Trên giường hấp hối, thánh Mônica đã nhắn nhủ con
ngài là Augustinô như sau: "Mẹ chỉ xin
con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi bước đến Bàn Tiệc Thánh"…
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van
xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân
thương của chúng ta, trước khi họ từ giã cõi đời...
Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin
thống thiết ấy…
Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con
người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van
xin kẻ khác cầu nguyện cho… còn chứng tỏ một lòng khiêm
tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mong manh bất lực của
mình.
Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi
vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp "Các Thánh thông
công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ
cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành hẳn tháng 11 hằng năm
cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính Các Thánh và cầu cho các
linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những
kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công
đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau:
"Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết,
vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành
thánh...".
Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau:
"Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người
và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa
Cha...". Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận
thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh
thiện.
Hơn ai hết, mấy cụ già Nhà Hưu khá là nhạy với những
mẩu chuyện “Bên Kia Sự Chết” - không phải vì lo sợ, ưu phiền đâu – nhưng vì nó
quá ư là huyền nhiệm mặc dù vẫn xảy ra hằng ngày…Cứ vài ba hôm lại có một trang
AI TÍN của những người đồng tuổi hay hơn kém nhau đôi chút, và cái giai điệu
“nay ông – mai tôi” vì vậy mà cứ đậm nét hơn lên – không đe dọa nhưng đậm nét
hơn lên…
Giáo Hội và gia đình con người bước vào tháng mười một
– tháng dành để nhắc nhở nhau kỹ lưỡng hơn về việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho
các linh hồn – đương nhiên cũng là tháng những người già gặm nhấm khoảng thời
gian ngắn ngủi còn lại trong đời với thật nhiều những hương vị, những sắc
màu…để chuẩn bị nối gót anh chị em đi trước mình…
Thánh nữ Mônica xin với Augustinô : “Mẹ chỉ xin con
một điều là hãy nhớ đến mẹ khi bước đến Bàn Tiệc Thánh”…Không biết Thánh Nữ đã
nói lên lời tâm tình ấy vào lúc nào, nhưng bà cụ đã qua đời khoảng năm 387 khi
đang cùng Augustinô và người em trai ông trên đường về lại quê nhà…Còn
Augustinô thì mãi đến năm 391 mới thụ phong Linh mục…Tuy nhiên linh cảm của
người mẹ cộng với sự liên lỉ cầu nguyện cho đứa con không mấy vừa lòng Chúa ở
thời điểm đó đủ để Thánh nữ Mônica tin tưởng vào sự hối cải thực tâm của con mình
cũng như đời sống thánh hiến con mình sẽ đeo đuổi sau khi đã quay trở về với
Chúa…Trực giác của các bà mẹ thật là tuyệt vời…Và lời tâm tình của bà mẹ
Augustinô cũng là lời tâm tình của tất cả các bà mẹ Linh mục…Lời tâm tình ấy
chắc nịch nên sự kỳ vọng vào một đời sống tốt lành của người con cũng có thể
nói là vô cùng : vô cùng cả trong mong ước lẫn trong tin tưởng – nhất là với
Augustinô sau những trải nghiệm đời quá nhiều “sứt mẻ” vửa được “chữa lành” nhờ
lòng yêu thương và lời nguyện cầu của lòng mẹ…
Nhắc lại lời cầu xin của Thánh nữ Mônica với Augustinô
là để nói chuyện với nhau về việc cầu nguyện cho các linh hốn…
Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con
đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại,
và mọi người - đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ
và thân bằng quyến thuộc chúng con - đã ly trần trong tình thương của Chúa.
Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn
nhan Chúa…
Trong mỗi Thánh Lễ hằng ngày, chúng ta vẫn
sốt sắng dâng lên Thiên Chúa – qua Đức Giêsu hiện diện trên Bàn Thánh – lời cầu
nguyện thật đẹp ấy và lúc này/lúc khác, trong đầu óc chúng ta phảng phất hình
ảnh của những người thân thương trong gia đình cũng như tất cả các linh hồn
trong gia đình nhân loại khi chậm rãi dâng lên Chúa lời cầu tha thiết và thân
thương này…Mới đây có một Thánh Lễ Đồng Tế mừng Bổn Mạng Nhà Hưu, anh em Linh
mục trong vùng được mời cùng dâng Thánh Lễ…Người viết giật mình thấy kinh nguyện
Thánh Thể được “lướt” qua khá là mau…Không biết có phải do mình già rồi nên
chậm hay anh em còn trẻ…nên mau…Tuy nhiên có lẽ những lời kinh nguyện tuyệt vời
ấy được chúng ta chú ý hơn để có được một chất giọng cầu khẩn nhẹ nhàng, chậm
rãi sẽ giúp cho sự “hiệp ý” của bà con giáo dân có tâm tình hơn chăng… Nhất là
ở thánh Lễ buổi sáng sớm phần lớn những người có thể đến là những người cao
tuổi, tai mắt đều lãng đãng, sự chậm rãi và chắm chú của chủ tế sẽ giúp họ rất
nhiều…
Ngày xưa khi còn đi học đây đó, những ngày
tháng bảy Âm Lịch, người viết rất thích lê la vãn cảnh chùa này/chùa nọ vào
ngày Vu Lan để được cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm…với niềm hãnh diện về
bố mẹ của mình vẫn còn được Chúa ban cho những ngày tại thế bình yên…Từ khi bận
bịu với công việc Giáo xứ và ông bà cụ cũng được Chúa gọi về…thì niềm vui và sự
hãnh diện ấy không còn nữa…Cám ơn thiền sư Nhất Hạnh với bài thơ và câu chuyện
Bông Hồng Cài Áo…Cám ơn nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với nhạc điệu rung động lòng người :
Một bông Hồng
cho em -
Một bông Hồng cho anh -
Và một bông Hồng cho những ai,
Cho những ai đang còn Mẹ…
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn…
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi,
Như đóa hoa không mặt trời,
Như trẻ thơ không nụ cười…
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm -
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm !!!
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền -
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên -
Là bóng mát trên cao,
Là mắt sáng trăng sao,
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…
Mẹ - Mẹ là lọn
mía ngọt ngào,
Mẹ - Mẹ là nải
chuối buồng cau,
Là tiếng dế đêm thâu,
Là nắng ấm nương dâu,
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật
lâu…
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ
có biết hay không ?"
- Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ
không ?"
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh…
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em…
Thì xin anh, thì xin em :
Hãy cùng tôi vui sướng đi…
Có lẽ cái sự nôn nao trong bài hát tuyệt vời này là những hình ảnh “lọn
mía ngọt ngào”, “nải chuối buồng cau”, “tiếng dế đêm thâu” , “nắng ấm nương
dâu” gắn liến với cuộc đời âm thầm, lam
lũ của bà mẹ quê…và anh con trai xa quê để lo cho tiếng gọi của bản thân…Nhà Đạo
chúng ta cũng khá nhiều những ca khúc dành để nhắc nhở việc “đời sau” nhưng có
vẻ thuần đạo đức, nặng tính chất “thần học”…nên ít tạo nên những cảm xúc nao
lòng đó…Đương nhiên rồi, bởi những bài hát của chúng ta là để dành cho việc cử
hành…Còn “Bông Hồng Cài Áo” là ca khúc để đời của nếp đời và những con người giữa
đời…nên gần gũi, ấm áp và gây hiệu ứng hơn…Bằng chứng là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã
dệt ngay những cảm xúc bản thân thành những giòng nhạc tuyệt vời, bởi ông hiểu
rằng những cảm nhận về mẹ là chung của tất cả những người con…Trong thời gian
làm mục vụ ở đây/ở đó, người viết cũng có những vị hòa thượng là bạn, và thỉnh
thoảng cũng có những trao đổi thân tình về giáo lý, về lý tưởng của nhau…trong
tâm tình trân trọng và kính mến…Thậm chí có những lần đến thăm nhau, gặp bữa
cơm chay đạm bạc rau cỏ quanh vườn chấm nước tương nhưng ngọt ngào lạ lùng và
khá tốn cơm…Cái giống nước tương nó vậy: vị mặn ban đầu sẻ sớm đưa đến cái chất
béo và ngọt của hạt đậu nành thơm ngon…Khi chào nhau về Nhà Hưu Nha Trang, Thầy
Thích Thiện Tiến đã nắm tay người viết với nụ cười nhà Phật : kiên trì nhé “ông
ngài” – “ông ngài” là cách Thượng Tọa xưng hô để trò truyện với mình… Khi con
người có “lòng” với nhau thì con tim trong lồng ngực sẽ là không biên giới…Người
viết thỉnh thoảng cũng mượn tâm tình kinh Sám Hối nhà Phật để tịnh niệm :
Con thành tâm cầu siêu
cho vong linh cửu huyền thất tổ, cha mẹ, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc nhiều
đời nhiều kiếp.
Những vong linh liên hệ và không liên hệ đến con.
Những vong linh, sinh vật có thể con vô tình đã lỡ gây hại, sát
hại trong quá khứ, trong nhiều kiếp trước cùng những vong linh mất trong chiến
tranh, thiên tai, tật bệnh,và vì mọi lý do chưa được vãng sanh.
Con thành tâm cầu nguyện xin tha lực từ bi của mười phương chư
Phật, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại
Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cùng chư vị giúp đỡ để các vong linh được tiếp
dẫn về nơi an lạc, siêu sanh Tịnh Độ.
Nay con xin chí thành sám hối mọi tội lỗi con đã vô tình hay cố
ý tạo từ nhiều kiếp cho đến nay, những tội con gây trong kiếp sống hiện tại.
Những tội do vô minh, do Tham- Sân -Si, do bởi ngã mạn
vô minh che lấp.
Từ nay, mỗi ngày con xin kiểm soát hành động,
tư tưởng để sám hối, sửa sai và xin nguyện giữ mình không tái phạm…
Ôi – gần gũi biết bao những tâm tình…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp