Sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa loài người là dành cho tất cả mọi người,
cho tất cả chúng ta, cho cả những người coi mình là người tuân giữ lề luật một cách
nghiêm ngặt, như những người Pharisêu và các kinh sư, cũng như cho cả những người
bị coi là người tội lỗi và những người thu thuế: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Chúa Giêsu để
nghe Ngài giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông
này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15: 1-2). Sự hiện diện
đó là một lời loan báo tình thương, mời gọi mọi người hối cải, quay trở về với
Thiên Chúa, là Người Cha Nhân Lành. Qua dụ ngôn người con hoang đàng hôm nay,
Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: Người Cha của
tất cả mọi người. Ngài mong muốn chúng ta đến với bữa tiệc tràn đầy niềm vui và
một cuộc sống trong tình yêu đầy lòng thương xót và trắc ẩn của Ngài. Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta hãy vui mừng trong tình Cha bao dung của Thiên Chúa.
1. Chúng ta có phải là người con thứ không?
“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được
hưởng” (Lc 15: 12). Câu trả lời của người cha là gì? Ông cho người con thứ những
gì anh ta yêu cầu và cho luôn người con cả những gì anh ta chưa yêu cầu: “Và người cha đã chia của cải cho hai con”
(Lc 15:12). Ông không bàn luận thêm gì cả. Ông cho đi vô điều kiện, không đòi hỏi
bất cứ điều gì đáp lại. Ông quá yêu các con của mình nên không do dự hay tính
toán so đo. Thiên Chúa cũng đối đãi với chúng ta như thế. Ngài đổ đầy tình yêu
của Ngài vào chúng ta. Ngài đổ đầy vào chúng ta những ân sủng của Ngài, một
cách nhưng không, không cần chúng ta phải có gì xứng đáng với những ân sủng đó.
Thiên Chúa không phải là người để chúng ta đổi chác hay đề phòng! Tôi đưa bạn
cái này; nhưng bạn phải đưa cho tôi cái kia, nếu không thì hãy coi chừng! Không
phải thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta tình yêu thương của
Ngài, không đặt ra một điều kiện nào trước đó.
“Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi
trẩy đi phương xa” (Lc 15: 13). Người con thứ không nói một lời nào cảm ơn
cha mình. Có lẽ anh ta nghĩ rằng cha mình đã dành dụm số tiền này thì đương
nhiên là để cho anh ta! Vì vậy, anh ta cầm số tiền này và ra đi, cắt đứt liên hệ
với Cha mình. Anh ta trẩy đi phương xa, rất xa, để Cha anh ta không can thiệp
vào cuộc sống của anh ta và không thể gặp anh ta ở bất cứ nơi đâu nữa! Anh ta sẽ
sống theo ý riêng của mình, sống phóng đãng không cần sự dạy dỗ của cha mình! Tất
nhiên, khi chạy theo thú vui của mình, tiền của anh ta sẽ nhanh chóng cạn hết! Lối
sống sai lầm này đã dẫn anh ta đến sự hủy diệt!
Nhưng đây chẳng
phải là cách cư xử của chúng ta với Thiên Chúa hay sao? Thiên Chúa dạy chúng ta
phải tôn trọng một số quy tắc sống, ví dụ như mười điều răn, nhưng vì sự thoải mái, vì lòng kiêu hãnh, vì muốn
đánh bóng hình ảnh mình trong mắt người khác, chúng ta quên các quy tắc căn bản
đó để sống theo cách mình thích. Giống như người con thứ, chúng ta từ chối cúi
đầu trước uy quyền của Cha mình, chúng ta từ chối vâng lời và không công nhận sự
khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương, chỉ bảo chúng ta cách làm chủ những
dục vọng và kiềm chế những ham muốn cá nhân của chúng ta. Gốc rễ tội lỗi của
chúng ta nằm ở thói kiêu ngạo, ước muốn tự do vô độ, thói ích kỷ của chúng ta.
Giống như người con thứ, chúng ta muốn làm những gì chúng ta muốn, theo cách
chúng ta muốn. Giống như người con thứ, chúng ta tự cho rằng mình đủ mạnh mẽ để
đối mặt với cuộc sống và tự đưa ra quyết định mà không thèm để ý đến Lời của Thiên
Chúa là Cha: tại sao phải bận tâm đến Lời của Thiên Chúa chứ? Giống như người
con thứ, chúng ta muốn hưởng lợi từ tài sản của Cha, nhưng không muốn đền đáp lại
Cha bất cứ điều gì, dù điều đó sẽ mang lại cho chúng ta vô vàn ân phúc khác
nhau: “Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả
chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên
Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có”
(Ga 1:16-17).
Chỉ cần sống chậm
lại đôi chút để xem xét cuộc sống của mình, nhất là trong Mùa Chay Thánh này, chúng
ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chúng ta thường phung phí những ơn mà Thiên Chúa
đã ban cho chúng ta vì tình thương của Ngài! Có lẽ chúng ta cần phải dành thời
gian để im lặng, để cầu nguyện riêng và thực sự hồi tâm trước Thiên Chúa để
nhìn vào tất cả các ân sủng mà Ngài đã ban cho chúng ta, vào những gì chúng ta
đã làm và vẫn đang làm ngày hôm nay với tất cả các ân sủng đó. Chúng ta nên thực
lòng bước ra khỏi bóng tối chết chóc: “Bấy
giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm
dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha”
(Lc 15: 17). Chính điều này giúp chúng ta nhận ra sự thật hoang đàng của chính
mình, biết hối cải, quay trở về cầu xin Thiên Chúa tha thứ: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với
cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15: 21).
Người cha không đặt
ra bất cứ điều kiện nào cho sự trở về của người con thứ, ông không yêu cầu con
mình phải giải thích gì về quá khứ hoặc hứa quyết gì về tương lai. Ông không tự
hỏi liệu con trai mình có lại bỏ đi và phung phí những gì ông đã trao phó cho
nó một lần nữa không. Ông không chấp nhận con mình ở trong nhà mình như một người
làm công. Không, không có một nghĩ suy nào như vậy, chỉ đơn giản là tình yêu vô
biên xóa bỏ mọi lỗi lầm vô điều kiện. Ông ngay lập tức trả lại cho người con thứ
địa vị là một người con: “Mau đem áo đẹp
nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt
con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà
nay sống lại,đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng”
(Lc 15:22-24).
Chúng ta biết rõ
rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Hôm nay chúng ta đối xử với Thiên Chúa như
thế nào? Chúng ta có sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa không, hay chúng ta cứ
tiếp tục “ngó lơ Thiên Chúa”, lợi dụng ơn ban của Ngài để vùi mình vào những ham
mê nhục dục của mình, khoe mình trước mặt người đời, bất kể những giới luật của
Thiên Chúa?
2. Chúng ta có phải là người con cả không?
“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng.
Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người
đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: Em cậu đã về, và cha cậu
đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận
và không chịu vào nhà” (Lc 15: 25-28). Chúng ta chẳng phải cũng giống như
người anh cả này sao; khi chúng ta từ chối chào đón người khác cùng với những
đau khổ của họ? Chúng ta có luôn nhắc lại những lỗi lầm xưa cũ của họ, mặc dù họ
đã cầu xin tha thứ, đã thay đổi cuộc sống? Chúng ta không thể nói rằng chúng ta
yêu Thiên Chúa là Cha của chúng ta nếu chúng ta không yêu người lân cận là anh
em của mình. Từ kinh nghiệm sống của mình chúng ta hiểu rõ rằng ai cũng cần sự
tin tưởng và tha thứ của những người chung quanh để được hạnh phúc và bình an. Không
phải chúng ta cũng đã từng bao lần chịu cái nhìn phán xét của người khác dành
cho mình đó sao?
Người cha “ra năn nỉ” (Lc 15: 28). Người cha không
phân biệt, ông yêu thương cả hai người con như nhau và đối xử với cả hai với
cùng một tình thương. Thiên Chúa không chỉ mãi mong ngóng tội nhân rời xa Ngài
quay trở về, Ngài cũng mãi năn nỉ những người tưởng như vẫn gần gũi bên Ngài,
nhưng thực ra lại không có lòng thương xót trắc ẩn như Ngài. Ngài van nài họ bước
vào bữa tiệc chia sẻ niềm vui của Ngài khi có một tội nhân ăn năn hối cải trở về.
Người con cả trút
hết cơn giận dữ, và sự kiêu ngạo của mình: “Cha
coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà
chưa bao giờcha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng
con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về,
thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 29-30). Chúng ta chẳng phải cũng giống
như người anh cả này sao? Tôi là người công chính luôn vâng lời Chúa, thế mà
Chúa không mở tiệc mừng cho tôi, còn kẻ tội lỗi, kẻ vô giá trị này, Chúa lại
đón tiếp và mở tiệc chiêu đãi! Rõ ràng rằng điều người con cả mong muốn là “thực
thi công lý” theo kiểu: “Nó đã phạm tội nên nó phải trả giá! Nó đã rời khỏi
nhà, nó không cần phải quay trở lại nữa! Nó đã phung phí của cải của mình, vậy nó
đừng đến lấy của cải của người khác, nhất là của cải của tôi!”
Đã bao nhiêu lần
chúng ta không cư xử như người cha, là Thiên Chúa, đối với những người có tội sống
quanh chúng ta: “Chúng ta phải ăn mừng,
phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”?
(Lc 15: 31-32). Có bao nhiêu lần chúng ta đã không tha thứ những người đã làm tổn
thương chúng ta cách này hay cách khác?
Thiên Chúa cũng
nói với chúng ta điều tương tự “Chúng ta
phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống.” Chúng ta
hãy thực sự vui mừng và chào đón hết lòng những anh chị em đã lạc xa Thiên Chúa
nay ăn năn hoán cải. Chúng ta đừng quên rằng mỗi chúng ta cũng là tội nhân, và
chúng ta cũng cần sự tha thứ không chỉ từ Thiên Chúa mà còn từ anh chị em của
mình.
3. Tình yêu Thiên Chúa mãi tìm kiếm con
người
Đây là niềm vui
trọn vẹn của Thiên Chúa, cũng chính là niềm vui của Chúa Giêsu. Nỗi đau khổ của
Chúa Giêsu là thấy chúng ta không nhận ra tình yêu tự hiến và vô điều kiện của Thiên
Chúa Cha, cũng là của Ngài, vốn là nguồn gốc của mọi niềm vui: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những
điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con”
(Ga 17: 13).
Trái tim của Chúa
Cha không mong muốn những gì đi ngược lại tình yêu của Ngài. Qua Chúa Thánh Thần,
Ngài liên tục hoạt động trong chúng ta và giữa chúng ta để chúng ta có thể hòa
giải với Ngài. Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ nhất, khuyên chúng ta hãy để
mình được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô: “Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua,
và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Chúa
Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài…Thật vậy, trong Chúa Kitô, Thiên
Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Ngài…Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì
Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho
chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5: 17-21).
Phêrô Phạm Văn Trung