Giáo hội Công giáo dạy rằng đạo đức dựa trên phẩm
giá vốn có của mỗi con người, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống
Thiên Chúa. Do đó, Giáo hội công nhận tiềm năng trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng
theo cách tôn trọng hoặc vi phạm phẩm giá con người, tùy thuộc vào ý định và
hành động của những người tạo ra và sử dụng AI.
Giáo hội công nhận những lợi ích tiềm năng của
AI, chẳng hạn như cải thiện chẩn đoán y tế, giảm tác động đến môi trường và
nâng cao giáo dục. Tuy nhiên, Giáo hội cũng cảnh báo về những rủi ro và thách
thức do AI gây ra, đặc biệt là trong các lĩnh vực quyền riêng tư, quyền tự chủ
và trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, Giáo hội lo ngại về tác động của AI đối với
việc làm, sự gắn kết xã hội và lợi ích chung.
Giáo hội Công giáo nhấn mạnh sự cần thiết của một
cách tiếp cận có trách nhiệm đối với việc phát triển và sử dụng AI. Cách tiếp cận
này nên được hướng dẫn bởi các nguyên tắc về phẩm giá con người, công ích và
tình đoàn kết. Giáo hội cũng kêu gọi một cuộc đối thoại liên ngành giữa các
chuyên gia về công nghệ, đạo đức và thần học để giải quyết các tác động đạo đức
của AI.
Một trong những mối quan tâm chính với AI là khả
năng làm giảm quyền tự quyết và ra quyết định của con người. Giáo hội dạy rằng
con người có một địa vị đạo đức độc đáo, dựa trên khả năng lý trí, tự do và
sáng tạo của họ. Điều này có nghĩa là con người phải luôn là người đưa ra quyết
định cuối cùng khi nói đến các lựa chọn đạo đức. Mặc dù AI có thể hỗ trợ con
người trong việc ra quyết định, nhưng nó không nên thay thế hoặc không thèm đếm
xỉa gì đến phán đoán của con người.
Một mối quan tâm khác là tác động của AI đối với
quyền riêng tư và quyền tự chủ cá nhân. Giáo hội dạy rằng quyền riêng tư là một
khía cạnh thiết yếu của phẩm giá con người và các cá nhân có quyền kiểm soát
thông tin cá nhân của họ. Việc sử dụng AI phải tôn trọng các quyền này và không
được sử dụng để thao túng hoặc ép buộc các cá nhân. Ngoài ra, Giáo hội nhấn mạnh
tầm quan trọng của sự đồng thuận có hiểu biết về AI trong việc sử dụng AI, đặc
biệt là trong bối cảnh y tế.
Giáo hội Công giáo cũng nhận ra khả năng AI có
thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và gạt nhiều người ra ngoài lề
xã hội hiện nay. Như vậy, Giáo hội kêu gọi dấn thân cho công ích, vốn đòi hỏi
phải thăng tiến hạnh phúc của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là những
người dễ bị tổn thương nhất. Việc sử dụng AI không được ưu tiên lợi nhuận hoặc
quyền lực hơn lợi ích chung và không được sử dụng để duy trì các hệ thống áp bức
hoặc phân biệt đối xử.
Ngoài những nguyên tắc chung này, Giáo hội Công
giáo có những giáo huấn cụ thể về AI trong những bối cảnh nhất định. Ví dụ,
trong lĩnh vực công nghệ quân sự, Giáo hội dạy rằng việc sử dụng vũ khí tự ra
quyết định là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Những vũ khí này, có thể
hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người, gây ra mối đe dọa đối với cuộc
sống dân sự và các nguyên tắc về sự tương xứng và phân biệt đối xử trong chiến
tranh.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Giáo hội công
nhận những lợi ích tiềm năng của AI trong việc cải thiện chẩn đoán và điều trị,
nhưng cũng cảnh báo về những nguy hiểm khi sử dụng AI để giảm sự tiếp xúc và
chăm sóc của con người. Giáo hội nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối con
người và lòng trắc ẩn trong chăm sóc sức khỏe, đồng thời kêu gọi cân bằng cẩn
thận giữa việc sử dụng AI và vai trò của những người chăm sóc người bệnh.
Giáo hội Công giáo cũng công nhận tiềm năng của
AI được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục, nhưng cảnh báo chống lại sự phụ thuộc
quá mức vào AI đến độ thay thế hoặc loại bỏ người giảng dạy. Giáo hội nhấn mạnh
tầm quan trọng của sự tương tác cá nhân và cố vấn trong giáo dục, đồng thời cảnh
báo việc sử dụng AI thay thế cho các mối tương quan của con người.
Cuối cùng, Giáo hội Công giáo nhận ra tầm quan
trọng của trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong việc phát triển và sử
dụng AI. Giáo hội kêu gọi các hướng dẫn và tiêu chuẩn đạo đức được phát triển bởi
các nhóm liên ngành và sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm xã hội dân
sự và các cộng đồng bị gạt ra bên lề. Giáo hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của
việc liên tục phản ánh và đánh giá tác động của AI đối với xã hội và sự cần thiết
phải cam kết sửa chữa mọi tác động tiêu cực.
Tóm lại, Giáo hội Công giáo dạy rằng việc phát
triển và sử dụng AI phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc về phẩm giá con người,
lợi ích chung và tình đoàn kết. AI có tiềm năng mang lại lợi ích cho xã hội,
nhưng cũng đặt ra những rủi ro và thách thức cho nhân loại. [1]
Đức
Thánh Cha Phanxicô nêu bật việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức

Đức Giáo Hoàng
Phanxicô phát biểu trước các thành viên của Đối thoại Minerva 2023 (Credit:
Vatican Media)
Vào thứ Hai 27 tháng Ba 2023, tại Vatican, Đức Thánh Cha
Phanxicô kêu gọi các nhà khoa học và chuyên gia từ thế giới công nghệ sử dụng
trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức,.
Tin
chắc vào những lợi ích tiềm năng của trí tuệ nhân tạo và của lãnh vực học máy,
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi chắc chắn rằng tiềm năng này sẽ chỉ
được hiện thực hóa nếu có một cam kết liên tục và nhất quán từ phía những người
phát triển những công nghệ này để hành động một cách có đạo đức và có trách
nhiệm.”
Đức
Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà khoa học và chuyên gia từ thế giới công
nghệ và đại diện của Giáo hội tại một cuộc họp do Bộ Giáo dục và Văn hóa của
Vatican tổ chức.
Hội
nghị nhằm mục đích nghiên cứu và nâng cao nhận thức về tác động xã hội và văn
hóa của công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Đức
Thánh Cha nhấn mạnh: “Thật yên tâm khi biết rằng nhiều người trong các lĩnh vực
này đang làm việc để đảm bảo rằng công nghệ vẫn lấy con người làm trung tâm,
dựa trên nền tảng đạo đức và hướng tới điều tốt đẹp.”
Đức
Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng công nghệ “vô cùng có lợi” cho gia đình nhân
loại, đặc biệt là trong các lĩnh vực y học, kỹ thuật và truyền thông.
Đức
Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng cuộc đối thoại giữa những người tin và
người không tin về những vấn đề cơ bản của đạo đức, khoa học và nghệ thuật, và
về việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, là con đường dẫn đến hòa bình và phát
triển con người toàn diện.”
Ngài
đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm “thúc đẩy
tiến bộ thực sự, đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn và chất lượng cuộc sống
cao hơn một cách toàn diện.”
Đức
Thánh Cha Phanxicô nói: “Do đó, tôi khuyến khích quý vị, trong các cuộc thảo
luận của mình, hãy coi phẩm giá nội tại của mỗi con người, nam giới và phụ nữ,
là tiêu chí chính trong việc đánh giá các công nghệ mới nổi lên; những điều này
sẽ được chứng minh là có đạo đức chừng nào chúng còn giúp tôn trọng phẩm giá đó
và tăng cường sự thể hiện của nó ở mọi cấp độ của cuộc sống con người.”
Đức
Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự phát triển thực sự của đổi mới khoa học và công
nghệ phải đi kèm với sự bình đẳng hơn và hòa nhập xã hội.
Ngài
nói: “Khái niệm về phẩm giá nội tại của con người đòi hỏi chúng ta phải nhận ra
và tôn trọng thực tại rằng giá trị cơ bản của một người không thể được đo lường
chỉ bằng dữ liệu.”
Đức
Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các nhà khoa học và chuyên gia phải thận trọng về
việc giao phó các năng lực suy xét cho các thuật toán xử lý dữ liệu vốn thường
được thu thập một cách lén lút, dựa trên bản chất và hành vi trước đây của một
cá nhân trong quá trình ra quyết định kinh tế và xã hội.
Đức
Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cho phép các thuật toán hạn chế hoặc thiết
lập điều kiện cho sự tôn trọng phẩm giá con người, hoặc loại trừ lòng trắc ẩn,
lòng thương xót, sự tha thứ và trên hết là niềm hy vọng rằng con người có thể
thay đổi.” [2]
Chuyển
ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] TJ Burdick, 8 tháng 3 năm 2023, https://catholicexchange.com/morality-in-artificial-intelligence/
[2] RVA
News, 29, tháng 3 năm 2023, https://www.rvasia.org/vatican-news/pope-francis-highlights-ethical-use-artificial-intelligence