Một linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người
đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong
túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người
đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách
rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta…
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi
ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi... Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một
chiếc áo khác. Cái áo xin về… cũng bị chuột gặm nát… Anh quyết định kiếm một con mèo để trị lũ chuột... Và thế là anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa… Nhưng không xin áo mặc, thì
người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi…
Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm
thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế cho nên anh mới tìm
cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải
có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về
dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa… nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho
bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không
mấy chốc, mảnh đất chung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại… Con người đã một thời
muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một
chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia
sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở
thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng…
Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị
linh sư đã một thời dẫn dắt anh ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo
nàn bên bờ sông ngày nào…thì nay lại là cả một cơ nghiệp đồ sộ… Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại,
vị linh sư mới đến gặp người đệ tử ngày xưa của mình và hỏi : "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử gãi đầu trả lời: "Có lẽ
thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không
làm cách nào để giữ được chiếc áo rách của mình"…
Chiếc áo rách quỷ quái và người môn sinh tội nghiệp…
Người viết không rành lắm về y tăng của nhiều nhóm
tăng lữ, nhưng chung chung thì – như với các tỳ kheo thời Đức Phật – các vị có
bốn điều phải giữ : - bữa ăn đúng ngọ, - một gốc cây hay cái hang để qua vài ba
giờ ban đêm, - vài ba loại thuốc dân gian để trị một số bệnh thông thường, - ba
cái y để che thân và ngăn gió lạnh…Và đich thân Đức Phật đã tự mình trải nghiệm
xem một đêm cần mấy y là đủ để che thân và ngăn gió lạnh : Đầu hôm là y hạ -
giữa khuya là y trung – và gần sáng là y thượng…
Bài kệ đắp y là :
Lành thay chiếc y giải thoát,
Tượng trưng ruộng Phước vô biên.
Nay con đem đầu tiếp nhận,
Đời đời không rời khỏi thân.
Còn đệ tử của vị linh sư trong câu chuyện thì lại chỉ
có duy nhất một manh áo rách…
Đức Giêsu – về áo mặc – đã dặn dò các đệ tử - kể cá
Nhóm Mười Hai – trước khi tiễn các ông lên đường truyền giáo : “Khi đi
đường, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng
mặc hai áo” (Lc 9,3)…Ước gì ai cũng hiểu lệnh truyền này theo nghĩa
“đen”…cho đỡ phải quảng diễn loanh quanh, nhỉ…
Đành rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu !”,
nhưng chiếc áo lại giúp thầy tu rất nhiều…Với bản thân, chiéc áo nhắc cho thầy
tu nhớ mình là ai, nhớ đến sự chọn lựa mình đã đắn đo và quyết định, nhớ rằng
mình thuộc “giới” nào, và giới ấy có những qui luật nào buộc phải giữ cho xứng
với chiếc áo trên mình mỗi ngày…Với mọi người, chiếc áo giúp họ nhận ra một con
người “thọ giới”…để có khoảng cách tâm và thể lý…cho phải phép và phải lẽ…
Trong nhật ký truyền giáo của mình, Cha Piô Ngô Phúc
Hậu có nhiều nhiều những trải nghiệm về “y tăng” của các Đấng Bậc nhà
mình…Người viết chỉ xin phép được ghi lại một chia sẻ của ngài mà thôi :
Năm căn , ngày 25-5-1971
Hôm nay mình đi tìm người Công Giáo, để từ đó…mình có
thể đến với lương dân…Thế nhưng làm thế nào để tìm được họ đây ? Thôi thì mình
cứ mặc áo DÒNG…rôi tà tà thả bộ trên con đường dọc bờ sông xem sao…
Bỗng có tiếng la lên:
- Cha !
- Ông có Đạo hả ?
- Dà…
Ông Năm móc ví ra… đưa cho mình một tấm ảnh Thánh
Antôn…Tấm ảnh được gấp bốn, cũ và nhàu nát…Đã từ lâu rồi, ông Năm “cất” Đạo ở
trong lòng, không dám biểu lộ ra bên ngoài…Đạo đồng nghĩa với “đóng đinh” – ông
hiểu thế…Trong căn lều của ông không có dấu vết gì của một người Công Giáo :
không có ảnh Thánh Giá, không có hình Đức Mẹ…Nhưng trong “ký ức” của ông lại
đầy dẫy những hình ảnh thân thương về Đạo, và cái Áo Dòng Đen là một trong
những nổi bật hằn in nơi ông…Nếu không mặc Áo Dòng…thì hôm nay mình đã không
thể tìm ra được ông Năm…
Áo Dòng ơi – ta không thích màu đen tang tóc của
ngươi, nhưng ta “cần” ngươi, vì “nhờ” ngươi…mà ta tìm ra được
người anh em thân yêu đang trôi dạt trên mảnh đất Năm Căn ô hợp này…
Sân khấu trần gian hôm nay – giữa thời 4.0 – còn ô hợp
hơn bao giờ hết : ô hợp vì hiện tượng đô thị hóa, công nghiệp hóa…với tình
trạng bỏ làng ra phố kiếm sống, vất va vất vưởng đồng lương ba cọc ba đồng…nên
– muốn hay không – thì cũng phải “cất” Đạo trong lòng dù chẳng có gì gọi là đe
dọa hay hạn chế…Và cái Áo Dòng Đen đã không còn là một nét “nổi bật” hằn
lên trong lòng người…để bà con tín hữu có được niềm vui bất ngờ…khi chợt bắt
gặp một vị nào đó áo thâm chùng thong
thả rải bước trên đường phố…Những kỷ niệm êm đềm chắc chắn sẽ ùa về trong tâm
hồn họ…Các vị khất sĩ với cà sa vàng và chiếc bình bát rất điển hình nhưng
không còn xa lạ với bà con…Nhưng nều là tấm áo Dòng Đen – người viết đoan chắc
bà con sẽ quan tâm…Mặc dù không nói ra, nhưng biết đâu không có một ai đó đã
“cất” Đạo trong lòng mình…chợt có chút xao xuyến nào đó…và – với Chúa – thì đấy
cũng là một cách “gõ cửa” tâm hồn rất rất dễ thương…
Ngày xưa, trong Giáo Phận của người viết, có một cha
già : cha Gioan Baotixita Bùi Đình
Thể…Ngài thường xuyên đi bộ trên con đường dọc bờ biển Nha Trang với tấm áo Dòng Đen phấp phới…Bản thân người
viết vô cùng thán phục…và chắc bà con giáo dân cũng rất đồng tình…
Trở lại với chiếc áo rách quỷ quái và người môn sinh
tội nghiệp…
Áo cũ thì phải rách thôi – nhất là khi chỉ có một cái
một thì – dù có vò và giặt – nó cũng không thể tẩy hết được cái mùi khá hấp dẫn
với lũ chuột…Vậy là cái thứ nhất lũ chuột cắn nát…Cái thứ hai lũ chuôt cũng
không tha…Và có đến cái thứ ngàn ngàn đi chăng nữa mà không sạch, không thơm
với bột giặt OMO Matic…thì cũng chỉ là mồi ngon cho lũ chuột đùa giỡn mà
thôi…Bên cạnh đó là chút “suy tư” có vẻ “nhân bản”…về tình trạng khất thực của
mình…mà lũ “dạ quỷ” khôn khéo gợi nên trong đầu óc non nớt của người môn sinh…đã
đưa anh ta đến quyết định kiếm một con mèo để khỏi phải lo về lũ chuột nhưng
lại rơi vào mưu kế của quỷ ma…để cứ thứ này đòi phải có thứ khác…cho đến khi
bất đắc dĩ giấc mơ trở thành tu sĩ bị triệt tiêu để dành chỗ cho cơ ngơi của
một chủ nông trại…Dĩ nhiên là trong hôm nay thì hầu như ông chủ nông trại nào
cũng sở hữu một con xe hạng siêu rồi…Mảnh tăng y rách nát ngày xưa không còn
chút dấu vết nào trong tâm và óc nữa…
Câu hỏi của vị linh sư nhẹ nhàng mà thật hay : “ Thế
này nghĩa là gì hả con ?”…
Người viết cứ ray rứt với câu hỏi nặng tình loáng
thoáng một chút tiếc nuối, một chút ngạc nhiên..mà - ở mỗi cuối ngày sống - khi
ngồi tâm tình với Chúa Thánh Thể, Người có vẻ như cũng muốn đặt ra với người
viết : “ Thế này nghĩa là gì hả con ? ”…
Nghĩa là gì nhỉ ? Chúa ơi ! Người biết rồi đấy : Không
phải ngày một ngày hai mà manh áo rách trở thành cái nông trại to đùng đâu…Đấy
là cả một quá trình chuyện này nối kết với chuyện kia…và việc gì xảy ra cũng có
lý, có nghĩa của nó…để rồi cuối cùng…là thế đấy…
Tàn y một mảnh cuối đời,
Sân si buông xả - kết lời tạ ơn !
Linh mục Giuse Ngô Mạnh Điệp