… mà khá nhiều năm, người em nghĩa tình này vẫn rất vui để có thể thân thưa : Anh Hai – mỗi khi có dịp gặp nhau, cả lúc mệ còn sống cũng như khi mệ đã về với Chúa trước…
Cái duyên nào để người em nghĩa tình này có được nỗi niềm hạnh phúc như rứa ?
Thưa là vì – vào khoảng cuối tháng 10 năm 1975 – sau khi thụ phong ngày 7 tháng 9 năm 1975 – vâng lời Đức Giám Mục Giáo Phận, người em nghĩa tình này về Giáo xứ Quảng Thuận – Gx mà Anh Hai đã vất vả dẫn dắt từ nơi chốn “chôn nhau cắt rốn”, giữa khói lửa chiến tranh…để đi tìm một mảnh đất bình yên cho bà con…Những ngày vừa đi giúp vừa học trên Đà Lạt, thỉnh thoảng qua vùng định cư mới mẻ này của bà con Quảng Thuận – Quảng Trị & Ninh Thuận – em vẫn thấy ngạc nhiên và thích thú với tấm pano khủng kẻ chữ : MỌI NGƯỜI LÀ ANH EM, dựng “ngạo nghễ” ngay ở cồn đất đầu một khu làng thôn chưa hình thành, nay đã là khu chợ sầm uất của bà con…Không bao giờ trong đầu óc cậu học trò ấy lại nghĩ rằng ngày nào đó mình sẽ là người “khởi nghiệp” đời mình ở chốn này…
Vậy mà nay đã 49 năm trời trôi qua…và người em nghĩa tình này đã 49 năm Linh Mục với thời gian làm việc là 40 năm và 9 năm nghỉ hưu…
Cái duyên nào đã đưa chúng ta đến với nhau để em có thể thân thưa với anh mỗi khi có dịp chuyện trò : Anh Hai – và anh có thể gọi em bằng hai chữ thân thương : Chú Út…
Linh Mục Giuse Đỗ Bá Ái hoàn toàn không có một dấu ấn nào trong đầu óc ông Linh Mục Phó xứ Gíáo xứ Quảng Thuận khi em về nhận xứ vào một buổi sáng cuối tháng 10 / 1975 với hai vị Linh Mục đàn anh được Đức Giám Mục nhờ chở người và một chiếc hòm gỗ đến Giáo xứ Quảng Thuận…Bữa cơm trưa đầu tiên với Cha Quản Xứ và trên dưới mười Chủng sinh là bát cơm độn khoai cùng miếng trứng chiên và vài ba con cá nục cỡ ngón tay trỏ…
Thế rồi Tết đến – cái Tết đầu tiên trong vai trò Phó xứ Giáo xứ Quảng Thuận – “Mệ”…mà lúc đó đã khá quen thuộc với phong cách cũng như ngôn ngữ người miền Trung Quảng Trị, mỗi lần có dịp thưa chuyện, em cũng đã có thể dùng chữ “mạ” rất ngọt – Mệ từ Sài-gòn ra ăn Tết, chắc là để gặp lại con cháu còn đang ở Quảng Thuận và cũng để bớt buồn hơn khi cả Anh lẫn Anh Tư Giacôbê Đỗ Bá Công còn đang trong Trải Cải Tạo…Sáng mùng một Tết năm Con Rồng / 1976 , khi Hội Đồng Giáo Xứ và bà con vào chúc Tết, em đã mời gọi mọi người cùng mình xuống Hạnh Trí – nơi mệ nghỉ Tết với gia đình chi Sửu – để cùng chúc Năm Mới mệ, bởi em nghe bà con nói: khi cha Đỗ Bá Ái còn làm việc, ngày mùng một Tết, sau Thánh Lễ đầu năm, trước khi chúc lành Năm Mới cho bà con giáo dân, để làm gương, ngài thường mời bà Cố lên để ngài mừng tuổi…và kêu gọi mọi người về nhà cũng làm như vậy trước bàn thờ Chúa, bàn thờ Ông Bà…với các Bậc Trưởng Thượng trong gia đình mình…
Xuống nhà và đặt một chiếc ghế trước bàn thờ gia đình, em đã mời mệ ra ngồi…và thưa : “Thưa Mệ - đáng lý ra lúc này hai anh con – Cha Giuse Đỗ Bá Ái và Cha Giacôbê Đỗ Bá Công - có mặt tại đây để kính lạy chúc tuổi mệ…Nhưng hoàn cảnh không cho phép, nên con xin mệ để thay mặt hai anh con quỳ lạy mừng tuổi mệ và xin phúc lành của Thiên Chúa luôn ở cùng mệ…” Mệ đã vội vã đứng dậy ôm lấy em mà khóc…
Thế rồi một thời gian sau, em nhận được một lá thư tay anh gửi từ Trại Cải Tạo cho biết là gia đình đã kể lại buổi chúc tuổi mệ đầu năm…làm anh xúc động…và quyết định – nếu em bằng lòng – thì xin mời em vào gia đình…và là Út trong nhà…Em nghĩ cách đơn giản : mọi tương quan nghiã tình đều đáng được tôn trọng…nên em quyết định nhận lời…dù chưa biết gì nhiều về con người cũng như gia thế của hai ông anh có tiếng của Giáo Phận Huế thời đó…
Khi mệ qua đời, em không có mặt…và chắc là làm cho cả gia đình rất buồn lòng…Chiếc khăn tang của em để tang “mạ” đã được gia đình vắt ngang quan tài mệ…Gia đình chưa một lần hỏi xem vì sao em không có mặt…và em cũng chưa một lần cho biết lý do…Nay thì anh đã về với Chúa và được gặp “mạ” rồi…Con xin mạ, em xin anh tha thứ…Bởi có một thời gian sau khi anh và anh Tư trở về từ Trại Cải Tạo, em nghe phong phanh có tiếng xì xào từ một vài vị thuộc hàng Đấng Bậc cho rằng em vào gia đình mình…như “chuột sa hũ gạo !!!”…Còn em…thì chưa một lần tìm hiểu xem gia đình mình “gia thế” đến cỡ nào…và cái hũ gạo ấy đầy vơi ra sao!!!
Thật ra khi nhận Bài Sai của Đức Giám Mục, rời Giáo Xứ Quảng Thuận để lên làm Quản Xứ Song Mỹ, qua người anh em thân tình, Đức Cha Phaolô cũng đã từng nhắn gửi em rằng : Đừng về Quảng Thuận, để cho người sau làm việc !!!
Em có trên 14 năm ở Giáo Xứ Quảng Thuận : 8 năm làm việc công khai và 6 năm ở ẩn vì lý do đợi chờ bổ sung giấy tờ theo quyết định của chính quyền lúc đó…Sau này – khi Giáo Xứ Quảng Thuận ghi lại lược sử Giáo Xứ - đã chỉ ghi 8 năm hoạt động mục vụ trong vai trò Phó Xứ của em. Còn 6 năm ở ẩn, những người có trách nhiệm lúc đó cho rằng “em có mặt…như không !!!”, nhưng em lại nghĩ : bà con giáo dân lúc đó chỉ cần nhìn thấy em còn sống giữa họ là đã thấy an tâm lắm rồi – phải chăng sự âm thầm từng ngày giữa bà con mình…không phải là cách mang lại niềm tin cho nhau ??? Thật ra thì em cũng đã từng thưa với Chúa khi sự việc xảy ra là nếu “người ta” khôn thì không trục xuất con, còn nếu con bị trục xuất…thì đấy cũng là ý muốn của Chúa!!!Vả lại Bản Quyền Giáo Phận khi ấy cũng không có một quyết định nào về trường hợp của em…mà chỉ im lặng…ngầm hiểu em vẫn còn tại vị…Vậy mà em bị “cắt” mất 6 năm trời có mặt tại môi trường được sai đến của mình…Hẳn là bà con giáo dân của Quảng Thuận lúc ấy ngày ngày vẫn thấy em đi rẫy, gặp gỡ bà con, thăm hỏi, chuyện trò, đôi khi xin xưng tội hay bàn hỏi những vấn đề nội tâm…và họ nghĩ rằng được như vậy là tốt rồi…Bản thân em xin cám ơn Chúa vì suốt sáu năm trong tình trạng “trắng tay” ấy, em vẫn bình thản, vui vẻ, và tìm mọi cách để có thể gần gũi giáo dân…Em cũng đã nhận dậy bình dân học vụ… để mỗi tối được trò chuyện với bà con…Trải nghiệm sự thanh thoát tâm hồn, buông bỏ đến tận cùng là một trải nghiệm quý giúp em sống bình yên những ngày hưu dưỡng trong Nhà Hưu mà không còn ngóng trông bất cứ điều gì ngoài việc từng ngày bình an lễ lạy, kinh kệ và viết lách đôi chút…
Sau này, trong vài ba lần chuyển đổi xứ trước khi nghỉ hưu, em cũng từng phải đón nhận những điều không vui, nhưng rồi mọi sự vẫn bình yên trong niềm tín thác vào Thiên Chúa – Đấng, qua bề-trên, sắp xếp công việc để - không phải cho hay vì người-được-sai, nhưng là cho và vì Dân của Chúa…
Thôi, anh Hai nhé : một vài giòng tản mạn Ngày Giỗ Đầu của Anh, không phải để thanh minh thanh nga, nhưng chỉ là để thắp lên trong lòng mình nén hương thầm kín và tưởng nhớ…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp