Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Đồng Đăng
Bài Viết Của
Lm. Jos Đồng Đăng
CON ĐÃ YÊU NGÀI QUÁ MUỘN
HÃY MỞ RỘNG CÁNH CỬA TRÁI TIM ĐỂ ĐÓN VUA GIÊSU
TRỜI ĐẤT QUA ĐI, LỜI CHÚA CÒN MÃI
CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG
SỐNG GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC ‘TIẾN THÂN’ HAY ĐỂ ‘DẤN THÂN’?
CHỈ CÓ CHÚA LÀ GIA NGHIỆP
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly
ĐỪNG LOẠI TRỪ NHAU
SỨ ĐIỆP TỪ THẬP GIÁ
NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
CHỦNG SINH: CÂY BÚT CHÌ TRONG TAY HỌA SĨ GIÊSU
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI (phỏng theo Video bài giảng của Hồng Y Tagle)
TỬ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIAN VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KI-TÔ
GIA ĐÌNH - NGÔI NHÀ DÀNH CHO TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG
LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG
ĐỨC GIÊSU ĐEM ‘BÌNH AN’ HAY ‘GƯƠM GIÁO’ ĐẾN CHO THẾ GIAN?
NGƯỜI ĐÃ HIẾN MÌNH VÌ TÔI
SỐNG HIỆP THÔNG THEO GƯƠNG CHÚA BA NGÔI
THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Đức Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ các tín hữu
BIẾN CỐ THĂNG THIÊN VÀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
HÒA HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
CÓ NHIỀU “TIA SÁNG” NHƯNG CHỈ CÓ MỘT “MẶT TRỜI” CỨU ĐỘ
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
MỤC TỬ THẬT, MỤC TỬ GIẢ
Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
GIÊ-RÊ-MI-A, MẪU GƯƠNG CHO NGƯỜI NGÔN SỨ
NIỀM VUI CÓ CHÚA PHỤC SINH
HÃY ĐỂ CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHẠM ĐẾN CHÚNG TA
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
NÃO TRẠNG ‘VỨT BỎ' VÀ SỰ HUỶ HOẠI PHẨM GIÁ CỦA TÍNH DỤC
CHIÊN VƯỢT QUA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Đức Tin, Một “Bảo Vật” Đầy Mong Manh Nơi Người Ki-tô Hữu Trẻ Hôm Nay
GIU-ĐA, CON NGƯỜI ‘ĐÁNG THƯƠNG’ HAY ‘ĐÁNG GHÉT’?
HÃY ‘RỬA TAY’ NHƯNG XIN ĐỪNG ‘PHỦI TAY’
CÓ NHIỀU “TIA SÁNG” NHƯNG CHỈ CÓ MỘT “MẶT TRỜI” CỨU ĐỘ


Dẫn nhập: Con người là một hữu thể có tôn giáo.[1] Tự bản chất, con người luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Họ luôn đặt ra những câu hỏi quan trọng, những câu hỏi mà lời giải đáp liên quan trực tiếp tới số phận cuối cùng của mỗi người như: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời? Phải chăng sau khi chết còn có một cuộc sống khác? Đấng Cứu Độ đích thực của tôi là ai? Cũng vì lẽ đó mà xuất hiện rất nhiều tôn giáo khác nhau như Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Khổng giáo, Lão giáo… và Kitô giáo. Tất cả cùng hướng về một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người, cho đến khi những người được chọn hiệp nhất với nhau trong Thành Thánh, rạng ngời ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi muôn dân bước đi trong ánh sáng của Ngài.[2] Còn Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuốn sách Thiên Chúa và Trần Thế đã viết: nơi các tôn giáo lớn, chúng ta đã thấy đôi chút ánh sáng Thiên Chúa loé lên, song đấy cũng chỉ là những đốm sáng rời rạc.[3] Trong bài viết này, tôi xin triển khai hai khía cạnh với mong ước đem lại đôi chút ánh sáng cho chúng ta trên hành trình đi tìm Đức Kitô, Mặt Trời Công Chính, là niềm hy vọng của chúng ta.

1. Những tia sáng của Chân Lý

Trước khi chân nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về linh đạo của các tôn giáo lớn trên thế giới. Trước hết, Ấn giáo là một tôn giáo đưa ra rất nhiều quan điểm về Thượng Đế. Họ cho rằng, Thượng Đế tỏ mình ra cho con người dưới nhiều dấu chỉ khác nhau. Trong Ấn giáo, có một dạng Thượng Đế ba ngôi nào đó. Đó là Brahma sáng tạo, Vishnou khôi phục và Civa huỷ diệt. Thiên Chúa của họ không phải là Đấng tự mạc khải chính mình nhưng là một năng lực trải rộng khắp vũ trụ. Thần minh của Ấn giáo ở dạng độc thần kiểu phiếm thần, phi bản vị và vô danh. Các tín đồ Ấn giáo là những người sống nội tâm. Ấn giáo dạy các tín đồ của mình biết tìm kiếm các lợi ích khác ngoài lợi ích vật chất, hướng đến sự an tĩnh của linh hồn bằng cách sống từ bỏ, chay tịnh và bất bạo động; dành ưu tiên cho việc làm giàu đời sống tâm linh, nhằm thể hiện cái linh thánh nơi mình và lấy việc truy tầm chân lý vĩnh cửu làm lẽ sống cho cuộc đời. Đặc biệt, giáo lý Ấn giáo khuyên tín hữu hãy tin yêu và thờ phượng Thượng Đế, nhờ đó sẽ được cứu độ: “Các con hãy nhớ rằng kẻ nào tin yêu và thờ phụng Ta, kẻ ấy sẽ không bao giờ bị huỷ diệt”.[4] Sự tin yêu và thờ phụng Thượng Đế tức là hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thượng Đế. Mỗi lời nói, việc làm đều mang ý nghĩa của một hành động phụng vụ và ca ngợi vinh quang của Đấng chí tôn.[5]

Giáo hội Công Giáo đánh giá rất cao Ấn giáo. Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate) viết như sau: “như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thiêng liêng, và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng mến yêu tin cậy”.[6]

Thứ hai là nền linh đạo của Phật giáo. Phật giáo lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng mình hoặc bằng trợ lực của ơn trên.[7] Con đường giải thoát mà Phật giáo dạy các tín đồ của mình là phải sống hoà hợp với thiên nhiên, giữ tâm hồn hoàn toàn thư thái trong mọi hoàn cảnh; sống trung dung giữa khổ hạnh và thế tục; không tà dâm loạn dục; yêu mến sự thật, tự trọng, sống khiết tịnh, khiêm nhường, từ bi… Đó là những điều rất hợp với giáo huấn Kitô giáo. 

Thứ ba, chúng ta cũng không nên bỏ quên đạo thờ hồn thiêng bất tử đã đặt việc thờ cúng ông bà tổ tiên như một trách vụ thiêng liêng trong đời sống. Ở Việt Nam, tâm thức đó đã được diễn tả trong những câu tục ngữ ca dao thấm đượm tính nhân văn: “con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn” hay “thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”. Như vậy đạo này cho rằng, giữa người sống và người chết vẫn được gắn kết với nhau bằng một sợi dây vô hình nào đó vì “thác là thể phách, còn là tinh anh”[8] và “người chết nối linh thiêng vào đời”.[9] Phải chăng đây là một sự chuẩn bị cho việc đón nhận niềm tin Kitô giáo về sự Các Thánh cùng thông công. Sự thông công hay hiệp thông giữa các thánh lại là niềm tin vào Chúa Kitô, nguồn mạch duy nhất của sự sống và sự thánh thiện cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, còn có những tín đồ, đại diện cho những đặc tính thuộc nhiều hệ phái; đó là những hệ phái về phụng tự và đồng thời về luân lý, nhấn mạnh đặc biệt tới sự thiện và sự ác. Chắc chắn Khổng giáo cũng thuộc những hệ phái đó giống như Lão giáo vậy. Lão giáo muốn nói tới “chân lý vĩnh hằng” ấy biểu lộ ra nơi hành động của con người bằng sự thật và sự thiện luân lý.[10]

Thứ tư là nền linh đạo của Hồi giáo. Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất[11], đã từng đối thoại với con người. Đồng thời, họ luôn luôn tuân phục thánh ý của Người. Họ tôn kính Đức Giêsu như một vị ngôn sứ và Mẹ Người là Đức Trinh Nữ Maria. Trong tháng Ramadan, họ sống đời sống tôn giáo thật gắt gao. Họ rất hiếu khách, quảng đại và công bình. Giáo hội không ngớt cổ võ việc đối thoại sâu xa giữa Hồi giáo và Kitô giáo với hy vọng rằng tín đồ của hai bên phải cố gắng thông cảm lẫn nhau, đồng thời cùng nhau giữ gìn và thăng tiến sự công bằng xã hội, các giá trị luân lý, nền hoà bình và sự tự do cho hết mọi người.

Thứ năm là nền linh đạo của Do Thái Giáo. Hội thánh Công giáo nhìn nhận rằng, người Do Thái là anh em của chúng ta trong đức tin. Kitô giáo đâm rễ sâu trong đạo Do Thái, và các Kitô hữu không việc gì mà chối bỏ các bậc tiền bối của mình. Chính từ Do Thái giáo mà Kitô giáo có được bộ sách Cựu ước, là các Lời Chúa hứa. Chính Đức Kitô cũng được hạ sinh từ một người phụ nữ gốc Do Thái là Đức Maria. Các tông đồ, là rường cột của Giáo hội cũng xuất thân từ dân Do Thái. Giáo Hội không thể quên được rằng, nhờ dân đó, dân đã được Chúa đoái thương ký giao ước xưa do lòng xót thương khôn tả của Ngài, nên Giáo Hội mới nhận được mạc khải Cựu Ước và được nuôi dưỡng bằng rễ cây ôliu tốt tươi, mà những cành ôliu dại là các Chư Dân đã được tháp nhập vào.[12] Vì Giáo hội tin rằng Chúa Kitô, Thái Tử Hòa Bình của chúng ta, đã giao hòa dân Do Thái và Chư Dân bằng thập giá và làm cho cả hai nên một nơi Người.[13] Vì vậy, cả người Kitô hữu lẫn người Do Thái cần bỏ qua những nghi kỵ để cùng tìm gặp nhau và nhìn ra những kho tàng chung. Đó cũng chính là ý nghĩa cuộc thăm viếng lịch sử của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tại hội đường Rôma ngày 13.4.1986. Tại đó, ngài đã tuyên bố với cộng đồng Do Thái giáo rằng: “Các bạn là những người anh em mà chúng tôi quý mến nhất”.

Như vậy, nơi các tôn giáo khác, có rất nhiều giá trị đáng trân trọng. Về mục đích, các tôn giáo ấy đều nhắm mưu cầu điều tốt cho con người. Về giáo lý, các tôn giáo ấy đều có một phần sự thật hướng đến sự thật toàn diện mà Thiên Chúa muốn bày tỏ trong Kitô giáo. Về mặt thực tiễn, dù nhiều hay ít, các tôn giáo ấy đều có tác động dẫn dắt con người đến điều thiện. Vì thế, thái độ của công đồng Vaticano II đối với các tôn giáo khác luôn là kính trọng, đối thoại và hợp tác. Tuy nhiên, đó chỉ là ‘những viên đá nằm chờ’ một sự mạc khải chính xác hơn của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô. 

2. Đức Kitô, Mặt Trời Công Chính – là Đấng Cứu Độ Duy Nhất

Thiên Chúa của Kitô giáo là Đấng tự mạc khải, nghĩa là Thiên Chúa tự “vén màn” cho chúng ta biết những điều kín nhiệm nơi Ngài. Nói cách khác, mạc khải là việc Thiên Chúa do tình yêu vô biên, đã tự tỏ mình ra cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài, để con người, qua Đức Kitô và trong Thánh Thần, được cứu độ, thông phần vào bản tính Thiên Chúa và được trở nên nghĩa tử của Ngài.[14] Như vậy, qua mạc khải, ta biết Thiên Chúa không phải là một năng lực trải rộng khắp vũ trụ (Brahman), không phải là một Ai đó (Allah, Giavê), không phải là Vị đơn độc như bao tôn giáo khác vẫn trình bày. Thiên Chúa là Cha muôn loài. Ngài có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một bản thể, một bản tính như nhau và rất yêu thương nhau nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

Người Kitô hữu xác tín rằng, Kitô giáo là tôn giáo duy nhất đem lại cho con người sự cứu chuộc trong máu Chúa Kitô. Giáo lý Kitô giáo luôn vượt xa các tôn giáo khác, giáo lý ấy không phải là một hệ thống những lời dạy và kinh nghiệm sống nhưng được dệt nên từ những điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, khởi đi từ cuộc sáng tạo cho đến thời cụ Ápraham, nhất là qua ‘Biến Cố Đức Kitô’.

Chính Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Ngài đã liên kết một cách trọn vẹn nơi bản thân mình cả Thiên Chúa và con người; Ngài liên kết mọi người lại với nhau và chính Ngài là Đấng giải đáp các khát vọng thâm sâu nhất trong lòng họ. Chỉ qua Đức Kitô, chúng ta mới có thể đến với Thiên Chúa là Cha muôn loài (x. Ga 14, 6). Gerard O’Collins trong cuốn Fundamental Theology đã diễn tả vai trò trung gian của Đức Kitô bằng những lời tuyệt vời như sau: “Nhờ nhập thể, Logos đã đi vào trong sự liên đới có tính lịch sử với toàn nhân loại cũng như với thế giới vũ trụ này. Người đã đi vào lịch sử để trở nên một thường dân và nên tâm điểm của vũ trụ. Từ nay trở đi, biết Thiên Chúa nhờ những người khác và nhờ thế giới này thì cũng là biết Thiên Chúa nhờ Đức Kitô nhập thể”.[15]

Đức Giêsu đã khẳng định Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 17,6).  Ngài không chỉ là người dẫn đường cho người khác về với Thiên Chúa, mà chính Ngài là con Đường. Ngài không những chỉ cho người khác về Chân Lý, mà chính Ngài là Chân Lý. Ngài không những chỉ cho người khác về Sự Sống, mà còn là Sự Sống. Từ cạnh sườn của người bị đâm thâu, khiến nước và máu chảy ra, phát sinh nguồn ơn cứu độ. Ngày hôm nay, mỗi khi chúng ta tham dự vào hy lễ bàn thờ là chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại để cứu độ chúng ta. Đấng chịu khổ hình thập giá cũng là Đấng đã phục sinh, Đấng đem lại niềm hy vọng cho chúng ta.

Cuối cùng, nếu như dấu chỉ cho biết chân lý của một tôn giáo là sự thăng tiến con người, thì Kitô giáo trong Đức Giêsu Kitô, là bến đỗ an toàn nhất. Chính Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha, đã chết, đã phục sinh để đập tan xiềng xích tội lỗi và đem con người trở về giao hoà với Thiên Chúa là Cha muôn loài. Trong Đức Kitô, các giá trị đích thực của mọi truyền thống tôn giáo và văn hoá như từ bi và tuân phục thiên ý, nhân từ và ngay thẳng, bất bạo động và liêm khiết, khiêm nhường, thảo hiếu và hoà hợp với thọ tạo đều đạt tới mức sung mãn và hoàn thành.[16] “Từ giây phút đầu tiên của thời gian cho tới khi kết thúc, Đức Giêsu vẫn là Vị Trung Gian duy nhất và phổ quát. Ngay cả đối với những người không minh nhiên tuyên xưng niềm tin vào Ngài như là Vị Cứu Tinh, thì ơn cứu độ vẫn đến từ Đức Giêsu Kitô như một hồng ân qua sự thông ban của Chúa Thánh Thần [...] Chính Đức Giêsu là Tin mừng cho mọi người ở mọi thời mọi nơi đang đi tìm ý nghĩa của cuộc đời và sự thật của con người”.[17]

Kết luận: Trên đây là những lập luận cho thấy, nơi các tôn giáo lớn, có hình bóng Thiên Chúa xuất hiện một cách lờ mờ. Tất cả tựa như những mảnh đất màu mỡ đón chờ hạt giống Tin mừng được vãi gieo. Chỉ có một Mặt Trời Công Chính, một Đấng Cứu Độ duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Giáo hội hết sức kính trọng các tôn giáo cũng như các truyền thống tâm linh thuộc mọi nơi, luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ của họ. Đồng thời, Giáo hội cho rằng, các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được kiện toàn trong Đức Giêsu Kitô.[18] Chính nhờ Đức Kitô, Đấng là nguồn Mạc Khải và sự viên mãn của Mạc Khải mà chúng ta biết được Thiên Chúa là cứu cánh đích thực của con người. Cuối cùng, chúng ta luôn ý thức rằng, những Kitô hữu trên trần gian này không có một quê hương vĩnh cửu, nhưng tìm kiếm một quê hương trong tương lai… người Kitô hữu xem xã hội hiện tại như một nơi tha hương; họ thuộc về một xã hội mới là mục đích của cuộc lữ hành trần thế, và là điều luôn được trông mong trong suốt cuộc lữ hành này. Nơi môi trường mới, trong Nước Thiên Chúa, chúng ta hy vọng có Đức Kitô, Đấng Cứu Độ thế giới đang đón chờ chúng ta.

 

Tài liệu tham khảo

1. Giáo lý Hội thánh Công giáo

2. Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate)

3. Lê Xuân Khoa. Nhập Môn Triết Học Ấn Độ. Sài Gòn: Bộ Giáo Dục Quốc Gia Xuất Bản, 1965.

4. Gioan Phaolo II. Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng.

5. Gioan Phaolo II. Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á. 

6. Joshep Ratzinger. Thiên Chúa và Trần Thế. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011.

7. Gerard O’Collins. Thần Học Căn Bản. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011.  

 



[1] GLGHCG 28.

[2] Xem Công Đồng Vatican II, Nostra Aetate 2.

[3] Xem Joshep Ratzinger, Thiên Chúa và Trần Thế, Bản dịch của Phạm Hồng Lam, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011), tr. 327.

[4] Lê Xuân Khoa, Nhập Môn Triết Học Ấn Độ, (Sài Gòn: Bộ Giáo Dục Quốc Gia Xuất Bản, 1965), tr. 207-208.

[5] Ibid., 222.

[6] Công Đồng Vatican II, Nostra Aetate 2.

[7] Ibid., 2.

[8] Nguyễn Du – Truyện Kiều

[9] Trịnh Cônh Sơn, Nối Vòng Tay Lớn

[10] Gioan Phaolo II, Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, 95.

[11] Xem T Gregoriô VII, Epist III, 21 ad Anasir (Al-Nasir), regem Mauritaniae. x.b. E. Caspar in MGH. Ep. sel. II, 1920, I, trg 288, 11-15: PL 148, 451 A.  

[12] Xem Rm 11,17-24.

[13] Xem Eph 2,14-16.

[14] Xem GLGHCG 51-52.

[15] Gerard O’Collins, Thần Học Căn Bản, Bản dịch của linh mục Nguyễn Đức Thông, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), 232.   

[16] Xem Gioan Phaolo II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á 14.  

[17]  Gioan Phaolo II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á 14.

[18] Xem Gioan Phaolo II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á 6.  

Tác giả: Lm. Jos Đồng Đăng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!