Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Đồng Đăng
Bài Viết Của
Lm. Jos Đồng Đăng
CON ĐÃ YÊU NGÀI QUÁ MUỘN
HÃY MỞ RỘNG CÁNH CỬA TRÁI TIM ĐỂ ĐÓN VUA GIÊSU
TRỜI ĐẤT QUA ĐI, LỜI CHÚA CÒN MÃI
CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG
SỐNG GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC ‘TIẾN THÂN’ HAY ĐỂ ‘DẤN THÂN’?
CHỈ CÓ CHÚA LÀ GIA NGHIỆP
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly
ĐỪNG LOẠI TRỪ NHAU
SỨ ĐIỆP TỪ THẬP GIÁ
NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
CHỦNG SINH: CÂY BÚT CHÌ TRONG TAY HỌA SĨ GIÊSU
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI (phỏng theo Video bài giảng của Hồng Y Tagle)
TỬ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIAN VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KI-TÔ
GIA ĐÌNH - NGÔI NHÀ DÀNH CHO TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG
LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG
ĐỨC GIÊSU ĐEM ‘BÌNH AN’ HAY ‘GƯƠM GIÁO’ ĐẾN CHO THẾ GIAN?
NGƯỜI ĐÃ HIẾN MÌNH VÌ TÔI
SỐNG HIỆP THÔNG THEO GƯƠNG CHÚA BA NGÔI
THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Đức Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ các tín hữu
BIẾN CỐ THĂNG THIÊN VÀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
HÒA HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
CÓ NHIỀU “TIA SÁNG” NHƯNG CHỈ CÓ MỘT “MẶT TRỜI” CỨU ĐỘ
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
MỤC TỬ THẬT, MỤC TỬ GIẢ
Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
GIÊ-RÊ-MI-A, MẪU GƯƠNG CHO NGƯỜI NGÔN SỨ
NIỀM VUI CÓ CHÚA PHỤC SINH
HÃY ĐỂ CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHẠM ĐẾN CHÚNG TA
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
NÃO TRẠNG ‘VỨT BỎ' VÀ SỰ HUỶ HOẠI PHẨM GIÁ CỦA TÍNH DỤC
CHIÊN VƯỢT QUA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Đức Tin, Một “Bảo Vật” Đầy Mong Manh Nơi Người Ki-tô Hữu Trẻ Hôm Nay
GIU-ĐA, CON NGƯỜI ‘ĐÁNG THƯƠNG’ HAY ‘ĐÁNG GHÉT’?
HÃY ‘RỬA TAY’ NHƯNG XIN ĐỪNG ‘PHỦI TAY’
MỤC TỬ THẬT, MỤC TỬ GIẢ


Ông Qohelet, tác giả sách Giảng Viên đã viết: “Không gì mới cả ở dưới ánh dương” (Gv 1,9). Khi viết về đề tài mục tử, thoạt tiên, tôi cảm thấy hơi tẻ nhạt và bị cám dỗ bởi luận điệu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, khi suy niệm nghiêm túc về hình ảnh người mục tử, tôi thấy thật quan trọng để viết những điều mình suy nghĩ, ít ra là để nhắc nhủ chính mình. Dưới đây, tôi xin mạo muội chấm phá đôi nét chính yếu về hình ảnh người mục tử. Đây như là một lời nhắc nhở tôi nhớ lại và sống ơn gọi “là” mục tử của Chúa, và nếu được, để cùng với những ai đang dấn bước trên hành trình mục tử, có chung một thao thức về sứ mạng cao quý nhưng cũng đầy cam go này.

1. Khái niệm mục tử: Trước hết, mục tử là ai? Thưa, mục tử (Shepherd) theo nghĩa đen có nghĩa là người chăn cừu. Theo nghĩa ẩn dụ, mục tử có nghĩa là người hướng dẫn tinh thần hay người chăm sóc các linh hồn. Trong văn hóa Do Thái, các vua chúa và các tư tế được gọi là các mục tử. Danh hiệu mục tử được sử dụng một cách đặc biệt khi nói về Chúa. Đức Chúa như người mục tử gắn liền cuộc sống của mình với đoàn chiên. Chẳng hạn, qua trung gian Môsê, Đức Chúa đã dẫn dắt dân Ítraen vượt qua Biển Đỏ ráo chân, rồi vượt qua sa mạc bốn mươi năm để tiến vào miền Đất Hứa, miền đất chảy sữa và mật. Đức Chúa luôn đồng hành với dân, tựa như người chăn chiên luôn đồng hành để dẫn đưa đoàn chiên vào đồng cỏ xanh tươi và những dòng suối mát.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh về những người chăn chiên, trong đó có các tổ phụ Apraham, Giacob, và các tiên tri như Giêrêmia, Êdêkiel, Amos, Hôsê, v.v. Trong Tân Ước, chúng ta bắt gặp chi tiết các thiên thần báo tin Chúa giáng sinh cho những người chăn chiên. Và đặc biệt, Tin mừng giới thiệu cho biết Đức Giêsu Kitô xuất hiện như một người mục tử đến với các chiên lạc nhà Ítraen (Mt 10,6; 15,24; Lc 15,3-7). Và các linh mục của Chúa cũng được gọi là các mục tử. Các ngài được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu Kitô, vị mục tử đích thật.

2. Mục tử thật

Mục tử thật là người có những phẩm chất cao quý. Thứ nhất, ngài luôn luôn phải là người dấn thân vì đoàn chiên. Người mục tử thì khác hoàn toàn với một công chức, ăn trên ngồi trước, ngồi mát ăn bát vàng, có tiền hô hậu ủng. Những công chức có khi sống theo lối ngôn hành bất nhất, “bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao” hay “miệng năm mô, bụng bồ dao găm”; có khi để dân “sống chết mặc bay” mà “tiền thầy bỏ túi”, v.v. Trái lại, mục tử là người “tiền hậu như nhất”, luôn luôn tôn trọng chữ tín, luôn sẵn sàng đứng ở đầu sóng ngọn gió để làm gương cho chiên, biết cúi mình phục vụ đoàn chiên theo gương vị Mục Tử Giêsu. Một mục tử tốt không thể là người chỉ biết bo bo tìm tư lợi cho mình như tiền bạc, địa vị, danh lợi, phương tiện, v.v. Có người giáo dân đã than phiền rằng: “ôi con thấy, linh mục nhiều khi giống như một cái nghề vậy! Hễ mở miệng là chỉ hai chữ “tiền tiền mà thôi”! Nghe vậy, là mục tử, ai mà chả “nhột”! Thực ra, làm linh mục nhiều khi không khó nhưng “là” linh mục thì khó biết chừng nào. Nếu linh mục coi “cái có” hơn cái “là” thì có nghĩa ngài đã đi trệch hướng. Những thứ như tiền tài, danh vọng, quyền lực, phương tiện, nhà cửa, đẳng cấp, v.v không phải là tiếng nói cuối cùng, không phải là những tiêu chí để linh mục thể hiện mình, nhưng điều tối quan trọng là “chiếm đoạt” Đức Kitô và để Đức Kitô “chiếm đoạt”. Muốn vậy, chắc chắn Ngài phải tới gần, gắn mình với Nguồn ân sủng chính là Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành.

Thứ hai, linh mục là người “thấm mùi Chúa” và “lấm mùi chiên”. Không ai có thể cho người khác cái không có. Vì thế, trước khi “nói về” Chúa cho người khác, linh mục phải học cách “nói với” Chúa, cần đi vào mối tương quan cá vị với Ngài trước đã. Khi đã tới gần Chúa, linh mục cũng dễ gần đoàn chiên. Trở nên linh mục không chỉ đơn thuần là dâng lễ, cử hành các bí tích như một cái máy rồi sau đó nhốt mình trong một ốc đảo cô tịch, của cái tôi của linh mục nhưng là để đi ra, để đến với đoàn chiên nhưng là tới gần đoàn chiên, để “vui với người vui, khóc với người khóc”. Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng đã nói những câu thật sâu sắc: “Tôi thà có một Giáo hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”[1]. Trên hết, linh mục phải mang trong mình đức ái mục tử của Chúa Ki-tô để yêu thương người nghèo để sống cùng sống với và sống vì đoàn chiên: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Và trên hết, linh mục phải là người cảm nhận sâu sắc mầu nhiệm khổ nạn và vượt qua của Chúa Kitô để trở nên chứng nhân cho niềm hy vọng của Tin mừng trong thế giới hôm nay. Một linh mục yêu mến Chúa Kitô chịu đóng đinh thì không thể phớt lờ những đau khổ của tha nhân. Lời của Đức Giáo Hoàng Phanxico lại trở nên như tiếng chuông cảnh tỉnh con người thời đại hôm nay và người Kitô hữu, và linh mục cách riêng: “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành kiểu Ki-tô hữu đứng xa để nhìn các vết thương của Chúa. Nhưng Đức Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Ngài hy vọng chúng ta ngưng tìm kiếm những cái tháp ngà của cá nhân hay cộng đồng để che chở chúng ta khỏi vòng xoáy những nỗi bất hạnh của con người; trái lại, Ngài muốn chúng ta đi vào thực tế đời sống của những người khác và biết được sức mạnh của sự dịu dàng”[2]. Vậy, để làm được như thế linh mục không còn con đường nào khác là rập đời mình theo Đức Kitô trong từng giây phút của cuộc sống, bởi lẽ “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu” nhưng chính là những trang sức của tâm hồn, của sự liên hệ cá vị với Đức Kitô. Về điều này, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã nêu rõ: “điều quan trọng nhất trên hành trình tiến tới thiên chức linh mục và trong suốt cuộc sống linh mục, đó là mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”.[3] Vì thế, mục đích của đời tu không phải là tấm áo choàng linh mục, là chiếc lúp đội đầu hay một chức vụ nào khác trong Giáo hội nhưng là để ‘chiếm đoạt Đức Kitô và để được Đức Ki-tô chiếm đoạt’ (X. Pl 3, 12). Nếu linh mục mà đặt mục đích của mình vào những thứ vô hồn kia thì đời tu chỉ là một tiếng thở dài liên lĩ. Tóm lại, việc trở thành linh mục là dịp để dấn thân, là phục vụ chứ không phải là cơ hội để tiến thân, và mục đích tối hậu của đời người nói chung và người linh mục nói riêng là được kết hợp với Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, là Đầu và Mục Tử. Nếu một mục tử mà xa rời Chúa và đoàn chiên là mục tử giả.

3. Mục tử giả: Mục tử giả là những người có lối sống lầm lạc, từ cung cách sống đến lời rao giảng. Về lời nói, mục tử giả chuyên trò lừa dối kẻ khác bằng những mánh khóe và phán đoán sai lầm như lời tiên tri Isaia đã nói: “Cả bọn này nữa cũng chếnh choáng vì rượu, lảo đảo vì men: tư tế và ngôn sứ đều choáng vì men …, chếnh choáng trong thị kiến, loạng quạng khi xét xử.” (Is 28,7). Nơi họ còn biểu hiện sự lẫn lộn giữa những hứng khởi, ham muốn riêng tư và ý muốn chân thật của Thiên Chúa: “Chúng kể lại những giấc chiêm bao và làm cho dân Ta lầm lạc… Chính Ta, Ta đã không phái chúng đi, cũng chẳng truyền lệnh cho chúng.” (Gr 23,32). Những giấc chiêm  bao lầm lạc đó có thể là những lời nói sặc mùi tiền, danh, lợi, dục, v.v.  mục tử giả là vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời, nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo lời Đấng là sự thật, cho đúng với nhiệm vụ mục tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến[4].

Trên đây là một vài nét chấm phá về chân dung người mục tử. Ngài chính là trung gian để thi thố lòng thương xót của Chúa cho con người. Với khả năng tự nhiên của con người, sứ vụ ấy tưởng không thể cam nổi nhưng với ân sủng của Chúa, mọi sự đều có thể. Sứ vụ ấy luôn đầy rẫy những thập giá hay nói cách khác, thập giá như một thành tố làm nên ơn gọi ngôn sứ vì chính Chúa Giêsu đã nói: “tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16). Tuy nhiên, người mục tử luôn được Chúa an ủi vỗ về: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (2 Cr 12, 9). Xin Chúa chúc lành cho những bước chân không mệt mỏi của những mục tử của Chúa, xin biến các ngài trở nên những Alter-Christus, những “Đức Kitô khác” cho con người hôm nay.

 



[1] Giáo Hoàng Phanxico I, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Bản Dịch của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN, (Roma: 24/11/2013), s. 49.

[2] Ibid. s. 270.

[3] Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thư Gởi Các Chủng Sinh, Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ, (Vatican: 18/10/2010), s. 1.

[4] Ibid. tr. 613. 

Tác giả: Lm. Jos Đồng Đăng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!