Kế hoạch của Thiên Chúa là
muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ (x.1Tm 2,3-4). Họp mừng
lễ Hiển linh hay là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, Hội Thánh muốn khẳng định với
chúng ta rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh,
đồng thời cảnh báo chúng tránh xa thái độ cao ngạo độc quyền chân lý, và mặt
khác dạy chúng ta tích cực sẻ chia cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh
nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Ơn cứu độ là dành cho tất cả
mọi người. Ngôn sứ Isaia loan báo cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem và chư
dân Đông Tây, sẽ tay bế tay bồng dìu nhau đến thờ lạy, ca tụng, tôn vinh Thiên
Chúa (x.Is 60,3-5). Thiên Chúa là Đấng công bình và đầy tình lân ái. Người tỏ
mình cho mỗi người mỗi cách khác nhau tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của họ.
Chúa công bình vì Người tỏ mình cho tất cả mọi người, chẳng trừ một ai. Chúa
lân ái nên Chúa tỏ mình bằng nhiều cách thế để mỗi người theo mỗi hoàn cảnh có
thể gặp được Người.
Với những người chăn chiên
cừu, vốn ít học nhưng đơn sơ chất phác, thì lời loan báo của vị Thiên Sứ cùng
với tiếng hát của đoàn cơ binh Thiên Thần trong ánh sáng huy hoàng quả là một
sứ điệp không gì bằng. Với các nhà đạo sĩ Đông phương, thì sự xuất hiện một ánh
sao lạ trên bầu trời hẳn là một lời mời gọi thiết thực với những “chuyên gia
thiên văn”. Còn với các kinh sư, các Thượng tế Do thái giáo, thì thử hỏi có gì
quan trọng cho bằng Thánh Kinh. Chúng ta chớ quên việc họ thường mang Lời Chúa
được ghi trên các dải vải đính ở tay áo. Thế thì một duyên cớ để họ đọc lại lời
của Ngôn sứ Mikêa: “Phần người, hỡi Bêlem...ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt
Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5,1), quả là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách
tuyệt vời cho họ. Rồi với Vua Hêrôđê, một vị vua trần thế vốn tham quyền cố vị,
thì câu hỏi của các nhà đạo sĩ Đông
phương: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?” đúng là một sự tỏ mình
của Thiên Chúa cách đúng đối tượng.
Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với mọi người theo cách thức
Người chọn, phù hợp với từng người theo từng hoàn cảnh, số phận khác nhau của
họ. Như thế, ta có thể nói là bất cứ ai cũng đều có thể tìm gặp chân lý, đều có
thể tìm đến cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu theo khả năng, hoàn cảnh của mình.
Giáo lý Công giáo khẳng định rằng ngoài phép rửa bằng nước còn có phép rửa bằng
máu và bằng lòng mến. Thánh Công đồng Vatican II dạy chúng ta: “Vì Chúa Kitô đã
chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất,
nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất
cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ của Đức Kitô, tham
dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi” (MV số 20). Ơn cứu độ là dành
cho muôn dân, vì thế chúng ta có thể rút ra một vài hệ luận như tất yếu như
sau:
Không được phép độc
quyền chân lý: Chân
lý không thuộc riêng một ai, một tập thể nào. Khi ta độc quyền chân lý cách này
cách khác là khi ta tự biến mình thành ngẫu tượng. Cần phải bỏ dần thái độ cao
ngạo tự tôn của một thời quá khứ khi ta đồng hoá mọi niềm tin, tôn giáo khác ta
đều là lầm lạc, là ma quỷ, bụt thần… Cần phải minh định rằng “không ai có thể
đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô” (x.Ga 14,6). Tuy nhiên cũng cần cảnh
giác thái độ tự tôn cho rằng “ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ”, một thái
độ thiếu tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi”
(x.Ga 3,8). Khi ta có thái độ độc quyền chân lý là lúc ta tưởng như mình đã nắm
trọn vẹn chân lý và hữu ý hay vô tình ta đã rơi vào chước cám dỗ của Satan ngày
xưa khi cám dỗ tổ tiên loài người: Cứ ăn trái cấm này đi thì hai ông bà sẽ nên
như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ (x.St 3,5).
“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6,45). Thiên
Chúa tỏ mình cho mỗi người mỗi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ.
Tuy nhiên để nhận biết Thiên Chúa, phần phía con người cũng cần có sự đáp trả
cân xứng. Một vài thái độ đáp trả cần có đó là:
Một tâm hồn biết lắng
nghe: đây là thái
độ khiêm nhu chân thành, luôn khao khát tìm về chân, thiện, mỹ. Người có tâm
hồn biết lắng nghe là người có tấm lòng thành trước những những gì là chính
đáng, là phải đạo. Các nhà đạo sĩ Đông phương và những người mục tử thôn dã lúc
bấy giờ là những người có tấm lòng thành. Tấm lòng thành ở đây được hiểu như là
sự hướng thượng và hướng thiện. Quân vương Hêrôđê chắc chắn không có tấm lòng
thành. Các thượng tế, kinh sư ở thành Giêrusalem lúc bấy giờ thì ta không dám
quả quyết nhưng chắc chắn họ thiếu động thái lên đường, ra đi.
Một động thái lên
đường, ra đi: Khi
đã nhận ra tiếng nói của chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu, thì cần phải
lên đường, ra đi. Chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi chúng phải ra
đi khỏi cái vị thế hiện tại. Không một ai ở trần gian này có thể nắm được tình
yêu vĩnh cửu hay chân lý toàn thiện. Tất thảy đều ở phía trước, chính vì thế
cần phải lên đường, ra đi. Các thượng tế và kinh sư ở thành Giêrusalem năm nào
dù đã thoáng nhận ra Ánh Sáng cứu độ nhưng vì họ có lẽ quá sợ vua Hêrôđê nên đã
không lên đường tìm gặp được Đấng Cứu Thế. Trái lại khi nhận được dấu chỉ mời
gọi, các đạo sĩ Đông phương và các mục tử đã biết lên đường, ra đi. Ra đi là
chấp nhận từ bỏ. Lên đường là chấp nhận hy sinh và gian khó. Có một cái khó mà
không dễ gì vượt qua hay từ bỏ, đó là những tập tục hay truyền thống mang tính
nhân loại. Chúng dễ nhận ra sự thật này nơi nhiều người biệt phái, luật sĩ, tư
tế thời Chúa Giêsu, khi Người công khai rao giảng tin mừng.
Chân lý đã thực sự hoàn hảo
và đầy đủ nơi Chúa Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x.Col 1,15;
Dt 1,1-2). Nhưng chúng ta, dù là giáo dân hay giáo sĩ, dù là thần học gia hay
“xứng với bậc tông đồ” thì cũng chỉ nhận biết chân lý kiểu như thấy trong tấm
gương đồng. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ
được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được
biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”(1.Cor 13,12).
Ra khỏi tháp ngà tự mãn cho
rằng đã nắm được trọn vẹn chân lý, ra khỏi tháp ngà độc quyền chân lý là cách
thế tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Hiển linh, Chúa tỏ mình cho muôn dân cách thiết
thực, hữu hiệu và khả tín. Không ngừng kiếm tìm và đón nhận chân lý là một thái
độ khiêm nhu vừa có tính giải thoát và tính truyền giáo. Sự thật không chỉ giải
thoát chúng ta, mà còn có sức cuốn hút những tâm hồn thiện chí. Và như thế sự
thật sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau, làm cho chúng ta nên một bằng cách
thánh hiến chúng ta, nghĩa là làm cho chung ta thuộc về Thiên Chúa (x.Ga
17,17).
Mừng mầu nhiệm Chúa Hiển
Linh, ước gì chúng ta mãi luôn nuôi dưỡng cái tấm lòng thành nơi chúng ta bằng
thái độ khiêm nhu biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Lắng nghe tiếng nói
của Thánh Thần không chỉ trong Thánh Kinh, trong các cử hành Phụng vụ, trong
lời dạy của Hội Thánh…mà còn trong các biến cố lịch sử, trong các nét đẹp thánh
thiêng nơi các niềm tin, tôn giáo ngoài Công giáo, nơi các nghĩa cử cao đẹp của
những người chưa tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa. Lắng nghe không phải để
đứng nhìn mà để can đảm lên đường tìm kiếm và đón nhận chân lý. Sự thật toàn
vẹn luôn ở phía trước, vì có đó nhiều điều ngay các Tông đồ vẫn chưa thấu hiểu.
Chính Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga
16,12-13). Người là Đấng đang mãi hoạt động cho đến ngày Đức Kitô lại đến trong
vinh quang. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Tích cực tìm kiếm và
đón nhận chân lý là tiền đề tất yếu để ta chia sẻ cho tha nhân hồng ân cứu độ.
Lm.
Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột