Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Đồng Đăng
Bài Viết Của
Lm. Jos Đồng Đăng
CON ĐÃ YÊU NGÀI QUÁ MUỘN
HÃY MỞ RỘNG CÁNH CỬA TRÁI TIM ĐỂ ĐÓN VUA GIÊSU
TRỜI ĐẤT QUA ĐI, LỜI CHÚA CÒN MÃI
CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG
SỐNG GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC ‘TIẾN THÂN’ HAY ĐỂ ‘DẤN THÂN’?
CHỈ CÓ CHÚA LÀ GIA NGHIỆP
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly
ĐỪNG LOẠI TRỪ NHAU
SỨ ĐIỆP TỪ THẬP GIÁ
NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
CHỦNG SINH: CÂY BÚT CHÌ TRONG TAY HỌA SĨ GIÊSU
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI (phỏng theo Video bài giảng của Hồng Y Tagle)
TỬ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIAN VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KI-TÔ
GIA ĐÌNH - NGÔI NHÀ DÀNH CHO TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG
LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG
ĐỨC GIÊSU ĐEM ‘BÌNH AN’ HAY ‘GƯƠM GIÁO’ ĐẾN CHO THẾ GIAN?
NGƯỜI ĐÃ HIẾN MÌNH VÌ TÔI
SỐNG HIỆP THÔNG THEO GƯƠNG CHÚA BA NGÔI
THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Đức Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ các tín hữu
BIẾN CỐ THĂNG THIÊN VÀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
HÒA HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
CÓ NHIỀU “TIA SÁNG” NHƯNG CHỈ CÓ MỘT “MẶT TRỜI” CỨU ĐỘ
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
MỤC TỬ THẬT, MỤC TỬ GIẢ
Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
GIÊ-RÊ-MI-A, MẪU GƯƠNG CHO NGƯỜI NGÔN SỨ
NIỀM VUI CÓ CHÚA PHỤC SINH
HÃY ĐỂ CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHẠM ĐẾN CHÚNG TA
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
NÃO TRẠNG ‘VỨT BỎ' VÀ SỰ HUỶ HOẠI PHẨM GIÁ CỦA TÍNH DỤC
CHIÊN VƯỢT QUA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Đức Tin, Một “Bảo Vật” Đầy Mong Manh Nơi Người Ki-tô Hữu Trẻ Hôm Nay
GIU-ĐA, CON NGƯỜI ‘ĐÁNG THƯƠNG’ HAY ‘ĐÁNG GHÉT’?
HÃY ‘RỬA TAY’ NHƯNG XIN ĐỪNG ‘PHỦI TAY’
ĐỨC GIÊSU ĐEM ‘BÌNH AN’ HAY ‘GƯƠM GIÁO’ ĐẾN CHO THẾ GIAN?


(Mt 10,26-36)

Lm. Jos. Đồng Đăng

Là người Kitô hữu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng tin rằng Đức Giêsu Kitô là Sứ Giả Hoà Bình, Ngài đến thế gian để đập tan xiềng xích tội lỗi và đưa con người đến miền đất tự do. Sứ điệp đó đã được Tiên tri Isaia loan báo từ thời Cựu Ước (x. Is 9,5). Thế mà trong Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta lại gặp thấy những câu Lời Chúa xem ra thật chướng tai. Sứ điệp hoà bình lại được nói đến như một cái gai trong mắt người đời: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36). Vậy, ‘gươm giáo’ mà Đức Giêsu muốn đề cập đến ở đây là gì và giữa cảnh ‘gươm giáo’ chúng ta cần làm gì để có bình an? 

1. Thầy đến không phải để đem ‘bình an’, nhưng để đem ‘gươm giáo’

Trước khi nhận diện ‘hòa bình’ đích thực mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, thiết tưởng chúng ta cần hiểu từ này trong bối cảnh văn hóa và tâm thức của người Do Thái. Cốt lõi của Đạo Do thái là mong chờ Đấng Mêsia, một vị vua theo ý người phàm. Bởi vương quốc Ítraen liên tiếp bị các đế quốc lớn thôn tính nên người Do thái ngày càng trở nên thất vọng với thực tại, những gì đã và đang xảy ra trong đất nước của họ như là những áng mây u ám, vì thế, họ tin vào một Đấng Thiên Sai sẽ đến từ dòng dõi Đa vít, Đấng sẽ mở ra một kỷ nguyên xán lạn. Họ tin rằng, sự xuất hiện của Ngài sẽ đem lại sự thống nhất mang tính vật chất trong toàn cõi Giuđa và người Ítraen từ bốn phương phải hội về tất cả như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Người sẽ phất cờ hiệu cho các dân tộc, và từ bốn phương thiên hạ, sẽ quy tụ những người Ítraen biệt xứ, sẽ tập họp những người Giuđa bị phân tán” ( Is 11,12). Kỷ nguyên của Đấng Mêsia sẽ là một thế giới hoà bình cho toàn thế giới: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia, và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).

Vậy, tại sao khi Đức Giêsu đến Ngài lại nói sẽ “đem gươm giáo” và “gây chia rẽ” giữa những người thân nhân máu mủ với nhau? Theo thiển ý, sứ điệp này cần được hiểu như sau:

Trước hết, “gươm giáo” ở đây chính là một sự giằng co, căng thẳng, tựa như một hòn đá làm cho vấp nhưng lại rất có hiệu quả bởi vì nó đặt con người trước một sự chọn lựa dứt khoát hoặc theo giáo huấn của Chúa hoặc theo “khói của Satan”. Theo Chúa ắt phải chịu thiệt thòi, bị người đời hiểu lầm, bị bỏ vạ cáo gian. Chính Chúa Giêsu có lần cũng bị người nhà hiểu lầm, tưởng Ngài đã mất trí khi cứ mãi mê rao giảng về Vương Quốc Thiên Chúa mà quên đi mọi thiệt thòi cho mình (x. Mc 3, 20-21).  

Thứ đến, sứ điệp Lời Chúa tựa như lưỡi gươm sắc bén, như một phương thế, có sức cật vấn lương tâm chúng ta, chất vấn sự gian dối của chúng ta. Nó lôi ta ra khỏi sự thoải mái và đẩy ta vào cuộc chiến đấu thiêng liêng, bắt ta phải chấp nhận thương đau vì chân lý, nhờ đó mới có hoà bình đích thực. Cuộc chiến đấu vì hoà bình luôn trải qua gian nan thử thách, vì thế thành ngữ La tinh có câu: “Si vis pacem, para bellum” (nếu muốn có hoà bình cần phải chuẩn bị chinh chiến), nghĩa là cần phải sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để đến với chân lý, để rao giảng và bảo vệ chân lý.

Ngoài ra, “gươm giáo” ở đây cũng có thể hiểu là cuộc tử đạo để bảo vệ đức tin của người Kitô hữu. Biết bao vị thánh đã đổ máu đào mình ra để bảo vệ đức tin dù khi các ngài phải đứng trước mũi giáo của bọn lý hình. Sự hy sinh anh dũng của 117 vị thánh tử đạo Việt nam là lời chứng tuyệt vời cho chúng ta. Những lời tuyên tín đầy khẳng khái của các thánh còn vang vọng tới hôm nay: “Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được (Thánh Phaolô Tịnh). Và cả chúng ta, là những người theo Chúa, chúng ta cũng phải hững chịu bao cảnh gươm giáo nhưng Chúa luôn trấn an chúng ta và khuyến khích chúng ta bước theo và làm chứng cho Người.

2. Giữa cảnh ‘gươm giáo’, Chúa bảo: Đừng sợ!

Những cảnh “gươm giáo” theo cách hiểu trên đây thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của người theo Chúa. Đó là sự nhẫn nhục, kiên trì của những cô dâu người công giáo phải vượt qua rào cản bia miệng của nhà chồng (lương dân) để đi nhà thờ, tham dự thánh lễ hay các sinh hoạt tôn giáo; sự can đảm của những sinh viên, thầy cô giáo lý viên hay doanh nhân công giáo luôn một mực trung thành với Chúa mà quyết không kết nạp một đảng phái nào có nguy cơ phương hại đến niềm tin tôn giáo; sự cương quyết của những người Kitô hữu một mực trung thành sống theo luật Chúa dạy, không nhắm mắt chạy theo sự lôi cuốn của tiền tài, danh vọng và quyền lực. Ngoài ra, còn biết bao chứng nhân khác đã và đang đấu tranh cho công lý và hoà bình của thế giới, cách riêng trong bối cảnh xã hội Việt nam hôm nay phải hứng chịu những hiểu lầm, những nghi ngại, những rào cản vô hình nào đó. Vậy, trước cảnh ‘gươm giáo’, chúng ta cần có thái độ nào?

Trong đoạn Tin mừng theo Thánh Mathêu 10,26-33, Đức Giêsu đã cảnh báo các môn đệ của Người là họ sẽ bị bách hại. Tuy nhiên, Người đã khuyến khích các ông: đừng sợ! Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27). Người còn nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn ” (Mt 10,28). Như vậy, việc Chúa sai các tông đồ đi rao giảng Tin mừng không đảm bảo cho các ngài được thành công, cũng không đảm bảo cho các ngài được dễ chịu, không đảm bảo cho các ngài được người ta chúc tụng khen lơn, không hứa hẹn cho các ngài những tràng vỗ tay, những cảnh rước xách linh đình, trống kèn loa lọng, v.v, trái lại, cần biết rằng “người ta có thể từ chối họ, cũng như bách hại họ. Điều này có thể làm cho chúng ta có đôi phần sợ hãi, nhưng đó là sự thật.”[1]

Người môn đệ được kêu gọi rập đời mình theo Đức Kitô, Đấng đã bị người đời bách hại, từ chối, bỏ rơi và giết chết trên thánh giá. Không có sứ mệnh Kitô giáo nào đảm bảo cho chúng ta được bình an cả! Những khó khăn thử thách và những nỗi gian truân quẩn bách như là những thành tố tất yếu tạo nên công cuộc loan báo Tin mừng, và trong những cảnh huống khó khăn đó, Chúa kêu mời chúng ta sống mối tương quan với Đức Giêsu, cảm thấu nỗi thống khổ của Người, sẻ chia sứ mệnh của Người. Chúng ta được mời gọi đón nhận những khó khăn như những cơ hội để trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng cho Chúa. Và giữa gian nan, chúng ta được nhắc nhở luôn rằng, Chúa là Đấng quan phòng, không bao giờ bỏ rơi chúng ta giữa cơn bão tố. Chúa luôn bảo chúng ta: các con đừng sợ!.[2]

Lần giở lại những trang Kinh Thánh, chúng ta thấy nhiều tấm gương kiên trung cảu các thánh trong việc loan báo sứ điệp Nước Trời cho tha nhân, dù các ngài luôn bị hiểu lầm và bị bách hại. Ngôn sứ Giêrêmia là một tấm gương điển hình trong thời Cựu Ước. Những lời đanh thép của ngôn sứ Giêrêmia phê phán xã hội bất công thời của ông vẫn còn đó.[3] Ông đã cực lực lên án những hành vi bất chính của vua Giơhôgiakim (609-598) rằng: “Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa mà không đếm xỉa tới lẽ công bình. Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía mà chẳng màng chi đến điều chính trực. Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lụng vất vả mà không tính công sá, không trả thù lao… Nó sẽ được chôn cất như một con lừa ” (X. Gr 22,13-19). Sở dĩ có những lời chỉ trích cay nghiệt như thế là vì nhà vua bắt dân đen phải đóng sưu cao thuế nặng để triều cống cho ngoại bang là vua Ai cập. Tuy nhiên, những lời sấm của ông chẳng nặng tày mây khói, chỉ tựa hạt cát dính bàn cân’ trước sự điếc lác của đám dân khốn nạn. Thay vì mau mắn nghe lời và đáp trả, đám dân này lại xem lời rao giảng của Giêrêmia như trò đùa và mặc sức cười nhạo. Những thánh giá mà ông phải hứng chịu càng nặng nề chua chát gấp bội khi những bia miệng ấy lại đến từ đám bà con thân thuộc của ông.

Trước những lời nhạo cười chua chát của dân Ít-ra-en, trước lòng chai dạ đá của đám dân tội lỗi này, ngôn sứ Giêrêmia đã phân trần cùng Chúa: "Suốt ngày con trở nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con " (Gr 20,7). Đã nhiều lúc ông định rút lui và than rằng: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa" (Gr 20,9). Trước mắt ông chỉ là vực sâu hun hút của hư vô và thất vọng ê chề.

Tuy nhiên, chính tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đã can thiệp và xoay chuyển cuộc đời ông như chính ông đã nói: "Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt" (Gr 20,9). Và sự thúc bách đó như một hấp lực khiến vị ngôn sứ không thể cưỡng lại được. Ông đã đứng phắt dậy tiếp tục cuộc hành trình, mặc cho mọi rào cản vẫn đang giăng lối. Như vậy, làm người ngôn sứ thì phải vượt qua bia miệng, dám đương đầu với ‘gươm giáo’ của người đời mới có thể làm chứng nhân cho Chúa.

Kết luận: Tóm lại, hoà bình mà Đức Giêsu rao giảng trên đây là hoà bình được dệt nên từ hy sinh và đau khổ vì chân lý. Chính những tranh luận và những xung khắc trong cuộc sống – nếu vì mục đích chính đáng để bảo vệ chân lý, sẽ có sức phá vỡ lớp vỏ của ích kỷ, hẹp hòi hay hàng rào vô tín và đưa chúng ta tới sự thật đích thực là Chính Chúa. Trong khi thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng, người Kitô hữu chắc chắn sẽ gặp nhiều gian nan thử thách, tuy nhiên, họ luôn được mời gọi hãy xác tín vào Chúa là Đấng không để con cái mình ‘đơn thương độc mã’ nhưng luôn đồng hành với họ và nâng đỡ những bước chân truyền giáo của họ. Chúng ta hãy tin tưởng vào lời trấn án của Chúa ‘đừng sợ !’ và hãy sẵn sàng dấn thân để loan báo Tin mừng bình an của Chúa cho muôn dân.

 

 



[1] ĐTC Phanxicô, Huấn Từ của Giáo Hoàng Phanxicô, J.B Lưu Văn Lộc chuyển ngữ (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2019), tr. 203.

[2] X. ĐTC Phanxicô, Huấn Từ của Giáo Hoàng Phanxicô, J.B Lưu Văn Lộc chuyển ngữ (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2019), tr. 204.

[3] Thời bấy giờ, dân tộc Ít-ra-en đang loạn lạc. Khi được mục kích thời tàn của Giu-đa và sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem năm 587 tcn, Giê-rê-mi-a đau lòng trước nỗi đau của dân tộc, ngậm ngùi cho dân tộc đang bị tan nát vì ách đô hộ, dân chúng phải lưu đày khổ ải. Trước tình cảnh đầy nghiệt ngã đó, Giê-rê-mi-a đã giải thích cho họ biết rằng những đau khổ mà họ phải chịu chính là hệ luỵ của lòng bất trung vào Chúa.

Tác giả: Lm. Jos Đồng Đăng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!