CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ CHỈ RA CON ĐƯỜNG HOÁN CẢI
Ba sách Tin Mừng nhất lãm đều kể lại câu
chuyện quỷ cám dỗ Chúa Giêsu sau khi Ngài chịu phép rửa từ sông Giođan (Mt
4:1-11; Mc 1:12-13; Lc 4: 1-13). Trong phép rửa ở sông Giođan, tiếng nói của
Chúa Cha mặc khải căn tính của Chúa Giêsu: “Con
là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3; 21). Chính Satan, khi
cám dỗ Chúa Giêsu, đã hai lần nêu rõ căn tính của Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (Lc 4:3,9). Satan
vin vào cớ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa để cám dỗ Ngài. Lý do quỷ viện dẫn thì
không sai, vì Chúa Giêsu quả thực là Con Thiên Chúa, nhưng những lý lẽ “mồi
chài” quỷ dùng để cám dỗ Ngài thì đầy mưu kế đánh lạc hướng, dưới vỏ bọc rất hấp
dẫn.
1. Ý nghĩa thực sự của căn tính Con Thiên Chúa.
Chúa Cha đã mặc khải Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã nghe rõ điều đó. Thế là quỷ muốn Chúa Giêsu thực hiện
phép lạ để chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa có quyền năng, nhưng lại là thứ quyền năng tự
quyết mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai khác. Cám dỗ này khiến chúng ta nhớ
đến cám dỗ mà hai ông bà nguyên tổ đã phạm phải trong Vườn Địa Đàng. Ma quỷ dưới
hình dạng con rắn đã rủ rê con người hãy coi chừng Thiên Chúa, hãy là các vị thần
giữa muôn loài, quyết định điều thiện và điều ác, thống trị mọi thứ vì lợi ích
của riêng mình: “Người đàn bà nói với con
rắn: Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa
vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải
chết. Rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết
ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những
vị thần biết điều thiện điều ác” (Stk 3: 2-5).
Quyền năng quyết định chuẩn mực thiện ác
chính là thứ mà con người tin rằng mình cần phải có. Cám dỗ cơ bản mà quỷ đặt
ra cho Chúa Giêsu, cũng như cho mỗi người chúng ta, là đặt mình vào tư thế tự
làm chủ chính mình, hành động của mình, số mệnh của mình, không cần đến Thiên
Chúa. Thế nhưng bản chất và giá trị của chúng ta không phải là một thứ lợi ích
mà chúng ta phải chiếm lấy và bảo vệ một cách ganh tị khỏi Đấng mà chúng ta cứ
nghĩ là muốn cướp mất quyền làm chủ của chúng ta. Tự bản chất, chúng ta là một
món quà Thiên Chúa ban cho, và chúng ta cần đón nhận trong sự tùy thuộc vào
Ngài, như những người con thảo. Bài đọc thứ nhất nói rõ mối tương quan của
chúng ta là những người con tùy thuộc vào một Thiên Chúa mạnh mẽ uy quyền luôn
cứu giúp con người: “Bấy giờ chúng tôi đã
kêu lên cùng Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Ngài đã nghe tiếng chúng
tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Chúa đã dang
cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ
điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập. Ngài đã đưa chúng tôi vào đây,
ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật” (Đnl 26: 7-9). Liệu mỗi
người chúng ta có vui mừng đón nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa, thay vì từ
chối, phớt lờ, thậm chí chống lại Ngài? Chúng ta có chạy đến với Ngài và “Lên tiếng thưa trước tôn nhan Chúa, Thiên
Chúa của anh em rằng: Bây giờ, lạy
Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con”
(Đnl 26: 5-10). Chúa Giêsu dạy chúng ta ý nghĩa và giá trị thực sự của việc làm
con cái Thiên Chúa là “sống nhờ mọi lời
miệng Thiên Chúa phán ra.”
2. Chúng ta không làm ra sự sống và chiếm hữu nó cho chính mình.
Trong lần cám dỗ đầu tiên, ma quỷ dựa
vào nhu cầu cơ bản chính đáng của Chúa Giêsu: “Trong những ngày ấy, Ngài không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì
Ngài thấy đói” (Lc 4: 2). Còn gì bình thường hơn thế nữa! Và nếu đó là nhu
cầu chính đáng thì người ta có quyền tìm cách nào đó để lấp đầy cơn đói này, nhất
là khi người ta có quyền lực để làm việc đó. Chính vì thế ma quỷ lên tiếng với
Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa
thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4:3). Cơn cám dỗ của cơm bánh gợi
nhớ cảnh tượng: “Con cái Israel kêu trách
ông Môsê và ông Aharon. Con cái Israel nói với các ông: Phải chi chúng tôi chết
bởi tay Chúa trên đất Ai cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê.
Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt
chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16: 2-3). Con người chúng ta
không có sự hợp nhất của thân xác, cảm xúc, suy nghĩ và ý chí, không phải vì được
Thiên Chúa tạo dựng như thế, mà vì ông bà nguyên tổ quyết nghe theo lời dụ dỗ của
con rắn và bỏ qua Lời Thiên Chúa, Đấng dựng nên họ. Nhưng Chúa Giêsu không phải
là một con người bị phân tán nội tâm như thế, Ngài là một con người hợp nhất trọn
vẹn, nghĩa là Ngài cảm xúc, suy nghĩ, lên tiếng và hành động hoàn toàn hợp nhất
với căn tính sâu xa của Ngài. Do vậy, trước khiêu khích của ma quỷ, Ngài đáp lại:
“Đã có lời chép rằng: Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4: 4).
Điều quan trọng nhất của Người Con Thiên
Chúa, cũng là của Kitô hữu chúng ta, là hướng về Chúa Cha, để nhận ra rằng mình
nhận được sự sống từ Ngài. Chúa Giêsu đã không nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga
4:34) đó sao? Chúa Giêsu thừa nhận rằng Ngài không ban sự sống cho chính mình, qua
thức ăn, nhưng trước tiên Ngài nhận được sự sống đó từ Chúa Cha. Lời kêu gọi của
ma quỷ hãy tự cung cấp thức ăn để giữ lấy sự sống của mình là sự thiếu tin tưởng
vào Chúa Cha, một sự đánh lừa khiến người ta lạc hướng. Sau này, Chúa Giêsu dạy
các tông đồ “Xin Cha cho chúng con lương
thực hàng ngày” (Lc 11: 3). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm
con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và
chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta” (đã dẫn trên, số 592).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng giải
thích rõ ràng hơn cho chúng ta ngày nay: “Lời
cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Chúa và Mình Thánh Chúa trong Bí
tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều
này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều
này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước
vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến” (bản toát yếu, số 593).
3. Không thờ phượng một đấng nào khác ngoài Thiên Chúa là Cha
Cơn cám dỗ về quyền thống trị cùng với
vinh hoa lợi lộc của muôn dân nước, nếu người ta bái lạy quỷ, gợi nhớ đến cảnh
tượng nổi tiếng về con bê vàng: “Ông
Aharon lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một
con bê. Bấy giờ họ nói Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất
Ai cập. Thấy vậy, ông Aharon dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to:
Mai có lễ kính Đức Chúa” (Xh 32: 1-5). Trong cơn cám dỗ này, ma quỷ thúc giục
Chúa Giêsu dựa vào những lời hứa của Thiên Chúa, để chiếm hữu vinh hoa lợi lộc
của muôn dân nước với chỉ một việc là bái lậy nó: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước
này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc
về ông” (Lc 4: 6-8). Thực ra Chúa Cha đã hứa với Chúa Giêsu: “Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước
làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa” (Tv 2: 8). Nhưng đó
là lời hứa về một ân huệ nhưng không, chứ không phải là quyền lợi được chiếm đoạt
bằng chính quyền lực của mình. Câu nói của quỷ là một lời dối trá và ngụy tạo.
Tất cả những gì mà Chúa Con, cả chúng ta nữa, có thể nhận được là từ Chúa Cha,
và chỉ khi trung thành với ơn gọi làm con của mình. Chính bằng cách trung thành
với lời Thiên Chúa, với phẩm giá là Con Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu, và chúng ta,
vốn cũng là con cái của Thiên Chúa qua phép thánh tẩy, sẽ nhận được những ân huệ
Thiên Chúa hứa ban.
Cơn cám dỗ cuối cùng gợi nhớ đến cảnh tượng
dân Israel thử thách Thiên Chúa: “Họ đã
đóng trại ở Rơphiđim…Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Môsê... Ông Môsê
đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái
Israel đã gây sự và thử thách Chúa mà rằng: Có Chúa ở giữa chúng ta hay không?”
(Xh 17: 1-7). Trong cám dỗ này, Satan muốn Chúa Giêsu chứng minh Ngài được
Thiên Chúa bảo vệ: “Nếu ông là Con Thiên
Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ
truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay
nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4: 9-11). Đúng là Chúa Giêsu, và mỗi
người chúng ta, được Thiên Chúa bảo vệ, như bài đáp ca nói: “Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối
Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng
tới nhà, bởi chưng Ngài truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và
thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91: 11-12). Cái
mưu chước thâm hiểm và độc hại của Satan là bẻ ổ bánh mì ra làm đôi, vì nửa ổ
bánh mì vẫn là bánh mì. Tuy nhiên, nửa sự thật không còn là sự thật, vì Satan cũng
trích dẫn Lời Chúa: “Vì đã có lời chép rằng:
Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ
tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4:10-11), nhưng lại không
nhắc đến Lời này: “Chúa phán: Kẻ gắn bó
cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi
kêu đến Ta, Ta liền đáp lại lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên” (Tv 91: 14-16).
Sự thật của kẻ được Thiên Chúa giải thoát, phù trì, đáp lại, là gắn bó cùng
Ngài, nhận biết danh Ngài, “nương tựa Đấng
Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối” (Tv 91: 1), chứ không phải
tìm cách làm những việc lạ lùng nhằm khơi dậy sự ngưỡng mộ từ người khác và tự
trấn an mình, tự mình trở thành bảo hiểm nhân thọ của chính mình. Chúa Giêsu không
làm bất cứ điều gì khác ngoài những gì Chúa Cha muốn, ngoài những gì Chúa Cha
yêu cầu. Ngài không cần Chúa Cha làm cho Ngài bất cứ điều gì phi thường để chứng
minh Ngài thực sự là Con Thiên Chúa. Lời mà Ngài nghe được từ Chúa Cha là đủ
cho Ngài, Ngài không thử thách Chúa Cha: “Đã
có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4:
12).
Đầu Mùa Chay, Giáo hội muốn nhắc nhở
chúng ta rằng sự hoán cải thực sự của người Kitô hữu chính là nhớ đến ơn gọi và
phẩm giá làm con Thiên Chúa của mình. Trở thành Con Thiên Chúa không phải là tìm
cách tôn vinh cái tôi, cũng không phải là hiện thực hóa mong muốn trở thành toàn
năng của chúng ta. Trở thành Con Thiên Chúa là tin cậy, thờ phượng chỉ một mình
Thiên Chúa và sống Lời Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng,
ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. Nếu
miệng bạn tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm
cho Ngài sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10: 8-10). Đây
chính là toàn bộ ý nghĩa của Mùa Chay: hoán cải, trở thành con cái đích thực của
Thiên Chúa, luôn hướng về Thiên Chúa trong niềm tin yêu, chờ ngày Ngài ban cho
chúng ta Ơn Phục Sinh.
Phêrô Phạm Văn Trung
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|