Tuần này chúng ta chia sẻ với nhau về Cha
Cyprien-Théophile Brugidou (1887 – 1962)…Người viết đã lục tìm một tấm hình của ngài trong thư viện ảnh của
MEP, nhưng không có…Và chúng ta tạm mượn tấm phác họa từng hai người một được
Chúa sai đi để vào đề câu chuyện về ngài…
Những tháng năm chuẩn bị cho
Ơn Gọi…
Cyprien-Théophile Brugidou sinh ngày 4 tháng 10
năm 1887 tại Cransac – một thị trấn quan
trọng của vùng mỏ Decazeville, nơi cha cậu nắm giữ vai trò một nhà thầu hầm mỏ…
Cha mẹ cậu cùng với bốn người con – người chị cả
và ba người con trai… Cyprien là cậu trai thứ hai – cả nhà đã đến cư ngụ tại Gua, giáo xứ kề cận
vùng Cransac từ rất sớm…Và cũng rất sớm, tại đó, gia đình cậu đã nhận được sự
trân trọng của bà con trong vùng…Vị quản xứ đầy tràn nhiệt tâm đã nhận ra ngay
những dấu hiệu rất tích cực nơi mấy cậu trai của gia đình…và đã lần lượt đưa
các cậu vào Tiểu Chủng Viện Saint- Pierre Rodez. Hai cậu trai đầu – anh Ba và
anh Tư – đã trở thành Linh mục của Chúa…
Sức khỏe của Cyprien khá là mong manh và nhìn bề ngoài hơi có vẻ xanh xao. Cậu là một học
trò tốt được các thầy và bạn đồng môn yêu quý. Bản chất cậu hơi có vẻ liến thoắng
và thích đùa cợt bạn bè với một “bộ mặt tỉnh
như ruồi”…nhưng lại là một người bạn chân tình, tế nhị và trung thành…
Sau khi qua lớp tu từ học, cậu gia nhập Đại Chủng
Viện Rodez. Khi ấy cậu cũng đã tròn 18
tuổi…Và chưa kịp hoàn tất chương trình ba năm triết học của Chủng viện thì cậu đã quyết định gia nhập
quân đội một năm…Chính thời gian trong
quân ngũ giúp cậu xác tín hơn về ơn gọi
truyền giáo của mình. Và – ngày 3 tháng 10 năm 1906, cậu quyết định tìm đến Chủng
viện Truyền Giáo ở đường du Bac…Vào Chủng viện và ngay lập tức cậu có cảm nhận như mình đang sống trong môi trường vẫn có của chính mình chứ không phải là chuyện xa xứ gì cả, bởi
vì – vào thời ấy – một số khá đông những người trẻ vùng Aveyron gia nhập Trường
Truyền Giáo Paris…và họ là những người đồng hương của nhau…Nhưng rồi vào tháng
giêng năm 1907, cậu lại được triệu hồi trở lại quân ngũ…và cậu đã sống là một
quân nhân cho đến tháng 8 năm 1908…Quay trở lại Chủng viện, ngày 11 tháng 3 năm
1911, cậu nhận chức phụ phó-tế . Và ngày
đầu tháng 4 ngay sau đó, cậu nhận chức Phó tế…Vẫn với sức khỏe mong manh, Thầy
được phép sống với gia đình một thời gian…Và trong thời gian buộc phải nghỉ ngơi này, Thầy
tận dụng để lo cho nhóm trẻ trong Giáo xứ bởi chúng chỉ bằng lòng vâng phục ai đó biết cách để yêu thương
và hiểu biết chúng…Quay trở lại Chủng viện Truyền Giáo ở du Bac, Thầy được đặt
tay nhận thánh chức Linh mục ngày 29 tháng 9 năm 1912…Ngay chiều hôm đó, cha nhận
bài sai đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng cha cũng được yêu cầu phải tạm hoãn
việc khởi hành cho đến khi nào cảm thấy đủ sức khỏe để lên đường…Tận dụng thời
gian dưỡng sức này, cùng với người anh trai của mình, cha theo học và nhận bằng
cử nhân Thần học…
Cuối cùng, ngày 14 tháng 5 năm 1913, Cha rời cảng
Marseille để lên đường đi truyền giáo…Ngay khi đến Sài-gòn, cha được đưa đến Chợ-Đũi,
một Giáo xứ lớn ở vùng ngoại ô lúc đó; sau đó là Cái-mơn – một cộng đồng Công
giáo gương mẫu ở miền Tây Đông dương…Có lẽ lúc đó vấn đề ngôn ngữ được cho là
đã khá nên ngài được chỉ định Quản xứ Giáo xứ Tây-Ninh…Ngài ở đó không lâu lắm,
bởi năm 1915, ngài được triệu tập vào quân ngũ trở lại và được điều chuyển đầu
tiên là về Sài-gòn trong tư cách một y tá, rồi sau đó về Pháp với nhiệm vụ của
một hạ sĩ lo việc di chuyển thương bệnh binh…Ngài luôn phải trân mình ở tuyến đầu trận chiến cho đến khi chiến tranh
chấm dứt, và cuối cùng ngài được tuyên dương trước quân đoàn và nhận huân chương Thập Tự,
nhưng đồng thời cũng nhiễm mọi mùi vị hóa chất độc hại mà ngài sẽ cảm nhận khá
rõ trong suốt cuộc đời còn lại của mình…
Nhà truyền giáo…
Năm 1919, chiến tranh chấm dứt…và lại là lần
lên đường lần thứ hai để lo công việc truyền giáo…Cha Brugidou cảm thấy thật
khó để có thể trực tiếp nói lên lời chào biệt những người thân thương trong gia
đình…Ngày kia, viện cớ phải có một chuyến đi để gặp gỡ Vị Phụ trách Hội Truyền
Giáo vùng Marseille, và tại sân ga Cransac, ngài đã tâm tình với người anh trai
của mình : “ Anh thay em để ôm hôn mẹ và
mọi người trong nhà…Có lẽ rồi em sẽ không còn được gặp lại mẹ và mọi người nữa
đâu…” Thế là – với tâm tình đầy quyết tâm ấy – cha chấp nhận sẽ không bao
giờ trở lại thăm gia đình cũng như quê hương mình nữa…Tuy nhiên nơi ngài vẫn đậm
đà tình yêu dành cho gia đình và quê hương…nên ngài vẫn giữ mối liên lạc với tất
cả trong suốt quãng đời thừa sai của mình…
Đến Việt-nam, đầu tiên ngài được bổ nhiệm về Bến-tre
ở về phía tây-nam Sài-gòn. Rồi qua năm 1921, ngài qua phía bắc ở Thủ-Dầu-Một…Giáo
xứ của ngài là cả một thị trấn rộng lớn nhưng còn rất thưa thớt người ở với những
chòm đất trồng cao su giữa mênh mông rừng rú…Thế là ngày ngày, trên chiếc xe bò
lạch cạch, ngài đi thăm bà con giáo dân sống rải rác trong vùng…Và trong những
chuyến đi loanh quanh giữa rừng ấy thỉnh thoảng giáp mặt với một “ông ba mươi”
hay một chú báo gấm nào đó làm ngài có lẽ còn thấy sợ hãi hơn cả đám lính Đức
ngày xưa trong thời chiến…
Sau thời gian khoảng mười năm sống trong vùng đất
không mấy may lành ấy, ngài nhiễm bệnh sốt rét…Và năm 1930, ngài được điều chuyển
về một vùng đất an lành hơn ở Phan-Thiết – một cảng cá lớn của Việt-nam…với khoảng
một ngàn giáo dân. Ngài làm việc tại đó trong vòng ba mươi hai năm, nghĩa là
cho đến khi ngài qua đời…Tại đó, ngài đã cho thấy nơi ngài quả thật là một thừa
sai được sai đi, một Linh mục với trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ Linh-mục : nhiệt
thành, yêu thương và được yêu mến…Mặc dù dáng vóc bề thế và giọng nói ồm ồm âm
vang, nhưng ngài không làm ai thấy hãi sợ, ngược lại luôn luôn là những trao đổi
khôi hài dễ thương đầy lòng nhân ái…Vậy đấy, nhưng Quan Phòng của Thiên Chúa
cũng không miễn trừ cho ngài bất cứ một đớn đau hay bệnh hoạn nào…Đây là thời
gian ngài thực thi sứ vụ Tông Đồ của mình dưới bóng Thánh Giá. Bệnh trào ngược
dạ dày và sốt rét rừng liên tục hành hạ…Ngài tự mình tìm mọi cách để tự chữa trị
cho chính mình và cũng tự mày mò các phương thuốc cho căn bệnh mà mình rõ hơn bất
cứ ai…để rồi, cuối cùng, rất ư là may mắn, căn bệnh có vẻ như lắng xuống, nhưng
đấy chẳng qua cũng chỉ là một thoáng vượt qua có tính ảo ảnh và mong manh…Tuy
nhiên thời gian tương đối bình yên ấy cũng giúp ngài thoải mái hơn để rồi - thay
thế chiếc xe bò lọc cọc ngày nào bằng một chiếc
Citroen – 5 ngựa cũ kỹ mà ngài đã cố gắng sửa chữa – thậm chí thay đổi cả
mẫu mã ban đầu – miễn là nó có thể lăn bánh và giúp ngài hoàn thành sứ vụ là Hạt-Trưởng,
ngài có thể thăm viếng các cộng đoàn Công giáo trong vùng phụ trách của ngài…
Tháng 3 năm 1945, ngay thời điểm người Nhật tìm
cách làm chủ tình hình tại Việt-nam, ngài đã bị họ bắt giam, tay mang còng và
chân cùm sắt trong Nhà Giam Thị trấn với một án lệnh rất vu vơ là rất có thể
ngài đã dùng hỏa châu để hướng dẫn và chỉ điểm cho một tàu ngầm của Mỹ ngang
qua Nhà Xứ của ngài trên vịnh Phan-thiết…Khoảng một tháng sau thì ngài được thả
với hàng đống chấy rận trên người và sức khỏe vô cùng yếu ớt…Người ta đưa ngài
vào bệnh viện Saint-Paul ở Sài-gòn…
Vào cuối năm 1945, khi lực lượng của người Pháp
tái chiếm Phan-thiết, cha Brugidou quay trở lại Giáo xứ của mình, nhưng ngôi
Nhà Xứ khang trang đã bị cháy rụi, một phần Nhà Thờ bị Việt-minh phá hủy…Một
cách rất nhẹ nhàng, ngài bằng lòng với vài căn phòng vừa đủ để làm việc trong
ngôi trường vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc chiến…và khởi sự công việc tái kiến thiết…Khi
đã hoàn thành ngôi Nhà Xứ…thì thay vì dọn về ở, ngài đã nhường lại cho các Chị
Em Dòng Đức Bà Truyền Giáo ước ao được đến giúp ngài xây dựng và điều hành các
ngôi trường trong vùng…
Và rất mau, Giáo xứ của ngài phát triển nhờ cả
một khối người di dân từ miền Bắc vào…Nơi mà trước đây chỉ có khoảng một ngàn giáo dân ít oi vào năm 1945,
thì bỗng chốc con số bà con tăng lên cả 20.0000 người đã hình thành nhiều Giáo
xứ mới…Giáo xứ cha Brugidou phụ trách cũng tăng lên con số 4.000…và như vậy là
quá đông để một Linh mục có thể đảm đương mọi công việc…nên ngài đã có một Cha
Phó đến giúp…Rất mau, ngài hầu như trao lại mọi công việc cho cha Phó…Năm 1957,
bởi đã đến thời điểm đầy đủ các điều kiện thuận lợi nên Phan-thiết được tách ra khỏi Giáo-phận vùng
Truyền Giáo Sài-gòn để sát nhập vào Giáo-phận Nha-trang, cha Brigidou đã xin với
Đức Giám Mục tân cử - Đức Cha Piquet – dành cho ngài một “chỗ làm việc nho nhỏ”,
đấy là làm tuyên úy cho cộng đoàn Các Nữ Tu Dòng Đức Bà Truyền Giáo ngay tại địa
phương này…Bắt đầu từ đấy, ngài quyết tâm giữ sự trung thành với việc ngồi tòa
giải tội và hằng tuần dành khá nhiều thời gian ngồi trước Mình Thánh Chúa để cấu
nguyện cho những hối nhân đã có dịp gặp ngài…Và ước mong là - với công việc nhẹ nhàng hằng ngày ấy - ngài đã có thể trụ lại Phan-thiết cho đến khi
qua đời…
Những tháng cuối đời…
Vào tháng ba năm 1960, ngài bị một tai nạn xe đạp…Năm
sau thì bệnh hoạn đã khiến ngài giảm đi 25 cân…Và dần dần ngài trở nên ốm yếu,
không ngừng húng hắng ho : căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính luôn hành hạ
ngài…Thế nhưng không hề có một lời than vãn nào, ngài luôn giữ cho mình thói
quen đón nhận mọi cơn đau mang tính cưu độ…Đức Giám Mục đề nghị ngài về Tòa nhà
Cuénot ngay ở bờ biển Nha-trang - ngôi
biệt thự dành cho các thừa sai cao tuổi - để dưỡng bệnh…Thế nhưng ngài từ chối
và muốn được nhắm mắt nơi mình đang thi hành sứ vụ…Đầu năm 1962, ngài tự cho
phép mình có được niềm vui khi tham dự những ngày tĩnh tâm năm với anh em Linh
mục trong Giáo phận…Nhưng rồi – tội nghiệp ! – vào đúng lúc chuẩn bị lên đường
thì ngài thấy mệt và yếu…nên đành hy sinh niềm vui rất được mong mỏi ấy…Và cũng
rất sớm, ngài đành phải hy sinh luôn cái thói quen đón nhận luồng không khí mát
mẻ mỗi khi – với một cuốn sách trong tay – ngài đi bách bộ dọc hành lang ngôi
trường, bởi ngài không thể chịu đựng được dù chỉ là một luồng khí rất thoang
thoảng…Ngài cũng không thể dùng vòi nước nóng trong nhà tắm…Cuối cùng thì ngài
không thể chỗi dậy nổi nữa…và đành bằng lòng với một chiếc khăn ướt người ta
đem đến cho ngài…Và cơn đau càng tăng, cảm nhận nỗi đơn côi nơi ngài càng rõ…Thỉnh
thoảng chịu đựng không nổi, ngài đành cố gắng khập khễnh đến nhà xứ để sống
chút đỉnh bầu khí có người này người kia…và có được vài ba tin tức gần/xa…
Sáng sớm ngày 18 tháng 6 năm 1962, khi lanh
quanh trong căn phòng nhỏ bé của mình, ngài vấp đụng một vật dụng cứng, chân
ngài xưng tấy…và hôm sau, ngài không thể dâng Thánh Lễ được nữa…Bác sĩ đề nghị
đưa ngài vào Sài-gòn nhưng ngài cương quyết từ chối và không muốn quan tâm quá
nhiều đến tình trạng sức khỏe của mình lúc đó…Âm thầm và nhẹ nhàng, thỉnh thoảng
người y tá cố chích cho ngài vài mũi thuốc…Đêm 26 rạng ngày 27, cha Sở cựu của
ngài đến thăm và thấy tình trạng của ngài đã quá tệ…Sáng sớm hôm ấy – một cách
tỉnh táo – ngài nhận thấy giây phút cuối đời của mình đã cận kề…Ngài trở nên vô
cùng nhẹ nhàng và bình yên…Ngài nhận những bí tích cuối với một phong thái tin
tưởng rất đáng trân trọng và rất an bình trong một giờ sau hết…Yếu ớt đáp lại
những khích lệ dành cho ngài lúc đó – vào khoảng 10 giờ trưa – ngài thở dốc lần
cuối với sự có mặt của một Linh mục bản địa mà ngài rất trân trọng, đồng thời
cũng là người không rời xa ngài nửa bước suốt thời gian này…
Toàn thể Giáo xứ trong tình trạng tang chế…và tổ
chức canh thức cầu nguyện cũng như gom góp chút đỉnh để có thể dâng cho ngài thật nhiều Thánh Lễ.
Tang lễ được cử hành ngày 30 tháng 6 với sự hiện diện của khoảng hai chục vị
Linh mục và hai ngàn giáo dân. Cha Caillon – cha xứ hiện tại của Giáo xứ ngài
phụ trách trước đây – chủ tế Thánh lễ An Táng cùng với Thầy Phó Tế và Trợ Tế.
Cha Dozance – Bề Trên miền – chủ sự đoàn rước quan tài…nhưng trước khi quay trở
lại gian giữa Nhà Thờ nơi an táng ngải trong huyệt mộ có sẵn…thi đoàn rước lại
đi một vòng quanh khu vực của Giáo xứ…và thế là vị mục tử tốt lành được thăm viếng
lần cuối bà con giáo dân thân thương của mình…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển dịch