TẤM LÒNG CHÂN THÀNH
Ron Rolheiser nói đại ý như sau: Nếu một người
con chỉ nói
“Con thương bố mẹ” khi người con ấy thực sự cảm nhận được cảm xúc yêu thương đó,
thì người con ấy sẽ không thể thường xuyên bày tỏ tình yêu dành cho bố mẹ được.
Và nếu như chúng ta chỉ cầu nguyện khi thực sự cảm thấy thích cầu nguyện, thì
chúng ta cũng sẽ không thể cầu nguyện thường xuyên được. Khi hai vợ chồng nói rằng,
“Anh yêu Em / Em yêu Anh” vào những lúc mà cảm xúc của họ không như lời nói, hoặc
khi chúng ta đọc kinh cầu nguyện mà cảm xúc của chúng ta không thấy gì sốt sắng,
thì không phải là chúng ta đang giả hình hay chỉ làm cho xong việc bề ngoài,
nhưng là chúng ta đang thực sự bày tỏ những thực tại sâu xa hơn. [1]
Hình thức nghi lễ là điều cần thiết như một cách
biểu lộ tình yêu và sự tôn trọng mối tương quan giữa chúng ta với nhau, trong
gia đình, ngoài xã hội. Đọc kinh, đi nhà thờ, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện. chung
hoặc riêng, kể cả khi chúng ta không có một chút cảm giác sốt sắng lâng lâng nào,
thì đó vẫn là một hành động đức tin, một đức tin đậm nét.
1.
Một Pharisêu ẩn sâu trong chúng ta
Tuy nhiên, trong thực hành đức tin, trong khi sống
mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, nếu đọc kinh mà lòng dạ chúng ta xa cách
ý nghĩa của lời
kinh đang đọc trên
môi miệng hàng vạn dặm thì hẳn có vấn đề rồi. Hơn nữa, đi nhà thờ hay đọc kinh liệu
có ích gì khi chúng ta, qua những việc này, muốn phô trương thanh thế trước mắt
những người khác, nhân danh hội đoàn, ca đoàn, hiệp hội đạo đức này nọ? Thật vậy,
những lúc như thế, việc đi nhà thờ và đọc những lời kinh, lẽ ra giúp tâm hồn chúng ta hướng lên cùng Chúa, thì lúc này lại biến
thành một thứ hình thức trống rỗng ý nghĩa, nhiều khi chỉ là lặp đi lặp lại những
nghi thức, những lời kinh như một con vẹt, có khi lại còn làm cho lòng dạ chúng ta qui về cái tôi
vốn luôn luôn ngấm ngầm đố kỵ, ganh ghét, tranh giành thể hiện bản thân,
hạ thấp những người khác, dưới cái vỏ thực hành tôn giáo, một kiểu trang sức
cho chính mình.
Đây là điều Chúa Giêsu cảnh báo trong trình thuật
Tin Mừng hôm nay: “Ngôn sứ Isaia thật đã
nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân
này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc
7:6). Chắc chắn “những người Pharisêu và
một số kinh sư tụ họp quanh Chúa Giêsu” (Mc 7:1) biết rõ điều này hơn ai hết
vì,
chính trong Sách thánh
họ thường đọc, ngôn sứ Isaia đã từng nói, và hôm nay Chúa Giêsu
nhắc lại cho họ: “Chúng có thờ phượng Ta
thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Isaia 29:13). Có điều
là những người Pharisêu hãnh tiến và kiêu ngạo lại cứ coi mình là những người
tuân giữ lề luật cách chu đáo: “Thật vậy,
người Pharisêu cũng như mọi người Dothái đều nắm giữ truyền thống của tiền
nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng
phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén
bát, bình lọ và các đồ đồng” (Mc 7:2-4) thậm chí tỉ mỉ đến độ chi li, không
còn biết mình giữ lề luật như thế có mục đích tâm linh gì. Họ còn khinh chê những
người nghèo, những người bình dân, bằng cách công khai cho rằng những người này
kém hiểu biết và không tuân giữ những tập tục của các tổ phụ và những lời giải
thích của các kinh sư Do Thái. Chính vì thế hôm nay họ mới thắc mắc: “Họ thấy vài môn đệ của Ngài dùng bữa mà tay
còn ô uế, nghĩa là chưa rửa... Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Chúa Giêsu, sao
các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà
dùng bữa?” (Mc 7:2,5).
Dần dần người Pharisêu và các kinh sư áp đặt một mạng lưới lề luật tôn
giáo tinh vi chặt chẽ, khiến dân chúng và chính họ trở nên mù quáng và cuồng
tín. Nhiều khi họ không còn khả năng phản tỉnh về chính mình, và do đó quên rằng
giá trị cuối cùng của con người không hệ tại những gì người ta làm mà hệ tại ý
hướng trong cõi lòng khi người ta tuân giữ lề luật. Chúa Giêsu hôm nay long trọng
tuyên bố: “Xin mọi người nghe tôi nói
đây, và hiểu cho rõ. Không có cái gì
từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được;
nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có
tai nghe thì nghe!” (Mc 7:15).
Điều Chúa Giêsu thực sự muốn nơi những người bước đi theo Ngài, với tư
cách là môn đệ của Ngài, là một tâm trí và tấm lòng chân thật, luôn hướng về
Thiên Chúa, không giả hình như những người Pharisêu và các kinh sư “lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho
nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mc 7:13). Thực vậy, Chúa Giêsu không chỉ
đơn giản là buộc tội những người Pharisêu và các kinh sư về sự giả hình của họ,
Ngài cũng đang chỉ ra và cảnh báo rằng trong tâm trí và cõi lòng của chúng ta,
những người bước đi theo Ngài, vẫn có thể tồn tại những kiểu Pharisêu và kinh
sư không khác mấy với thời của Ngài, vì bất cứ ai cũng có thể trở thành thứ pharisêu
và kinh sư vốn được nuôi dưỡng bằng loại men giả hình và ẩn kín trong thâm tâm
của họ.
2. Quy hướng về Thiên
Chúa từ nội tâm và sự chân thật
Điều quan trọng nhất đối với mỗi người chúng ta là hành trình hướng về
Thiên Chúa cần phải xuất phát từ nội tâm và sự chân thật. Chúng ta cần thừa nhận
rằng nhiều người Do thái thời đó đã được nghe những người Pharisêu và các kinh
sư dạy và tin theo một thứ đạo đức theo “truyền
thống của tiền nhân” (Mc 7:2), nhưng Chúa Giêsu lại dạy và giới thiệu một
điều hoàn toàn khác: “Các ông gạt bỏ điều
răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7:8). Chúa
Giêsu dẫn chứng một trường hợp: “Quả thế,
ông Môsê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ,
thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: Người nào nói với cha với mẹ rằng:
những gì con có để giúp cha mẹ đều là co-ban nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa
rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa” (Mc
7:10-12) và Ngài kết luận: “Thế là các
ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”
(Mc 7:13). Ngài còn lưu ý: “Các ông còn
làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!” (Mc 7:13). Truyền thống tiền nhân mà
những người Pharisêu và các kinh sư dạy tuân giữ thực chất là những tập tục phô
bày ra bên ngoài, do họ đặt ra, nhân danh Lề luật Môsê, nhưng chỉ là bề nổi và
không thực sự chạm đến cốt lõi của Lề luật và các tiên tri. Những tập tục đó
thiếu vắng một điều sâu sắc và lớn lao hơn nhiều, một điều không chỉ có thể thỏa
mãn Lề luật và các tiên tri, mà còn thỏa lòng Thiên Chúa hằng sống đầy lòng xót
thương. Đó là điều Chúa Giêsu tìm cách giới thiệu và dạy bảo, vượt ra ngoài
hình thức phô trương, là điều hiện diện trong tâm trí và cõi lòng của một cá
nhân: “Vì từ bên trong, từ lòng người,
phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam,
độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả
những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”
(Mc 7:21-23). Lời Chúa Giêsu buộc chúng ta phải thừa nhận và đối mặt với một sự
công chính vượt xa việc tuân giữ những luật định bên ngoài, một sự công chính đích
thực vốn chỉ có thể được thực hiện dựa trên sự hoán cải và nên thánh khởi đi từ
bên trong tâm trí và cõi lòng của con người. Chính bên trong tâm hồn mà mỗi người
mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa cách riêng tư, vì Thiên Chúa “interior intimo meo - ở bên trong tôi hơn cả bản ngã sâu thẳm nhất của
tôi” [2]
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà Giáo hội kính nhớ hôm nay nói: “Je ne feins jamais – Tôi không bao giờ giả vờ”
[3]. Chính Thánh nữ khẳng định trên giường bệnh trước khi qua đời rằng: “Je sens bien que ce que j'ai dit et écrit
est vrai sur tout - Tôi cảm thấy rất rõ rằng những gì tôi đã nói và viết đều
đúng thật mọi điều” [4]. Mọi điều chúng ta làm, đặc biệt là việc thờ phượng
Thiên Chúa, phải xuất phát từ tấm lòng chân thật của mình. Bất cứ điều gì chúng
ta làm, với tư cách là những người tin Chúa, mà không xuất phát từ lòng chân thật
thì đều là sự giả hình và rất đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu
luôn khiển trách những người Pharisêu vì thói đạo đức giả của họ, vì họ nhanh
chóng nhận biết các luật lệ và tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ đó nhưng lòng họ
thì ở đâu đó rất xa Thiên Chúa: “Dân này
tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6). Nhiều
người trong chúng ta nhanh chóng quên rằng, để thờ phượng Thiên Chúa cách đúng
đắn, cõi lòng của chúng ta rất quan trọng. Lời cầu nguyện mà chúng ta cần thưa
lên với Chúa cách chân thành mọi giây phút trong đời phải là: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng
trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 51:12). Đức
Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Để nhìn thấy
Chúa, không cần phải thay đổi mắt kính hay góc nhìn, cũng không cần phải thay đổi
các tác giả thần học chỉ dạy chúng ta đường đi: chúng ta cần giải thoát cõi
lòng khỏi sự lừa dối của nó. Đây là con đường duy nhất. Đây là sự trưởng thành
mang tính quyết định: khi chúng ta nhận ra rằng kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta
thường ẩn náu trong cõi lòng mình. Cuộc chiến cao quý nhất là cuộc chiến chống
lại sự lừa dối bên trong tạo ra tội lỗi của chúng ta. Bởi vì tội lỗi thay đổi tầm
nhìn bên trong của chúng ta. Tội lỗi thay đổi cách chúng ta đánh giá mọi thứ.
Chúng khiến chúng ta nhìn thấy những thứ không có thật hoặc ít nhất là không
đúng thật như thế” [5]
Xin cho chúng ta có được tấm lòng trong sạch như thế không phải bằng sức
riêng của mình mà bằng cách để lòng mình được tình yêu Thiên Chúa cải hóa và củng
cố mỗi ngày, như Thánh Giacôbê nhắn nhủ: “Vì
vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy
khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh
hồn anh em… Hãy có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa
Cha” (Gc 7:21,27).
Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] https://ronrolheiser.com/gia-tri-va-suc-manh-cua-nghi-le/
[2] Thánh Augustinô, Tự thú III, 6, 11
[3] Derniers entretiens – Những cuộc nói chuyện cuối
cùng, 15.8.7.
[4] Đã dẫn ở trên, 25.9.2.
[5] Buổi tiếp kiến chung,
tại Thư viện Cung điện Tông tòa, thứ Tư, 01 tháng 4 năm 2020.
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|