Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa chính là trọng tâm của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Thánh sử Luca
hiểu sâu và diễn tả rõ tình yêu xót thương của Chúa Cha được thể hiện nơi Chúa
Giêsu, đặc biệt là đối với người nghèo, những người đau khổ, những người bị xã
hội gạt ra ngoài lề. Trình thuật hôm nay của thánh sử về cuộc Khổ nạn, việc
Đóng đinh, sự Tử nạn của Chúa Giêsu vẫn giới thiệu cho chúng ta một Thiên Chúa
đầy lòng thương xót, dịu dàng và tha thứ. Ngày nay, Chúa Kitô vẫn nhìn chúng ta
với sự dịu dàng, và tỏ bày với chúng ta: “Thầy
đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27), như một người
tôi tớ. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cùng bước với Chúa Kitô vào
mầu nhiệm tình yêu cao cả của một Thiên Chúa hiến thân chịu khổ hình, chịu chết
và Phục sinh để cứu độ nhân loại.
1. Người Tôi Trung của Thiên Chúa.
Gương mẫu lớn lao
nhất về phục vụ chính là Chúa Giêsu. Ngài đã sống một cuộc đời phục vụ. Ngài đến
trần gian không phải để làm hài lòng chính mình. Ngài sống để làm vui lòng Chúa
Cha, và Ngài đến để phục vụ nhân loại: “Tôi
tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai
tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ
không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:
38-39). Khi các môn đệ của Ngài “cãi nhau
sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất” thì Ngài dạy bảo các ông
rằng: “Vua các dân thì dùng uy mà thống
trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không
phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi
nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22: 25-26). Hành động
phục vụ cuối cùng của Chúa Giêsu sắp xảy đến: hiến dâng mạng sống mình cho người
khác, qua cuộc khổ nạn, bị đóng đinh, và chết trên thập tự giá, như đã được
ngôn sứ Isaia tiên báo trong bài đọc thứ nhất: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Chúa là Chúa Thượng phù trợ
tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình
sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50: 4-7).
Henri Nouwen viết: “Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa
trở nên tôi tớ. Thật khó để chúng ta hiểu rằng chúng ta được cứu thoát bởi một
người đã trở nên không có quyền lực, chúng ta được tăng sức mạnh bởi một người
đã trở nên yếu đuối, chúng ta tìm thấy hy vọng mới ở một người đã từ bỏ mọi biệt
đãi, và chúng ta tìm thấy một nhà lãnh đạo ở một người đã trở thành tôi tớ”
(Compassion: A Reflection of the Christian Life). Đây chính là điều thánh
Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Chúa
Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây
thập tự” (Pl 2: 6-8).
Chúa Giêsu cho
chúng ta thấy một cuộc sống phục vụ như thế này sẽ dẫn đến đâu: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với
Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc
cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với
Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Lc
22:28-30 ). Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ của mình rằng sự gắn bó của họ với
Ngài sẽ được đền đáp trong thời đại sắp đến. Họ sẽ có được sự đền đáp đó không
bằng cách nào khác ngoài sự gắn bó với Ngài trong việc phục vụ, chứ không phải tìm
cách trở thành người lớn nhất.
Việc Chúa Giêsu hiến
dâng mạng sống của Ngài vì chúng ta là một hình mẫu cho chúng ta noi theo: phục
vụ người khác theo cùng một cách mà Ngài đã phục vụ chúng ta.
2. Chúa Giêsu là ai đối với mỗi người chúng ta ?
Bài Thương khó trong
Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay - còn gọi là Chúa Nhật Khổ nạn - cho thấy có nhiều nhân vật vây quanh Chúa
Giêsu: các nhà chức trách tôn giáo như Caipha, các nhà cầm quyền chính trị như
Philatô, Hêrôđê, các môn đệ của Chúa Giêsu như Giuđa, Phêrô, và các môn đệ
khác, Simon thành Xirênê, tên trộm lành, Giuse thành Arimathia, những người phụ
nữ đi theo Chúa Giêsu, viên đại đội trưởng, những người lính.
Qua đám đông những
người theo Chúa Kitô hoặc chống lại Ngài, thánh Luca giới thiệu cho chúng ta một
Chúa Kitô luôn đầy lòng thương xót, từ bi, nhân hậu và tha thứ, ngay cả trong
những khoảnh khắc đau đớn nhất. Ngài là một Thiên Chúa đã trở nên như người phục
vụ: “Kẻ làm đầu thì phải nên như người phục
vụ” (Lc 22: 25-26). Thậm chí trong những khoảnh khắc đau đớn nhất, Chúa
Giêsu vẫn chữa lành cho kẻ đi bắt Ngài: “Thế
rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải.
Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng: Thôi, ngừng lại. Và Ngài sờ vào tai tên đầy tớ mà
chữa lành” (Lc 22: 50-51).
Trong cuộc Khổ nạn,
Chúa Giêsu cho thấy Ngài vẫn luôn như vậy: Ngài an ủi các môn đệ: “Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha
Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc
của Thầy” (Lc 22: 29-30), an ủi những người phụ nữ thành Giêrusalem: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc
thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:
28), Ngài tha thứ cho những kẻ hành hình Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23: 34),
cũng như tên tội phạm trên thập giá: “Tôi
bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23: 43),
Ngài chết trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23: 46). Chính
như vậy mà khi đó viên sĩ quan ngoại giáo nhận ra rằng Ngài là một người công
chính: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên
đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: Người này đích thực là người
công chính” (Lc 22: 47).
Blaise Pascal đã
nói: “Chúa Giêsu sẽ phải đau khổ cho đến
tận thế” (Blaise Pascal, Pensées, 553) Cuộc khổ nạn của Chúa vẫn tiếp diễn
cho đến ngày nay. Người ta vẫn chế nhạo Ngài và những người tin vào Ngài. Người
ta vẫn cố gắng kết án tử hình Ngài, làm cho Ngài biến mất khỏi cuộc đời của họ,
ra sức chứng minh rằng Ngài là kẻ bịp bợm hoặc không có thật. Suốt 2000 năm,
phiên tòa này được lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác, thế kỷ này qua thế kỷ
khác.
Câu nói trên của
Pascal còn vế thế hai: “Chúng ta không được
ngủ mê trong thời gian này.” Qua tất cả những nhân vật này, mỗi người chúng
ta được kêu gọi tỉnh táo, tự hỏi mình là nhân vật nào trong số những nhân vật
này và mỗi người chúng ta có mối tương quan nào với Chúa Giêsu. Hay chúng ta
cũng đã kết án tử hình Ngài, loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời của chúng ta? Liệu Ngài
còn bóng dáng gì trong tâm tưởng của chúng ta không, hay đã trở thành một ký ức
xa vời mờ mịt không chút liên quan gì đến nghĩ suy, diễn ngôn, hành vi và lối sống
mỗi ngày của chúng ta?
Lời Chúa Giêsu nói
với Phêrô khi xưa hẳn cũng là nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm
nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (Lc 22:
34). Chúng ta hãy khiêm hạ xin Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta như Ngài đã cầu
nguyện cho Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho
anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22: 32). Rồi sau đó chính chúng ta, đến
lượt mình, khi đã biết mình là kẻ sa ngã nhưng được Chúa Kitô xót thương vực dậy,
cũng biết khiêm hạ xót thương những người khác: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”
(Lc 22: 32). Chính thánh Phêrô khuyên bảo: “Như
những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia,
lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên
giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh
thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1: 14-16). Thánh nhân khẳng định: “Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những
con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh
em” (1 Pr 2: 25).
3. Những lời trăn trối của một Thiên Chúa yêu thương
Trong Tin Mừng của thánh Luca, trên thập tự
giá, Chúa Giêsu đã nói ba lời không được đề cập trong các sách Tin Mừng khác và
cho thấy căn tính của Thiên Chúa là tình yêu.
· “Lạy
Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 22: 34)
Đây là tiếng kêu thương
xót lớn nhất mà Chúa Giêsu, cũng là Thiên Chúa, dành cho mỗi người và tất cả mọi
người chúng ta, những người con hoang đàng tự ý từ bỏ Người Cha nhân hậu của
mình. Tiếng kêu tha thứ này vang lên giữa những lời lăng mạ và chế giễu của đám
đông dân chúng, các thủ lãnh chính trị và tôn giáo, những quân lính.
Trong suốt cuộc đời
mình, Chúa Kitô rao giảng về lòng thương xót và sự tha thứ. Ngài yêu cầu các
môn đệ của mình tha thứ không chỉ cho bạn bè mà còn cho kẻ thù. Ngài khẳng định
rằng người ta phải tha thứ luôn mãi, không tính toán, không giới hạn: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần,
rồi bảy lần trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó”
(Lc 17: 4). Trong dụ ngôn về người con hoang đàng, Chúa cho chúng ta thấy cảnh
người Cha ăn mừng vì đứa con “đã chết mà
nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 24). Chúa Kitô, dù bị đối
xử như một tội phạm công khai và bị kết án tử hình tàn khốc và bất công, bị
đóng đinh giữa hai tên trộm, Ngài vẫn có tình yêu trắc ẩn và lòng xót thương để
tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ
không biết việc họ làm” (Lc 22: 34).
· “Hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 22: 43)
Trong suốt cuộc đời
mình, Chúa Giêsu đã nói bằng lòng nhân từ và tình yêu thương với rất nhiều người:
Maria Mađalêna, Gia kêu, những người phong hủi, người phụ nữ Samaria, những người
bệnh, người phụ nữ ngoại tình, Nicôđêmô, Giuse thành Arimathia, Phêrô, v.v. Bây
giờ, Ngài đón nhận tên tội phạm bị đóng đinh cùng với Ngài: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng.” Trước ngưỡng cửa cái chết, Chúa Giêsu đã mở ra cho người bất hạnh
này một viễn cảnh hy vọng và sự sống. Qua nhiều thế kỷ, Chúa Kitô vẫn mang lại
niềm hy vọng này cho muôn ngàn người khác. Ngài vẫn tiếp tục làm như vậy cho mỗi
người chúng ta mãi đến hôm nay.
· “Con
xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23: 46)
Thánh Luca cho
chúng ta biết rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện vô nghĩa:
đó là một hành động yêu thương, một con đường đến với Chúa Cha. “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”
Chúa Kitô sống trong sự hiệp thông chặt chẽ với Cha Ngài và giờ đây, trong nỗi
thống khổ ở Vườn Giệtsimani và những đau khổ của cuộc đóng đinh, Ngài tin tưởng
phó thác bản thân mình trong tay Thiên Chúa Cha, Đấng biết Chúa Kitô chính là Chúa
Con, và Chúa Con biết rõ Thiên Chúa ấy là Cha: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai,
trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà
người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10: 22).
Lạy Chúa Giêsu, là
Vua đích thực và khiêm hạ, dân chúng chào đón Chúa là Đấng Cứu Thế. Xin ban cho
chúng con đức tin và lòng mến Chúa, để chúng con cùng bước đi với Chúa trên con
đường thập giá dẫn đến cái chết đau thương của Chúa, mà Chúa đã tự nguyện đón
nhận để cứu độ chúng con. Xin giúp chúng con mỗi khi chiêm ngắm Chúa trên
thập giá được ơn xác tín hơn vào tình thương bao la của Chúa dành cho chúng
con. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung