Vậy cha sẽ chia sẻ như thế nào
cái ý tưởng cha có về Thiên Chúa cho những người đương thời với chúng ta đây?
Xin lỗi bạn, tôi sẽ không tìm cách để trực
tiếp lan rộng ý tưởng về Thiên Chúa, nhưng xin được nói về ý tưởng của một nhân
loại được linh hứng bởi đức tin của tôi vào Thiên Chúa – Đấng tự mạc khải
mình trong Tin Mừng, nghĩa là đức tin vào Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa của
sự cùng khốn, Thiên Chúa mặc xác phàm, Thiên Chúa trong phận người…Đức tin của
tôi vào Thiên Chúa không trừu tượng, nó không phải chỉ là một niềm tin đơn thuần
vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, nó hoàn toàn bất khả phân ly với đức tin tôi có
đối với con người, trong phẩm chất của con người và trong tương lai của họ, bởi
đức tin ấy cho phép tôi tin vào một Vị Thiên Chúa – Đấng mời gọi mọi người qui
tụ lại với nhau trong tình yêu, và cuối
cùng…thì kết hợp với chính Người trong đời sống vĩnh cửu. Ý tưởng của tôi về
Thiên Chúa không thể tách rời ra khỏi cái “chương trình” của Người dành cho con
người - chương trình được mạc khải trong
Tin Mừng, đồng thời nó cũng không thể tách biệt tình yêu tôi dành cho Thiên
Chúa khỏi tình yêu tôi có với anh chị em đồng lọai của tôi…Một khi đã thấu suốt
mọi sự như thế rồi, tôi sẽ không ngần ngại để trình bày về Đức Giêsu và về Cha
của Người với tư thế rất sẵn sàng, nhưng luôn luôn ở chiều kích nhân bản…chứ
không phải với các lý luận thần học trừu tượng…Và tôi chủ yếu dựa vào ý tưởng về
con người để khai triển Tin Mừng, trước tiên là làm sống lại và duy trì ý nghĩa
cũng như nỗi ưu tư về tính siêu việt giữa con người hôm nay, và sau đó là khơi
dậy nơi họ vấn nạn về Thiên Chúa.
Nghĩa là – nói cách khác – ý tưởng
về Thiên Chúa ấy sẽ được xã hội hôm nay – những người tin và những người không
tin – đón nhận qua một tường thuật chứ không phải là qua những nội dung các
giáo điều sao?
Chắc chắn là như thế rồi – qua các tường
thuật Tin Mừng - và các tường thuật ấy cho thấy Đức Giêsu đã tiếp cận tất cả mọi
hạng người như thế nào và trao đổi với họ ra sao, nói cho biết về đời sống cụ
thể cũng như những ưu tư hằng ngày của họ, thường thì bằng các dụ ngôn, nghĩa
là kể cho họ những mẩu chuyện rất gần gũi với những gì họ vẫn sống và với những
cách thức diễn tả khơi dậy những vấn đề của xã hội ở thời đại họ đang sống, cho
họ những lời giáo huấn để đời, chỉ cho họ đâu là những tương quan phải có đối với
các thẩm quyền đời và đạo lúc đó, gần gũi những con người thuộc các cấp bậc xã
hội khác nhau, đón tiếp các bệnh nhân và những người bị loại trừ…Chẳng hạn như
những bữa ăn của Đức Giêsu với những “người tội lỗi” của thời Người – những người
thuộc các hạng người bị loại trừ khỏi cộng
đoàn tôn giáo bởi vì họ đã không tuân thủ
các khoản luật và những tập tục…vốn chứa đựng những huấn giáo rất gắt gao đối với
tôn giáo cũng như xã hội…Vả lại, một cách chung chung, Đức Giêsu không dùng những
ngôn tử trừu tượng để trình bày về Thiên Chúa. Người dạy con người chúng ta sống
tình yêu và sự phục vụ vố điều kiện Thiên Chúa bằng cách có được những hổ trợ,
giúp đỡ huynh đệ với lẫn nhau, sẵn sàng để bỏ qua những xúc phạm giữa anh chị
em trong cộng đồng, hổ trợ vô điều kiện, chia sẻ, và – với tất cả những thể hiện
tình nghĩa ấy – những giáo huấn của Người gửi đến cho con người chúng ta một chủ
thuyết nhân bản thực sự…
Và đấy cũng chính là lý do tại sao người
Kitô hữu cố gắng để giới thiệu với mọi người về ý nghĩa sự siêu việt và về
Thiên Chúa qua chứng cứ đời sống của họ và qua sự trợ giúp tất cả những ai có
nhu cầu hơn là với những bài diễn văn hoa mỹ…Chẳng hạn như khi tôi chứng kiến một
số chị em Kitô hữu sẵn sàng hy sinh những giờ giấc rảnh rỗi để tập đánh vần cho
các em nhỏ vùng Magreb hay Phi châu, hoặc cộng tác với những tổ chức xã hội để
giúp các gia đình di dân hội nhập vào đời sống thành thị, và tất cả những chuyện
như thế hoàn toàn không phải là để “quảng cáo hay quảng bá” cho tôn giáo
này/khác, tuy nhiên họ luôn công khai để hoạt động với tư cách là những Kitô hữu…Và
tôi xin thẳng thắn mà nói rằng những hoạt động ấy làm chứng về Thiên Chúa chẳng
kém gì nhũng bài diễn văn thông thái của một nhà thần học !!!
Thế nhưng, thưa cha, giáo huấn ấy
của Tin Mừng hoàn toàn đi ngược lại với tầm nhìn hôm nay của “con người” được
coi như một “homo oeconomicus – con người của chủ nghĩa thuần kinh tế” - chỉ hoạt động với một mục đích duy nhất là
miếng mồi đưa đến sự thắng cuộc, đưa đến lợi nhuận !
Chắc chắn là như vậy rồi…Và điều đó cũng buộc những Kitô hữu chúng ta – trong hôm nay – phải
suy nghĩ đến cái chủ thuyết mà người ta gọi là chủ nghĩa tự do mới – chủ nghĩa
chủ trương việc xây dựng những nền tảng cho một xã hội thực sự xứng đáng với con
người. Thẩm Quyền là Thầy trong Giáo Hội cũng thường can thiệp vào lãnh vực xã
hội, kinh tế hay chính trị; thế nhưng rất
khó đối với Giáo Hội để có thể long trọng công bố về những vấn đề đòi hỏi phải
có một kỹ thuật vô cùng tinh tế…và cũng là những vấn đề người ta dễ dàng để lên
án là thiếu chuyên môn…Cho nên bổn phận của bà con Kitô hữu là phải tạo nên một
nguồn ý tưởng để tố giác những thái quá mang đến quá nhiều những khốn cùng cho
không biết bao nhiêu là con người…
Và xin có một câu hỏi có tính
cách cá nhân thôi, đấy là : ở lại trong Giáo Hội Công giáo thì có ích gì khi mà
– cũng như con đây – người ta đã chọn lựa để trở thành tín hữu Công giáo ở vào
một thời điểm nhất định nhưng lại không để ý đến chuyện cái khoảng thời gian ấy,
cái cơ chế ấy hoàn toàn không thuận lợi gì bao nhiêu cả…
Rất rất nhiều người bạn của tôi cũng đã từng
đặt ra với tôi câu hỏi ấy, và tôi đã trả lời họ : nếu có thể thì xin bạn hãy ở
lại và khuấy động mọi sự lên…
Nhưng bằng cách nào, thưa cha?
Bằng cách lập nên những cộng đoàn không chỉ
là sự gắn kết thuần túy thôi nhưng còn có cả sự tranh cãi, với ý nghĩa rất sát
về từ “tranh cãi” gắn liền với sự “chứng nhận” (ở đây tác giả chơi chữ, trong
tiếng Pháp là hai chữ - contestation và attestation)…Người ta tranh cãi chuyện
quyền lực để chứng nhận về Tin Mừng…Có
không biết bao nhiêu người tín hữu không thể sống được nữa trong thể chế,
tôi hiểu điều đó, nhưng nếu họ hoàn toàn đơn thương độc mã, họ không thể làm được
gì cho ra hồn. Tôi mơ đến chuyện có những cộng đoàn tín hữu có thể tiếp đón những anh chị em tín hữu khác
– thậm chí cả những người không có đức tin nữa – để tất cả cùng nhau nêu lên những
vấn đế : “Chúng ta có thể cùng nhau làm được gì không ? Ở đây có những chuyện
chúng ta muốn dẹp bỏ hay điều chỉnh không ? Hoặc những chuyện khác mà chúng ta
tha thiết muốn xây dựng không ?”; họ sẽ suy nghĩ thêm về tất cả những chuyện
như thế và quyết định để hành động. Và cũng chỉ với những vấn nạn như vậy, những
suy nghĩ như thế…mà người ta có thể lan rộng Tin Mừng…Tôi vẫn thường đến thăm
những người bạn và chia sẻ với họ : “ Xin hãy qui tụ lại với nhau thành từng
nhóm, từng cộng đoàn; Cố gắng để tránh những rạn nứt gây ồn ào vốn không mang lại
gì hết; Cố gắng hết sức có thể để giữ lại mối tương quan phải có với thể chế và
xây dựng một Giáo Hội khác đi; và rồi các bạn sẽ thấy rất rõ điều gí sẽ xảy ra.”…Có
những sự tiến triển phát sinh ngay trong lòng Giáo Hội; mới ngày hôm qua đây
thôi, tôi nhận được một tập sách nói về cộng đoàn Thánh Luca ở Marseille, một cộng
đoàn vẫn liên hệ rất gần gũi với thể chế giáo phận và giáo xứ, sống trong khuôn
khổ có lẽ còn phụ thuộc vào hàng giáo sĩ hơn cả tôi nghĩ, thế mà họ vẫn có thể
tự làm mới mình cách ngoạn mục…mà không cần phải dứt bỏ…hay chia tay…Dù không
muốn coi đó như một gương sống thì cũng hãy nhìn vào họ để có được những sáng
kiến cho chính mình…Có khá nhiều những tổ, những nhóm giống như vậy…Chẳng hạn
như những nhóm “Kitô hữu tự do” của các mạng lưới Parvis mà các bạn biết rất
rõ…Hình thành với nhau từng nhóm một, người ta có thể làm được những việc quan
trọng, và rất vất vả đối với một Kitô hữu khi anh ta sống cô lập, nhất là khi
người ta luôn nghĩ rằng Kitô giáo là một tôn giáo nhập thể và cộng đồng, chứ
không phải là một triết lý…Các bạn sẽ không thể thay đổi thế giới khi sống tự
cô lập mình – ai nấy trong góc riêng…Và bởi vì bạn muốn sống như những Kitô hữu,
bạn hãy nghĩ đến chuyện thay đổi Giáo Hội, và vì vậy, hãy giữ liên lạc với Giáo
Hội…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển dịch.