Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Đồng Đăng
Bài Viết Của
Lm. Jos Đồng Đăng
CON ĐÃ YÊU NGÀI QUÁ MUỘN
HÃY MỞ RỘNG CÁNH CỬA TRÁI TIM ĐỂ ĐÓN VUA GIÊSU
TRỜI ĐẤT QUA ĐI, LỜI CHÚA CÒN MÃI
CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG
SỐNG GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC ‘TIẾN THÂN’ HAY ĐỂ ‘DẤN THÂN’?
CHỈ CÓ CHÚA LÀ GIA NGHIỆP
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly
ĐỪNG LOẠI TRỪ NHAU
SỨ ĐIỆP TỪ THẬP GIÁ
NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
CHỦNG SINH: CÂY BÚT CHÌ TRONG TAY HỌA SĨ GIÊSU
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI (phỏng theo Video bài giảng của Hồng Y Tagle)
TỬ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIAN VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KI-TÔ
GIA ĐÌNH - NGÔI NHÀ DÀNH CHO TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG
LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG
ĐỨC GIÊSU ĐEM ‘BÌNH AN’ HAY ‘GƯƠM GIÁO’ ĐẾN CHO THẾ GIAN?
NGƯỜI ĐÃ HIẾN MÌNH VÌ TÔI
SỐNG HIỆP THÔNG THEO GƯƠNG CHÚA BA NGÔI
THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Đức Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ các tín hữu
BIẾN CỐ THĂNG THIÊN VÀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
HÒA HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
CÓ NHIỀU “TIA SÁNG” NHƯNG CHỈ CÓ MỘT “MẶT TRỜI” CỨU ĐỘ
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
MỤC TỬ THẬT, MỤC TỬ GIẢ
Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
GIÊ-RÊ-MI-A, MẪU GƯƠNG CHO NGƯỜI NGÔN SỨ
NIỀM VUI CÓ CHÚA PHỤC SINH
HÃY ĐỂ CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHẠM ĐẾN CHÚNG TA
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
NÃO TRẠNG ‘VỨT BỎ' VÀ SỰ HUỶ HOẠI PHẨM GIÁ CỦA TÍNH DỤC
CHIÊN VƯỢT QUA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Đức Tin, Một “Bảo Vật” Đầy Mong Manh Nơi Người Ki-tô Hữu Trẻ Hôm Nay
GIU-ĐA, CON NGƯỜI ‘ĐÁNG THƯƠNG’ HAY ‘ĐÁNG GHÉT’?
HÃY ‘RỬA TAY’ NHƯNG XIN ĐỪNG ‘PHỦI TAY’
TỬ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIAN VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KI-TÔ


Lm. Jos. Đồng Đăng

Trong thư gửi tín hữ Ê-phê-sô, Thánh Phaolo Tông Đồ viết: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 5-6). Những lời trên đây đã trở nên một khẳng quyết dứt khoát trong niềm tin của người Ki-tô hữu qua muôn thế hệ. Những lời tuyên xức đức tin cụ thể và chi tiết này như trở nên khuôn khổ thiêng liêng vững chắc cho Giáo Hội Chúa Ki-tô. Đây như là điểm quy chiếu, là tiếng chuông cảnh tỉnh Giáo hội trước mọi cơn nguy biến.

Vào thế kỷ thứ ba, Giáo hội đã trải qua bao cơn khủng hoảng đầy khó khăn: khó khăn của sự chống đối, bóp méo hay phản bội. Giáo hội tưởng chừng như bức tường sắp tới lúc ngã nghiêng. May thay, ý Chúa nhiệm đã cho xuất hiện vị “chiến sĩ dũng mãnh” để bảo vệ ngôi nhà Giáo hội. Đó là Thánh Giáo phụ Cyprian Carthage. Trong lúc Giáo hội đang đối mặt với phái dị giáo, ly giáo và những cuộc bách hại đang đe doạ đến sự hiện hữu và sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội Chúa Ki-tô, Cyprian đã kịp thời đưa ra những lập luận kịp thời, mạnh mẽ và khôn ngoan để bảo vệ Giáo hội thoát khỏi cơn nguy biến. Một lần nữa, những tư tưởng của Thánh Phaolo trên đây lại được gióng lên qua tác phẩm của Cyprian: De Ecclesiae Catholicae Unitate (về sự hiệp nhất của Giáo hội công giáo). Dưới đây, người viết sẽ trình bày (1) bối cảnh Giáo hội thời Cyprian, (2) lập luận về tính hiệp nhất của Giáo hội, (3) vai trò của giám mục trong Giáo hội và (4) biên giới của ơn cứu độ.

1. Bối cảnh Giáo hội

Vào năm 250, một cơn bách hại đạo khủng khiếp đã nổ ra dưới thời trị vì của hoàng đế Đê-ci-us. Vị hoàng đế này đã tung ra một chiến dịch buộc mọi công dân phải phụng thờ thần minh để ủng hộ ông. Các Ki-tô hữu phải lựa chọn hoặc thờ ngẫu tượng hoặc là bị phạt truất hữu tài sản, lưu đày và lao động khổ sai, thậm chí chịu chết. Hậu quả là có nhiều người tử vì đạo, một số đông bỏ đạo hoặc bội giáo, kể cả trong hàng ngũ giáo sĩ. Tuy nhiên, sau cuộc bách hại ấy, những người bỏ đạo và bội giáo muốn trở lại Giáo hội. Trước tình hình đó, giữa Rô-ma, đại diện là Đức Giáo Hoàng Corneille và Cartharge, đại diện là Cyprian không tìm được sự đồng thuận trong cách nhận những kẻ ‘sa ngã’ (Lapsi) trở lại Giáo hội. Rôma chủ trương mềm dẻo, còn Carthage chủ trương cứng rắn; từ đó dẫn tới việc ra đời ly giáo Novatien, theo khuynh hướng mềm dẻo[1]. Từ những biến động trên, Cyprien đã soạn thảo cuốn De Ecclesiae Catholicae Unitate (về mối thống nhất của Giáo hội công giáo). Tác phẩm khai triển hai ý tưởng chính: Giáo hội là duy nhất và Giám Mục đoàn là “đoàn thể” phục vụ sự duy nhất này. Trước tác này được xem như là thánh ca đề cao Giáo hội, mà theo ngài, Giáo hội vốn căn cứ vào sự hiệp nhất với giám mục, đứng đầu là Phê-rô.

2. Tính hiệp nhất của Giáo hội

Thánh Cyprian không đưa ra những định nghĩa hay mô tả mang tính thần học cao siêu về Giáo hội. Ngài chỉ nói từ con tim cho những ai biết rằng họ phải sống thế nào cho xứng hợp với đức tin mình đã lãnh nhận. Trong khi Thánh Iréne thành Lyon dùng hình ảnh Thiên Đàng để chỉ Giáo hội khi ngài nói rằng “Giáo hội là Thiên Đàng trên trái đất”[2] [the Church is Paradise on Earth] thì thánh Cyprian lại dùng hình ảnh Người Mẹ để miêu tả về Giáo hội. Ngài đã trở nên nổi tiếng khi nói rằng: “Kẻ nào không có Giáo hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha”[3]. Hình ảnh Người Mẹ được Cyprian sử dụng cho Giáo hội giúp vị giám mục thành Carthage này nhấn mạnh đến nguy cơ cho những ai rời bỏ Giáo hội. Họ như chết đi về phần linh hồn. Bất kỳ ai tách khỏi cung lòng của người mẹ sẽ không thể thở và sống được, vì “chất dinh dưỡng” của ơn cứu độ sẽ bị đánh mất. Giáo hội tựa như Người Mẹ của những người con sống trong mối dây liên kết chặt chẽ, là một tổ chức thiêng liêng và là cuộc sống trong hoà bình và bác ái huynh đệ. Hơn nữa, “sự duy nhất của Giáo hội còn là một bí tích”[4]. Sự duy nhất của Giáo hội đến từ sức mạnh thần linh và sự gắn kết với các bí tích, đó là lý do tại sao bất kỳ ai không liên kết chặt chẽ với mối hiệp nhất này, không tuân giữ luật Chúa, không tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần thì sẽ không có ơn cứu độ. Đó là lý do khi ngài nói: “phá vỡ sự hoà bình và mối hiệp nhất của Chúa Ki-tô (trong Giáo hội) là cố gắng phá vở sự duy nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi”[5]. Giáo hội được phân tán trên khắp thế giới, tuy nhiên sự phân tán này không ảnh hưởng đến tính duy nhất bởi vì nó giống như các thành viên cùng sống trong sự duy nhất của một thân thể. “Các giám mục sống ở nhiều địa phận khác nhau nhưng cấu thành một và cùng một chức giám mục”[6]. Giáo hội là một dù nó có nhiều cộng đoàn lan toả trên khắp thế giới, giống như mặt trời có nhiều tia nắng nhưng cũng là một ánh sáng, như cây có nhiều cành nhưng cùng có chung một bộ rễ mạnh mẽ và chắc chắn, như con nước có nhiều dòng suối nhưng cùng chung một nguồn nước… Nếu ta tách rời các tia sáng ra khỏi ông mặt trời, tia nắng đó sẽ không còn sáng nữa; nếu cắt các dòng suối khỏi nguồn nước, chúng sẽ khô cạn; nếu tách biệt các cành cây khỏi thân cây, chúng sẽ chết khô. Giáo hội toả chiếu ánh sáng của Con Thiên Chúa và ánh sáng đích thực này sẽ rợp bóng trên trên trái đất, bởi vì Thiên Chúa là một và cho mọi người. Bởi vậy, dù ta có nấp bóng sau rặng cây thì mặt trời vẫn chiếu sáng, dù ta có chối Chúa nhưng Chúa vẫn không chối bỏ chúng ta. Cũng như khi chúng ta xa lìa ánh sáng mặt trời, chúng ta sẽ lạnh lẽo; nếu chũng ta xa Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ quạnh quẽ cô đơn. Giáo hội là Mẹ, nhờ Người chúng ta được sinh ra và được bú mớm và trưởng thành. Dù trong những nỗi đau khổ cùng cực hay ngược đãi, nhờ ân sũng của Chúa, Giáo hội hoàn vũ vẫn luôn chứng minh rằng Giáo hôi là một và không thể chia lìa. Giáo hội ấy vẫn luôn luôn là một trong một thân thể duy nhất có Chúa Ki-tô là đầu. 

Để nhấn mạnh tư tưởng về sự duy nhất của Giáo hội, thánh Cyprian đã liên kết mối dây khăng khít này với Thiên Chúa, với Phép Rửa Tội. Ngài trích dẫn lời của Thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu E-phê-sô 4, 4 - 6: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”. Vậy, “chỉ có một Phép Rửa, một Thánh Thần, Giáo hội được được đặt nền tảng trên thánh Phê-rô, bởi một nguồn mạch và một nguyên lý duy nhất”[7]. Giáo Hội Công Giáo không bị phân chia bằng bất cứ giá nào nhưng được liên kết chặt chẽ với nhau bởi bởi sợi dây liên kết là các giám mục và linh mục là những người có mối liên hệ khăng khít với nhau.

Sự hoà hợp là đặc tính căn bản của Giáo hội. Đây chính là sự kết hiệp khăng khít và giản dị giữa mục tử và đàn chiên và giữa dân Thiên Chúa, những người cùng chung một trái tim, một tấm lòng trong mái nhà chung là Giáo hội Chúa Ki-tô. Và, Giáo hội Rô-ma là nguồn hiệp nhất cho mọi Giáo hội: “Giáo hội đứng đầu mà từ đó phát xuất sự hiệp nhất tư tế”.[8] Tuy nhiên, sự hiệp nhất này chưa có nghĩa giám mục độc nhiệm, mà căn cứ vào mầu nhiệm Ba Ngôi. Sau nay, Công Đồng Vatican II trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã khẳng định: “Giáo hội xuất hiện như “đoàn dân được thống nhất bởi sự hiệp nhất giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần”.[9]

Nền tảng đích thực của mối hiệp nhất trong Giáo hội chính là  sự thống nhất và hoà hợp của Thiên Chúa được mạc khải và đạt tới đỉnh điểm nơi Con Một Của Ngài là Đấng đặt nền tảng cho Giáo hội trong cùng một Thánh Thần. Thiên Chúa, Chúa Ki-tô, Giáo hội và đức tin đã hoà quện nên một. Đây là mô hình mà thánh nhân dùng để hiểu dân Thiên Chúa vốn được nối kết trong một thân thể duy nhất thông qua mối dây liên kết, là mối dây ràng buộc lẫn nhau. Giáo hội đó được đặt nền tảng trên Thánh Phê-rô. Và dĩ nhiên, đứng đầu Nhiệm Thể Giáo Hội chính là Chúa Ki-tô. Trong Chúa Ki-tô, mọi thành phần trong Giáo hội được liên kết với nhau trong mối dây đượm tình huynh đệ. Sự hiệp nhất trong Giáo hội còn được diễn tả bằng một hình ảnh rất đẹp, được biểu tượng hoá bởi tấm áo choàng của Chúa Giêsu. Tấm áo mà khi Ngài bị đóng đinh, quan dữ đã rút thăm ai được thì lấy trọn vẹn mà không bị xé hay phân làm nhiều mảnh. “Đây là một dấu chỉ mà ở đó Chúa Giêsu đã tuyên bố sự hiệp nhất Giáo hội một cách đầy bí nhiệm”[10]. Như vậy, Đức Ki-tô là tâm điểm của linh đạo Ki-tô giáo, chính nơi Ngài mà cuộc sống chung của các Ki-tô hữu được bén rễ sâu trong những cảnh ngộ của đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, sự hiệp nhất đó không thể tách rời vai trò của các giám mục trong Giáo hội.

3. Vai trò của Giám mục trong Giáo hội

Thánh Cyprian còn nói, trong Giáo hội, chúng ta cần nghe lệnh truyền của Chúa Ki-tô, “ để đứng vững trong Lời Người, để học và thực hành bất cứ điều gì Ngài dạy và làm”[11]. Để vâng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu thì tình yêu Chúa và yêu tha nhân cũng có nghĩa là ở trong mối hiệp nhất với thân thể Chúa Ki-tô. Không só sự hiệp nhất nào nằm ngoài sự vâng phục trong tình yêu. Tình yêu dành cho tha nhân mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là nền tảng cho sự hiệp nhất trong Giáo hội. “Sự chia cắt trong Giáo hội sẽ đến khi con người không còn tìm kiếm nguồn chân lý, là Đầu, là Chúa Ki-tô, là Chúa Thiên Đàng”[12]. Dù rằng ai đó xa lìa Giáo hội, Giáo hội vẫn không lìa xa Chúa Ki-tô, và sự gắn kết đó cũng không giảm sút khi có giám mục ở đó: “Giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong giám mục”[13] (Ecclesia in episcopo, episcopous in Ecclesia). Nói cách khác, tính duy nhất của Giáo hội hiện hữu là nhờ các giám mục, là những người kế vị các tông đồ và qua sự thống nhất với giám mục đoàn như là một thể thống nhất. Có thể nói rằng, các giám mục như là một thứ “keo dán” để kết dính các thành phần trong Giáo hội lại với nhau. Và các giám mục có vai trò làm nổi bật tính tông truyền của Giáo hội, nhưng các ngài chỉ lãnh đạo Giáo hội trong sự tham dự vào sứ vụ của Chúa Ki-tô là Chúa Tể. Đây là một khẳng quyết hết sức quan trọng về bản chất của Giáo hội và sứ vụ của Giáo hội trong giai đoạn đầy sóng gió lúc bấy giờ. 

4. Biên giới của ơn cứu độ 

Thánh Cyprian vốn nổi tiếng với câu nói: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”. Thật ra, trước Cyprian, Thánh Iréne thành Lyon đã viết ngoài giáo hội không có ơn cứu độ, nhưng điều đáng nói là cách hiểu và sử dụng tư tưởng này của hai ngài có phần khác nhau. Thánh Iréne dùng tư tưởng này để chống lại phái lác giáo ngộ đạo: ngài nói rằng Chúa Ki-tô phán xét tất cả những ai ở ngoài Giáo hội; ngài có ý nói đến tất cả những ai ở bên ngoài Giáo hội[14]. Trong khi đó Cyprian lại tỏ ra rất rõ ràng và minh bạch khi đề cập đến dân Thiên Chúa là những người ở trong Giáo hội tông truyền. Ngài đã viện dẫn Tin mừng theo Thánh Ma-thêu 12: 30: “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán”. Để nhấn mạnh đến nhiệm vụ của những người thi hành sứ vụ hiệp nhất, Thánh Cyprian còn quảng diễn lời của Tin mừng Ma-thêu: “Ai thu góp bất kỳ nơi đâu hơn ở trong Giáo hội Chúa Ki-tô là phân tán khỏi Giáo hội Chúa Ki-tô”[15] (He who gathers elsewhere than in the Church of Christ, scatters the Church of Christ). Với những ai sống trong nỗi sợ hãi sự bách hại và có xu hướng nghiêng về phái ly giáo, Cyprian nói rằng những ai lìa xa Giáo hội chính là nổi loạn chống lại sự bình an trong Chúa Ki-tô và chống lại sự hiệp nhất của Giáo hội. “Nào có ai kín múc nước từ nguồn nước của Giáo hội lại không ở trong Giáo hội chứ”[16]? Câu hỏi đó như ngụ ý rằng ai mà như thế thì kể như là một tên kẻ trộm vậy. Ngài lập luận theo logic của tam đoạn luận rằng Giáo hội được xây dựng trên nền tảng là Thiên Chúa vì thế bất cứ ai không ở lại trong sự hiệp nhất với Giáo hội thì không thể nắm giữ được đức tin đích thực nơi Thiên Chúa. Do đó, chỉ những ai không bén rễ sâu trên các giới răn và lệnh truyền của Chúa thì mới lìa xa Giáo hội. Nếu ai ở ngoài Giáo hội thì sẽ bị diệt vong bởi vì chỉ trong Giáo hội, Chúa Giêsu Ki-tô mới ban cho sự sống đời đời và bởi vì ngoài Giáo hội không có ơn tha tội”[17].

Như vậy, ơn cứu độ chỉ có duy nhất trong Đức Ki-tô. Giáo hội chính là sự sống trong Đức Ki-tô, là sự khôn ngoan và chân lý. Sống trong sự hiệp nhất với Giáo hội là trong sự hiệp nhất thần linh. Cyprian nói không có điều gì là hợp pháp nếu nằm ngoài Giáo hội và ai được rửa tội trong Giáo hội thì có được chân lý sự sống của sự hiệp nhất thần linh này. Không thể có danh xưng Ki-tô hữu cho những ai ngoài Giáo Hội. Ngài còn nói chi tiết rằng những lời cầu nguyện và hy sinh thậm chí là việc tử đạo nếu nằm ngoài Giáo hội thì cũng vô ích. Phẩm chất của Ki-tô giáo có được là nhờ sự hiệp nhất trong thân thể Đức Ki-tô chứ không phải nhờ bất cứ một đặc tính riêng biệt nào ngoài sự hiệp nhất này[18].

Tuy nhiên, dưới ánh sang của Công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy rõ hơn biên giới của ơn cứu độ. Những người sống ngoài Giáo hội hữu hình nhưng sống thành thật thì không thể bị coi như người vì lỗi mình mà mất đức tin. Họ không biết đạo Kitô và đồng thời theo một tôn giáo khác. Thật ra họ thuộc về Giáo hội một cách mặc nhiên, nhờ thái độ sẵn sàng chấp nhận Chúa Kitô. Kẻ nào nghe theo tiếng lương tâm và thành thật phụng sự Chúa chắc chắn sẽ được rỗi linh hồn. Vì chưng, Chúa không thể loại bỏ những ai không đồng tình với sự sai lầm và cũng chưa biết chân lý. Họ thuộc về hạng con cái của Chúa bằng ước muốn. Cả những ai bách đạo cũng có thể được cứu rỗi, nếu họ hành động vì lòng ngay lành. Thánh Phaolô, một người bách đạo đã phân trần: “Thuở trước tôi là một tên phạm thượng, một người bắt đạo, một kẻ chửi bới hỗn xược, nhưng Chúa Kitô thương xót tôi vì tôi thành thực trong hành động vô đạo” (1Tm 1,13). Như vậy, ơn cứu độ phổ quát trong Đức Ki-tô.

Kết luận

Những lập luận trên đây đã chứng tỏ Thánh Cyprian là một vị giáo phụ nổi tiếng khi ngài đặt dấu “trọng âm” (dấu ấn) cho ơn cứu độ được lãnh nhận nơi Giáo hội công giáo và trên sự cần thiết của việc duy trì đức ái trong Giáo hội và trong sự vâng phục sự hiệp nhất. Từ quan điểm này, thánh Cyprian đã được biết đến như là một cá nhân xuất sắc, là người dẫn dắt, giảng dạy và gây ảnh hưởng trên những người trong thời đại của ngài và cho hậu thế. Thông qua việc khuyến khích các Ki-tô hữu thời ngài, từ việc làm chứng cho tới việc tử đạo và qua sự tận tâm của đời ngài trong việc phục vụ dân Thiên Chúa, Thánh Cyprian giữ một vị trí quan trọng trong truyền thống Giáo hội công giáo. Chắc chắn rằng, tên tuổi của Ngài còn sống mãi trong Giáo hội nhất là trong lãnh vực Giáo Hội Học. Tuy nhiên, những tư tưởng của ngài cần được đọc dưới ánh sáng của công đồng Vatican II, nhất là qua hiến chế Lumen Gentium, ở đó, chiều kích ơn cứu độ được trình bày một cách phổ quát và theo thiển ý cá nhân là “tích cực hơn” so với Thánh Cyprian. Và sự mới mẻ đó đang đợi mỗi người trong chúng ta khám phá và biện phân.



[1] Xem Simon Hoà Đà Lạt, Lịch sử các Giáo phụ tập 1, (Đại chủng viện Vinh-Thanh, 2012), 129.

[2] Irénée de Lyon. Contre les Hérésies IV, Sources Chretiennes, ed. Critique par A. Rousseau (Paris: Ed. Du Cerf, 1965), Ch.33, 7.

[3] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, (Đại Chủng Viện Thánh Giuse), tr. 96.

[4] A. Roberts and Y. Donaldson, ed., The Ante – Nicene Fathers, Vol. V (Grand Rapids, MI: Wm.B. Eerdmans Publishing Company, 1986), 423, 7. 

[5] A. d’ Alés. La Théologie de St. Cyprian (Paris: Gabriel Beauchesne, 1992), 100.

[6] A. Roberts and Y. Donaldson, ed., The Ante – Nicene Fathers, Vol. V (Grand Rapids, MI: Wm.B. Eerdmans Publishing Company, 1986), 333, 24.

[7] Ibid. 376, 382.

[8] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1 (Đcv Vinh Thanh, 2012), 134.

[9] Xem Lumen Gentium, s. 4.

[10] A. Roberts and Y. Donaldson, ed., The Ante – Nicene Fathers, Vol. V (Grand Rapids, MI: Wm.B. Eerdmans Publishing Company, 1986), 423, 7.

[11] Ibid., 422, 2.

[12] Ibid., 422, 3.

[13] Select Epistles, 109.

[14] Select Epistles, 89, 109.

[15] A. Roberts and Y. Donaldson, ed., The Ante – Nicene Fathers, Vol. V (Grand Rapids, MI: Wm.B. Eerdmans Publishing Company, 1986), 423, 6.

[16] Ibid. 382.

[17] Ibid. 377, 385.

[18] G.W. Clarke, Những lá thư của Thánh Cyprian thành Carthage III. (New York: Newman Press, 1986), 48.  

Tác giả: Lm. Jos Đồng Đăng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!