giáo lý vẫn còn mọc rễ xâu xa trong truyền thống vững chắc đặc trưng cho lịch sử
Kitô giáo từ nguyên thủy. Nó kéo dài như một hoạt động đào luyện duy nhất của Hội
Thánh, vì tôn trọng những nhóm tuổi khác nhau của các tín hữu, đang cố gắng làm
cho Tin Mừng của Đức Kitô được trở nên thích hợp ngõ hầu cung cấp sự nâng đỡ
cho một việc làm nhân chứng rõ ràng.
Chỉ
Nam Huấn Giáo này nằm trong sự liên tục năng động giữa
hai Chỉ Nam đi trước nó. Vào ngày 18 tháng 3 năm 1971, Thánh Phaolô VI đã phê
chuẩn Chỉ Nam Chung về Huấn Giáo được Thánh Bộ Giảo Sĩ soạn thảo. Chỉ
Nam ấy được biết như một trình bày có hệ thống đầu tiên về các giáo huấn phát
sinh từ Công Đồng Vaticanô II (x. CD 44). Đừng quên rằng Thánh Phaolô VI
đã coi tất cả giáo huấn của Công Đồng như “Sách Giáo Lý vĩ đại của thời hiện đại.” Trong mọi trường hợp, Sắc
Lệnh Christus Dominus cung cấp những chi tiết và những hướng dẫn đặc biệt
về việc dạy giáo lý. Các Nghị Phụ Công Đồng nói, “Các Giám Mục phải trình bày
giáo thuyết Kitô giáo một cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa
là đáp ứng những khó khăn và những vấn đề đang làm cho mọi người xao động và khắc
khoải nhất. [...] Các ngài phải cố gắng dùng những phương tiện khác nhau sẵn có
trong thời đại chúng ta để loan báo giáo thuyết Kitô giáo, trước hết là việc giảng
thuyết và việc tổ chức dạy giáo lý: cả hai luôn luôn giữ một địa vị chính yếu.[...]
Các Giám Mục phải lo lắng để việc tổ chức dạy giáo lý được thực hiện chu đáo
cho các thiếu nhi, cho thanh thiếu niên và cho cả những người đã trưởng thành với
mục đích là làm cho đức tin nơi mọi người, sau khi được giáo thuyết soi dẫn, trở
nên sống động, minh bạch và hữu hiệu. Các ngài phải lo lắng để việc truyền đạt
giáo lý có thể theo một thứ tự thích ứng và một phương pháp không những xứng hợp
với môn đang học hỏi mà còn hợp với tính tình, khả năng, tuổi tác và cả hoàn cảnh
sinh sống của các học viên. Cưới cùng, các ngài cũng phải đảm bảo rằng việc dạy
giáo lý đó cũng phải dựa trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, Huấn Quyền và
đời sống Hội Thánh.
“Hơn
nữa, các ngài phải chắc chắn rằng các giáo lý viên phải được đào luyện thích
đáng để họ hiểu rõ các giáo thuyết của Hội Thánh và có một kiến thức về những định
luật tâm lý và các phương pháp sư phạm cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Các
Giám Mục cũng phải cố gắng canh tân hay ít nhất là thích nghi cách dạy giáo lý
cho những tân tòng đã lớn tuổi một cách tốt đẹp hơn” (CD 13-14).
Như
có thể được ghi nhận, giáo huấn này bao hàm những tiêu chuẩn chung cho việc
không ngừng canh tân huấn giáo, là điều không thể vẫn là một hoạt động tách rời
khỏi bối cảnh lịch sử và văn hóa trong đó nó được thực hiện. Một dấu chỉ hiển
nhiên của điều này là sự phát triển đầu tiên của nó là việc thành lập Hội Đồng
Quốc Tế vầ Huấn Giáo vào ngày 7 tháng 7 năm 1973. Đây là một tổ chức mà qua đó
nhiều chuyên gia khác nhau từ khắp nơi trên thế giới giúp Thánh Bộ có thẩm quyền
kéo sự chú ý đến các nhu cầu hiện diện trong các Hội Thánh khác nhau, để việc dạy
giáo lý thích hợp hơn bao giờ hết với kết cấu tôn giáo, văn hóa và lịch sử.
Trong
dịp kỷ niệm 30 năm Công Đồng, ngày 11 tháng 10 năm 1992, Thánh Gioan Phaolô II
đã cho ấn hành Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Theo lời ngài,
“Sách Giáo Lý này không có ý định thay thế các sách giáo lý địa phương […] Nó
nhằm mục đích khuyến khích và giúp đỡ trong việc viết các sách giáo lý mới của
địa phương, là những sách phải kể đến những hoàn cảnh và nền văn hóa khác nhau”. Do đó, vào ngày 15 tháng
8 năm 1997, Sách Chỉ Dẫn (Chỉ Nam) Chung về Huấn Giáo
được ấn hành. Ai cũng thấy rõ công trình vĩ đại được thực hiện ngay sau ấn bản
này. Thế giới rộng lớn và khác biệt của việc dạy giáo lý đã nhận được sự thúc đẩy
tích cực để làm cho các nghiên cứu mới nuôi dưỡng sự hiểu biết hơn về những đòi
hỏi sư phạm và đào luyện của việc dạy giáo lý được sống động, trên hết trong
ánh sáng của một giải thích được đổi mới về giáo lý dự tòng. Nhiều Hội Đồng
Giám Mục, vì những nhu cầu, đã tạo ra những kế hoạch dạy giáo lý mới cho những
nhóm tuổi khác nhau. Từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành, từ ngưởi trẻ đến các
gia đình, đã có một sự canh tân xa hơn về việc dạy giáo lý.
Vào
ngày 23 tháng 3 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn Tân Chỉ Nam Huấn
Giáo mà chúng tôi được vinh dự và có trách nhiệm trình bày cho Hội Thánh. Nó
tiêu biểu cho một giai đoạn xa hơn trong việc canh tân năng động mà huấn giáo
thực hiện. Cuối cùng các nghiên cứu về giáo lý và các nỗ lực không ngừng của
nhiều Hội Đồng Giám Mục đã đem lại những thành quả rất quan trọng cho đời sống
Hội Thánh cùng sự trưởng thành của các tín hữu, và đòi hỏi một trình bày có hệ
thống mới.
Một
lịch sử tổng quát vắn tắt cho thấy rằng mỗi Chỉ Nam đã được xuất bản như một
sách tiếp theo những văn kiện quan trọng nào đó của Huấn Quyền. Chỉ Nam thứ nhất
dựa theo giáo huấn của Công Đồng; Chỉ Nam thứ hai dựa theo Sách Giáo Lý của
Hội Thánh Công Giáo; và Chỉ Nam của chúng ta dựa theo Thượng Hội Đồng
Giám Mục về Tân Phúc Ân Hóa và Truyền Thụ Đức Tin Kitô Giáo, cùng với Tông
Huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cả ba văn bản có cùng
những vấn đề chung, tức là các mục tiêu và các công tác của việc dạy giáo lý,
trong khi mỗi văn bản được đặc trưng bằng những thay đổi về bối cảnh lịch sử và
cách thực hành của Huấn Quyền. Chỉ Nam thứ nhất và thứ hai cách nhau 26 năm; Chỉ
Nam thứ hai và Chỉ Nam của chúng ta cách nhau 23 năm. Một cách nào đó, niên đại
cho thấy động năng lịch sử phải được bàn đến là điều cần thiết như thế nào. Một
cái nhìn kỹ hơn về bối cảnh văn hóa cho thấy những vấn đề mới mà Hội Thánh được
mời gọi để sống với: đặc biệt là hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là hiện tượng văn
hóa thuật số, là điều đem theo nó một hàm ý thứ hai, văn hóa toàn cầu.
Cả hai văn hóa này nối kết với nhau quá chặt chẽ đến nỗi chúng hình thành lẫn
nhau và tạo ra những hiện tượng làm nổi bật sự thay đổi triệt để trong đời sống
con người. Nhu cầu huấn luyện chú ý đến cá nhân thường bị lu mờ khi những mô
hình chung (one-size-fits-all) bắt đầu có ảnh hưởng. Cám dỗ thích nghi để hình
thành một tiêu chuẩn quốc tế là một nguy cơ mà chúng ta đừng coi thường, đặc biệt
là trong phạm vi đào luyện về đời sống đức tin. Thực ra, đức tin được truyền thụ
qua những liên hệ giữa người với người và được nuôi dưỡng trong phạm vi cộng đồng.
Nhu cầu diễn tả đức tin với kinh nguyện phụng vụ và làm chứng cho đức tin này với
sức mạnh của đức ái đòi hỏi phải vượt trên bản chất chắp vá của những sáng kiến
riêng biệt ngõ hầu phục hồi sự hợp nhất nguyên thủy của thực thể Kitô giáo. Điều
này có nền tảng trong Lời Chúa được công bố và truyền thụ bởi Hội Thánh với một
Truyền Thống sống động, có khả năng kết hợp chặt chẽ cái mới và cái cũ (x. Mt
13:25) của những thế hệ tín hữu lan rộng khắp nơi trên thế giới.
Trong
những thập niên tiếp theo Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã có rất nhiều dịp
để suy tư về sứ vụ trọng đại mà Đức Kitô đã trao phó cho mình. Đặc biệt có hai
văn kiện mời gọi chúng ta chú ý đến nhu cầu Phúc Âm hóa này. Thánh Phaolô VI với
Tông Huấn Evangelii Nuntiandi và Đức Thánh Cha Phanxicô với Tông Huấn Evangelii
Gaudium đã vạch ra con đường dấn thân hằng ngày để Phúc Âm hóa của các tín
hữu mà không chấp nhận bất cứ bào chữa nào. Thánh Phaolô VI tuyên bố một cách
hùng hồn rằng “Hội Thánh hiện hữu để Phúc Âm hóa”; Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc
lại một cách rõ ràng không kém: “Tôi là một sứ vụ”. Không một lời bào chữa
nào có thể làm cho chúng ta sao lãng một trách nhiệm thuộc về từng tín hữu và
toàn thể Hội Thánh. Như thế mối liên hệ chặt chẽ giữa việc Phúc Âm hóa và dạy
giáo lý trở nên điểm đặc trưng rõ ràng của Chỉ Nam này. Nó có mục đích
trình bày một lộ trình mà dọc theo đó người ta có thể thấy một sự nối kết mật
thiết giữa việc công bố lời loan báo đầu tiên (kerygma) và sự trưởng
thành của nó.
Nền
tảng của tiêu chuẩn gợi ý cho suy tư về và xuất bản Chỉ Nam này là những
lời của Đức Thánh Cha Phanxicô “Chúng ta đã tái khám phá vai trò cơ bản của lời
loan báo đầu tiên hay kerygma, nó cần phải là trọng tâm của mọi
hoạt động Phúc Âm hóa và mọi nỗ lực canh tân Hội Thánh. […] Lời loan báo đầu
tiên này được gọi là “đầu tiên” không phải bởi vì nó hiện hữu lúc ban đầu
và rồi có thể bị quên lãng hay thay thế bằng những lời khác quan trọng hơn. Nó
là đầu tiên theo nghĩa phẩm chất vì nó là lời rao giảng chính, lời rao giảng mà
chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, phải loan báo bằng
cách này hay cách khác trong suốt tiến trình dạy giáo lý, ở mọi cấp độ và mọi
thời điểm.[…] Chúng ta không được nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý, lời loan
báo đầu tiên (kerygma) nhường chỗ cho một sự đào luyện được coi là
“vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc, sâu xa, bảo đảm và khôn ngoan hơn lời
loan báo ban đầu này. Mọi sự đào luyện Kitô giáo đều bao gồm việc càng ngày
càng đi sâu hơn vào kerygma, được phản ánh trong và không ngừng soi sáng
công việc dạy giáo lý, nhờ đó nó giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn tầm quan trọng của
mỗi đề tài được đề cập đến sau đó. Nó là sứ điệp có khả năng đáp lại lòng ao ước
sự vô biên luôn ở trong tâm hồn mỗi người”.
Địa
vị ưu tiên của kerygma, dù quan trọng đến nỗi chúng tôi phải đề
nghị một huấn giáo dựa vào lời loan báo đầu tiên (kerygmatic
catechesis), không hề làm cho chúng ta sao lãng giá trị của việc hiệp nhiệm
hoặc việc làm chứng cho đức ái. Chỉ một não trạng nông cạn mới khiến cho người
ta nghĩ đến lời loan báo đầu tiên như một luận lý nhằm thuyết phục người
đối thoại. Rao giảng Tin Mừng là làm nhân chứng cho một cuộc gặp gỡ đặt trọng
tâm vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhập thể trong lịch sử nhân loại,
để đem mặc khải về tình yêu cứu độ của Chúa Cha đến hoàn thành. Dựa vào trọng
tâm của đức tin này, lex credendi (luật đức tin) tự ý nhường chỗ cho lex
orandi (luật cầu nguyện), và chúng cùng nhau biến cách sống của người tín hữu
thành một nhân chứng của tình yêu, khiến cho lời loan báo trở nên đáng tin cậy.
Thực ra, mọi người đều cảm thấy được lôi cuốn vào tiến trình tự thăng tiến là điều
dẫn đến một câu trả lời cuối cùng và dứt khoát cho câu hỏi về ý nghĩa (cuộc đời).
Cho
nên ba phần của Chỉ Nam Huấn Giáo này khai triển cuộc hành trình dạy
giáo lý dưới quyền ưu tiên của việc Phúc Âm hóa. Các Giám Mục, là những người đầu
tiên nhận được tài liệu này, cùng với các Hội Đồng Giám Mục, các ủy ban về huấn
giáo, và nhiều giáo lý viên, có thể kiểm chứng sự khai triển có hệ thống được
viết trong việc soạn thảo nó một cách cẩn thận đề làm cho mục tiêu của việc dạy
giáo lý được tỏ tường, mục tiêu này là một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa là Đấng
biến đổi cuộc sống. Tiến trình dạy giáo lý được diễn tả như chú tâm vào cấu
trúc hiện sinh của cuộc sống khi nhìn nhận sự liên hệ của những loại người khác
nhau được nhắc đến ở trên trong những môi trường sống thực sự của họ. Khá nhiều
chú ý được dành cho chủ đề đào luyện giáo lý viên, bởi vì việc tái khám phá ra
tác vụ của họ trong cộng đồng Kitô hữu có vẻ là điều cấp bách. Sau hết, chỉ những
giáo lý viên sống tác vụ của mỉnh như một ơn gọi mới có thể góp phần vào sự hữu
hiệu của việc dạy giáo lý. Chung cuộc, chính bởi vì việc dạy giáo lý xảy ra dưới
ánh sáng của cuộc gặp gỡ, nó lãnh một trách nhiệm vĩ đại trong việc cộng tác
vào việc hội nhập văn hóa của đức tin. Tiến trình này dành chỗ cho việc tạo ra
một ngôn ngữ mới và những phương pháp mới mà trong sự đa dạng của cách thể hiện
chúng làm sự phong phú của Hội Thánh hoàn vũ thậm chí được hiển nhiên hơn.
Hội
Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến việc Tân Phúc Âm Hóa, chịu trách nhiệm về huấn
giáo vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, với sự ấn hành của tự sắc Fides per
doctrinam, ý thức rằng Chỉ Nam Huấn Giáo còn có thể được cải tiến.
Nó không nhận là hoàn toàn đầy đủ, bởi vì theo bản chất, nó được viết cho các Hội
Thánh địa phương bằng một cách nào đó để các Hội Thánh này được khuyến khích và
hỗ trợ trong việc xuất bản chỉ nam riêng của mình. Việc soạn thảo Chỉ Nam
này có liên hệ đến một số chuyên gia, là một cách diễn tả của tính hoàn vũ của
Hội Thánh. Trong những giai đoạn khác nhau của việc soạn thảo, nó được gửi cho
một số Giám Mục, linh mục và giáo lý viên để góp ý. Nhiều người nam nữ đã tham
gia vào công việc đòi hỏi này mà chúng tôi hy vọng có thể là đóng góp vững chắc
vào lúc này. Với tất cả những người này, chúng tôi xin gửi lời cám ơn riêng và
lòng biết ơn chân thành vì công việc vĩ đại mà họ đã làm với tài chuyên môn,
lòng đam mê và đại lượng.
Do
một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên, việc phê chuẩn Chỉ Nam này đã xảy
ra vào ngày lễ kính Thánh Turibius thành Mogrovejo (1538-1606), một vị thánh không
mấy người biết đến, nhưng lại rất mạnh mẽ thúc đẩy việc Phúc Âm hóa và dạy giáo
lý. Theo chân Thánh Ambrôsiô, một giáo dân và luật gia xuất chúng, sinh ra ở
Mallorca trong một gia đình quý tộc, được giáo dục tại Đại Học Valladolid và
Salamanca, ở đó ngài đã trở thành một giáo sư. Khi đang làm chánh án của
Granada ngài được phong Giám Mục và được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII sai đến
thành Lima, nước Peru. Ngài đã hiểu tác vụ Giám
Mục của mình như một nhà truyền giáo (người Phúc Âm hóa) và giáo lý viên. Vang
vọng lời Giáo Phụ Tertuliô, ngài thích lập lại câu “Đức Kitô là chân lý, chứ
không phải là tục quán”. Ngài đã nhắc lại câu này cách đặc biệt cho những conquistadores
(những người đến chinh phục Peru và Mê Tây Cơ vào thế kỷ thứ XVI), là những kẻ
đàn áp các dân bản xứ nhân danh sự ưu việt về văn hóa, và cho các linh mục
không có can đảm bênh vực quyền lợi của dân nghèo. Như một nhà thừa sai không
biết mệt, ngài đã đi khắp nơi trong phạm vi giáo phận của ngài để trên hết tìm
các thổ dân hầu rao giảng Lời Chúa cho họ bằng các ngôn từ đơn sơ và dễ hiểu. Trên
25 năm làm Giám Mục, ngài đã tổ chức những hội nghị giáo phận và giáo hạt, và
hoạt động như giáo lý viên để xuất bản những sách giáo lý đầu tiên cho thổ dân
Nam Mỹ bằng tiếng Tây Ban Nha, Quéchua và Aymara. Công việc Phúc Âm hóa của
ngài đã sinh những hoa quả bất ngờ với hàng ngàn thổ dân đã đến với đức tin sau
khi gặp gỡ Đức Kitô trong đức bác ái của vị Giám Mục. Ngài là người đã ban bí
tích Thêm Sức cho hai vị thánh của Hội Thánh ấy: thánh Martin de Porres và thánh
Rosa đệ Lima. Năm 1983, Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên phong ngài làm quan thầy
của hàng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh. Vì thế mà Chỉ Nam này được đặt dưới sự
bảo trợ của vị giáo lý viên vĩ đại này.
Đức
Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng “Chúa Thánh Thần ban tràn đầy sự thánh thiện giữa
dân thánh và trung tín của Thiên Chúa. […] Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện
hiện diện trong sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những cha mẹ nuôi nấng con
cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc chăm chỉ để
nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà không bao giờ mất
nụ cười của họ. Trong sự kiên trì hàng ngày của họ, tôi thấy sự thánh thiện của
Hội Thánh đang chiến đấu. Rất thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy
nơi những người hàng xóm cạnh nhà chúng ta, là những người, đang sống giữa
chúng ta, phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa.[…] Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống
cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất
cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư? Hãy
nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn
ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức
Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh
bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em
mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy
dỗ con cháu cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị có thẩm quyền ư? Hãy nên
thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân”.
Sự
thánh thiện là lời sống còn cần được công bố trong một tân Chỉ Nam Huấn Giáo.
Nó là lời báo trước một cách sống mà các giáo lý viên cũng được mời gọi bước
theo với một lòng kiên trì và trung tín. Họ không đi một mình trong cuộc hành
trình khó khăn này. Hội Thánh, trong mọi phần của thế giới, có thể giới thiệu
những mẫu giáo lý viên là những người đã đạt được sự thánh thiện, ngay cả tử vì
đạo, bằng cách sống tác vụ của mình mỗi ngày. Chứng từ của họ sinh hoa quả, và
làm cho chúng ta ngày nay cũng có thể nghĩ được rằng mỗi người trong chúng ta
có thể bền tâm trong cuộc phiêu lưu này, ngay cả trong công việc là một giáo lý
viên thầm lặng, cực nhọc và đôi khi không được ai biết ơn.
Từ
Vatican, ngày 23 tháng 3, 2020.
Phụng
vụ kính nhớ Thánh Turibus thành Mogrovejo.
+
Salvatore Fisichella,
Tổng
Giám Mục Tông Tòa Voghenza, Chủ Tịch
+
Octavio Ruiz Arenas
Cựu
Tổng Giám Mục Villavicencio, Bí Thư
DẪN NHẬP
1. Việc dạy giáo lý là một phần
thiết yếu của tiến trình canh tân rộng lớn hơn mà Hội Thánh được mời gọi thực
hiện để trung thành với mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô là rao giảng luôn luôn và
khắp nơi Tin Mừng của Người (x. Mt 28:19). Việc dạy giáo lý tham gia vào
nỗ lực Phúc Âm hóa theo bản chất riêng của nó, ngõ hầu đức tin có thể được nâng
đỡ bằng một sự trưởng thành liên tục và tự thể hiện trong cách sống được biểu
thị bằng chính việc làm môn đệ Đức Kitô. Vì lý do này mà việc dạy giáo lý liên
quan đến phụng vụ và đức ái để chứng tỏ sự hợp nhất thiết yếu của đời sống mới
phát sinh từ Bí Tích Rửa Tội.
2. Khi kể đến việc canh tân này,
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, đã vạch ra một
số đặc tính rõ rệt của việc dạy giáo lý là những điều nối kết nó một cách trực
tiếp hơn với việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
Việc
dạy giáo lý theo lời công bố đầu tiên (kerygmatic
catechesis)
đi vào tận trung tâm của đức tin và nắm bắt được sứ điệp chính yếu của Kitô
giáo, là một bài giáo lý tỏ bày hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng thông truyền
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô và tiếp tục ban tâng
Chính Mình để mọi con người có thể có được sự sung mãn của đời sống. Những cách
trình bày có hệ thống khác nhau về kerygma cần phải mở ra những con đường
khám phá, tương ứng với những ô cửa của cuộc sống mở vào mầu nhiệm.
Việc
dạy giáo lý như khai tâm hiệp nhiệm giới thiệu người tín hữu
vào kinh nghiệm sống của cộng đồng Kitô hữu, là môi trường thật sự cho đời sống
đức tin. Kinh nghiệm đào luyện này tiệm tiến và năng động; đầy các dấu chỉ cùng
các cách diễn tả và hữu ích cho việc tích hợp mọi bình diện của con người. Tất
cả những điều này trực tiếp nói về một sự hiểu biết trực quan, bén rễ một cách
vững chắc trong suy tư về giáo lý và thực hành mục vụ của Hội Thánh, là điều
càng ngày càng trở nên cấp bách, rằng việc dạy giáo lý phải được gợi hứng từ mô
hình giáo lý dự tòng.
3. Dưới ánh sáng của những đặc điểm
này là điều biểu thị cho việc dạy giáo lý từ nhãn quan truyền giáo, thì mục
tiêu của tiến trình dạy giáo lý cũng được tái giải thích. Sự hiểu biết hiện nay
về những động năng đào luyện con người đòi hỏi rằng một sự hiệp thông mật
thiết với Đức Kitô, đã được vạch ra trong Huấn Quyền hiện nay như cùng đích
của việc sáng kiến dạy giáo lý, không những phải được xác định như một mục tiêu
nhưng cũng phải được hiện thực qua một tiến trình đồng hành. Thực ra, toàn bộ tiến
trình nội tâm hóa Tin Mừng liên quan đến toàn thể con người trong kinh
nghiệm sống đặc biệt riêng của họ. Chỉ có cách dạy giáo lý cố gắng giúp đỡ mỗi
cá nhân phát triển cách đáp trả đức tin đặc thù của riêng mình mới có thể
đạt tới mục tiêu được nói rõ ở trên. Đó là lý do tại sao Chỉ Nam này nhắc
lại tầm quan trọng của việc có một cách dạy giáo lý đi kèm theo việc phát triển
một não trạng đức tin trong một động năng của sự biến đổi,
chung cuộc là một hành động của Thần Khí. Đây là một hình thức hội nhập
văn hóa đức tin nguyên thủy và cần thiết.
4. Do đó, trong khi tái giải
thích bản chất và mục tiêu của việc dạy giáo lý, Chỉ Nam này đưa ra một
vài quan điểm là thành quả của sự phân định đã được thực hiện trong bối cảnh Hội
Thánh của những thập niên gần đây và được trực tiếp trình bày khắp nơi trong
tài liệu, đến nỗi hầu như tạo thành văn mạch của nó.
· Nó nhắc lại sự tín thác
hoàn toàn vào Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện và hoạt động trong Hội
Thánh, trong thế gian và trong tâm hồn con người. Điều nay mang đến cho nỗ lực
dạy giáo lý một vẻ vui tươi, bình thản và có trách nhiệm.
· Hành vi đức tin được phát sinh
từ tình yêu luôn khao khát một sự hiểu biết mỗi ngày một hơn về Đức Chúa
Giêsu Kitô, đang sống trong Hội Thánh, và vì lý do này việc dẫn nhập các
tín hữu vào đời sống Kitô hữu có nghĩa là dẫn đưa họ vào một cuộc gặp gỡ sống động
với Người.
· Hội Thánh, mầu nhiệm hiệp
thông, được Chúa Thánh Thần sinh động hóa và làm cho sinh hoa quả trong việc
sinh ra sự sống mới. Quan điểm này về đức tin tái xác định vai trò của cộng
đồng Kitô hữu như một môi trường tự nhiên cho việc sinh sản và dưỡng dục đời
sống Kitô hữu.
· Tiến trình của việc Phúc Âm
hóa, và của việc dạy giáo lý như một phần của việc Phúc Âm hóa, trên hết là hoạt
đông tâm linh. Điều này đòi hỏi rằng các giáo lý viên phải là “những người
rao giảng Tin Mừng với Thần Khí” và những cộng sự viên
trung tín của các mục tử.
· Vai trò nền tảng của những người
đã được rửa tội phải được nhìn nhận. Với phẩm giá của họ như con cái Thiên
Chúa, tất cả các tín hữu là những người tích cực tham gia vào việc dạy
giáo lý, không phải như những khách hàng thụ động hay những người hưởng thụ một
phục vụ, và vì thế họ được mời gọi trở thành những môn đệ truyền giáo chân
chính.
· Việc sống mầu nhiệm đức tin
theo mối quan hệ với Chúa liên hệ mật thiết với việc rao giảng Tin Mửng. Thực
ra, nó đòi hỏi phải thắng vượt bất cứ sự xung khắc nào giữa nội dung và
phương pháp, giữa đức tin và đời sống.
5. Tiêu chuẩn hướng dẫn việc soạn
thảo Chỉ Nam Huấn Giáo này được tìm thấy trong ước ao khảo sát tỉ mỉ vai
trò của việc dạy giáo lý trong sự năng động của việc Phúc Âm hóa. Việc canh tân
thần học trong nửa đầu của thế kỷ vừa qua đã làm sáng tỏ nhu cầu cần có một sự
hiểu biết về huấn giáo theo tinh thuần truyền giáo. Công đồng Vaticanô II và Huấn
Quyền sau đó đã tiếp tục và tái hình thành trong tâm trí mối dây liên kết chính
yếu giữa việc Phúc Âm hóa và việc dạy giáo lý, mỗi khi thích nghi nó với các
hoàn cảnh lịch sử thịnh hành. Hội Thánh, “tự bản chất là truyền giáo” (AG
2), nên luôn sẵn sàng tin tưởng tiến hành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa
này mà Chúa Thánh Thần mời gọi mình. Điều này đòi phải quyết tâm và lãnh trách
nhiệm trong việc xác định những ngôn ngữ mới để thông truyền đức tin. Vì đã có
những thay đổi trong các hình thức truyền thụ đức tin, Hội Thánh quyết tâm giải
đoán một số dấu chỉ của thời đại mà qua đó Chúa chỉ cho Hội Thánh con đường phải
đi theo. Trong số nhiều dấu chỉ có thể nhận ra được: trung tâm tính của các tín
hữu và kinh nghiệm sống của họ; vai trò đáng kể của các mối liên hệ và các tình
cảm; sự quan tâm đến điều cung cấp ý nghĩa thật; sự tái khám phá ra những gì là
xinh đẹp và nâng cao tinh thần. Trong số những điều này và những chuyển động
khác của nền văn hóa hiện đại, Hội Thánh nắm bắt được những dịp để gặp gỡ và
rao giảng sự mới mẻ của đức tin. Đây là điểm then chốt của sự biến đổi về
truyền giáo của Hội Thánh, là điều thúc đẩy sự chuyển hướng về mục vụ.
6. Như Chỉ Dẫn (Chỉ Nam) Chung
về Huấn Giáo (General Directory for Catechesis) (1997) nằm trong sự
liên tục với Chỉ Nam Chung về Huấn Giáo (General Catechetical Directory)
(1971), Chỉ Nam Huấn Giáo này cũng được đặt trong cùng một sự liên tục
và phát triển năng động với những tài liệu có trước nó. Cũng không thể quên rằng
trong hai thập niên qua Hội Thánh đã trải nghiệm một số biến cố quan trọng, mặc
dù với những lời lẽ khác nhau, đã trở nên những thời điểm quan trọng cho cuộc
hành trình của Hội Thánh, để hiểu sâu xa hơn các mầu nhiệm đức tin và việc Phúc
Âm hóa.
Trước
hết, đáng cho chúng ta nhớ rằng triều đại Giáo Hoàng đầy kết quả của Thánh
Gioan Phaolô II, đấng với Tông Huấn Catechesi Tradendae (1979) đã thực sự
thúc đẩy việc canh tân huấn giáo. Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc lại tầm
quan trọng của việc dạy giáo lý trong tiến trình Tân Phúc Âm hóa, và với Tông
Thư Fides per doctrinam (2013) ngài đã thực hành cách cụ thể quyết tâm
này. Cuối cùng, Đức Phanxicô với Tông Huấn Evangelii Gaudium (2013) đã
muốn nhắc lại sự liên kết bất khả phân ly giữa việc Phúc Âm hóa và dạy giáo lý
dưới ánh sáng của nền văn hóa gặp gỡ.
Những
biến cố quan trọng khác đã đánh dấu việc canh tân huấn giáo. Chúng ta đừng quên
trong số đó là Năm Đại Thánh 2000, Năm Đức Tin (2012-2013), Năm
Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót (2015-2016) và các Thượng Hội Đồng
Giám Mục gần đây về một số vấn đề quan trọng đối với đời sống Hội Thánh. Đáng
nhớ đặc biệt là các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ
Vụ Hội Thánh (2008); về Tân Phúc Âm Hóa để Truyền Thụ Đức Tin Kitô Giáo
(2012); về Ơn Gọi và Sứ Vụ của Gia Đình trong Hội Thánh và trong Thế
Giới Hiện Đại (2015); và về Người Trẻ, Đức Tin và Phân Định Ơn Gọi
(2018). Cuối cùng, cũng thích hợp để nhắc đến việc phát hành sách Toát Yếu
Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (2005), một công cụ đơn giản và trực tiếp
cho sự hiểu biết về đức tin.
7. Nội dung của Chỉ Nam Huấn
Giáo đươc xắp đặt theo một cấu trúc mới và có hệ thống. Thứ tự của các chủ
đề cố gắng kể đến những đề tài nhạy cảm khác nhau và hợp lệ theo Hội Thánh. Phần
Thứ Nhất (Dạy Giáo Lý trong sứ vụ Phúc Âm Hóa của Hội Thánh) trình
bày nền tảng của toàn thể cuộc hành trình. Mặc Khải của Thiên Chúa và việc truyền
thụ Mặc Khải này trong Hội Thánh mở ra suy niệm về tính năng động của việc Phúc
Âm hóa trong thế giới hiện đại, trong khi chấp nhận thách đố của việc chuyển hướng
về truyền giáo là điều ảnh hưởng đến huấn giáo (Chương I). Nó được phác
thảo bằng cách vạch ra bản chất, mục tiêu, các công tác và nguồn mạch của nó (Chương
II), giáo lý viên và căn tính của họ (Chương III). Cùng việc đào luyện
giáo lý viên (Chương IV) được trình bày - ban hành thừa tác vụ Hội Thánh
của việc dạy giáo lý và làm cho thừa tác vụ này được trở nên hữu hình. Trong phần
thứ nhất này, thêm vào việc cập nhật hóa những vấn đề căn bản đã được nhấn mạnh,
điều đáng chú ý là chương về đào luyện, chương này kết nạp nhiều quan điểm quan
trọng về việc canh tân huấn giáo.
8. Phần Thứ Hai (Tiến Trình của việc Dạy
Giáo Lý) bàn về động lực của việc dạy giáo lý. Trước hết phần này trình bày
mô thức sư phạm của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, là mô thức gợi hứng cho
phương pháp sư phạm của Hội Thánh và việc dạy giáo lý như một hoạt động giáo dục
(Chương V). Theo mô thức này thì các tiêu chuẩn thần học cho việc công bố
sứ điệp Tin Mừng được xắp đặt lại và được đầy đủ hơn đề đáp ứng các nhu cầu của
nền văn hóa hiện đại. Hơn nữa, Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được
trình bày theo tầm quan trọng về thần học và huấn giáo của nó (Chương VI).
Chương VII trình bày một số vấn đề về phương pháp dạy giáo lý liên quan
đến chủ đề ngôn ngữ trong số những vấn đề khác. Phần thứ hai được kết thúc với
việc trình bày việc dạy giáo lý cho những nhóm tham dự viên khác nhau (Chương
VIII). Mặc dù ý thức rằng các điều kiện văn hóa trên thế giới rất khác nhau
và việc nghiên cứu ở mức độ địa phương là điều cần thiết, tuy thế, chủ ý (của Chỉ
Nam này là) cung cấp một phân tích về những đặc tính chung của chủ đề rộng
lớn này, tiếp tục sự chú ý nhằm vào các Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và
giới trẻ. Cuối cùng, Chỉ Nam này mời gọi các Hội Thánh địa phương chú
tâm đến việc dạy giáo lý cho những người khuyết tật, những người di trú, di dân
và các tù nhân.
9. Phần Thứ Ba
(Dạy Giáo Lý trong Hội Thánh địa phương) cho thấy tác vụ Lời Chúa được
hình thành trong sự cụ thể của đời sống Hội Thánh. Các Hội Thánh địa phương,
trong tất cả mọi cách diễn tả của mình, thực thi nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng
trong những bối cảnh khác nhau mà các Hội Thánh ấy bén rễ (Chương IX).
Phần này nhìn nhận tính đặc thù của các Hội Thánh Đông Phương, là những Hội
Thánh có truyền thống huấn giáo riêng của mình. Mọi công đồng Kitô hữu được mời
gọi dấn thân vào sự phức tạp của thế giới đương thời, trong đó nhiều yếu tố rất
khác biệt được pha trộn lẫn nhau (Chương X). Các bối cảnh địa dư khác
nhau, các môi trường tôn giáo tự nhiên, các xu hướng văn hóa, mặc dù không trực
tiếp liên quan đến việc dạy giáo lý, nhưng chúng hình thành đặc tính bề trong của
những ngưởi đương thời với chúng ta, là những người mà Hội Thánh muốn phục vụ,
và như thế chúng không thể tránh được, nhưng trở thành đối tượng để phân định
trong những sáng kiến về dạy giáo lý. Cũng đáng ghi nhận là việc suy nghĩ về nền
văn hóa thuật số và về một số vấn đề thuộc đạo đức sinh học, là những điều được
bàn cãi rất nhiều trong thời đại chúng ta. Chương XI, trở lại với hoạt động
của các Hội Thánh địa phương, cho thấy rẳng bản chất và các tiêu chuẩn thần học
của việc hội nhập văn hóa, là điều cũng được diễn tả với việc xuất bản các sách
giáo lý địa phương. Chỉ Nam này kết thúc với việc trình bày các tổ chức phục
vụ việc dạy giáo lý ở những cấp khác nhau (Chương XII).
10. Tân Chỉ Nam Huấn Giáo
cung cấp những nguyên tắc thần học và mục vụ căn bản và một số hướng dẫn tổng
quát thích hợp trong việc thực hành huấn giáo ở thời đại chúng ta. Tất nhiên là
việc áp dụng chúng và các hướng dẫn thực tế phải là nhiệm vụ của các Hội Thánh
địa phương, được mời gọi để cung cấp những soạn thảo kỹ lưỡng theo những nguyên
tắc tổng quát này ngõ hầu chúng có thể hội nhập văn hóa trong hoàn cảnh Hội
Thánh riêng của chúng. Vì thế, Chỉ Nam này là một công cụ cho việc soạn
thảo kỹ lưỡng các chỉ nam quốc gia hay địa phương, được ban hành bởi các đấng bản
quyền và có khả năng chuyển dịch những hướng dẫn tổng quát này sang ngôn ngữ của
các cộng đồng Kitô hữu riêng. Như vậy, Chỉ Nam này nhẳm phục vụ các Giám
Mục, các Hội Đồng Giám Mục, và các cơ quan mục vụ và học thuật tham gia vào việc
dạy giáo lý và Phúc Âm hóa. Các giáo lý viên sẽ có thể tìm được sự nâng đỡ và
khích lệ trong tác vụ phục vụ sự trưởng thành về đức tin của anh chị em của họ
mỗi ngày [từ Chỉ Nam này].
(còn
tiếp)