Kinh thánh thuật lại
rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được
Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người
và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, cụ
bà
Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như
thế: một lão bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho sinh con!... Thiên Chúa
xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa
hỏi tại sao lại cười thì
cụ bà Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà bà
cụ
đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh
đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã
tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ
nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã
cười...
Cười, cười một cách
lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người
ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất
cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người
đã từng biết cười với cuộc sống và với tha nhân…
Thánh Phanxicô thành
Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn
phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là
thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con
người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như
Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn
ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca
hát..."
Thánh Thomas Moore
khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được
giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi
đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một
ai...
Một vị tu sĩ nào đó
vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút
được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột"…
Gì
chứ cười thì người viết rất nhiệt tình, bởi trong căn phòng hưu dài/rộng chỉ
vỏn vẹn có 6,5 m x 3,5m…thôi mà đã có tới ba bốn vị Di Lặc…Có vị bằng gỗ, có vị
bằng men, có vị to và có vị nhỏ : vị nào cũng toét miệng cười thoải mái…Tại sao
lại nhiều vậy ? Thưa, bởi vì người viết thich cười và ưa nhìn người khác cười,
vậy thôi !
Rất
ít khi thấy các Đấng Bậc hay những tay viết về Đạo ta bàn về chuyện…cười…Rất
may được đọc một đoản viết từ cái cười của cụ bà Sarah…rồi bàn dài đến cái cười của các
Thánh…và kết luận cho rằng “nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người
đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột”…khiến người viết can
đảm hơn…để thêm lời bàn cho rôm chuyện…
Không
biết ông họa sĩ nào đã tạo ra được cái cười của cụ bà Sarah trong bức tranh vào
đề người viết lục tìm được, nhưng quả thực bức tranh diễn tả một cái cười “rất
Sarah vào lúc ấy” – nghĩa là lúc bà cụ 90 tuổi nghe thấy mấy ông khách báo
tin bà sẽ thụ thai và sinh con : cười nắc nẻ…vì không thể chịu đựng nổi cái tin
“lạ lùng” ấy…Đúng là “ôm bụng cười” và “cười hụt hơi”…ngay
khi tổ phụ Abraham còn đang tiếp ba ông
khách ở lều ngoài…Và một điều cũng khá là vui đối với người viết, đấy là ý
nghĩa của cái tên Isaac trong tiếng Do Thái : Isaac – đứa con sinh ra từ “người
đã cười”…Chắc chắn là khi có những giây phút “nựng” cậu bé Isaac trên gối
mình, bà mẹ cao tuổi của cậu sẽ rất hãnh diện để “cù nách” cậu, nhắc lại cái tên ấy của cậu…và làm cho cậu
cười…cùng với bà mẹ - “người đã cười”…
Thường
thì khi nói đến “cười” người ta nghĩ đến khía cạnh tích cực cả về nội dung cái
cười lẫn kết quả cái cười mang lại : nào là “ một nụ cười bằng mười thang
thuốc.”; “một ngày không cười là một ngày lãng phí !”; “một trong
những giá trị chung nhất của mọi người có lẽ là nụ cười.”; “ nếu bạn
không có gì tặng tôi thì xin tặng tôi nụ cười!”…Thậm chí đại văn hào Nga M.
Gorki còn nói : “ Tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người…” Hay
đại văn hào Pháp, bác sĩ F.Rabelais. lại rất chuyên môn : “Tiếng cười là đặc
trưng của con người, là một yếu tố của sức khỏe, một phương pháp trị bệnh hiệu
quả”…Còn chính trị gia kiêm nhà báo Nga thì bảo : “ Tiếng cười không
những là dấu hiệu của sức mạnh mà bản thân nó vốn đã là sức mạnh rồi.” …
Tuy
nhiên cái cười không phải là độc nhất của động vật người đâu đấy nhé…Khá nhiều
loài động vật khác cũng cười và biết cười: chẳng hạn như bò, lừa, ngựa, cáo,
hải cẩu , linh cẩu, lạc đà…Đại loại các nhà chuyên môn cho rằng có tới 65 loài
động vật khác nhau biềt cười và thường xuyên cười…theo cách riêng của của từng
loại…Bản thân người viết thì cũng thường thấy mấy chú bò đực cười khi được
thưởng thức “mùi” của các chị bò cái…Cái cười tuyệt vời…Hai hàm răng cán cuốc
nhe ra hết cỡ có thể…Đúng là giống bò !!!
Tuy
nhiên với động vật người…thì cái cười mang nhiều ý nghĩa lắm…chứ không chỉ là
dấu chỉ của niềm vui mà thôi đâu…Nhất là với thứ ngôn ngữ nhiều ẩn ngữ của
người Việt chúng ta…thì tiếng cười và cái cười cũng buộc chúng ta phải dè chứng
luôn…Không biết trong các ngôn ngữ khác thì sao, chứ nơi người Việt và ngôn ngữ
Việt…thì cười bao gồm chung chung là có những tiếng cười dễ thương và có những
tiếng cười khó ưa : - dễ thương…như cười
duyên, cười nụ, cười mỉm, cười xòa; - khó ưa… như cười khẩy, cười ruồi,cười
nhạt, cười nửa miệng, cười khinh khỉnh…Đấy là chưa nói đến những tiếng cười
trong những hoàn cảnh đặc biệt như : cười đau khổ, cười ra nước mắt, cười như
mếu, cười lặng…Bên cạnh đó là những tiếng cười cần phải lên án như : cười vô
duyên, cười trên đau khổ của người khác, cười hô hố, cười đồng lõa, cười hềnh
hệch, cười hồng hộc, cười toe toét…
Nhà
văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987) cho rằng người Việt chúng ta có tới cả… 100 cái
cười khác nhau…Người viết chỉ xin phép cụ để thêm vào vài ba kiểu cười nữa
thôi…như cười ngất, cười ngặt nghẽo, cười ré, cười rộ, cười rú, cười sặc sụa,
và – xin lỗi – cười té đái, cười vãi đái…Cụ bảo rằng : “Tổ tiên ta thật là những nghệ sĩ tạo hình cho tiếng cười
Việt Nam, tạo ra cho tiếng cười bao nhiêu là bóng dáng, và có cả một cái gì như
là biên chế đầy đủ thang bậc tiếng cười” (Tuyển tập Nguyễn Tuân 2, Nguyễn
Đăng Mạnh biên tập, nxb Văn Học HN, 1982, trg 393 – 4)…
Còn tác giả của đoản viết trên đây…thì lại đề cập
đến cái cười của các Vị Thánh tiêu biểu trong Đạo cùng với những câu trích,
như:
Thánh
tổ phụ của các Đấng Bậc Dòng Áo Nâu – Phanxicô thành Assisi : “ Hãy trả lại
sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đủ lý do để buồn phiền ”…
Ông
Thánh bổn mạng các Đấng Bậc trong hàng giáo sĩ – Cha Gioan Maria Vianey với
những bức ảnh, pho tượng khá là khắc khổ, nhưng cũng đã gióng lên một câu nói
tràn đầy hoan lạc và có ý nhắc đến tiéng cười : “ Linh hồn những ai phục vụ
Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn sẵn
sàng để ca hát…Đương nhiên là khi linh hồn vui…thì miệng sẽ cười thôi ”…
Tuyệt
vời hơn nữa khi một vị tu sĩ thời cổ đã dám gắn chuyện cười với công cuộc
truyền giáo khi tuyên bố : “ Một nụ cười
và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt
dài ra vì ủ dột ”…
Thế nhưng Đức Giêsu, Ngài có cười không?
Chắc chắn là có rồi, nhưng quý vị tác giả Tin
Mừng không nói tới, có lẽ vì nghĩ rằng
sống bấy nhiêu năm ở trần gian thì đương nhiên là Chúa phải cười thôi : cười
nắc nở khi lẫm chẫm chạy đến với Đức Mẹ hay thánh Giuse thủa ấu thời, cười thân
ái khi ngỏ lời mời gọi các Tông Đồ, cười hiền hòa khi “shalom” ông Gia-kêu vừa trụt xuống khỏi cây sung bên
đường, cười ấm áp với lũ trẻ vừa thoát
khỏi cánh tay ngăn của các môn đệ và ù đến với Ngài, cười thương mến với
thành viên gia đình Betania, cười khích lệ với mỗi người được Ngài chạm đến…và
cười bình an với tất cả đám đông vây quanh Ngài mỗi ngày…
Người
ta đồn rằng nhà thơ Trăng Thập Tự có một câu thơ nói đến tiếng cười của Đấng
Chịu Treo : Trên Thánh Giá – Chúa cười khúc khích ! Chắc chắn lời đồn ấy
chỉ là chuyện chọc ghẹo nhau theo cái kiểu “đùa” như ông Tổng Cốc với nữ sĩ Hồ
Xuân Hương ngày xưa mà thôi…Tuy nhiên nếu giả như thi sĩ Trăng Thập Tự có “xuất thần” để nghe
được tiếng cười ấy thì người viết nghĩ rằng :
Đấng Chịu Treo có “cười khúc khích”…thì chắc chắn là Ngài cười
sau khi đã công bố với người tử tội sám hối lời tha thứ có một không hai : “ Tôi
bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được vào ở với tôi trên Thiên Đàng” ( Lc 23 ,
43). “Khúc khích” bởi vì Ngài đã
thắng thế gian, thắng ma quỷ…và đưa về cho Thiên Chúa Cha một nhân loại mới –
nhân loại của yêu thương và cải hối…
Lạy
Chúa – xin cho con “ biết cười !”,
Cho
dầu miệng cười nhiều khi bị che khuất bởi giòng lệ…
Cho
dù tim con tan nát
Thì
xin Chúa vẫn cho con “biết cười !” …
Cười
cho con – và cho tha nhân…
Cười
cả khi vui lẫn khi khóc…
Cả
khi may mắn lẫn khi gặp rủi ro…
*
* *
Và
cả Chúa nữa, lạy Chúa :
Xin
hãy luôn mỉm cười với con nhé !
Ôi
miệng cười độc đáo của Chúa : miệng cười của Tình Yêu…
Lm
Giuse Ngô Mạnh Điệp