THIÊN CHÚA THẤU SUỐT TÂM CAN CON NGƯỜI
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhận ra sự giàu có lớn nhất nơi
chính sự nghèo khó tự nguyện. Để đi vào lý lẽ của Nước Trời, của sự giàu có
đích thực, nhất là của cõi tâm linh trường tồn, thì sự buông bỏ bản thân, ngay
cả những gì cần thiết cho bản thân, để hiến dâng cho Thiên Chúa và trao ban cho
người khác những gì mình có, với tấm lòng đơn sơ và vui tươi, là một của lễ tốt
lành hơn bất cứ loại hy sinh nào khác.
1. Giá trị của
lễ dâng không hệ tại số lượng mà
ở tấm lòng.
Chính một bà góa nghèo khó, trong Đền thờ, đã làm Chúa Giêsu chạnh lòng,
không chỉ vì lòng thương xót đối với hoàn cảnh sống của bà, mà còn bởi sức mạnh
của cử chỉ nhỏ bé của bà. “Chúa Giêsu ngồi
đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Ngài quan sát xem đám đông bỏ tiền
vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến
bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma” (Mc
12:41-42). Không ai nhận ra cử chỉ quá đỗi tầm thường của bà, nhưng chứa đựng một
tấm lòng không hề nhỏ bé trước ánh nhìn của Thiên Chúa, và đó là điều chính yếu
của một con người. Bà chỉ còn lại “hai đồng
tiền kẽm” (Mc 12: 42), nhưng lại cho đi tất cả! Bà dâng hiến tất cả những
gì mình có, tất cả cuộc sống và con người của mình, làm lễ vật dâng Chúa. Bà hào
phóng hơn “lắm người giàu bỏ thật nhiều
tiền” (Mc 12: 41). Chính Chúa Giêsu nhận ra sự quảng đại lớn lao này và
Ngài khẳng định rõ ràng: “Thầy bảo thật
anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều
rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái
túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi
sống mình” (Mc 12: 43-44).
Chúa Giêsu so sánh thói phô trương nhân đức giả tạo của một số người với
thái độ khiêm tốn chân thành của bà góa nghèo khổ. Đồng xu của người nghèo dâng
cho Chúa có giá trị trước mặt Chúa hơn bất cứ thứ tiền dư bạc thừa của những
người giàu có khoe khoang “lấy tiếng”, vì Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn, vào ý hướng
của hành động chứ không nhìn vào số lượng bên ngoài nhưng không chứa đựng một
thiện ý bên trong.
Nếu ai đó dâng cho nhà thờ một số tiền khổng lồ, hoặc thậm chí cả một khu
đất giá chục tỉ, chỉ để người khác ghi nhớ tên tuổi của mình, thì trong ánh
nhìn của Thiên Chúa, cũng không đáng giá bằng hai đồng tiền, một nải chuối hay
vài trái trứng gà của một người nghèo đầy lòng khiêm nhường dâng Chúa. Thiên Chúa
không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về các ông kinh
sư thường hay tạo ra những cảnh tượng nơi công cộng, trong đền thờ, để tất cả
những người có mặt ở đó ngưỡng mộ họ: “Anh
em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng,
thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự
trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các
bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án
nghiêm khắc hơn” (Mc 12: 38-40). Họ lấy của cải dư thừa của mình làm lễ vật
dâng trong đền thờ và lớn tiếng về lễ vật của mình. Trước mặt Thiên Chúa, họ là
những kẻ nghèo hèn nhưng họ hoàn toàn không nhận ra. Phải chăng điều này có
nghĩa là Thiên Chúa không đón nhận lễ dâng của những người giàu có huênh hoang?
Tất nhiên là không: “Ngôn sứ Isaia thật
đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân
này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:
6).
Không có của cải tiền bạc nào giúp chúng ta khỏi xuống mồ, không sớm thì
muộn. Thậm chí, chúng ta sẽ bị chôn vùi với của cải vật chất của mình, và cùng
với cơ thể, chúng tan rữa dần dần để nuôi các sinh vật dưới lòng đất. Thiên
Chúa không phán xét chúng ta dựa trên sự giàu có hay nghèo khó của cải vật.
Chúng ta không được cứu độ vì giàu có tiền của và cũng không mất ơn cứu độ chỉ
vì nghèo nàn vật chất. Nếu cuộc sống chúng ta không dư dả, chỉ có chút ít để
dâng cho Chúa thì đừng ngại. Khả năng Chúa cho chúng ta bao nhiêu thì dâng hiến
cho Chúa bấy nhiêu, như bà góa. Việc dâng cho Chúa nhiều hay ít không quan trọng,
miễn sao chúng ta dâng cho Chúa hết khả năng của mình, với tất cả tấm lòng chân
thành. Chắc chắn Chúa sẽ chấp nhận của dâng giá trị đó.
2. Dâng Chúa
với lòng khiêm hạ
Thái độ khiêm hạ luôn là điều đúng đắn trong bất cứ mối tương quan nào:
gia đình, họ hàng, cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp...Điều này còn tuyệt đối đúng trong
tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Kinh nghiệm sống nhắc nhở chúng ta rằng
chúng ta không phải là chủ tể của mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới là Chúa: “Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Hs 11:9) và: “Đấng bắt muôn loài phải quy phục Ngài; và như vậy, Thiên Chúa có toàn
quyền trên muôn loài” (1 Cr 15:28). Đó là điểm khởi đầu cho tất cả những lời
cầu nguyện khác: “Lạy Chúa, Ngài vĩ đại
quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc
về Ngài. Ngài nắm giữ vương quyền, lạy Chúa, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.
Ngài cũng là nguồn phú quý vinh quang. Chính Chúa làm bá chủ muôn loài: nắm
trong tay dũng lực quyền năng, nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức. Giờ
đây, lạy Thiên Chúa chúng con thờ, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ và ca tụng
Danh Thánh hiển vinh” (1 Biên niên sử 29:11-13).
Do đó, khi chúng ta dâng hiến cho Thiên Chúa trong sự khiêm hạ, chúng ta
ý thức và nhận Ngài là Đấng điều khiển mọi sự. Chúng ta cầu xin sự giúp đỡ của
Ngài trong mọi sự. Chúng ta nhận ra những điểm yếu, thất bại và tội lỗi của
mình không phải với sự xấu hổ mà với sự tin tưởng rằng Ngài ban cho chúng ta ân
sủng mà chúng ta cần để vượt qua những yếu kém đó. Chúng ta không thể tự mình
làm bất cứ điều gì, nếu không có ơn trợ giúp của Chúa Kitô: “Sine me nihil potestis facere - không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5), nhưng “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Chúa Kitô, Đấng ban sức mạnh cho tôi”
(Philípphê 4,13).
Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục mời gọi chúng ta loại bỏ sự tự kiêu của
mình. Ngài nói: “Thật vậy, kiêu ngạo là sự
tự tôn, tự phụ, phù phiếm. Thuật ngữ này cũng xuất hiện trong loạt tật xấu mà
Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng cái ác luôn xuất phát từ trái tim con người
(Mc 7:22). Người kiêu ngạo là người nghĩ rằng mình hơn hẳn so với thực tế; người
lo lắng về việc được công nhận là vĩ đại hơn người khác, luôn muốn thấy công
lao của mình được công nhận và coi thường người khác, coi người khác thấp kém
hơn mình. Từ mô tả đầu tiên này, chúng ta thấy rằng tật xấu kiêu ngạo rất gần với
tật phù phiếm...Tuy nhiên, nếu phù phiếm là một căn bệnh của bản ngã con người,
thì nó vẫn là một căn bệnh trẻ con khi so sánh với sự tàn phá mà tính kiêu ngạo
có thể gây ra…Người ta bắt đầu với những tội lỗi thô thiển nhất, chẳng hạn như
thói tham ăn, rồi đến những con quái vật đáng sợ nhất. Trong tất cả các thói xấu,
tính kiêu ngạo là nữ hoàng vĩ đại…Những ai đầu hàng thói xấu này thì xa Thiên Chúa,
và việc sửa chữa điều xấu xa này đòi hỏi thời gian và nỗ lực, nhiều hơn bất cứ
cuộc chiến nào khác mà người Kitô hữu được kêu gọi” (Buổi tiếp kiến chung
hàng tuần vào thứ Tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024.)
Thật vậy, sự nghèo khó và giàu có mà Thiên Chúa nhìn tới chính là sự
nghèo khó của tinh thần và sự giàu có của tâm hồn. Kẻ phô trương của cải để thu
hút sự ngưỡng mộ của thiên hạ là kẻ kiêu ngạo: sẽ khó vào được Nước Thiên Chúa.
Người ấy liều mất sự cứu độ của mình vì thứ vinh dự hão huyền, phù phiếm ở đời.
Chúa Giêsu tuyên bố người có tinh thần nghèo khó là hạnh phúc: Nước Trời
thuộc về họ: “Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Chúa Giêsu rất nghiêm khắc chống
lại những người giàu có coi khinh những kẻ hèn mọn. Ngài khiển trách tất cả những
ai mang nặng sự dư thừa và cái tôi của họ, tích lũy cho mình, tỏ ra nổi bật và
dùng tài sản của mình để đè bẹp và thống trị: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo
hèn trong xứ… Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng
khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán. Chúa đã lấy thánh danh là niềm
hãnh diện của Giacóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”
(Amốt 8: 4, 6-7). Bất cứ ai cậy vào của cải của mình và phô trương chúng thay
vì cố gắng làm từ thiện cách khiêm tốn, người đó là người nghèo nhất. Còn người
nào không mong cầu nhiều tiền của và không gắn bó hay phô trương những gì mình
có là người giàu nhất, ngay cả khi người ấy không sở hữu gì cả. Vì vậy, khiêm
nhường trong bác ái là điều kiện thiết yếu để có một đức tin phong phú và một
cuộc sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Con đường đích thực là sự khiêm nhường trong tình yêu. Sự khiêm tốn giúp
chúng ta ẩn giấu bản thân thay vì đóng vai người lãnh đạo vĩ đại sửa sai người
khác. Con đường khiêm nhường bao gồm việc lắng nghe, thấu hiểu, phục vụ người
lân cận, nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình và cần phải trở nên thánh thiện để
đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Con đường tình yêu này bà góa đã tìm thấy. Bà
khiêm tốn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Đây là một hành động đẹp đẽ của đức tin,
đức cậy và đức mến! Không ai nhìn thấy nó ngoại trừ Chúa Giêsu, Đấng là Tình
Yêu Khiêm Hạ: “đã vào chính cõi trời, để
giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta… đã tự hiến tế chỉ
một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (Hípri 9:24-28).
Phêrô Phạm Văn Trung
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|