Ivanov, A. (1836). Chúa Kitô hiện ra với Maria
Mađalêna [tranh vẽ].
“Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: Thưa ông, nếu ông đã đem
Ngài đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Ngài ở đâu, tôi sẽ đem Ngài về” (Ga
20:15)
Trong tường thuật của thánh
Máccô về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Maria Mađalêna và những người phụ nữ khác
đi cùng bà đã “sợ hãi” và “run lẩy bẩy, hết hồn hết vía” khi nghe
thông báo từ vị khách từ thiên đàng bên trong ngôi mộ trống rỗng của Chúa Giêsu
(Mc 16:8). Trong tường thuật của thánh Mátthêu, Maria và những người phụ nữ “tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”
(Mt 28:8); trong tường thuật của thánh Luca, họ chỉ đơn giản là “sợ hãi, cúi gằm mặt xuống đất” (Lc
24:5). Không có bản Tin Mừng nào trong ba sách Tin Mừng nhất lãm đề cập đến việc
Maria Mađalêna nhầm lẫn một thiên thần - chưa nói đến chính Chúa Giêsu - với
người làm vườn. Vì vậy, thật thú vị khi thánh Gioan đưa vào chi tiết có vẻ
không cần thiết và không quan trọng này về một “người làm vườn”, một chi tiết
dường như không tương ứng với các trình thuật được ghi lại bởi những tác giả
sách Tin Mừng khác. Chúng ta cần hiểu điều này như thế nào?
Vâng, trước tiên chúng
ta hãy nhận ra rằng liên quan đến các trình thuật khác nhau được ghi lại về sự
phục sinh của Chúa Giêsu, có một số lượng “vay mượn” nhất định từ nhau mà cần
thiết phải có, vì thực tế không ai tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu sống lại từ
cõi chết. Một ngày nọ, Ngài được chôn cất, một hòn đá lăn ra che trước mộ Ngài,
những người lính canh gác lối vào để tránh bất cứ trò lừa bịp hoặc thuyết âm
mưu nào hình thành. Và rồi ba ngày sau... Chúa Giêsu đã ra khỏi mồ. Bây giờ cả
bốn tường thuật đều đồng ý rằng chính Maria Mađalêna và những người phụ nữ đi
cùng bà là những người đầu tiên biết về ngôi mộ trống của Chúa Giêsu và sau đó bà
là người đã thông báo tin tức đáng kinh ngạc này cho Mười Một Tông Đồ; vì điều
này, Maria đã giành được danh hiệu “Tông đồ của các Tông đồ”. Nhưng điều gì giải
thích cho phiên bản của thánh Gioan về cách Maria Mađalêna đến và khám phá ra
Chúa Giêsu phục sinh lại khác biệt đến vậy so với ba tường thuật kia?
Câu trả lời hiển nhiên
nhất chỉ đơn giản là: quan điểm của người ta về một sự kiện sẽ ảnh hưởng đến
cách người ta truyền đạt sự kiện đó đến người khác. Nếu tôi viết ra những kỷ niệm
về ngày cưới của mình, tôi có thể đặt tên cho câu chuyện của mình là “Ngày tuyệt
vời nhất trong cuộc đời tôi”. Nhưng một vị khách đến dự đám cưới của tôi, nếu người
ấy không quen biết ai tham dự ngoài cô dâu và chú rể, có thể đặt tên cho câu
chuyện của mình là “Ngày buồn tẻ nhất trong cuộc đời tôi”. Tất cả đều liên quan
đến quan điểm.
Nhưng có một góc nhìn
khác ngoài góc nhìn giải thích cho việc thánh Gioan đưa chi tiết về người làm
vườn vào. Đó là một chi tiết mà ông đã được biết, nhưng không ai trong ba tác
giả Tin Mừng kia biết đến. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao lại như vậy.
Hãy nhớ rằng, Gioan đã đưa Mẹ Maria “về nhà
mình” (Ga 19:27). Gioan không chỉ có quan điểm riêng để tham khảo mà còn được
hưởng lợi khi được nghe Mẹ Maria trực tiếp kể lại. Điều này liên quan gì đến Maria
Mađalêna? Thực ra là liên quan rất nhiều. Theo truyền thống phương Đông, “Maria
Mađalêna tiếp tục sứ mệnh của mình như một nhà truyền giáo, nhà chiêm nghiệm và
nhà thần bí trong lòng Giáo hội… bà đã đến Êphêsô cùng với Đức Trinh Nữ Maria
và qua đời tại đó” (“Kinh cầu Thánh nữ Maria Mađalêna” The Catholic Company). Nói cách khác, Maria Mađalêna đã sống cùng
thị trấn với Mẹ Maria, và rất có thể là cùng cộng đoàn tín hữu ở đó; do đó,
theo bối cảnh, bà sống trong cộng đoàn của Thánh Gioan Tông đồ. Không giống như
những tác giả Tin Mừng khác, Thánh Gioan có thể biết chi tiết về người làm vườn
vì có thể chính Maria Mađalêna đã kể cho ông nghe.
Điều này chỉ còn lại một
câu hỏi. Tại sao Maria Mađalêna lại nhầm Chúa Giêsu với một người làm vườn ngay
từ đầu? Chắc chắn, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu, trong trạng thái vinh quang của
Ngài, sẽ không thể nhận ra được đối với những tâm hồn buồn bã vì yêu mến và nhớ
nhung Ngài đến vậy. Sẽ cần một tia sáng ân sủng để mở mắt trái tim của họ ra với
sự thật về người mà họ nhìn thấy trước mắt mình. Nhưng… tại sao lại là một người làm vườn? Liệu lời giải thích
có thực sự đơn giản rằng một người làm vườn là người duy nhất mà Maria thấy hợp
lý khi đi lại giữa các ngôi mộ vào sáng sớm như vậy không? Có lẽ vậy. Nhưng… Liệu
Kinh thánh có bao giờ để lại cho chúng ta những chi tiết không cần thiết mà chỉ
để mô tả chính xác về mặt lịch sử không? Không có khả năng như vậy. Mỗi lời đến
từ Chúa đều có mục đích dẫn chúng ta suy
ngẫm. Từ góc độ này, chúng ta thấy gì khi nhìn vào “người làm vườn” mà Maria
Mađalêna chăm chú nhìn?
Đấng Đáng Kinh Fulton
Sheen viết: “ … người làm vườn cắt những
chồi xanh từ gốc bụi cây, không phải để giết chết hoa hồng, mà để làm cho hoa nở
đẹp hơn” (Đấng Đáng kính Fulton Sheen, tr. 185, cookiecrumbstoliveby.wordpress.com).
Chúa Giêsu, “Người Làm
Vườn,” đã gieo Lời Ngài vào lòng Maria Mađalêna, tỉa và cắt những chồi non
không khỏe mạnh khỏi cuộc đời bà và nhổ tận gốc những gì ngăn cản bà tăng trưởng…
để bà có thể nở hoa và lớn lên! Chính Chúa Giêsu - Người Chăn Chiên Nhân Lành,
Chiên Thiên Chúa, Đấng Mêsia, nhưng cũng là Người
Làm Vườn - đã cứu mạng Maria khỏi sự
hủy diệt. Người Chăn Chiên Nhân Lành sẽ để chín mươi chín con chiên đi tìm một
linh hồn, cõng con chiên ấy trên lưng về nhà nếu cần. Nhưng chính Người Làm Vườn mới là người xới đất
trong lòng chúng ta, nhẹ nhàng nâng đầu chúng ta lên và hướng dẫn chúng ta đối
mặt với những điểm yếu, lỗi lầm, khuyết điểm và nỗi đau của mình, không phải để
hủy hoại chúng ta mà để giúp chúng ta lớn
lên. Việc vun trồng của người làm vườn vừa đau đớn vừa thống khổ, nhưng
thành quả từ công trình của người làm vườn thì mãi mãi ngọt ngào.
“Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi. Tôi hỏi họ: Các anh
có thấy chăng người lòng tôi yêu dấu?Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng
tôi yêu dấu” (Diễm ca 3:3-4)
Tác giả: Mc Holbrook
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
https://catholicexchange.com