CĂN TÍNH THẦN LINH VINH QUANG CỦA CHÚA KITÔ
Trong trình thuật Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu biểu lộ
thiên tính của mình cho các môn đệ thân thiết nhất. Chúa Giêsu cho thấy Ngài là
Đấng vinh quang, vượt trội hơn cả Môsê và Êlia, vốn là những nhân vật vĩ đại
trong lịch sử của dân Israel thời Cựu Ước. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là để
xác định lời công bố trước đó của Ngài về cuộc khổ nạn, cái chết và trên hết là
Sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài: “Con Người
phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết
chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Cuộc biến hình của Chúa Giêsu
cũng là để các môn đệ được chọn của Ngài biết rằng Ngài chính là Thiên Chúa
vinh quang. Nhờ đó họ có thể từ bỏ ước mơ về một Đấng cứu thế chính trị, cùng với
tham vọng trần tục cá nhân của họ, để kiên trung bước theo Ngài trong cuộc khổ
nạn mà Ngài sắp trải qua. Cũng nhờ cuộc biến hình đó họ sẽ được củng cố trong
những thử thách mà chính họ cũng sẽ trải qua sau này khi theo bước Thầy mình
loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Thầy Giêsu của họ thực sự là Con Thiên Chúa, là Đấng
cứu thế được Chúa Cha sai đến để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Chúa Cha đã mặc khải
điều đó qua những lời này: “Đây là Con
Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài” (Lc 9: 35).
1. Ngắm nhìn và lắng
nghe Chúa Giêsu, Đấng biến hình
“Đây là Con Ta, người đã được Ta
tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài.”
Đây cũng là lời Chúa Cha đã công bố ngay
từ đầu về Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông
Giođan, mở đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang
khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới
hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày
hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3: 21-22). Vâng nghe lời Chúa Giêsu là lắng
nghe Lời Ngài để Lời đó trở nên sống động trong cuộc sống chúng ta. Để được như
vậy, chúng ta phải suy ngẫm Lời của Ngài, làm theo Lời của Ngài, ngày càng trở
nên gần gũi với Ngài, đem lại niềm hứng khởi cho mọi việc chúng ta làm, giúp
chúng ta trở thành những môn đệ thân tín của Ngài. Bài đọc thứ nhất cho chúng
ta mẫu gương của Abraham được biến đổi thành người thân tín của Thiên Chúa: “Chúa phán với ông Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ
hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi… Ông Abram ra đi, như
Chúa đã phán với ông” (St 12: 1,4). Abraham trở thành người được Thiên Chúa
ký kết giao ước vì vâng nghe lời Thiên Chúa: “Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút
khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Chúa
lập giao ước với ông…” (St 15: 17-18). Đó là giao ước đầu tiên mà Thiên
Chúa ký kết với con người, với dòng giống Abraham, như một phần thưởng cho lòng
tin và việc ông vâng nghe lời Thiên Chúa: “Chúa
phán với ông Abram trong một thị kiến rằng: Hỡi Abram, đừng sợ, Ta là khiên che
thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn… Chúa đưa ông ra ngoài và
phán: Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không…Dòng
dõi ngươi sẽ như thế đó! Ông tin Chúa, và vì thế, Chúa kể ông là người công
chính” (St 15:1,5).
Chúng ta ngày nay cũng vậy, vâng nghe lời Thiên Chúa là đồng ý thay đổi
cách suy nghĩ của chúng ta, vốn có xu hướng quy về cái tôi ích kỷ của mình, của
gia đình riêng tư, của đoàn thể, của phe nhóm, đảng phái của mình…Vâng nghe lời
Thiên Chúa là cắt tỉa, thay đổi lối sống, hoán cải tâm hồn, bước theo Ngài
trong “cuộc xuất hành mà Ngài sắp hoàn
thành tại Giêrusalem” để làm cho cuộc sống của chúng ta tỏa sáng, trong ánh
sáng “rạng ngời vinh hiển…vinh quang của
Chúa Giêsu” (Lc 9: 31-32).
Ánh sáng rạng ngời tỏa ra từ khuôn mặt Chúa Giêsu cho thấy căn tính thần
linh của Ngài, không chỉ trong cuộc Biến hình, mà mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi
Ngài ẩn mình trong bánh thánh. Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, ở trước Mình
Thánh Chúa, chúng ta có ý thức mình đang ở trước Thiên Chúa hiển vinh không?
2. Cùng Chúa Kitô biến
đổi mỗi ngày
Môsê và Êlia xuất hiện cùng với Chúa Giêsu, rất sống động: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Ngài, đó
là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất
hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9: 30-31). Thiên Chúa là Thiên
Chúa của kẻ sống, và Sự Phục Sinh - sự sống đời sau - là có thật! Điều này quan
trọng vì vào thời Chúa Giêsu, nhiều người, như nhóm Xa đốc, không tin vào sự phục
sinh. Tất nhiên các tông đồ chưa thể hiểu điều này, do vậy các ông có phản ứng
hoàn toàn trần tục, hoàn toàn con người: “Thưa
Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy,
một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33).
Chúng ta đón nhận Chúa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày? Liệu chúng
ta có tin Ngài thực sự là Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến Sự Phục Sinh - sự sống
vĩnh cửu - không, hay chúng ta chỉ muốn Ngài là người giúp đỡ chúng ta giải quyết
những vấn đề trước mắt, những nhu cầu cụ thể hằng ngày? Nếu chúng ta chỉ cầu
xin Chúa ban những của cải thế gian này, thì chúng ta cũng giống như Phêrô muốn
bám víu vào cõi trần này, “dựng ba lều…chúng
con ở đây, thật là hay” (Lc 9: 33). Đây là phản ứng của phàm nhân, của thế
gian. Ngược lại, nếu chúng ta đón nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là chính Thiên
Chúa, và chúng ta đặt niềm tin cậy vào Ngài, thì ân sủng của Đấng mà “dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục Ngài trở
nên trắng tinh chói loà” (Lc 9: 29) sẽ có thể hoạt động trong chúng ta và làm
cho cách cư xử hằng ngày của chúng ta đổi khác, trở nên trắng tinh, được sự hiện
diện của Thiên Chúa như “đám mây bao phủ”
(Lc 9: 34), đưa vào cõi đời đời “rạng ngời
vinh hiển… nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu” (Lc 9: 31-32).
Trong mỗi Thánh lễ, bánh và rượu chúng ta dâng trên bàn thờ được “biến
hình”, biến đổi thành Mình và Máu sống động của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chết
và phục sinh vinh hiển. Cũng như Cuộc biến hình của Chúa Giêsu đã củng cố các
tông đồ trong thời gian thử thách, thì mỗi Thánh lễ, nhất là trong Mùa Chay
thánh này, là nguồn sức mạnh từ trời cao dành cho chúng ta để chống lại những
cám dỗ và đổi mới chúng ta.
3. Được biến đổi nhờ cầu
nguyện và năng lãnh nhận các bí tích
Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chính “Đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và
Thánh Thần ngự xuống trên Ngài” (Lc 3: 21-22) và hôm nay cũng vậy, chính “Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng
đổi khác” (Lc 9:29). Đức Giáo
Hoàng Phanxicô chỉ rõ: “Cầu nguyện, cầu
nguyện luôn thay đổi thực tại, chúng ta đừng quên rằng: cầu nguyện có thể thay
đổi mọi thứ hoặc thay đổi trái tim chúng ta, nhưng cầu nguyện luôn thay đổi”
(Vatican - 9 tháng 1 năm 2019)
Khi chúng ta cầu nguyện và đón nhận Chúa Kitô làm Đấng Cứu Độ của mình,
chúng ta được biến đổi nhờ sự sống thần linh của Ngài trong chúng ta, chúng ta
được trở thành con cái của Thiên Chúa. Sự sống này hoạt động trong chúng ta và
biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Chúa Kitô. Được biến đổi nên giống hình ảnh
Chúa Kitô có nghĩa là được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô phục sinh và vinh
hiển, trở nên giống Ngài: “Thiên Chúa làm
cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được
Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định. Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài
đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8:
28-29).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài đã được dạy “cầu nguyện như một người con chứ không phải tìm kiếm viên kẹo an ủi... Cầu
nguyện mở lòng với Chúa, và khi Chúa Thánh Thần ngự vào, Ngài thay đổi cuộc sống
của bạn từ bên trong. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện: mở lòng và
tạo không gian cho Chúa Thánh Thần…Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi trái
tim chúng ta, ngự vào trái tim chúng ta và biến đổi nó” (www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-10).
Cụ thể hơn, mỗi lần chúng ta lãnh nhận Bí tích, chúng ta được biến đổi.
Bí tích Rửa tội biến đổi chúng ta thành con cái của Thiên Chúa và là người thừa
kế Nước Trời. Bí tích Thêm sức biến đổi chúng ta thành đền thờ của Chúa Thánh
Thần và là chiến binh của Thiên Chúa. Bí tích Hòa giải, nhất là trong mùa Sám hối
và chay tịnh này, Thiên Chúa đưa tội nhân trở lại con đường thánh thiện. Sự Biến
hình của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một thông điệp khích lệ và hy vọng. Trong
những lúc nghi ngờ và trong những khoảnh khắc đen tối tuyệt vọng đường cùng,
suy ngẫm về sự biến đổi của chính chúng ta trên Thiên đàng sẽ giúp chúng ta
vươn tới Thiên Chúa như lời an ủi của thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời,
và chúng ta nóng lòng mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài
có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân
xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl
3:20-21).
Chúng ta có thể có kinh nghiệm “lên núi cầu nguyện” trong cuộc sống của
mình, như kinh nghiệm của Phêrô, Giacôbê và Gioan, khi chúng ta dành nhiều thời
gian hơn để cầu nguyện trong Mùa Chay thánh này. Chay tịnh có thể giúp chúng ta
tích trữ sức lực tâm linh, thay đổi cách nghĩ, lối sống và có được mối tương
giao thân tình, cao cả, quý giá với Chúa Giêsu, Đấng đã hứa: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn
thế nữa” (Ga 1: 50), đó là: “Thành
Thánh Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang
Thiên Chúa” (Kh 21: 10).
Phêrô Phạm Văn Trung
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|