KIÊU NGẠO ĐỐI LẬP VỚI ĐỨC TIN
Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
KIÊU NGẠO ĐỐI LẬP VỚI ĐỨC TIN
(Mc 6, 1-6)
Phêrô Phạm
Văn Trung
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bitly.li/2dyD
Chúa
Giêsu trở về quê quán Nadarét của Ngài, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sabát,
Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Ngài gặp phải sự hoài nghi của dân làng mặc dù họ đã nghe biết tất cả
các dấu lạ Ngài đã thực hiện. Chính
sự khôn ngoan và những việc làm lớn lao của Chúa Giêsu đã làm bối rối những
người thân và người dân quê hương của Ngài. Thật là một việc động trời! Họ tự
hỏi và hỏi nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là
làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải
là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn
sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc
6:2-3).
1. Thành kiến ẩn chứa sự
kiêu hãnh, đóng chặt tâm trí và con tim
Chắc
chắn có nhiều người Nadarét đến hội đường lắng nghe người con xuất thân từ làng
quê của họ. Họ biết Chúa Giêsu quá rõ, hoặc ít nhất là họ nghĩ như vậy. Thật
khó hiểu, trong suốt ba mươi năm, ông Giêsu này
không có gì khác một con người bình thường. Họ đã từng ăn uống với
gia đình và người thân của Ngài. Họ đã từng thấy Ngài dọn bàn ghế ra mời họ
ngồi. Bây giờ Ngài không còn như xưa, không còn
như họ tưởng nghĩ nữa. Họ bắt đầu thắc mắc. Âu đó cũng là chuyện
thường tình. Chúng ta có thể thông cảm với họ. Đối với những người dân làng
Nadarét, Chúa Giêsu không ai khác hơn “bác
thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn… Chị
em của ông là bà con lối xóm với chúng ta” (Mc 6:3). Và đột nhiên, người thợ mộc trong làng rời bỏ công việc
và gia đình để bắt đầu rao giảng khắp vùng.
Hai ngàn năm trước cũng như ngày nay, thật khó để thừa nhận rằng
một người đã sống thầm lặng bên cạnh chúng ta trước đây, một thời gian sau quay
lại dạy dỗ chúng ta. Nếu
một ngày nào đó những sự việc như vậy xảy ra ở làng quê của chúng ta, có lẽ
chúng ta sẽ không phản ứng khác mấy. Nhưng vấn đề là dân làng Nadarét này, dù
công nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, đồng hương của họ: “Ông ta được khôn
ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” (Mc 6:2), họ vẫn bám chặt vào
những suy nghĩ cố hữu, những định kiến về Ngài, vốn hằn sâu trong tâm tưởng của
họ. Chính vì thế sự hiện diện và lời rao giảng của Chúa Giêsu trong hội đường
đã làm cho họ xáo động, nghi hoặc; nhưng họ
không vượt quá giai đoạn ngạc nhiên hoài nghi, mà nhanh chóng biến thành thái
độ chối bỏ, thậm chí phản bác: “Và họ vấp ngã vì Ngài” (Mc
6:3).
Suy
cho cùng, đó là chuyện tâm lý học ngày nay gọi là mặc cảm tự tôn, pha thêm yếu
tố huyết tộc, trở thành vấn đề kiêu hãnh. Sự cao
ngạo có liên quan gì đến việc thiếu đức tin? Nhiều lắm. Vì chính đức tin cho chúng ta thấy
bàn tay của Thiên Chúa hoạt động khi ai đó nói sự thật. Dù ai đó là một đứa
trẻ, hay một người lớn, một vị thánh hay một tội nhân, điều đó không thành vấn đề, vì chính Thiên Chúa mới là Đấng chọn nơi nào, khi nào và cách
nào để dạy dỗ chúng ta. Sự tự hãnh đến độ kiêu ngạo khiến chúng ta tin rằng chúng
ta không cần phải học từ bất cứ ai, rằng chúng ta có kinh nghiệm và kiến thức
của riêng mình, rằng chúng ta đủ hiểu biết, đủ chín chắn, khôn ngoan để quyết
định sống và hành động theo ý mình. Chúng
ta dễ dàng nghĩ rằng để người khác dạy dỗ mình là hạ thấp phẩm giá của chính
mình. Không ai có quyền “lên mặt” dạy bảo chúng ta. Thật
vậy, trong ánh sáng Tin Mừng, kiêu ngạo và đức
tin là hai thái độ đối lập nhau. Trái lại, khiêm tốn có nghĩa là có thái độ đúng mực, biết rõ và
thừa nhận những yếu kém bất toàn của mình, không cố bác bỏ bằng mọi
giá, cũng như đơn sơ nhận ra những mặt mạnh của mình, với lòng chân thành, cảm
tạ Thiên Chúa. Khiêm tốn là biết từ bỏ tất cả
cái sai lớn nhỏ của mình, không chống lại chân lý. Khiêm tốn như thế giúp chúng ta mở rộng tâm trí
và cõi lòng để sửa sai, hoán cải và biết lắng nghe, nhận
ra sự thật từ lời nói của mọi người, bất kể họ là ai, nhất là biết lắng nghe và
đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, qua Lời Chúa Giêsu Kitô, như trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Êdêkiel đã
nói: “Còn chúng, vốn là nòi phản loạn,
chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ
đang ở giữa chúng” (Êdêkiel 2:5).
2. Nhận ra và công nhận vị
ngôn sứ đang ở giữa chúng ta
Vị
ngôn sứ đang ở giữa những người Nadarét là ai? Là Chúa Giêsu. Trong Sách Thánh,
ngôn sứ hay tiên tri không chỉ là người báo trước tương lai. Tiên tri là người
nói rằng Thiên Chúa đang ở gần, rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt
là tất cả những ai ở xa Ngài: “Nào thiếu
nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Ngài là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn
Thắng” (Dacaria 9:9), hoặc “Hãy tìm Chúa khi Ngài còn cho gặp, kêu cầu
Ngài lúc Ngài ở kề bên. Kẻ
gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình
đang có mà trở về với Chúa - và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta,
vì Ngài sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55:6-7). Có
lẽ nhiều người trong chúng ta, giống những người Nadarét, không thực sự tin
rằng, giữa loài người, có vị tiên tri này. Hoặc chúng ta vẫn tin,
nhưng trong cuộc sống thực tế, chúng ta không
xác tín trọn vẹn vào Chúa Giêsu, Con
Thiên Chúa làm người, trở thành một người trong chúng ta, yêu thương chúng ta
đến độ hiến thân trọn vẹn, chịu khổ hình, chết trên Thập Giá, và Phục Sinh. Chúng ta không thực sự xác tín rằng tình yêu này
dành cho hết mọi người, 2000 năm trôi qua, và còn
thường trực liên lỉ trong Bí tích Thánh Thể, để chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa” (Rm 8:29).
Đó
có phải là thực tế đức tin của chúng ta không? Điều gì đang xảy ra với đức tin
mà chúng ta tuyên xưng bấy lâu nay, ngày này qua ngày khác, Chúa nhật này đến
Chúa nhật khác? Có bao nhiêu người là Kitô hữu nhưng vẫn không xác tín mình là
con cái Thiên Chúa?
Vì
vậy, có lẽ bằng cách nhìn vào chính mình, vào những nỗi sợ hãi của chúng ta,
nhìn vào tất cả những khó khăn mà chúng ta gặp phải khi sống và làm chứng cho
đức tin của mình trong thế giới này, có lẽ chúng ta có thể được đánh thức bởi
những lời này của Chúa Giêsu: “Ngài thấy lạ vì họ không tin” (Mc
6:6). Vâng, tất nhiên, có được đức tin không phải là việc dễ dàng. Tôi không
biết phải nói gì, tôi không biết phải làm gì, tôi không biết phải nói với ai,
sẽ không có ai lắng nghe tôi. Đức tin cho phép
chúng ta thấy bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Nhờ đức tin, Thiên Chúa sẽ xuất hiện một lần nữa.
Chúa Giêsu nói với Thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của
Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9). Và
Thánh Phaolô tiếp tục: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức
mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu
đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo. Vì khi tôi yếu, chính là
lúc tôi mạnh” (2 Cr 12: 9-10).
Chúa
Giêsu sẵn sàng thực hiện các phép lạ, chữa lành ngay cả một số người bệnh, nếu
chúng ta đồng ý bắt tay vào làm và biến đức tin
của mình, vốn là một món quà được Thiên Chúa trao ban, thành đức tin sống động,
một đức tin phục vụ anh chị em chúng ta, những người rất cần sự gần gũi của
Thiên Chúa.
3. Đón nhận Chúa Giêsu với
lòng biết ơn và chấp nhận mọi người với lòng khiêm nhường.
Khi
ai đó nói với chúng ta về một người nào đó, chúng ta thường có phản ứng muốn
nói: tôi biết người ấy. Điều đó không hoàn toàn
đúng. Chúng ta không bao giờ biết đầy đủ về một con người. Một phần
nào đó, họ luôn là một bí ẩn nằm ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta. Chúng
ta có thể mô tả ngoại hình của người khác, xác định nghề nghiệp, hoàn cảnh xã
hội và gia đình của họ, biết thói quen, phẩm chất và lỗi lầm của họ; tất cả
những điều này chỉ là bề ngoài của nhân cách. Chúng
ta có biết được tường tận cõi lòng của họ không? Không, chúng ta chỉ tưởng rằng
chúng ta biết.
“Chúa ơi, con biết Chúa.” Chẳng phải chúng ta đã có lần nghĩ như
vậy sao? Chúng
ta đi học giáo lý, chúng ta đã nghe về Chúa, về Chúa Giêsu thành Nadarét từ khi
còn nhỏ. Chúng ta đọc các sách Tin Mừng, chúng ta đi dự thánh lễ, chúng ta cầu
nguyện với Chúa Giêsu… Vì vậy, chúng ta nghĩ
rằng chúng ta biết Ngài. Nhưng chúng ta đã thực sự gặp Ngài chưa? Chúng
ta có tìm cách hiểu Ngài nhiều hơn, kết hợp với Ngài trong lời cầu nguyện và
trong việc gặp gỡ anh em không? Chúng ta có muốn
trở thành người bạn thân thiết của Chúa Giêsu không? Trong cõi lòng người khác luôn có một đại dương
mà chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết. Điều này tuyệt đối đúng với Chúa
Giêsu, vì Ngài luôn là tình yêu kỳ diệu và luôn mới mẻ.
Qua Phép Rửa chúng ta đã trở thành anh chị em của Ngài, gia
đình, họ hàng của Ngài. Chúng
ta đừng khóa chặt Ngài, và cả những người chúng ta gặp gỡ, vào những ý tưởng đã
có sẵn, vốn không thiếu những định kiến ít nhiều chủ quan lệch lạc và hạn hẹp
của chúng ta. Chúng ta hãy giữ khả năng ngạc nhiên trước Chúa Giêsu cũng như
trước mỗi anh chị em chúng ta, với cách nhìn được đổi mới bằng quyền năng của
Chúa Kitô. Chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với lòng
biết ơn và mọi người với lòng khiêm nhường, như Thánh Phaolô tự nhận trong bài đọc thứ hai: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi. Vì
vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt
bớ, ngặt nghèo vì Chúa Kitô. Vì khi tôi yếu,
chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:9-10).
Phêrô Phạm Văn Trung,
Hẹn gặp lại
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|