Nếu chúng ta
không có lòng tin để chấp nhận ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, thì chúng ta sẽ
bị giam giữ mãi trong tối tăm của chính mình, ngay cả dù chúng ta thực lòng
không muốn. Ánh sáng đó gây choáng ngợp vì vượt quá xa cảm nhận thông thường của
chúng ta. Con người chúng ta không đủ khả năng hiểu rõ ràng và trọn vẹn những
gì thuộc về Thiên Chúa, trong đó có mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô. Tâm trí của
chúng ta, trước các mầu nhiệm của Thiên Chúa nói chung, và Sự Phục Sinh của
Chúa Kitô nói riêng, tỏ rõ sự hạn hẹp yếu kém của nó, vì nó chỉ dựa vào những
kinh nghiệm trong thế giới hữu hình của riêng mình và các cảm xúc hay thay đổi
tùy lúc, vốn bị chi phối quá thường xuyên bởi những phản ứng với những điều khả
giác trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta bị giam giữ trong cách cảm nhận đó
quá mạnh mẽ đến độ nó trở thành như một bản chất cố hữu, và khuôn định lối suy nghĩ,
lối lý luận của chúng ta trong cái vòng xoay khởi đi từ duy cảm, duy nghiệm đến
duy lý, để hình thành nên một hệ quy chiếu mà chúng ta xác tín rằng đó là chuẩn
mực tri thức duy nhất, ngoài chuẩn mực đó không còn gì khác.
1. Chuyện tâm
linh không thể coi thường.
Thế nhưng cuộc sống
vẫn cho chúng ta thấy có những thực tại vượt ra, rất xa, rất cao, siêu việt khỏi
cái chuẩn mực của hệ quy chiếu có vẻ như tuyệt đối và toàn trị đó, vượt ra khỏi
sự “độc đoán của lý luận đơn thuần”. Vẫn có đó những thực tại siêu hình mà con
người không thể chỉ nắm bắt bằng suy lý thuần tuý, nhưng phải cần tới một cung
cách nhận thức khác, như những người bình dân thường nói nôm na rằng “chuyện
tâm linh không coi thường được đâu!” Đó là những mặc khải siêu nhiên của Thiên
Chúa, là những tỏ bày linh thiêng từ Trời Cao, những thực tại rất tốt đẹp nhưng
lại có vẻ kỳ lạ, khiến chúng ta nghi ngờ, không biết chúng có thật hay không.
Thật vậy, đôi khi chúng ta không thể tin chỉ vì lý do này: điều đó quá tốt đẹp
nên không thể là chuyện có thật được.
Trong sách Tin Mừng
của Thánh Luca, các môn đệ của Chúa Giêsu Phục Sinh không tin vào Ngài vì một
lý do lạ lùng: niềm vui của họ quá lớn lao! “Các ông còn chưa tin vì mừng quá” (Lc 24,41)
Một số người nói
rằng họ không thể tin rằng Chúa Giêsu thực sự biết đến và yêu thương từng người
trên thế giới, vì điều đó dường như vượt sức tưởng tượng của họ, dựa trên những
kinh nghiệm tích lũy có dư từ lâu trong cuộc sống cụ thể mỗi ngày của họ. Có
quá nhiều người, nhiều lối sống, nhiều hoàn cảnh, nhiều bất hạnh, không ai có
thể quan tâm chăm sóc hết được.
Một số người lại suy
nghĩ cách khác. Không nghĩ đến lượng nhưng nghĩ đến chất, họ nói rằng việc gì
phải mắc nợ và mang ơn ai quá đáng như vậy, lấy gì mà trả cho nổi, kinh nghiệm
dạy bài học tự lo cho mình trước đã, vậy là đủ. Như thế, họ phản ứng cưỡng lại
và kết luận rằng không cần đến điều được gọi là sự tha thứ quá rộng lượng của Thiên
Chúa, qua Chúa Giêsu.
Lại có một phản ứng
có vẻ như đạo hạnh hơn: một số người thấy mình bất xứng đến độ không thể hiểu
được làm thế nào mà ân sủng của Thiên Chúa lại có thể mang đến cho họ phẩm giá
không thể bị phá hủy trong tư cách là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa tuyệt đối
thánh thiện cao vời làm sao có thể có điều gì chung với phàm nhân đầy bất toàn,
không chút gì tương xứng?
Cảm nhận này nhắc
người ta nhớ lại phản ứng của ba môn đệ thân nhất của Chúa Giêsu trong cuộc Biến
Hình, khi vinh quang của Ngài làm cho các ông rơi vào trạng thái sợ hãi sững sờ:
“Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống
đất” (Mt 17:6).
Thiên Chúa, qua
Chúa Giêsu, không muốn là nguồn gốc của nỗi kinh sợ của con người. Trong ý định
từ muôn đời, Ngài muốn con người hiệp nhất với Ngài trong kế hoạch yêu thương của
Ngài, như thánh sử Gioan chiêm niệm:
· “Lúc khởi đầu
đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa
thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài
đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức
là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”
(Ga 1: 1-12).
Và sau khi “chỗi
dậy từ cõi chết”, không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu Phục Sinh giúp các môn đệ
thoát khỏi sự bàng hoàng khi Ngài yêu cầu họ một cách cụ thể: “Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho
Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24:
41-43). Sự sống lại của Chúa Kitô chắc chắn là một biểu lộ linh thiêng, nhưng vẫn
diễn ra trong tất cả những gì rất cụ thể đời thường của con người trần thế, mà
vẫn là một mặc khải siêu nhiên của Thiên Chúa, vốn không thể hiểu trọn vẹn hết
được. Sách Tin Mừng Gioan mô tả Tôma được Chúa Giêsu khích lệ rất cụ thể: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.
Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”
(Ga 20: 27). Gioan không cho biết Tôma có làm theo lời Chúa Giêsu không, ông chỉ
mô tả: “Tôma thưa Ngài: Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20: 28). Đây là một phản ứng bộc phát tự nhiên
và đương nhiên của Tôma nhưng lại cho thấy cả một cõi linh thiêng đang hiện diện
trước mặt phàm nhân.
Trước những thực
tại siêu nhiên như thế, con người chỉ còn một cách duy nhất là kêu lên như Tôma:
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Những mặc khải siêu nhiên của Thiên Chúa là phúc lành dành cho những người có
lòng tin tưởng, chứ không dành cho những ai chỉ muốn kiểm định và đánh giá mọi
sự theo hệ quy chiếu thuần lý của phàm nhân, vốn không thể định chuẩn cho những
thực tại linh thánh: “Chúa Giêsu bảo: Vì
đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga
20: 28).
Tin vào mầu nhiệm
Phục Sinh của Chúa Kitô là một quyết định cá nhân, một chọn lựa căn bản có sức
biến đổi cuộc sống của con người, từ những hạn hẹp của cảm xúc và sự mờ tối của
lý trí đến ánh sáng rực rỡ choáng ngợp của cõi linh thiêng, vốn đã được tỏ lộ
trước trong Cuộc Hiển Dung. Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu, như trong mơ, rằng:
“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!
Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông
Êlia. Ông không biết mình đang nói gì” (Lc 9: 33). Người ta chỉ có được ánh
sáng này bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ cá vị với Đấng Phục Sinh, trong một hoàn
cảnh cụ thể của cuộc sống, như của hai môn đệ trên đường Emmau: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài, nhưng
Ngài lại biến mất. Họ mới bảo nhau: Dọc đường, khi Ngài nói chuyện và giải
thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc
24: 31-32). Sáng kiến gặp gỡ và ý muốn tỏ lộ này luôn luôn khởi đi từ Thiên
Chúa, một cách nhưng không, vô điều kiện, bằng một lòng thương yêu vừa mãnh liệt
vừa dịu dàng, đầy an vui: “Chúa Giêsu đứng
giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em!” (Lc 24: 36). Phần việc của con
người là khiêm hạ chấp nhận những giới hạn mọi bề của mình để mở tâm trí và cõi
lòng ra đón lấy ánh sáng rạng ngời có sức mạnh đổi đời của Đấng đã chiến thắng
ngay cả giới hạn to lớn nhất của trần gian là sự chết.
2. Cùng Đấng Phục
sinh, tham gia vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Tin và đón nhận niềm vui bình an của Chúa Phục Sinh cũng là tham gia vào
kế hoạch yêu
thương của Thiên Chúa.
Sau khi
tỏ mình ra với các tông dồ, Chúa Phục sinh nhắc rằng sứ mệnh của họ đã được nói đến trước đó rồi và
sẽ được hoàn thành, giống như cái chết và sự phục sinh của Ngài:
· “Có lời Kinh
Thánh chép rằng: Chúa Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống
lại; phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu
gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24: 46-47).
Cái chết và sự phục
sinh của Chúa Giêsu là cốt lõi của Tin mừng. Và sự sám hối để được ơn tha tội cần
được các Kitô hữu công bố nhân danh Ngài. Đó là lời mời gọi của Đấng Phục Sinh,
rằng tất cả mọi người ở khắp mọi nơi cần tin vào Ngài và sám hối tội lỗi tối tăm
của mình. Thông điệp này cần được công bố nhân danh Ngài cho tất cả các dân tộc,
các quốc gia, bắt đầu từ Giêrusalem.
Mọi thứ trong trình
thuật Tin Mừng này đều mang tính mới lạ. Chúa Giêsu chết trên thập tự giá vì tội
lỗi con người, đó là điều mới lạ. Sống lại từ cõi chết, đó là điều mới lạ. Sám
hối để được ơn tha tội nhờ ơn đức tin vào Chúa Phục sinh cũng là điều mới lạ
Điều này không chỉ
dành cho người Do Thái, không chỉ dành cho dân riêng của Chúa. Điều này dành
cho tất cả mọi người, khắp mọi nơi trên thế giới. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở
thành một phần trong sự Phục Sinh của Ngài chứ không phải chỉ đứng ngoài chiêm
ngắm và ngưỡng mộ sự Phục Sinh đó. Càng phục vụ Chúa Giêsu và sứ vụ của Ngài,
chúng ta sẽ càng tin vào Ngài. Tham gia càng nhiều vào sự sống Phục Sinh của Ngài
thì chúng ta càng ít bị nguy cơ đứng ngoài lề như một người ngưỡng mộ đơn thuần.
Và nếu chúng ta cảm
thấy bị quá khứ trói buộc, chúng ta hãy giống như hai môn đệ trên đường Emmau để
Chúa Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Kinh
Thánh” (Lc 24:45) và giải thích cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã lên kế
hoạch xóa bỏ tội lỗi và cứu chữa sự yếu đuối của chúng ta. Cái chết của Ngài dưới
tay những kẻ tội lỗi, là chúng ta, lại biến thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta:
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã
mất” (Lc 19: 10) và Ngài: “là Chiên Thiên
Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1: 29).
Một trong những
chứng nhân lớn lao đầu tiên của niềm tin cậy này là vị Tông Đồ dân ngoại Phaolô.
Ngài đã nói lên niềm tin đầy hy vọng đó trước mặt vua Agrippa:
· “Kính thưa đức
vua Agrippa…Giờ đây tôi bị đưa ra toà
chính là vì hy vọng điều Thiên Chúa đã hứa cho cha ông chúng tôi…Chính vì niềm
hy vọng đó mà tôi bị người Do thái tố
cáo. Sao trong quý vị lại có người cho rằng việc Thiên Chúa làm cho kẻ chết sống
lại là chuyện không thể tin được?” (Cv 26: 6-8).
Vị Tông đồ can đảm
lấy chính quá khứ tội lỗi của mình ra để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh:
· “Về phần tôi,
trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách đểchống lại danh Giê-su người
Nadarét. Đó là điều tôi đã làm tại Giêrusalem. Được các thượng tế uỷ quyền,
chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ
phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức
họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước
ngoài mà bắt bớ họ. Thế là sau khi được các thượng tế trao quyền và uỷ nhiệm,
tôi lên đường đi Đamát. Kính thưa đức vua, đang khi đi đường, vào lúc trưa, tôi
đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt
trời, từ trời chiếu toả xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành. Tất cả
chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng
Hípri: Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!
Tôi hỏi: Thưa Ngài, Ngài là ai? Chúa đáp: Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.
Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi
làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều
Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do thái
và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời
bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xatan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được
ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến”
(Cv 26: 16-18)
Mỗi người chúng
ta là một người theo Chúa Kitô, chúng ta sống để loan truyền Tin Mừng Phục Sinh
này đến mọi người. Chúng ta có những hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng sứ mệnh đó
không chỉ dành cho một số ít người được gọi đến với Giáo Hội. Đây là đích sống của
mỗi Kitô hữu chúng ta, là cốt lõi của Tin Mừng. Vì vậy, thông điệp này phải được
thông truyền tới tất cả mọi người trên thế giới: “Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội
lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 8).
Lạy Chúa Giêsu Phục
sinh! Cuộc sống của chúng con luôn có những giờ phút tối tăm u buồn. Xin Chúa
có mặt với chúng con trong những thời khắc ấy, và tỏa chiếu một tia hy vọng,
giúp chúng con lấy lại niềm tin, sự an bình, để tiếp tục sống những ngày tháng
vui mừng trong sự phó thác, hy vọng vào tình thương của Chúa. Amen.
Phêrô Phạm Văn
Trung.