THỰC THI THÁNH Ý CỦA THIÊN CHÚA
Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
Phêrô Phạm Văn Trung
Kính mời theo dõi video tạu đây:
https://s.pro.vn/KTRv
Chúa
Giêsu không ngừng rao giảng về Nước Trời: “Ngay
ngày sabát, Ngài vào hội đường giảng dạy… Ngài giảng
dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1:21-22), “Dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà
ngoài sân chứa không hết. Ngài giảng Lời cho họ” (Mc 2:2). Không chỉ rao
giảng, Chúa Giêsu còn: “chữa lành nhiều
bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để chạm
vào Ngài. Còn các thần ô uế, hễ thấy
Chúa Giêsu, thì sấp mình dưới chân Ngài và kêu lên: Ông là Con Thiên Chúa!”
(Mc 3:10-11). Chúa Giêsu hết lòng vì dân chúng và do đó Ngài bận rộn đến nỗi
Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay kể rằng: “Ngài trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được” (Mc 3:20). Đây là lý do ngay cả những người
thân của Ngài không còn hiểu được Ngài nữa và họ quyết định đi bắt Ngài: “Thân nhân của Ngài hay tin ấy, liền đi bắt
Ngài, vì họ nói rằng Ngài đã mất trí”
(Mc 3:21). Thật vậy, liệu có thân nhân nào ủng hộ những hoạt động khiến chúng
ta không còn thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi, và không mang lại lợi lộc của cải
gì không? Đúng là áp lực của cuộc sống bận rộn thường buộc chúng ta phải rút
ngắn thời gian dành cho bữa ăn, cho nghỉ ngơi, đôi khi quá mức, gây tổn hại đến
sức khỏe thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, có một
sự khác biệt to lớn giữa hoạt động của Chúa Giêsu và của chúng ta: chúng ta mải
mê công việc là để kiếm tiền, càng nhiều càng tốt, trong khi đối với
Chúa Giêsu, mọi việc chỉ là: “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3:35).
1. Sứ vụ của Chúa Giêsu bị
thách thức: tội phạm đến Chúa Thánh Thần
Chính vì không hiểu sứ vụ thực sự của Chúa Giêsu là gì,
nên những người thân của Ngài tin rằng họ phải can thiệp để buộc Chúa phải rời
bỏ công việc mà họ cho là bao đồng của Ngài. Suy nghĩ này, dù phát xuất từ
những tình cảm tốt đẹp, nhưng lại là một nhận định có phần xúc phạm: “Họ nói rằng Ngài đã mất trí” (Mc 3:21).
Tin Mừng Gioan còn nói rõ rằng: “Anh em
Chúa Giêsu nói với Ngài: Ông bỏ đây mà sang miền
Giuđê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, vì không
ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì
hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết. Thật thế, anh em Ngài không tin
vào Ngài” (Ga 7:3-5). Như vậy, bà con của Chúa Giêsu đều không hiểu mục
đích của công việc Chúa Giêsu đang thực hiện là gì, vì việc làm của Ngài không giống như hầu hết công việc của
mọi người, không nhắm đến tiền bạc, của cải, cũng không nhắm đến danh tiếng.
Điều này luôn xảy ra trong cuộc đời của mỗi
người chúng ta, nếu chúng ta không nhận ra thiên tính của Chúa Kitô trong mọi
hành động và lời nói của Ngài.
Các
kinh sư có mặt ở đó lại có một phê phán quy kết nặng nề hơn, cho rằng quyền
năng Chúa thực hiện là do chính ma quỷ: “Các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói
rằng Ngài bị quỷ vương Bêelzêbul ám và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3:22). Beelzebul tiếng Do thái là בַּעַל זְבוּב
Baʿal Zəvûv, là tên gọi bắt nguồn từ một vị thần của dân Philistin 1225 TCN,
Palestine ngày nay, vốn được tôn thờ ở Ekron, một trong năm thành phố của dân
Philistin và Canaan cổ xưa, và hiện nay được xác định ở miền trung Israel. Beelzebul được coi là quỷ vương trong một số tôn giáo. Trong các văn bản thần học, chủ yếu là Kitô giáo,
Beelzebul là tên gọi khác của Satan. Chúa Giêsu khẳng định sự phê phán này của các
kinh sư là “tội nói phạm thượng” (Mc
3:28). Lời nói công khai của đại diện các nhà lãnh đạo dân chúng nhằm chống lại
Ngài là “nói
phạm đến Chúa Thánh Thần” (Mc 3:29). Họ không chỉ bác bỏ Ngài mà
còn coi những việc tốt lành của Ngài xuất phát từ quyền lực ma quỷ xấu xa. Đây
là tội “chẳng
đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” Mc 3:29).
Câu
nói của Chúa Giêsu về tội không thể tha thứ này khiến nhiều tín hữu bối rối.
Câu nói này của Chúa Giêsu liên quan đến lời buộc
tội của các kinh sư cho rằng quyền năng của Ngài là từ Satan. Thánh
Máccô giải thích lý do: “Đó là vì họ đã
nói "ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3:30 ). Tội này không liên quan đến
một người chỉ băn khoăn và lo lắng về tình trạng linh hồn của mình, nhưng tội này hệ tại một tâm thế cực kỳ cứng lòng và quyết liệt chống
đối Thiên Chúa.
Tội
lỗi này là đặc điểm của những người lãnh đạo dân tộc đã từ chối đón nhận sứ điệp ân sủng bằng cách đặt Chúa Giêsu
ngang hàng với tay sai của Satan. Quyền
năng hoạt động trong các phép lạ của Chúa là quyền năng của Chúa Thánh Thần mà
Ngài đã nhận được: “Quý vị biết rõ: Chúa Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Chúa Thánh
Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng
phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với
Ngài” (Cv 10. 38). Nói rằng quyền năng này do ma quỷ là xúc phạm đến Chúa
Thánh Thần, là chối bỏ Thiên Chúa khi Ngài tỏ mình rõ ràng trong quyền năng cứu
độ, khiến người chống đối Ngài phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
2. Chúa Giêsu là Đấng Quyền
Năng và là Đấng Thánh
Chúa
Giêsu không thường xuyên đáp lại những lời gay gắt của kẻ thù Ngài. Ngài hẳn
biết rõ Sách Thánh: “Đừng đáp lại đứa ngu theo cái ngu của nó, kẻo chính con cũng lại giống
nó thôi” (Cn 26:4). Tuy nhiên, vào dịp này, Ngài không thể làm
ngơ trước lời xúc phạm đó, bởi vì nó nhắm vào Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần: “Hãy đáp lại đứa
ngu theo cái ngu của nó, kẻo nó cứ tưởng là nó khôn” (Cn 26:5). Thật vậy, bằng một lập luận rất đơn
giản, Chúa Giêsu chứng tỏ sự vô lý của những lời buộc tội chống lại Ngài. Nếu
việc Ngài trừ quỷ là do quyền lực của Satan, thì “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự
chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy
Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận
số” (Mc 3:24-25).
Vậy
thì ai sẽ thắng được kẻ thù hùng mạnh này, nếu không phải Đấng đã thắng Satan
trong cơn cám dỗ nơi sa mạc: “Satan kia,
xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: ngươi phải thờ
lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Thế
rồi quỷ bỏ Ngài mà đi” (Mt 4:10-11). Trong Vườn Địa Đàng, người đàn ông và
người đàn bà đã bị ma quỷ đánh bại và sau đó tất cả con cháu của họ cũng bị ma
quỷ đánh bại. Phải có ai đó mạnh hơn Satan can thiệp vào, để khống chế nó và
xâm nhập vào lãnh địa của nó nhằm giải thoát những người mà nó đang giam giữ.
Khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập giá, Ngài đã chiến thắng Satan: “Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ
Thần Khí, Ngài đã được phục sinh. Ngài đã đến rao giảng cho các vong linh bị
giam cầm” (1 Pr 3:18-19) và “Quả
thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo
ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của
loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa” (1 Pr 4:6). Đây cũng là ý nghĩa mà Chúa
Giêsu muốn nói với các kinh sư khi xưa, và chúng ta ngày nay, chính Ngài là
Đấng Quyền Năng: “Không ai vào nhà một
người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi
mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27), và: “Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư. Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị
thần ô uế nhập, la lên rằng: Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông
mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của
Thiên Chúa! Nhưng Chúa Giêsu quát mắng nó: Câm
đi, hãy xuất khỏi người này! Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng,
và xuất khỏi anh ta” (Mc 1:22-26).
3. Mối tương quan sống còn với
Chúa Giêsu
Sau
sự can thiệp của những người thân tộc của Chúa, chính Mẹ Maria xuất hiện: “Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến, đứng ở ngoài,
cho gọi Ngài ra” (Mc 3:21). Tình cảm tự nhiên của một người mẹ mạnh mẽ đến
mức, bất chấp mọi tin tức, ý kiến bất lợi đối với đứa con mà Mẹ biết rất rõ, Mẹ
Maria tìm cách gặp người con yêu dấu của mình, vốn đã rời bỏ Mẹ và anh em họ
hàng để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa và giờ đây Ngài cho thấy rằng Ngài
không còn thuộc về “gia đình trần thế hạn hẹp”. Không
phải vì lạnh nhạt hay coi thường mối tương quan gia đình huyết tộc, nhưng vì
Ngài đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa Cha của Ngài. Thay vì gia đình trần thế,
Chúa Giêsu đã chọn gia đình thiêng liêng. “Ngài
rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ Tôi, đây là anh em Tôi. Ai thi
hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em Tôi, là mẹ Tôi”
(Mc 3:34-35).
Phải
chăng Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chỉ những người chăm chú lắng nghe Lời
Ngài mới là thân thuộc của Ngài? Không chỉ vậy. Thân
thuộc của Ngài không chỉ là những người lắng nghe, mà là những người thi hành ý
muốn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu khuyến khích những người ngồi đó -
và tất cả chúng ta - hiệp thông với Ngài qua việc thực hiện ý muốn của Thiên
Chúa. Chúng ta thấy trong lời nói của Ngài có lời khen ngợi Mẹ Maria của Ngài,
vì Mẹ là người đã thi hành ý muốn của Thiên
Chúa: “Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc
1:38). Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo diễn giải: “Như vậy, khi nói lên sự ưng thuận của mình đối với Lời Thiên Chúa, Mẹ
Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn, Mẹ
chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, mà không tội lỗi nào ngăn
cản Mẹ, Mẹ tự hiến hoàn toàn cho con người và
công trình của Con Mẹ, để, một cách tùy thuộc vào Ngài và cùng với Ngài, nhờ ân
sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc” (số 494). Đây cũng là dịp để Chúa Giêsu cho
thấy mối tương quan căn cốt và quan trọng nhất với Ngài là gì: là mối tương quan dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và vâng
theo ý muốn của Thiên Chúa.
Thuộc
về dân riêng của Thiên Chúa như dân Do Thái xưa, hay thuộc về Kitô giáo như
chúng ta ngày nay, không mang lại điều gì đáng
kể cả nếu không thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rõ
ràng trong bài đọc thứ hai: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép:
Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2 Cr 4:13). Thánh Phaolô nói gì? Ngài nói rằng:
“Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết
một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù
chúng tôi đã được biết Chúa Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới.
Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5.
16-17).
Phêrô Phạm Văn Trung,
Hẹn gặp lại
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|