TGPSG / Aleteia --
Không bao giờ là quá muộn khi muốn kiếm tìm ân sủng của Chúa…
Cách thích hợp để giới thiệu câu chuyện
của người đàn ông này, chính là sử dụng hai câu Phúc âm: Lc 15, 23-24, tường
thuật sự trở lại của “Đứa con
hoang đàng”: “Hãy đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng
ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà
nay lại tìm thấy."
Vào ngày 24-2-1954, Jacques Fesch đã sát
hại một cảnh sát và làm bị thương 3 người khác ở gần đó. Tội phạm thật rõ
ràng. Trong quá trình cố ăn trộm từ một nhà buôn tiền, mọi thứ đã không diễn ra
êm xuôi. Jacques bị kết tội giết người và bị kết án tử hình. Ngày 1-10-1957,
anh sẽ bị xử tử…
Jacques sinh ra trong một gia đình giàu
có. Cha của anh là một chủ ngân hàng thành công đến từ nước Bỉ. Ông cũng là một
nghệ sĩ và một người vô thần, rất ít quan tâm đến cậu con trai. Được mẹ nuôi
dưỡng thành tín hữu Công giáo, Jacques là một người hay mơ mộng. Anh cũng lười
biếng và chẳng có tham vọng gì. Cha mẹ anh ly hôn khi anh 17 tuổi. Jacques trở
nên khép kín, và có hạnh kiểm tồi tệ đến mức bị trường đuổi học. Cha anh đã
giao cho anh một công việc tại ngân hàng của ông, nhưng Jacques - người đã từ bỏ
đức tin Công giáo - bắt đầu ăn chơi
và gặp rắc rối…
Bạn gái của Jacques là Pierrette đã có
thai. Khi Jaques 21 tuổi, anh và Pierrette đã kết hôn trong một đám cưới dân
sự. Anh nghỉ việc ở ngân hàng của cha mình, bắt đầu chè chén say sưa và không
làm được việc gì có ý nghĩa. Anh bỏ bê vợ con của mình, và có con với một người
phụ nữ khác…
Jacques lúc đó 24 tuổi. Anh đã có vợ và
một con gái, và một đứa con khác nữa với tình nhân. Anh quá mệt mỏi căng thẳng
nên đã ngỏ lời xin người cha giàu có của mình mua cho anh một chiếc thuyền để
đi Tahiti. Cha anh từ chối. Không hy vọng thoát khỏi cuộc sống mà anh đã tạo ra
cho chính mình, Jacques Fesch mua một khẩu súng và toan tính đi ăn cướp của một
nhà buôn tiền.
Tên người buôn tiền là Alexander
Silberstein. Fesch đánh vào đầu hắn, nhưng Silberstein đã bấm chuông báo động.
Một cảnh sát tên Jean Vergne ở gần đó đã chạy đến hiện trường. Jacques, chạy ra
khỏi hiện trường, quay lại và bắn trả dữ dội vào viên cảnh sát đang lao
tới. Jean Vergne chết tại hiện trường. Ba người chứng kiến bị thương. Jacques
Fesch bị bắt vài phút sau đó khi anh cố gắng chạy vào tàu điện ngầm…
Tội ác này đã tạo ra một cơn chấn động.
Các bài báo về sự tàn bạo này bùng nổ trên khắp nước Pháp, và đám tang của viên
cảnh sát bị giết đã xuất hiện trên tất cả các bản tin truyền hình. Báo chí theo
dõi phiên tòa của Jacques, và bầu không khí “kịch tính” đã khiến cả nước theo
dõi diễn tiến phiên tòa sát sao cho đến hồi kết. Vào ngày 6-4-1957, Jacques
Fesch bị kết án tử hình vì (các) tội ác của mình. Cách hành quyết ở Pháp thời đó là xử tử hình bằng máy chém…
Jacques bị biệt giam tại nhà tù La Sante ở
Paris. Khi vị Tuyên úy nhà tù - lần đầu
tiên - tiếp cận người tử tù, Jacques đã đuổi ngài đi. Nhưng vị Tuyên úy vẫn tiếp tục nỗ lực, và sau cùng hai người trở
nên thân thiết. Trong thời gian này, một người bạn cũ của Jacques đã được thụ
phong Linh mục. Ngài bắt đầu đến thăm anh. Và còn một nhân
vật thứ ba nữa đã khiến Jacques hoán cải, chính là luật sư của anh. Tên ông là
Baudet, một người Công giáo sùng đạo..
Với Chúa, mọi sự đều có thể
Ba nhân vật này đã làm việc cùng nhau như
những công cụ của ân sủng ban xuống từ trời cao. Người tử tù này bắt đầu xem xét lại cuộc sống của mình. Khi nhìn
nhận mình đã gây ra nỗi đau và thống khổ cho quá nhiều người, anh đã đi
vào một hành trình hoán cải. Jacques đã trở lại với đức tin Công
giáo của mình, đã ôm lấy nó với cả con tim…
Jacques bấy giờ đã coi phòng giam của mình
như một tu viện. Anh đọc tiểu sử tâm linh của Thánh Phanxicô
Assisi và Thánh Têrêxa thành Lisieux. Anh thường xuyên liên lạc với gia đình,
đặc biệt với người anh trai và mẹ kế của anh. Anh viết nhật ký tâm linh
hằng ngày – tập sách sau này sẽ trở thành cuốn sách thu hút trí tưởng tượng của
nhiều người. Anh đã làm hòa với vợ vào đêm trước khi chết. Vào ngày 1-10-1957,
gần 6 tháng sau khi bị tuyên án, Jacques Fesch đã bị xử tử vì tội ác của mình…
Pierrette - vợ của Jacques, và Veronica -
con gái của anh, đã tìm cách công bố những bức thư của anh như là điển
hình của ơn cứu độ. Lúc đầu, không ai quan tâm. Nhưng với sự giúp đỡ
của nữ tu Veronique Dòng Cát Minh và Linh mục Augustin-Michel Lemonnier, họ đã
xuất bản các tác phẩm của anh. Từ những năm 1970 cho đến hôm nay, những tác
phẩm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người…
Vào ngày 21-9-1987, Đức Hồng y Jean-Marie
Lustiger - Tổng Giám mục Paris - đã mở một cuộc điều tra cấp Giáo phận về cuộc đời của Jacques Fesch (nhằm khởi sự tiến trình vận động Giáo hội phong chân phước cho anh). Năm 1993, án phong thánh chính thức được mở tại Rôma, mang lại cho
Jacques danh hiệu Tôi Tớ của Chúa.
Chúng tôi đã mở đầu bài viết này bằng hai
câu trong dụ ngôn “Người Cha nhân lành” - bản Phúc âm về sự tha thứ. Chúng tôi sẽ kết thúc bài viết
này bằng hai câu khác cũng của Phúc âm Luca, phản ánh sự hoán cải đáng chú ý
nhất mọi thời đại. Kẻ trộm lành Dismas đã nói với Chúa Giêsu khi Ngài bị treo
trên thập giá:
"Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước
của ông, xin nhớ đến tôi!" Đức Giêsu nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh,
hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23, 42-43)…
Vâng, đối với Chúa, Lòng Thương Xót và Sự Tha Thứ luôn hằng tồn tại đến muôn đời. - Larry
Peterson (Aleteia)
Tuần V Mùa Chay rồi - nghĩa là gần, rất gần với Tuần Thương Khó và
Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta…nên người viết muốn viết về chuyện
sám hối – đổi đời…Và không gì cụ thể cho bằng nói về câu chuyện của Người Tôi
Tớ Chúa – vốn là một tử tội - Jacques
Fesch…mà Giáo Hội có thể sẽ phong Chân Phước cho Ngài vào một ngày gần đây…
Jacques Fesh là ai ?
Anh ta là một tử tội…Vì sao ?
Vì anh đã từng phạm tội cướp của, giết người…
Anh là một nạn nhân của một
vấn đề rất chung trong gia đình cũng như trong xã hội của mọi thời…
Gia đình, bởi anh là con trong
một gia đình giàu có, tiền bạc dư giả…và là một gia đình không hạnh phúc, bị đổ
vỡ…Dĩ nhiên là trước khi đi đến tình trạng thê thảm ấy…thì gia đình anh đã từng
là một gia đình hạnh phúc, vợ chồng gắn bó…và con cái được chăm sóc, dạy dỗ…Gia
đình anh – như vậy – là trường hợp có thể nói là khá điển hình của nhiều nhiều
những gia đình đổ vỡ ngày xưa và cả trong hôm nay nữa – nhất là trong hôm nay…
Xã hội, bởi anh lớn lên trong
nhung lụa, được dưỡng nuôi bằng đồng tiền và những tham vọng không chính đáng
là bao…nên – ngay khi sử dụng đồng tiền bất chính – anh nhận ra sự thật của
đồng tiền ấy, sự thật của cái bên ngoài giả tạo cả trong cách sống cũng như tài
sản gia đình có được…Vậy là – một cách vô cảm – anh lao vào những hưởng thụ,
nhưng bất mãn…với những “trả thù đời”…cách tội nghiệp…Anh là nạn nhân…và
- ở một phương diện nào đó – anh vô tội…Những chàng trai, cô gái như anh và
trong cùng một môi trường sống với anh – họ cũng vô tội…dù rất có thể lúc này,
họ đang là những tù nhân, thậm chí tử tội !!!
Cuối cùng thì – vào ngày mùng
6 tháng tư năm 1957, anh bị kết án tử hình…Và trong khi đợi chờ bản án được thi
hành, anh bị biệt giam tại Nhà Giam la Sainte ở Paris…
Anh đã đuổi Vị Tuyên Úy Nhà
Giam khi ngài tìm cách tiếp cận anh, nhưng rồi – với tất cả sự kiên nhẫn và
nhiệt tâm – không những ngài đã có thể nói chuyện với anh…mà cả hai đã trở
thành những người bạn thân tình…Bên cạnh đó là một người bạn cũ của Jacques –
nay đã là một Linh mục – thường xuyên đến với anh…Người thứ ba cũng có một ảnh
hưởng nhất định đến anh, đó là luật sư của anh – ông Baudet – một người Công
Giáo tốt…Cả ba đã giúp khai mở con đường
đưa anh trở về với Chúa và thậm chí còn
nên thánh…
Chúng ta nghĩ gì về những
“Jacques Fesh” hôm nay trong môi trường sống này – nghĩa là môi trường sống của
kỷ nguyên AI lan rộng khắp nơi ?
Những “người của công chúng”
bản thân lão niên bát tuần được chiêm ngưỡng hằng ngày trên màn hình – đương
nhiên – là những ca sĩ, những nhạc sĩ, những họa sĩ, những văn sĩ…và dăm ba
khuôn mặt khoa bảng…với những thành công nhất định…và họ đăng đàn để nói về
mình, về công việc của mình…và làm tiêu biểu cho những chương trình của Đài
Truyền Hình Trung Ương cũng như Địa Phương…Ai cũng đẹp – đương nhiên là nhờ dao
kéo rồi…Ai cũng giỏi bởi họ là những thành phần được tuyển chọn với tỷ lệ khá
là giới hạn…Tuy nhiên điều chắc chắn : họ chỉ là một thiểu số ưu tuyển…
Vậy thì đa số khác ở đâu ? Ở
ngoài xã hội, ở trên lề đường, ở dưới gầm cầu…Vất vưởng, mệt nhọc, nhễ nhãi…
Jacqus Fesh – người tử tội –
vào tù với tội danh cướp của, giết người ở tuổi 27 – một cái tuổi tràn đầy năng
lượng và thật nhiều mộng mơ…
Ở cái tuổi này trên đất nước
Việt Nam của chúng ta có lẽ cỡ khoảng trên dưới 22 triệu bạn trẻ…Và theo thông
tin chính thức thì mỗi năm có khoảng 13.000 thanh thiếu niên phạm pháp và bị kỷ
luật…Nghĩa là 13.000 những Jacques Fesh hằng ngày vẫn say mê tốc độ, vẫn sử
dụng hung khí, vẫn lượn lờ đây đó hoặc ngồi “thiền” trước những màn hình
trò chơi ảo…và những bàn phím…Họ là ai ? Là con cái ông nọ, bà kia – những gia
đình nhiều điều kiện nhưng lại thiếu hạnh phúc…Là con cái của những gia đình
bất hòa, nhiều tranh cãi, thiếu trung thành…và bất tín, bất nghĩa…
Jacques Fesh đã vào cửa trại
giam trong tư cách một tử tội…Anh bước ra khỏi trại giam sau khi đi qua máy chém với sự trân trọng của một con
người “lột xác”… để được công nhận như Người Tôi Tớ của
Thiên Chúa…Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy? Ơn Chúa – dĩ nhiên rồi – chính
Ơn của Chúa đã làm nên sự diệu kỳ nơi Jacques Fesh, nguồn Ơn đã từng làm cho
người tử tội bị treo bên Chúa được tận tai đón nhận những lời đầy an ủi : “Tôi
bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”
( Lc. 23 , 43)…
Thế nhưng, Ơn Chúa – trong
trường hợp Jacques Fesh là Ơn Sám Hối - không tự nhiên và dễ dàng đến với Jacques…nếu
không có sự giúp đỡ của những người thân thương, gần gũi…cũng như nỗ lực của
chính bản thân người được giúp đỡ, được chia sẻ…
Vị Linh mục Tuyên Úy Trại Giam
đã từng bị anh đuổi đi khi ngài tìm cách tiếp cận anh…Thế nhưng rồi cả hai đã
trở thành những người bạn…Dĩ nhiên không phải là chuyện của một sớm một
chiều…và người phải kiên trì, thậm chí ngậm đắng nuốt cay…thì chắc chắn là vị
Linh mục Tuyên Úy ấy rồi…Hình tượng của vị Linh mục Tuyên Úy này không biết có
gợi nên điều gì nơi các Linh mục của Chúa trong hôm nay giữa những khủng hoảng
của người trẻ Việt - Nam chúng ta không ? Đương nhiên là các Linh mục không thể
và không có Bài Sai cho nhiệm vụ Tuyên Úy Trại Giam, nhưng không phải vì thế mà
Linh mục của Chúa có thể phủi tay đứng trước “cánh đồng đặc thù” này của
sứ vụ truyền giáo…Bản thân tự xét mình suốt 40 năm làm mục vụ Giáo xứ, chưa một
lần cùng với thân nhân các phạm nhân đến thăm hỏi họ trong thời gian họ bị giam
giữ…Trong khi đó – hằng năm – vẫn “nghe”
và “thuyết” rất nhuyễn về câu chuyện Ngày Phán Xét Chung…với những vấn
đề rất “thường nhật” : Ta đói – các ngươi cho ăn, Ta khát – các
ngươi cho uống, Ta là khách lạ - các ngươi
tiếp đón, Ta mình trần – các ngươi
cho mặc, Ta đau yếu – các ngươi thăm viếng, Ta bị tù đày – các ngươi
thăm hỏi…Nghe nói về những chuyện “thường nhật” ấy như vậy, cả
người bên “phải” lẫn bên “trái”…đều ngỡ ngàng : “Có
bao giờ chúng con thấy Chúa “như vậy”…để mà…đến với Chúa đâu ???”…Ngỡ
ngàng hơn nữa ở câu trả lời “dễ ợt” : “Ta bảo các ngươi :
những gì các ngươi “đã làm” [hay “đã không làm”] cho một
trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi “đã làm”
[hay “đã không làm”] cho chính Ta” ( Mt 25 , 31 – 45)…
Vị Linh mục thứ hai Jacques
Fesh may mắn gặp được, đấy là người bạn cũ của anh…Có thể là một người bạn học
cùng lớp thủa thiếu thời, người bạn cùng băng, cùng nhóm thể thao, chạy
bộ…Người bạn ấy nghe tin về Fesh…và nặng lòng về phận số vô tín tội nghiệp của
bạn mình…nên đã tìm thăm…Linh mục chơi với Linh mục…thì là chuyện đương
nhiên…Linh mục nghe tin bạn bè thủa thiếu thời của mình…rơi vào tình trạng
này/khác…và đến thăm…thì có vẻ như…hiếm !!! Có lẽ Fesh chưa chắc đã mặn nồng
ngay ở những lần gặp gỡ ban đầu đâu, nhưng – cũng như vị Linh mục Tuyên Úy Trại
Giam trên kia - người bạn Linh mục này
có quyết tâm…và thực sự muốn điều tốt cho bạn mình…
Người thứ ba là vị Luật sư của
anh – một người Công giáo tốt…Nghĩa là một người Công giáo sẵn sàng để làm những gì “lương tâm Công giáo”
của mình chỉ bảo đứng trước người anh em mà mình nhận để giúp đỡ…Đây cũng là
gương sáng cho tất cả những người Công giáo sống đức tin của mình trong những
môi trường xã hội khác nhau…Luật sư Baudet dư sức để hiểu rằng ông sẽ không
thành công trong việc bào chữa cho
Fesh…vì tội phạm của Fesh rành rành và quá nặng nề…Nhưng ông vẫn giúp Fesh bởi
ông muốn Fesh trở về với Chúa trước giây phút quyết định của đời mình…Lưỡi dao
máy chém hạ nhanh, thủ cấp văng ra, nhưng “phận số” đời đời còn
mãi…và đấy là điều quý giá phải đeo đuổi quyết liệt để giúp cho “khách
hàng” của mình…Luật sư Baudet quả thật là một con người tin…
Với ba con người Chúa gửi đến
như “công cụ của ân sủng” ấy, Jacques Fesh đã khởi sự “hành
trình hoán cải” và Trại Giam trở thành Tu Viện – nơi Người
Tôi Tớ Chúa ngày đêm đọc sách, cầu nguyện, chiêm niệm và viết nên những
trang “Nhật Ký Tâm Linh” chan chứa ân tình lẫn chiều sâu đạo
hạnh…
Linh mục Giuse Ngô Mạnh Điệp