Cái quang cảnh
tinh thần hôm nay thấy rõ là có chuyện phân cắt…Đã từ nhiều năm tháng qua, người
ta nhìn thấy sự phân cắt ấy qua khá nhiều những hoạt động tôn giáo mới; và sự
phân cắt ấy cũng xảy ra nơi các tôn giáo đã từng ổn định trong các cơ chế của
mình, chẳng hạn như Đạo Công Giáo…Nào là nhóm chủ trương bảo thủ, nhóm thức thời phương Tây, những
Kitô hữu Châu Phi hay Châu Á…Tình trạng này gợi nên với Cha điều gì?
Điều tiên quyết chúng ta phải
nói với nhau là xin hãy tương đối hóa cái nhìn có vẻ gay gắt ấy nơi các bạn đối
với lịch sử của Giáo Hội, bới – thưa bạn – Giáo Hội không ngừng để tự phân cắt
qua thời gian với cùng một chuyển động giúp cho Giáo Hội lan rộng đến nhiều nơi
nhiều chốn, nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa…Với thật nhiểu những lý do khác
nhau qua đó những vấn nạn về quyến lực nối kết với những vấn nạn về nghi thức
hay về giáo lý, hoặc đơn giản nhưng rất sâu xa là những dị biệt về phong tục cũng như các nền
văn minh; không nói đến những khái niệm mới phát sinh từ ý thức của con người
và gợi nên những câu hỏi trong lãnh vực tôn giáo – chính vì thế mà khi những
khám phá thiên văn mới mẻ đưa đến việc nghi ngờ chuyện mặt trời quay
quanh trái đất - sẽ đặt để Kinh Thánh
trong tình trang bên ngoài có vẻ như đi ngược lại với khoa học và hạ bệ con người
khỏi cái ngai mà họ nghĩ là…họ đã chiếm hữu được cái rốn cúa vũ trụ ấy…
Ngay từ những buổi đầu, Giáo Hội
đã để cho chính mình bị phân cắt : Giáo Hội đã gầy dựng tính duy nhất của mình
bằng cách tự tách ra thành muôn vàn giáo phái được công bố là dị giáo hay ly
giáo, và điều đó xảy ra rất lâu trước biến cố quan trọng và quyết liệt hơn – tức
sự gãy đổ giữa Giáo Hội Tây Phương và Giáo Hội Đông Phương, sự gãy đổ mà có lẽ phương
diện văn hóa là điểm chính đưa đến tình trạng xa rời lẫn nhau, bởi nó đưa
ra một cuộc tranh cãi về ngôn ngữ giữa
tiếng La - tinh và tiếng Hy Lạp : làm
sao để có thể có được sự hòa hợp giữa người Kitô giáo với nhau khi mà người ta
không thể cùng chung chia một ngôn ngữ ?
Một sự phân cắt ít gây ồn ào
hơn nhưng tiếng vang lại có vẻ âm ỉ và kéo dài hơn – sự phân cắt vì lý do đức
tin…và xuất hiện từ rất rất lâu so với thời diểm mà người ta gọi là “thời hiện
đại”, khi nền văn hóa Tây phương đã bắt đầu tách ra khỏi truyền thống vốn đèo bồng
nền văn hóa ấy cho đến bây giờ : trong khi đức tin tiếp tục cho thấy là mình vẫn
được Kinh Thánh và giáo lý của các “Nghị
Phụ trong Giáo Hội” nuôi dưỡng…thì một tư tưởng mới xuất hiện, dựa trên việc
quan sát, phương pháp nghi vấn, những giả thiết cần được khám phá : Giáo Hội tự
đẩy lui cái quá khứ của mình khi tính lý
luận phương tây tự chuyển hướng và tiến
về phía trước để đón nhận những kiến thức mới mẻ và coi đấy như là một thứ hồi
môn của mình…
Kết quả thứ nhất của sự thay đổi
ấy về cấu trúc của Giáo Hội chính là chuyển động của công cuộc Canh Tân tách
đôi Kitô giáo thành các Giáo Hội Tin Lành và Giáo Hội Công Giáo La mã, và đưa đến
tình trạng đối đầu giữa Kinh Thánh được coi như nguồn gốc duy nhất của mạc khải,
và Truyền Thống được xếp vào hàng chú giải không quan trọng – một sự đối đầu mà
khía cạnh văn hóa khá là rõ ràng bởi nó đã cắt đứt phương Tây thành thế giới
dùng tiếng La tinh với thế giới nói tiếng Đức…
Vào thời của chúng ta đây,
Giáo Hội phân cắt thành những nhóm nhỏ, do những lý do nội bộ nhưng phản ảnh chủ
nghỉa cá nhân chung quanh : nhóm truyền thống, nhóm Công giáo trung thành với
Vaticanô II, nhóm những người chủ trương một thực hành thường xuyên và những
người thỉnh thoảng mới có mặt ở những buổi cử hành phụng vụ, nhóm những Kitô hữu
thích “chỉ trích” và những Kitô hữu phóng túng sống bên lề mọi sự…Và cũng phải
thêm rằng chúng ta có thể nhìn thấy cái giòng chảy chia cắt này nơi những Giáo
Hội Kitô giáo khác, chẳng hạn nơi anh chị em Tin Lành tại Mỹ với sự tách biệt
giữa nhóm chính thống và nhóm đặc sủng…
Và các bạn hỏi tôi rằng cái dòng
chảy phân cắt ấy đã gợi nên cho tôi những suy nghĩ gì ư ?
Suy nghĩ thứ nhất : nó gợi nên
một sự co rút hay co cụm chung chung nào đó của tôn giáo…Tôn giáo đã đánh mất
vai trò người điều hành và là người tạo nên sự hiệp nhất của xã hội…Đồng thời mối
tương quan nội bộ của nền giáo dục tôn giáo bị suy giảm, và các Giáo Hội bị
phân cắt thành muôn vàn những nhóm nhỏ…Tôn giáo đã từng là cội nguồn của tất cả
các tổ nhóm con người…Tôn giáo có trách nhiệm tạo nên những mối tương quan, những
cơ hội dính kết giữa nhiều nhiều những thành viên của tổ nhóm…Khi các tổ nhóm
đã hình thành một Quốc Gia và Quốc Gia nhận lãnh trách nhiệm về phần lớn những
nhu cầu của công dân mình thì Tôn Giáo – Giáo Hội – mất đi tính lợi ích xã hội
của mình, và điều đó đưa đến hai hậu quả : một phần, rất nhiều tín hữu xa rời
Giáo Hội bởi vì họ thấy chẳng có lợi ích gì trong cái mối tương quan ấy nữa; phần
khác, khá nhiều người vẫn trung thành với Giáo Hội nhưng lại có khuynh hướng
chia thành nhiều nhóm nhỏ, bởi vì Giáo Hội không còn đủ uy lực và sức mạnh để
giữ họ hiệp nhất được với nhau…
Suy nghĩ thứ hai mà tình trạng
ấy gợi nên nơi tôi là những gì trực tiếp liên quan đến Giáo Hội Công Giáo : đấy
là não trạng người ta đang ở trong một giai đoạn có tính cách tạm thời…Nghĩa là
người ta đang hướng đến một hình thức khác, một cách thế khác để xây dựng Giáo
Hội, chẳng hạn một cách thế nào đấy không quá ư thê thảm…Đương nhiên là mọi
thay đổi đều mang một diện mạo đầy lo lắng bởi nó sẽ tạo nên những suy sụp, những
xé rách, những gãy đổ; và những hạn từ diễn tả này hoàn toàn mang tính cụ thể
ngay trong cơ cấu của Giáo Hội…và là những hạn từ duy nhất đủ ý nghĩa để gợi
nên được những khổ đau cũng như nguy hiểm cho Giáo Hội…Thế nhưng sự tiến triển
này sẽ là sự lên ngôi của một thời đại mới…mà tôi vẫn chưa có thể tưởng tượng
được điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội cũng như cho đức tin Công Giáo, tuy nhiên
không hẳn sẽ nhất thiết phải là một thời đại khủng khiếp đâu…Chắc chắn là tôi
không hề nghĩ đến chuyện Giáo hội có thể lấy lại được quyền lực của mình trên
xã hội, nhưng Giáo Hội sẽ có một chỗ đứng khác đi trong thế giới và giữ lại được
cho mình sự hiệp nhất…
Rất có thể Giáo Hội sẽ ít nổi
trội hơn, khi ta hiểu rằng sự nổi trội
hiện nay của Giáo Hội nằm ở chỗ Giáo Hội cố giữ lấy cho mình cái cơ cấu phẩm trật
và giáo sĩ hiện thời…Không, cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội đã làm giảm bớt đi rất
nhiều niềm tin nội bộ cũng như với bên ngoài nữa, bởi những lạm quyền thái quá
trên bà con tín hữu cũng như với xã hội, và hàng giáo sĩ – mất đi sự mến mộ - sẽ
sớm nhận ra rằng họ sẽ không thể tự bảo vệ những vai trò quyền lực và trách nhiệm
đã được chuyển giao cho họ…Và vì thế sự nổi trội rõ nét của Giáo Hội sẽ được
chuyển giao cho những người giáo dân bình thường, bởi ngày càng ít người đeo đuổi
ơn gọi giáo sĩ cho nên dù muốn hay không…thì cũng buộc phải chuyển giao lại cho
bà con giáo dân những trách nhiệm này/khác…có thể nói là quan trọng…Và Giáo Hội
cũng sẽ ít nổi trội hơn vì sự giảm bớt mạnh con số bà con tín hữu, và còn một sự
ít nổi trội khác nữa – khó thấy hơn – đấy là phần đa số những người không tôn
giáo trong xã hội cũng là thành phần ngang ngửa với Giáo Hội – và tình trạng
này sẽ làm cho Giáo Hội mang một bộ mặt ít tính tôn giáo hơn, ít nghi thức và
nghi lễ hơn…
Trên bình diện hành động cũng
như tư tưởng, sự nổi trội lớn nhất không còn là vì đấy là Giáo Hội Công Giáo
trong tư cách là một tôn giáo – nghĩa là một nhóm mà sinh hoạt chính chỉ là việc
cử hành các thứ nghi lễ và nghi thức -
nhưng trong tư cách là Tin Mừng – nghĩa là một nhóm những con người chỉ
lo nhắm đến việc suy tư và thực hành Tin Mừng…được coi như lý tưởng đời sống
con người và qui định những phong cách giữa các cá nhân cũng như trong xã hội…
Tưởng tượng đến một sự tiến
triển như thế đã mang lại cho tôi đầy tràn hy vọng – xin thú thật với các bạn
như thế - mặc dù rất có thể sẽ có khá nhiều người không còn muốn tự nhận mình
là tín hữu Công Giáo nữa…Thế nhưng tư tưởng về con số bà con rời bỏ Giáo Hội có
nhiều như vậy đi chăng nữa thì cũng không làm tôi thấy bối rối, hoảng loạn…Không
phải vì tôi lo sợ việc rời bỏ Giáo Hội của những bà con ấy sẽ đưa đến chuyện hỏa ngục này/khác – bởi tôi không
tin rằng Thiên Chúa đeo đuổi chuyện giận hờn của Người đối với những ai không
tin Người – nhưng là do việc đánh mất tất cả đời sống tinh thần của mình như thế
sẽ làm cho bà con rơi vào trạng thái đêm
tối mãi mãi trong sự chết…nếu thực sự - với những người tin – là sẽ chỉ có đời
sống vĩnh cửu trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa…Đấy là một chủ đề lớn xứng đáng
để một nhà thần học bõ công suy tư : chủ đề về vấn nạn là những người đã rời bỏ
- thậm chí là từ bỏ tất cả đức tin Kitô giáo của mình - họ có còn được hưởng ơn cứu độ mà Giáo Hội
dành cho các tín hữu của mình không ? Hay là còn trầm trọng hơn nữa câu hỏi này
: Giáo Hội đã hết mọi trách nhiệm của mình đối với những người đã rời bỏ Giáo Hội
– nhiều khi là do lỗi lầm của chính Giáo Hội – chưa? Giáo Hội có thể làm gì đối
với những người không còn chờ mong chi nơi Giáo Hội nữa không ? Đâu là những
con đường mà Giáo Hội có thể dùng để tái nối kết lại với họ những mối tương
quan mới đây ? Đấy là những vấn nạn, những câu hỏi mà tôi đang cố gắng để tìm
cho ra giải đáp bằng cách kiếm cho bằng được một định nghĩa khác về tôn giáo và
về ơn cứu độ hay đúng hơn là tìm cho bằng được những mối khớp của tôn giáo và của
ơn Chúa cứu độ, hay – một cách rộng rãi hơn – tìm cho ra một cách hiểu khác về
sứ vụ của Giáo Hội dành cho nhân tính của con người…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển
dịch